Một số nội dung cơ bản trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019
- Thứ sáu - 22/01/2021 10:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người viết: ThS. Cao Thị Hà
Giảng viên khoa Nhà nước và Pháp luật
Uống rượu là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu, bia có mặt trong hầu hết các buổi giao lưu, tiệc tùng và những hệ lụy do lạm dụng rượu bia gây ra đối với sức khỏe cộng đồng và các vấn đề xã hội là rất nghiêm trọng. Trước những tác hại to lớn đó, rượu, bia là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.
Ở nước ta, trước năm 2019, có rất ít các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định trong các văn bản dưới luật, trong đó có những nội dung còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Vì vậy, tình trạng lạm dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức báo động và là nguyên nhân của nhiều vấn đề trong xã hội.
Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW "Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", trong đó nhấn mạnh: "Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá", "Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa có hại cho sức khỏe như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng".
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đồng thời phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra, ngày 14/6/2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm có 07 chương, 36 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
* Thứ nhất, Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
Tại Điều 5, Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó đáng chú ý là hành vi:
- Cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia (Khoản 1 Điều 5).
Trong thực tiễn, có những cuộc giao lưu, tiệc tùng có nhiều người không muốn hoặc không uống được rượu bia, nhưng vẫn bị người khácxúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc. Những hành vi nàytạo ra thói quen tiêu dùng rượu bia không văn minh, lịch sự vừa có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Để hạn chế tình trạng này, đảm bảo quyền từ chối của người không uống rượu bia, Luật quy địnhcấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Như vậy, các hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia đều bị coi là vi phạm pháp luật. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: “Người nào có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo,ép buộc người khác uống biathì bị phạt tiền từ 500 đến 1.000.000 đồng”.
- Cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. (Khoản 2 Điều 5)
Nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và nghiêm cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi là những quy định rất quan trọng trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), người chưa thành niên là một giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người trưởng thành, đang phát triển về thể chất và trí tuệ. Trong khi đó, tình trạng sử dụng rượu, bia trong lứa tuổi thanh thiếu niên ở nước ta ngày càng gia tăng, để lại những hậu quả nghiêm trọng cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, với quy định cấm này là nhằm tránh các tác động tiêu cực của rượu, bia đến sức khỏe, tâm sinh lý của người chưa thành niên.
Để kiểm soát tình trạng người chưa thành niên uống rượu, bia, tại Khoản 3 Điều 5 Luật nghiêm cấm: “Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi”. Khoản Điều 30 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu bia”.
- Cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập (Khoản 5 Điều 5).
Đây là lần đầu tiên quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào trong Luật. Trước đó, quy định này cũng đã từng được đề cập đến nhưng mới chỉ dừng lại ở các văn bản dưới luật và các quy định của cơ quan, tổ chức, địa phương. Do đó, đa số hành vi vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử lý nội bộ. Vì vậy, tình trạng uống rượu, bia trong giờ nghỉ trưa vẫn rất phổ biến làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập, gây bức xúc trong dư luận và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Để chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, hiệu quả công việc của cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên, tạo môi trường làm việc văn minh, kỷ cương, kỷ luậtnơi công sở, Luậtquy định cấm cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên,uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Điều 30 của số 117/2020/NĐ-CP quy định chế tài xử phạt đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm: Phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Khoản 6 Điều 5).
Tai nạn giao thông được xem là một nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay. Đáng chú ý, trong các vụ tai nạn xảy ra có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm bắt nguồn từ việc tài xế đã sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.Với quy định cấm trên đã mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông nhằm hạn chế tối đa những vụ tai nạn giao thông thương tâm do “ma men”, đảm bảo an toàn cho chính những người uống rượu, bia và cả những người tham gia giao thông khác. Như vậy, việc cấm lái xe khi vừa uống rượu, bia đã chính thức được luật hóa.Quy định này đồng nghĩa với việcđiều khiển mọi phương tiện giao thôngcho dù là phương tiện giao thông cơ giới (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô…) hay phương tiện giao thông thô sơ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…) sau khi uống rượu, bia đều bị cấm triệt để.
Để kiểm soát tốt hơn những trường hợp điều khiển phương tiện giao thông uống rượu, bia, Điều 21 Luật quy định các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia như sau:
“1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.
…”.
Việc cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong Luật đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quy định chế tài thật sự nghiêm khắc xử lý những trường hợp vi phạm.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CPngày 30 tháng 12 năm 2019của Chính phủquy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó quy định rất cụ thể chế tài xử phạt:
- Đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt tiền đến 40.000.000 đồng (Khoản 10 Điều 5). Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Đối với người điều khiển xe mô tô , xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt tiền đến8.000.000 đồng (Khoản 10 Điều 6). Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùngtrên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt tiền đến18.000.000 đồng (Khoản 10 Điều 7). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn có thể bị phạt tiền đến 600.000 đồng (Điều 8)
* Thứ hai, Luật quy định về địa điểm không uống rượu, bia
Điều 10 Luật quy định 7 địa điểm điểm không uống rượu, bia gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; Cơ sở bảo trợ xã hội; Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Ngoài các địa điểm trên, Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định thêm các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:
1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.
2. Nhà chờ xe buýt.
3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.
* Thứ ba, Luật quy định cụ thể trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
Tại Điều 32, Luật quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia với 7 nội dung rất cụ thể, trong đó chú ý là:
- Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia
Pháp luật dân sự và pháp luật lao động đều ghi nhận người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Lao động dưới 18 tuổi được coi là lao động đặc thù do họ chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Theo Điều 162 Bộ luật Lao động năm 2012, chỉ được sử dụng người dưới 18 tuổi vào những công việc phù hợp với sức khoẻ, đảm bảo sự phát triển về thể lực, trí lực và nhân cách.không được sử dụng họ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách. Với quy định trênlà để bảo vệ lao động chưa thành niên, phòng tránh và kiểm soát việc người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.
- Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh (Khoản 5 Điều 32).
Quy định trên thể hiện trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia trong việc bảo vệ người chưa thành niên, ngăn ngừa họ tiếp cận và sử dụng đồ uống có cồn. Đây là yêu cầu đối với tất cả cơ sở bán rượu, bia bao gồm các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn,…có bán rượu, bia.
- Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
Quy định trên nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh rượu, bia đối với khách hàng và đối với xã hội, phòng ngừa những trường hợp tai nạn giao thông sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Đây được xem là quy định phù hợp và thiết thực sau khi Luật đã cấm hoàn toàn mọi hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
- Không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu bán Luật cấm uống rượu bia tại các địa điểm nêu trên là vi nếu uống rượu bia tại đây thì sẽ ảnh hưởng không tốt, thậm chí gây nguy hiểm cho hoạt động của các cơ sở này, cũng như đảm bảo tính lành mạnh, sư phạm cho môi trường giáo dục, tính nghiêm túc, kỷ luật và hiệu quả trong khi làm việc tại các cơ quan, tổ chức.
* Thứ năm, Luật quy định trách nhiệm của gia đình, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
Về trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 34. Theo đó, gia đình có trách nhiệm:
“ 1. Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.
2. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia”.
Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức: Để những quy định mang tính đột phá của Luật phát huy được hiệu quả và đi vào đời sống, theo Điều 33:
“ 1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.
2. Người đứng đầu tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức tại cơ sở, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định tại Điều 24 của Luật này”.
Điều 34 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia trong cơ quan, tổ chức; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức; không nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi uống, bán rượu bia trong địa điểm không được uống, bán rượu, bia thuộc quyền quản lý điều hành.
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước. Việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được xem là biện pháp cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, sự ra đời của Luật góp phần không nhỏ trong việc hạn chế các vụ tai nạn giao thông do uống bia, rượu gây ra. Đây là đạo luật liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân Việt Nam. Vì vậy, để Luật được thực hiện một cách có hiệu quả trong cuộc sống, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, giảm thiểu tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng như các vi phạm pháp luật khác./.