TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tiểu luận tình huống của lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên

 
Th.S Nguyễn Thị Chính
Khoa Nhà nước và Pháp luật

 
Tiểu luận tình huống là một khâu vô cùng quan trọng trước khi kết thúc khoá học của học viên, là một trong những hình thức nhằm đánh giá, xếp loại học viên khi ra trường. Nếu chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính có hai hình thức tốt nghiệp là làm khoá luận và thi, thì chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên là làm tiểu luận tình huống. Chính vì tầm quan trọng đó, việc nâng cao chất lượng của công tác làm tiểu luận tình huống vô cùng quan trọng nhằm đánh giá đúng kết quả của quá trình dạy và học sau mỗi khoá học. 
Theo Từ điển tiếng Việt năm 2008: “Tình huống là hoàn cảnh diễn biến, thường bất lợi, cần đối phó” hay nói cách khác: tình huống là thực tế khách quan có sự diễn biến, thường là những diễn biến bất lợi cần phải đối phó.Từ khái niệm tình huống trong từ điển tiếng Việt, từ đặc điểm của hoạt động quản lý nhà nước, có thể thống nhất quan niệm: Tình huống trong quản lý nhà nước là những sự kiện thực tế khách quan diễn ra có tính chất bất thường liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, buộc cơ quan hành chính nhà nước phải có biện pháp giải quyết thích hợp.
 Đặc trưng cơ bản của tình huống trong quản lý hành chính nhà nước đó là những sự kiện thực tế khách quan có tính chất bất thường liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, bao gồm những loại vấn đề cơ bản như sau:
- Những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước
- Những sự biến đổi không bình thường của tự nhiên như bão lụt, hạn hán, dịch bệnh…
- Những sư biến đổi không bình thường của xã hội như khủng hoảng kinh tế, phá sản doanh nghiệp, tệ nạn xã hội…
- Những lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng, hành động của cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý như những biểu hiện của bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật, che dấu yếu kém, khuyết điểm; những biểu hiện của tư tưởng cục bộ, cá nhân, vụ lợi, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, vô cảm…
- Những hành vi bất hợp tác của đối tượng quản lý như hành vi chống đối, không thực hiện chủ trương, một quyết định quản lý nào đó của chủ thể quản lý; hành vi cố tình làm trái để cản trở quá trình thực hiện những công việc đã được xác định…
Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa tiểu luận tình huống lớp quản lý nhà nước và khoá luận tốt nghiệp của lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính là: Nếu khoá luận tốt nghiệp phải giải quyết ba vấn đề: Lý luận chung, đánh giá thực trạng, kết luận và kiến nghị về vấn đề nghiên cứu thì tiểu luận tình huống phải đưa ra được tình huống cụ thể (có thể đã và đang xảy ra hoặc giả định đã xảy ra) và đưa ra các phương án để giải quyết tình huống đó dựa trên các văn bản pháp luật. Từ các phương án giải quyết đó rút ra những kiến nghị để nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực đã nghiên cứu.
Xác định được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Giám hiệu nhà trường, Khoa Nhà nước và Pháp luật đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo và tìm nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng của công tác giảng dạy nói chung cũng như công tác làm tiểu luận tình huống nói riêng. Kết thúc 2 tháng sau khi học viên được học các nội dung của chương trình, khoa sẽ bố trí giảng viên thực hiện một buổi lên lớp để hướng dẫn thật kĩ về các bước, nội dung và hình thức làm một bài tiểu luận tình huống. Để giúp cho học viên hiểu rõ hơn nữa về cách thức làm tiểu luận tình huống, sau mỗi khoá học, khoa đã tham mưu cho Nhà trường ra quy định về viết tiểu luận tình huống quản lý nhà nước trong đó nêu rõ các yêu cầu cũng như gợi ý một số chủ đề, tình huống để học viên dễ nắm bắt, dễ lựa chọn. Nhờ làm tốt công tác này, trong những năm qua, chất lượng của các tiểu luận tình huống được nâng lên rõ rệt, 100% học viên tốt nghiệp ra trường đạt loại khá, giỏi. Sau khi học xong, học viên vận dụng nhiều vào thực tế công việc, đem lại hiệu quả cao.
Bên cạnh những mặt kết quả đã đạt được, công tác làm tiểu luận tình huống của lớp quản lý nhà nước còn gặp một số khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, vẫn còn hiện tượng sao chép giữa khoá sau và khoá trước. Tình trạng một số học viên khoá sau tham khảo và sử dụng quá nhiều nội dung trùng lặp các bài tiểu luận của những khoá trước. Một số tình huống quản lý nhà nước đã quá cũ, lạc hậu, không phù hợp với thực tế cuộc sống.
Thứ hai, mặc dù đã có quy định về viết tiểu luận tình huống quản lý nhà nước nhưng một số học viên chưa hiểu rõ yêu cầu và vẫn còn nhầm lẫn giữa tiểu luận tình huống của chương trình quản lý nhà nước và khoá luận tốt nghiệp của chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính nên nội dung bài tiểu luận tình huống chưa đúng với yêu cầu đặt ra, gây khó khăn cho quá trình trao đổi, hướng dẫn giữa giảng viên và học viên .
Thứ ba, thời gian làm tiểu luận tốt nghiệp lớp quản lý nhà nước quá ngắn, thường chưa đến một tuần, trong khi đó số lượng học viên ở mỗi nhóm hướng dẫn khá đông, thậm chí có lúc thời gian làm tiểu luận của hai lớp quản lý nhà nước khá gần nhau, điều này không chỉ tạo áp lực đối với học viên trong việc tìm tòi tài liệu, phát huy tính sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng bài tiểu luận tình huống mà còn tạo nên áp lực về thời gian sửa bài, chấm bài đối với giảng viên.
Để khắc phục những hạn chế trong quá trình làm bài tiểu luận nhằm nâng cao chất lượng và đánh giá đúng tầm quan trọng của một bài tiểu luận tình huống cuối khoá cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tìm tòi ở mỗi học viên nhằm bổ sung những kiến thức mới. Muốn vậy, giảng viên hướng dẫn phải định hướng, giúp học viên lựa chọn những tình huống mới, sát với thực tế, phù hợp với chuyên môn, công việc của từng học viên, từ đó học viên sẽ dễ dàng phát huy tính sáng tạo trong bài viết của mình. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên cần phải chuẩn bị một số tiểu luận tình huống để làm phong phú thêm hệ thống ngân hàng tình huống quản lý nhà nước nhằm giúp cho học viên có nhiều sự lựa chọn. Ngoài ra, giảng viên hướng dẫn nghiên cứu kỹ các bài tiểu luận của các khoá hoặc các bài tiểu luận giữa các nhóm nhằm phát hiện những trường hợp coppy, sao chép để có sự điều chỉnh, hướng dẫn kịp thời.
Hai là, giúp học viên phân biệt được sự khác nhau giữa tiểu luận tình huống về quản lý nhà nước với tiểu luận tốt nghiệp lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Thông thường, trước khi viết tiểu luận giảng viên sẽ có một buổi hướng dẫn ở trên lớp. Tuy nhiên, một số học viên thường vắng học nên không nắm vững yêu cầu mà một bài tiểu luận tình huống đặt ra, một số khác chưa chú ý nên dễ dàng dẫn đến sự nhầm lẫn. Chính vì tầm quan trọng của buổi hướng dẫn này để giúp cho việc làm một bài tiểu luận được tốt hơn, giáo viên chủ nhiệm cần có sự phối hợp với khoa để nhắc nhở học viên nghiêm chỉnh đến lớp để hoàn thành bài tiểu luận chất lượng hơn. Nếu qua buổi hướng dẫn trên lớp của giảng viên mà học viên vẫn chưa nắm bắt được thì mỗi giảng viên hướng dẫn nên trao đổi lại với từng học viên trong quá trình phân nhóm để học viên hiểu đúng về cách viết một bài tiểu luận tình huống.
Ba là, Bộ Nội vụ nên quy định thời gian làm tiểu luận dài hơn để học viên có thời gian tìm hiểu vấn đề mà họ nghiên cứu, tìm tòi, bổ sung các tài liệu, các nội dung mới, có như vậy bài tiểu luận sẽ có chất lượng cao hơn. Hơn nữa, giảng viên hướng dẫn có nhiều thời gian để đọc, để sửa thật kĩ từng bài viết cho học viên, tránh hiện tượng hướng dẫn qua loa, sơ sài vì áp lực thời gian ngắn.
Bài tiểu luận tình huống cuối khoá sẽ phần nào đánh giá đúng về kiến thức học viên đã tiếp thu cũng như về khả năng chuyên môn của thầy cô truyền đạt và năng lực của từng giảng viên hướng dẫn. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng bài tiểu luận tình huống cuối khoá không những giúp học viên đạt yêu cầu để tốt nghiệp sau mỗi khoá học mà còn thể hiện được uy tín, chuyên môn của người thầy. Hiểu được điều đó, khoa Nhà nước và Pháp luật luôn tự ý thức nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng của các bài tiểu luận tình huống xứng đáng với niềm tin, sự phân công mà Nhà trường đã giao phó./. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây