TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một số giải pháp nhằm phát huy tiềm năng du lịch biển Mỹ Thuỷ

 
Ths. Nguyễn Thị Như Quỳnh
Khoa Lý luận cơ sở
 
Hiện nay, với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tăng cường phát triển kinh tế biển đảo, các ngành kinh tế biển nói chung và du lịch biển nói riêng có nhiều điều kiện để phát triển. Bãi biển Mỹ Thủy xã Hải An huyện Hải Lăng có tiềm năng du lịch phong phú, du lịch biển là thế mạnh, chiếm tỷ lệ cao trong sự phát triển của địa phương. Mỹ Thủy với lợi thế về vị trí, địa lý, tài nguyên du lịch, nằm cách quốc lộ 1A khoảng 14km về phía Đông, là bãi biển có bãi cát trắng dài, phẳng mịn và sạch, nước trong xanh, mang trong mình vẻ nguyên sơ với vẻ duyên dáng đến kì lạ. Là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao trong các dịp lễ của quê hương.
Những năm qua, bên cạnh việc khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch biển, xã Hải An đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để chỉnh trang nông thôn, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống cơ sở kỹ thuật phục vụ du lịch biển. Vì vậy tỉnh tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghĩ dưỡng, nâng cấp dịch vụ phục vụ du lịch biển. Thực hiện mục tiêu phát triển tam giác du lịch biển: Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ với việc chú trọng cải tạo các bãi tắm, chú trọng du lịch biển đa dạng các loại hình, các khu nghĩ dưỡng. Góp phần thúc ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhằm thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; giải quyết công ăn việc làm, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa hình ảnh du lịch biển Quảng Trị nói chung, biển Mỹ Thủy nói riêng đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh.
Trong năm 2018 và năm 2019, lượng khách đến với biển Mỹ Thủy xã Hải An đã tăng trở lại sau thời gian gặp sự cố môi trường biển, bình quân tăng 15%, từ 50.000 lượt khách năm 2018 lên 75.000 lượt khách năm 20191. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã có cam kết về giá cả cạnh tranh công khai, không chèo kéo hay chặt chém giá cả của khách du lịch và đã có sự đầu tư nhằm thu hút khách du lịch như có khu vui chơi giành cho trẻ em (nhà phao hơi, đu quay…).
Đặc biệt, ngày 4/01/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 16/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy xã Hải An. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, có tổng mức đầu tư là 14.234 tỷ đồng trong đó vốn nhà đầu tư 2.143 tỷ đồng, vốn huy động từ nguồn khác là 12.091 tỷ đồng. Dự án có thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư. Dự án do Công ty cổ phần Liên doanh Cảng Quốc Tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư, có quy mô 685 ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 10.000 tấn; dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị. Đây cũng là tin vui mở ra triển vọng cho phát triển du lịch biển Mỹ Thủy trong tương lai.
Tuy vậy, để du lịch biển trở thành kinh tế mũi nhọn, biển Mỹ Thủy - xã Hải An vẫn đang gặp nhiều thách thức, có thể thấy:
Một là, do hệ thống chính sách, pháp luật phát triển du lịch biển của Tỉnh chưa đồng bộ, chưa tạo sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triến du lịch biển. Chưa thu hút các công ty làm du lịch phối hợp vào phát triển du lịch biển ở  địa phương. Đặc biệt thiếu cơ chế, chính sách có sức hấp dẫn thu hút mọi thành phần kinh tế, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài tham gia phát triển du lịch biển. Hầu hết các nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn mang tính nhỏ giọt và thiếu đồng bộ nên du lịch biển tỉnh Quảng Trị chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.
Hai là, du lịch biển là thế mạnh nhưng các yếu tố tạo nên du lịch biển hình thành chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh.         Chẳng hạn, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch biển chưa được chú trọng. Số lao động có đào tạo về chuyên ngành du lịch còn thấp, nguồn nhân lực du lịch ở địa phương chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ nhân lực phục vụ cho ngành du lịch còn nhiều hạn chế về kỹ năng, về ngoại ngữ…Nhân viên phục vụ du lịch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, do vậy chưa bảo đảm phục vụ hài lòng cho khách du lịch theo đúng tiêu chuẩn. Tình trạng chèo kéo về giá cả mỗi lần có dịp lễ vẫn thường xuyên xảy ra.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém do thiếu nguồn vốn đầu tư. Tiến độ triển khai các dự án du lịch còn chậm, các cơ sở lưu trú phần lớn quy mô nhỏ, chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Các phương tiện tàu thuyền phục vụ du lịch tham quan biển còn thiếu về số lượng và chưa đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Ba là, chưa xây dựng và triển khai nhiều các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng để đổi mới tư duy về phát triển du lịch biển. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, đa dạng, đặc biệt chưa xây dựng được sản phẩm chủ lực của xã Hải An nói riêng và huyện Hải Lăng nói chung. Các hộ kinh doanh dịch vụ biển đa số còn nhỏ lẻ, tự phát.
Bốn là, sau ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, Mỹ Thủy đã bị hạn chế khách du lịch ghé chân trong các dịp lễ, ngày nghỉ cuối tuần hay ngày hè. Người dân vùng biển cũng gặp khó khăn trong việc khai thác thủy hải sản, thanh niên trong vùng không còn gắn bó nhiều với nghề biển dần di tản tìm kiếm việc làm mới, đời sống dân vùng biển ngày càng khó khăn.
Để khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có để phát triển mạnh du lịch biển Mỹ Thủy trở thành nhiệm vụ của huyện Hải Lăng nói chung và xã Hải An nói cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đổi mới, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương về phát triển du lịch biển. Mỹ Thủy là khu vực tập trung cho dự án phát triển cảng biển, phục vụ chủ yếu cho Khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị theo quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 04/01/2019 của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký. Tuy nhiên, xác định huyện Hải Lăng còn là một huyện có trọng điểm phát triển du lịch biển. Vì vậy, huyện Hải Lăng cần đẩy mạnh khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh du lịch biển Mỹ Thủy. Xây dựng một chiến lược, kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch chung trên quy mô lớn và dài hạn, thu hút khách ở các vùng ngoài tỉnh, tăng số lượng nhưng chú trọng chất lượng nhiều hơn. Đảm bảo nguồn du lịch bền vững, có giá trị cao. Tổ chức các hoạt động văn hóa trong các ngày lễ của địa phương, giới thiệu văn hóa, du lịch đặc sắc kết nối thành chương trình không trùng lặp và tổ chức luân phiên định kỳ hàng năm. Phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ để tạo nguồn hải sản phục vụ khách du lịch lồng ghép chương trình ngư dân bảo vệ ngư trường trên biển Đông của Tổ quốc.
Thứ hai, tăng cường đầu tư xây dựng quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Muốn du lịch biển phát triển chúng ta phải xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, tạo điều kiện cho khách du lịch đi lại thuận lợi. Xây dựng các khu nghĩ dưỡng có chất lượng, kết hợp với việc đa dạng hóa các loại hình du lịch như: hình thành các khu vui chơi, giải trí như kết hợp các quán hải sản bình dân và các quán cà phê về đêm; mở các dịch vụ trò chơi cho trẻ em. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư để hình thành các tuyến đường đi bộ dọc bãi biển, chợ hải sản, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của xã Hải An cũng như huyện Hải lăng (nước mắm Mỹ Thủy, bánh lọc Mỹ Chánh, rượu Kim Long, cháo bột cá…) để du khách có thể kết hợp vừa tham quan về biển vừa thưởng thức được những món ăn đặc sản của huyện Hải Lăng.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch biển. Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng đối với việc phát triển bền vững tiềm năng du lịch biển. Chính vì vậy, cần chú trọng nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử cho đội ngũ làm du lịch. Địa phương có chính sách ưu tiên thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tăng cường mở các lớp tập huấn ngắn hạn để nâng cao tính chuyên nghiệp cho nguồn nhân lực phục vụ du lịch ở địa phương.
Thứ , tỉnh Quảng Trị cần chú trọng mở rộng phát triển các sản phẩm du lịch mới nhằm khắc phục tính mùa vụ trong du lịch biển. Mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, áp dụng các phương pháp xúc tiến thị trường, quảng bá du lịch biển mới, có hiệu quả cao. Đẩy mạnh việc khai thác các ý tưởng về phát triển du lịch biển từ các cá nhân, tổ chức cho chính sách phát triển du lịch biển thông qua tổ chức các cuộc thi về ý tưởng, sáng tạo. Xã Hải An cần xác dịnh rõ mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực nào để tạo nên những sản phẩm riêng biệt, tiếp cận nhanh với xu thế phát triển trên thế giới; đồng thời giải quyết hài hòa giữa phát triển với bảo vệ môi trường nhằm tạo được lòng tin, thu hút được du khách.
Thứ năm, xã Hải An cần tập trung làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường để xác định đối tượng khách chủ lực, định vị thị trường khách từ đó có hướng đầu tư, khai thác thích hợp. Tham mưu lồng ghép kiến thức về du lịch, định hướng nghề du lịch trong một số bài học, hoạt động ngoại khóa tại các trường. Tuyên truyền hướng dẫn cho người dân về văn hóa du lịch, văn hóa ứng xử thường xuyên thân thiện, vui vẻ với du khách, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch. Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cơ bản về phong cách phục vụ du lịch cho các hộ kinh doanh trên địa bàn.
     Thứ sáu, quy hoạch lại các hộ kinh doanh, có đăng ký và cam kết phục vụ khách đúng chất lượng, giá cả. Khuyến khích mỗi hộ kinh doanh xây dựng và có thiết kế quán riêng để mỗi quán mang một sắc thái phong phú, đa dạng hấp dẫn khách du lịch. Thành lập đội cứu hộ và đội bảo vệ để kịp thời xử lý những tình huống xấu xãy ra. Với cách làm đồng bộ, tin tưởng rằng, Hải An là xã tiềm năng, trong tương lai gần hy vọng ngành du lịch biển sẽ nâng lên tầm cao mới, tạo cho Mỹ Thủy trở thành điểm đến an toàn, văn minh và hấp dẫn.
Để hiện thực hóa phát triển tiềm năng du lịch biển Quảng Trị trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên nhằm đưa ngành du lịch biển Quảng Trị phát triển mạnh mẽ, bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà./.
 
Tài liệu tham khảo: Báo cáo Kinh tế - xã hội của UBND huyện Hải Lăng 2018-2019
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây