Một số kết quả đạt được trong đạo đức, lối sống ở thành phố Đông Hà hiện nay
- Thứ bảy - 05/12/2015 16:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngô Thị Thu Hà
TK MLN, TTHCM
Đạo đức và lối sống là những giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hóa. Đạo đức theo nghĩa chung nhất là hình thái ý thức xã hội bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị được xã hội thừa nhận có tác dụng chi phối điều chỉnh hành vi, ứng xử của con người trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội. “Lối sống nói chung và lối sống theo định hướng xã hội chủ nghĩa là tổng thể những hình thức hoạt động sinh sống của con người được xác định trên bốn mặt cơ bản như lao động, giao tiếp, gia đình và nhân cách” (1). Chúng được đem vào vận hành trong đời sống xã hội thông qua các thiết chế xã hội - văn hóa và được biểu hiện ở hành vi của cá nhân, nhóm, cộng đồng.
Trong lịch sử, nhiều thế hệ người Đông Hà nối tiếp nhau vượt qua thử thách, khó khăn chung sức xây dựng, bảo vệ và phát triển quê hương đã hình thành nên hệ thống các giá trị đạo đức cộng đồng. Đó là ý chí “Kiên cường, bất khuất, dũng cảm trong đấu tranh vì nghĩa lớn. Cần cù, tự lập, tự cường trong sản xuất và đời sống. Có tâm hồn trong sáng, giản dị, khí khái, bộc trực, thẳng thắn và rất mực thủy chung”(2) . Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, thành phố đã có những hoạt động giữ gìn, phát huy và hình thành những giá trị đạo đức mới góp phần làm cho tình hình xã hội ổn định, chính trị được giữ vững, các tệ nạn xã hội chiếm tỷ lệ nhỏ so với các đô thị trong khu vực.
Đô thị hóa, xu hướng phát triển của xã hội hiện đại đã hình thành nhiều nét mới trong văn hóa, đạo đức và lối sống của người dân thành phố. Thể hiện trước hết ở tính năng động, tính tích cực của mỗi người, sở trường và năng lực cá nhân được khuyến khích trên nhiều lĩnh vực học tập, công tác, tham gia hoạt động xã hội. Đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thành quả nổi bật nhất trong lĩnh vực đạo đức, lối sống chính là xây dựng được tinh thần đoàn kết. Sự tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống được tôn vinh và trở thành hoạt động thường xuyên. Các hành vi đạo đức mới, những ứng xử của con người trong mối quan hệ xã hội được hình thành và hướng tới chuẩn mực chung của cộng đồng và xã hội. Phát huy truyền thống đoàn kết, hàng loạt phong trào và nhiều hoạt động được tổ chức và triển khai sâu rộng, thường xuyên đã cho kết quả tốt đẹp. Những phong trào được tiến hành liên tục từ nhiều năm nay như “Đền ơn đáp nghĩa” “Xóa đói giảm nghèo “Nối vòng tay nhân ái” và nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em mồ côi, người tàn tật…đã tạo bầu không khí tương thân tương ái với những kết quả cụ thể. Năm 2011, thành phố đã “Huy động được 140.471.000đ cho quĩ “Đền ơn đáp nghĩa”, 130.000.000đ xây dựng 4 nhà tình nghĩa, cho vay vốn trên 200 tỷ đồng, phân bổ kịp thời 140 tấn gạo cứu trợ cho hộ khó khăn trong dịp Tết và thời gian giáp hạt”(3) . Hội Chữ thập đỏ đã vận động người dân thực hiện “Hiến máu nhân đạo” “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam”, Hội đã trao quà cho gia đình bị ảnh hưởng thiên tai và các đối tượng gặp khó khăn khác.
Với tấm lòng người dân đất liền hướng về biển đảo thân yêu, thành phố hưởng ứng phong trào ủng hộ “Vì trường Sa thân yêu” “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”, hoạt động này vừa mang tính nhân văn đồng thời khẳng định ý chí, lòng quyết tâm của nhân dân ta trong việc khai thác tốt nguồn lợi thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Phong trào khuyến học được thực hiện từ trong các gia đình, dòng họ, đến khu dân cư với nhiều hình thức khác nhau và cứ dịp hàng năm đến ngày khai trường, UBND thành phố phối hợp với Báo Tuổi trẻ thực hiện đợt trao học bổng “Tiếp sức đến trường” nhằm giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập với mỗi suất quà trị giá 1.000.000đ.
UBND thành phố Đông Hà đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2013 về việc ban hành Bộ tiêu chí thực hành nếp sống văn hóa văn minh đô thị có qui định rất rõ ràng và cụ thể các tiêu chí phù hợp các đối tượng. Cụ thể: Tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trong gia đình, nơi công cộng, trong trường học, trong kinh doanh thương mại, khi tham gia giao thông. Đây là cơ sở để chính quyền và nhân dân thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trong thời kỳ CNH, HĐH. Các phường đã tích cực chủ động trong việc đấu tranh chống ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa không lành mạnh xâm nhập vào đời sống khu dân cư nhất là thanh thiếu niên. Thông qua các hoạt động tuyên truyền mọi người thực hiện nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, phát động phong trào “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội”, qua đó xây dựng những cá nhân điển hình tiên tiến để nhân rộng ra cả thành phố. Bởi vì, nếp sống văn hóa - văn minh đô thị là bộ mặt của thành phố tạo nên ấn tượng tôt đối với những du khách khi đến Đông Hà.
Phòng Văn hóa và Thông tin đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn hóa - văn minh đô thị và tăng cường xử lý các vi phạm trên địa bàn thành phố Đông Hà theo Kế hoạch 688/KH-UBND về thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa- văn minh đô thị. Công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn tệ nạn xã hội được đẩy mạnh và trở thành phong trào cách mạng chung của quần chúng nhân dân cũng như các tổ chức chính trị- xã hội trong thành phố. Đảng ủy chính quyền các cấp đều có nghị quyết chuyên đề về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, triển khai đến 100% khu phố ký cam kết phấn đấu không có tệ nạn xã hội, ngành Công an và Văn hóa thông tin thường xuyên có kế hoạch phối hợp để tuyên truyền nhân dân thực hiện các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như các qui định của địa phương về phòng chống tệ nạn xã hội, triển khai các đợt tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.
Với quan điểm giảm đi một đối tượng ma túy, mại dâm thì môi trường đạo đức thành phố sẽ tốt hơn, thành phố đã tạo điều kiện để các đối tượng có cơ hội hoàn lương, hòa nhập cộng đồng với hình thức dạy nghề, cho vay vốn, tạo công ăn việc làm ổn định cho các đối tượng này. Những nỗ lực của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động trên đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ góp phần hình thành đạo đức, lối sống mới của người dân thành phố Đông Hà.
Tuy nhiên bên cạnh những thành công đạt được, môi trường văn hóa đạo đức, lối sống vẫn còn hạn chế nhất định. Do đặc điểm thành phố Đông Hà là trung tâm tỉnh lỵ, nằm trên trục đường xuyên Á đi qua Lào, Campuchia, Myanma nên tệ nạn xã hội và các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Các sản phẩm văn hóa ngoài luồng tràn theo con đường nhập lậu đã ảnh hưởng đến đời sống một bộ phận nhân dân đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Tình trạng vi phạm pháp luật có giảm nhưng còn chậm, nhưng lại tăng một số tội phạm nguy hiểm. Điều dáng lo ngại hơn cả là tình trạng trẻ hóa trong tội phạm xã hội, một số băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê đã dụ dỗ trẻ em vị thành niên bỏ học đi đòi nợ. Bởi vì, nhưng trẻ vị thành niên này chưa am hiểu pháp luật cũng như không thấy được hậu quả mà các em gây ra, còn các băng nhóm thì cho rằng tuổi vị thành niên sẽ chịu hình phạt nhẹ hơn khi phạm tội.
Để phát huy những thành quả đạt được trong quá trình xây dựng môi trường văn hóa và đạo đức, lối sống của thành phố tỉnh lỵ, Đảng bộ thành phố đã xác định phương hướng giai đoạn 2011-2015: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27- CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, phát triển các giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường đầu tư tôn tạo, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là các công trình di tích, lịch sử, văn hóa quan trọng. Gắn với công tác tôn tạo, bảo tồn với du lịch để phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương”(4).
Xây dựng môi trường đạo đức, lối sống ở thành phố Đông Hà là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài và đang đứng trước nhiều thuận lợi cũng như những khó khăn thách thức. Vì vậy, thành phố cần xây dựng hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ và hữu hiệu phù hợp với thực tiễn địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, các cơ quan ban ngành đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện để phát triển thành phố theo hướng văn minh hiện đại. Phấn đấu xây dựng Đông Hà trở thành thành phố có tầm vóc tương xứng với vị trí trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa tỉnh Quảng Trị và trở thành trung tâm, điểm đến đáng tin cậy trên trục hành lang kinh tế Đông -Tây.
1. GS.TS Đỗ Huy (2001) Xây dựng môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay nhìn từ góc độ xã hội học, Viện văn hóa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, Tr 368
2. Thành ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN thành phố Đông Hà (2010), Truyền thống,lịch sử, văn hóa Đông Hà với sự phát triển văn hóa đô thị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội Tr 384
3. UBND thành phố Đông Hà (2011), Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội quốc phòng an ninh năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, QPAN năm 2012,Tr 8
4. Đảng bộ thành phố Đông Hà (2010), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đông Hà lần thứ XI, Tr57-58