TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một số trao đổi về hình thức thi vấn đáp ở Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị hiện nay

ThS. Đinh Thị Thu Hoài
Khoa Xây dựng Đảng
 
Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Quảng Trị. Để thực hiện tốt chức năng đó, những năm qua Nhà trường thường xuyên đổi mới các hoạt động giảng dạy, học tập và quản lý đào tạo. Trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, trang thiết bị dạy học thì đổi mới việc thi kết thúc mỗi môn học cũng là một vấn đề được đặt ra nhằm nâng cao ý thức, chất lượng học tập của học viên cũng như nâng cao hiệu quả công tác đào tạo của Nhà trường.
Theo mục 1.a, Điều 7 Quy chế “Đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên Trung cấp lý luận chính trị - hành chính của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ - HVCTQG/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã quy định rõ: “Hình thức thi: thi hết phần học có thể được thực hiện dưới các hình thức: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp”. Thực hiện quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, từ tháng 8 năm 2016 đến nay Nhà trường đã tổ chức thi vấn đáp một số môn học  tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở trong trường. Mỗi lớp tiến hành thi vấn đáp 4 môn của 4 khoa. Qua các đợt thi vấn đáp cho thấy, hình thức thi này có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, về thời gian thi. Hình thức thi vấn đáp được đánh giá là tiết kiệm thời gian hơn hình thức thi viết. Mỗi lớp 50 học viên chỉ cần tổ chức một buổi thi, còn lớp 70 học viên thì tổ chức hai buổi thi trong một ngày. Mỗi học viên có thời gian bốc thăm câu hỏi, chuẩn bị nội dung trả lời và hoàn thành nội dung thi trong vòng khoảng 30 phút (20 phút chuẩn bị và khoảng 10 phút trình bày). Cuối buổi thi giảng viên chấm có thể trao đổi đi đến thống nhất điểm và nộp kết quả cho giáo viên chủ nhiệm lớp để thông báo cho học viên.
Thứ hai, về nội dung thi. Số lượng câu hỏi mỗi môn học khoảng 7-8 câu, các câu hỏi thường không quá dài nhưng dàn đều trên tất cả các bài của môn học. Vì vậy, học viên khi học sẽ nắm vững tất cả nội dung chính của môn học. Điều này, giúp tránh được việc học lệch, học tủ hay chỉ chuẩn bị một số nội dung ôn tập như khi thi viết. Mặt khác, trong quá trình trả lời của học viên, giảng viên đặt ra thêm các câu hỏi phụ trao đổi trực tiếp với học viên nên sẽ làm cho học viên chịu khó học tập tìm hiểu nhiều hơn để có kết quả tốt.
Thứ ba, về cách thức trả lời câu hỏi. Trong quá trình lắng nghe học viên trực tiếp trả lời những nội dung đã chuẩn bị, nếu nội dung nào còn thiếu, chưa chính xác thì giảng viên có thể gợi ý, hướng dẫn cho học viên hiểu rõ bản chất của vấn đề, qua đó góp phần củng cố thêm kiến thức cho học viên. Mặt khác, việc trực tiếp lắng nghe học viên trả lời các nội dung chính và các câu hỏi phụ sẽ giúp cho giảng viên dễ dàng đánh giá được năng lực của các học viên hơn hình thức thi viết.
Thứ tư, đối với giảng viên chấm thi. Trong thời gian trao đổi với học viên, giảng viên có cơ hội thấy rõ việc nắm bắt kiến thức của học viên về nội dung các bài mình đã giảng, những nội dung nào học viên còn chưa nắm rõ, hiểu chưa chính xác hay hiểu sai để từ đó giảng viên có sự điều chỉnh về phương pháp truyền đạt, trao đổi sâu hơn các phần quan trọng ở các lớp tiếp theo.
 Thứ năm, thông qua hình thức thi vấn đáp nhằm góp phần rèn luyện cho học viên sự mạnh dạn hơn trong giao tiếp; có phản xạ nhanh trước những vấn đề mà giám khảo đặt ra; đồng thời rèn luyện kỹ năng thuyết trình một vấn đề.
Bên cạnh những ưu điểm đó, hình thức thi vấn đáp ở Trường Chính trị Lê Duẩn hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sau:
Thứ nhất, việc bố trí giảng viên chấm thi của các khoa còn chưa chủ động được vì số lượng giảng viên của khoa ít, trong khi đó thi vấn vấn đáp một môn cần phải có 4 giảng viên chấm thi thành 2 bàn chấm nên khoa phải mời thêm các giảng viên kiêm nhiệm.
Thứ hai, mỗi môn thi vấn đáp khối lượng kiến thức khá nhiều nhưng thời gian cho học viên ôn tập còn ít, nhất là đối với các lớp Đào tạo tập trung nên học viên chuẩn bị bài khá vất vả. Mặt khác, hầu hết đối tượng học viên đều là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, họ vừa học, vừa làm nên thời gian để giành cho việc học không nhiều. Vì vậy, vẫn còn có hiện tượng một số ít học viên sử dụng tài liệu trong phòng thi.
Thứ ba, một số học viên còn hạn chế về kỹ năng thuyết trình trước đông người; còn tâm lý lo sợ khi đối diện trực tiếp với giảng viên nên trong lúc trả lời còn lúng túng, ảnh hưởng đến kết quả của kỳ thi.
Từ những ưu điểm và hạn chế nêu trên, có thể thấy hình thức thi vấn đáp là một hình thức thi khá mới nhưng thích hợp với Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Lê Duẩn. Vì vậy, để hình thức thi này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới theo tôi cần có một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với các Khoa chuyên môn cần chủ động bố trí môn thi có đầy đủ các giảng viên trong khoa tham gia giảng dạy, nếu giảng viên trong khoa không đủ thì mời thêm giảng viên kiêm nhiệm. Cần dự phòng các giảng viên thay thế trong trường hợp các giảng viên chấm chính đi học hay ốm đau đột xuất. Về nội dung câu hỏi thi, các khoa nên xây dựng bộ câu hỏi thi căn cứ vào đối tượng học viên các lớp (lớp Đào tạo tập trung hay không tập trung) để ra câu hỏi thi cho phù hợp. Nội dung các câu hỏi cần phải dàn đều các bài trong phần học nhưng ngắn gọn, dễ hiểu, khối lượng kiến thức không quá nhiều và có tính chất gợi mở cho học viên. Đồng thời, các khoa nên thay đổi nội dung các câu hỏi ở các lớp để làm phong phú ngân hàng câu hỏi.
Thứ hai, đối với giảng viên trực tiếp chấm thi cần thường xuyên trau dồi kiến thức, nghiên cứu toàn bộ nội dung phần học, kể cả những bài mình không tham gia giảng dạy để nắm bắt được toàn bộ nội dung môn học. Ngoài ra, cần chuẩn bị các câu hỏi phụ kỹ càng, câu hỏi không đánh đố học viên mà mang tính gợi mở, thực tế để giúp học viên dễ trả lời.
Thứ ba, đối với học viên. Để hoàn thành tốt bài thi vấn đáp của mình, học viên cần phải nắm vững nội dung chính các bài, tập trung vào các phần trọng tâm câu hỏi ôn tập. Ngoài ra, học viên cần tìm hiểu thêm các phần liên quan và liên hệ thực tế để trả lời tốt các câu hỏi phụ. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt kiến thức thì học viên cũng cần tạo cho mình một tâm lý thoải mái, tự tin khi trả lời. Học viên không nhất thiết phải học thuộc lòng toàn bộ nội dung câu hỏi ôn tập mà nên học theo cách học hiểu để dễ nhớ, dễ trả lời. Sau khi bốc thăm câu hỏi, học viên cần tận dụng thời gian chuẩn bị để ghi các nội dung liên quan ra giấy thi nhằm giúp học viên hệ thống lại kiến thức đã học.
Thứ tư, về cách thức tổ chức thực hiện quá trình thi vấn đáp. Đầu năm học, các Trưởng khoa lên kế hoạch môn thi của khoa, danh sách các giảng viên tham gia chấm thi để Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo phê duyệt và Phòng Đào tạo chủ động lên lịch. Phòng Đào tạo cần xây dựng lịch thi, thời gian ôn thi, địa điểm thi thích hợp để tránh thời gian ôn thi quá gấp, gây khó khăn cho học viên trong quá trình ôn tập.
Như vậy, hình thức thi vấn đáp là một hình thức thi khá mới đối với hệ Trung cấp lý luận chính trị - hành chính ở Trường Chính trị Lê Duẩn. Tuy thời gian tổ chức chưa lâu, nhưng hình thức thi này đã thể hiện được một số ưu điểm, tạo nên sự hứng thú cho giảng viên và học viên. Hi vọng rằng, với những giải pháp đã nêu, trong thời gian tới hình thức thi vấn đáp sẽ tiếp tục được duy trì và ngày càng có những thay đổi để khắc phục những hạn chế còn tồn tại nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị Lê Duẩn.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây