Một số suy nghĩ từ việc sử dụng phương pháp đóng vai khi giảng chuyên đề kỹ năng giao tiếp
- Thứ bảy - 05/12/2015 16:37
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ths. Nguyễn Thị Chính
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Trong tài liệu chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên ban hành kèm theo Quyết định số 900/QĐ-BNV ngày 06 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ bao gồm ba phần: thứ nhất là phần kiến thức chung; thứ 2 là phần quản lý nhà nước theo ngành, lãnh thổ và thứ 3 là phần những kỹ năng cơ bản. Trong phần kỹ năng có 7 chuyên đề, kỹ năng giao tiếp là chuyên đề thứ 2 trong 7 chuyên đề đó. Trong phân phối bố trí chương trình của Bộ Nội vụ, mỗi chuyên đề sẽ có 4 tiết lý thuyết và 12 tiết thực hành. Tuỳ theo mỗi chuyên đề, giảng viên sử dụng các phương pháp khác nhau để truyền đạt một cách sinh động nội dung bài giảng đến với từng học viên. Đối với chuyên đề kỹ năng giao tiếp, phần lý thuyết rất dài, vì vậy, trong thời lượng 4 tiết phải giải quyết xong phần lý thuyết sử dụng 12 tiết còn lại vào việc thực hành có hiệu quả là một việc không dễ dàng.
Được sự chỉ đạo sâu sát của Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn, Khoa Nhà nước và Pháp luật yêu cầu mỗi giảng viên áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào trong từng bài giảng. Phương pháp giảng dạy tích cực lấy học viên là trung tâm, giáo viên đóng vai trò là người cung cấp dịch vụ giáo dục thông qua các phương pháp, các hành động hướng dẫn để học viên thu nhận được những tri thức và kỹ năng tốt nhất. Với mục tiêu đưa ra trong phần kỹ năng là người giảng truyền đạt thế nào nhưng sau khi học xong người học phải nắm vững phần lý thuyết để vận dụng những lý thuyết đó vào những tiết thực hành ở trên lớp cũng như trong thực tiễn cuộc sống. Muốn đạt được điều đó thì mỗi chuyên đề kỹ năng phải sử dụng một phương pháp phù hợp để bài giảng thật sinh động và quan trọng hơn hết là phải rèn luyện kỹ năng thuần thục cho học viên. Với yêu cầu như vậy nên trong chuyên đề kỹ năng giao tiếp, phương pháp đóng vai đã trở thành phương pháp chủ đạo ở phần thực hành nhằm rèn luyện kỹ năng đối với người học.
Đóng vai là phương pháp đặc trưng bởi một hoạt động với các nhân vật giả định, mà trong đó các tình thế trong thực tiễn cuộc sống được thể hiện thành những hành động có tính kịch. Trong các tình huống, các vai khác nhau do chính người học đóng và trình diễn. Các hành động có tính kịch được xuất phát từ chính sự hiểu biết, óc tưởng tượng và trí sáng tạo của học viên, thậm chí không phải mất thời gian tập dượt hay dàn dựng.
Qua việc áp dụng phương pháp này vào chuyên đề kỹ năng giao tiếp phần thực hành, tôi nhận thấy phương pháp này có những ưu điểm sau:
Thứ nhất, khi sử dụng phương pháp này người học rất hào hứng, họ rất thích thú khi có cơ hội trở thành những “diễn viên” trong các tình huống và tự mình xử lý những tình huống nảy sinh trong khi thực hiện giao tiếp. Điều đặc biệt hơn, sau khi “diễn viên” thực hiện xong sẽ có những học viên khác góp ý và phần đánh giá, kết luận của giảng viên để từ đó “diễn viên” sẽ rút ra được những kinh nghiệm và kỹ năng cho bản thân để ứng dụng vào thực tiễn quá trình giao tiếp của mình.
Thứ hai, người học sẽ tự vận động, tạo không khí lớp học thêm sôi nổi. Đây là một phương pháp nhằm phát huy tính tự giác của người học. Nếu giảng viên tiếp tục sử dụng phương pháp thuyết trình trong phần thực hành như trong phần giảng lý thuyết sẽ rất dễ gây sự nhàm chán, mệt mỏi, buồn ngủ với người học. Chính vì vậy khi sử dụng phương pháp đóng vai, trở thành những nhân vật trong các tình huống, người học rất hứng thú, như vậy hiệu quả đem lại sẽ cao hơn.
Thứ ba, cùng với việc người học tự vận động thì người giảng viên có cơ hội được lắng nghe, thông qua những gì mà người học chia sẻ giảng viên có thể kiểm nghiệm lại kiến thức mà mình đã truyền đạt cũng như kiểm tra lại mức độ thẩm thấu, tiếp thu của học viên để từ đó giảng viên có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, phương pháp này có những hạn chế như sau:
- Phương pháp này chỉ được áp dụng có hiệu quả đối với những lớp học có học viên năng động, không áp dụng được với những học viên có sức ì quá lớn, đặc biệt trong môi trường là trường chính trị, học viên là những người lớn tuổi, có chức vụ nên họ cũng rất “ngại” khi hoá thân thành những “diễn viên” trong các tình huống.
- Trong giao tiếp đã thực hiện rất nhiều những kỹ năng này nhưng bối cảnh là một lớp học, khi lần đầu được trở thành “diễn viên” nên vẫn còn một số học viên lúng túng, ngại ngùng.
- Trong một số tình huống học viên rất dễ lẫn lộn giữa các tình tiết đã được đưa ra trong phần nội dung của tình huống nên có thể lúng túng và bị động khi xử lý.
Nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của phương pháp đóng vai và đưa phương pháp đóng vai trở thành phương pháp chủ đạo trong phần thực hành của chuyên đề kỹ năng giao tiếp, theo tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phải phát huy tốt tính chủ động của mọi học viên ở mọi lứa tuổi. Muốn vậy, người giảng viên phải có sự dẫn dắt lôi cuốn, khéo léo lựa chọn từng “diễn viên” phù hợp với từng vai diễn. Với những học viên có sức ì lớn, tuổi tác cao, giảng viên có thể chọn vào những vai diễn ít vận động hơn, phù hợp hơn với độ tuổi và địa vị của họ, có như vậy mới phát huy được tính chủ động và thu hút được mọi học viên.
Hai là, giảng viên phải là người khơi gợi, dẫn dắt vấn đề để mỗi học viên tự nhận thấy rằng bản thân mình sẽ làm được. Giảng viên phải làm cho học viên hiểu rằng không có vấn đề gì quá khó khăn khi hoá thân thành những “diễn viên”. Muốn vậy các tình huống mà giảng viên đưa ra phải phù hợp với thực tế, những tình huống mà trong giao tiếp hằng ngày ai ai cũng gặp, cũng phải xử lý. Khi học viên đã hiểu, đã chủ động rồi thì chắc chắn sự ngại ngùng, lúng túng đó cũng sẽ tiêu tan.
Ba là, tình huống mà giảng viên đưa ra phải cụ thể, rõ ràng, lôgic để học viên dễ dàng thực hiện. Các tình huống phải mang tính đặc trưng, nội dung tình huống phải khái quát được những kỹ năng cần có trong giao tiếp, tránh đưa quá nhiều tình huống khi mà kỹ năng xử lý quá trùng lặp sẽ dễ dẫn đến sự nhàm chán cho người học.
Có thể khẳng định rằng, lựa chọn và sử dụng phương pháp phù hợp là một khâu quan trọng quyết định thành công cho mỗi bài giảng. Qua thực tế và kinh nghiệm giảng dạy, cho thấy việc sử dụng phương pháp đóng vai trong phần thực hành của kỹ năng giao tiếp là một phương pháp thích hợp. Để kỹ năng giao tiếp thực sự là một chuyên đề hay và ý nghĩa, để phương pháp đóng vai phát huy hiệu quả đòi hỏi cần có sự hợp tác từ người giảng và người học với mục đích cuối cùng là rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho mỗi cá nhân./.