TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một số giải pháp khắc phục tình trạng trễ hạn giải quyết thủ tục hành chính ở tỉnh Quảng Trị

       ThS. Nguyễn Thị Chính
Khoa Nhà nước và pháp luật
        Tại tỉnh Quảng Trị, trong những năm qua công tác cải cách hành chính nhà nước luôn  được chú trọng nhằm cải thiện những chỉ số về cải cách hành chính Par Index, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (Papi), chỉ số hài lòng của người dân tổ chức (Sipas). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022 theo xếp hạng của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thì chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Quảng Trị xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố. Kết quả trên đã phản ánh được những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng.             Theo Bảng kết quả tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh Quảng Trị thì ở mục chấm điểm cải cách thủ tục hành chính có đến 3 tiêu chí bị không (0) điểm đó là: (1) Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận; (2) tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn cấp huyện tiếp nhận; (3) không thực hiện xin lỗi khi để trễ hạn hồ sơ theo quy định. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn chỉ đạt 81,37% (từ 95% trở lên mới được tính điểm). 11 đơn vị giải quyết trễ hạn 20980 hồ sơ, trong đó Sở Tài nguyên và môi trường giải quyết trễ hạn 20.887 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 99,6% số hồ sơ trễ hạn của các đơn vị cấp tỉnh. Như vậy ở tiêu chí này bị không (0) điểm. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính do cơ quan chuyên môn cấp huyện giải quyết chỉ đạt 92,77% (từ 95% trở lên mới được tính điểm), trong đó huyện Vĩnh Linh có số lượng hồ sơ trễ hạn cao nhất. Việc thực hiện xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính không thực hiện đầy đủ và tiêu chí này cũng bị đánh giá không (0) điểm. Trên toàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023 tỉ lệ này đã có cải thiện hơn, tuy nhiên tình trạng quá hạn hồ sơ vẫn đang diễn ra (98 hồ sơ). Việc xin lỗi người dân còn thấp, đơn cử như Sở Tài nguyên & môi trường có tỷ lệ xin lỗi chỉ đạt 4,7%.
        Để xảy ra tình trạng như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu về công tác cải cách hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa đúng mức, chưa có các giải pháp tích cực để cải thiện kết quả. Năm 2022, số hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai tăng đột biến, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp chưa có giải pháp khắc phục triệt để gây ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, chưa chú trọng đến việc tổ chức xin lỗi người dân khi để xảy ra tình trạng trễ hẹn. Việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị liên quan chưa đồng bộ; một số sở, ngành được giao nhiệm vụ rà soát, tự chấm điểm các nội dung, tiêu chí thuộc lĩnh vực quản lý chưa thực sự quan tâm, chủ động chấm điểm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, đánh giá các chỉ số cải cách hành chính.
        Để hạn chế tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính và tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần thực hiện các giải pháp sau:
        Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đây được coi là yếu tố quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì cải cách hành chính sẽ thành công. Việc chỉ đạo, điều hành phải hết sức đồng bộ, phải vạch ra được các chương trình, kế hoạch cụ thể rõ ràng và đảm bảo tính khả thi cao.
        Thứ hai, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng công chức trong giải quyết thủ tục hành chính; đưa kết quả thực hiện công việc vào xếp loại hàng tháng, hàng quý và lấy đó làm căn cứ xếp loại cuối năm. Xử lý nghiêm những công chức để xảy ra tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tuch hành chính; đồng thời, biểu dương, khen thưởng những công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, những công chức có sáng kiến trong giải quyết thủ tục hành chính; định hướng các sáng kiến kinh nghiệm của công chức về nội dung cải cách hành chính để làm căn cứ xếp loại công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cuối năm.
        Thứ ba, thường xuyên rà soát xem quy trình giải quyết thủ tục hành chính thường bị “nghẽn” ở khâu nào để có biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn đó. Kiểm tra, rà soát công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa các bộ phận, các đơn vị để phát hiện công đoạn nào thường bị chậm trễ để có biện pháp xử lý đối với công chức thực hiện ở công đoạn đó. Ngoài ra, cần tiến hành các cuộc khảo sát, lấy ý kiến của công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính để phát hiện những vướng mắc của công chức gặp phải khi họ thi hành nhiệm vụ và có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
        Thứ tư, lựa chọn một số cơ quan, đơn vị làm thí điểm trong thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính không để xảy ra tình trạng trễ hẹn, qua đó đánh giá tổng kết rút ra kinh nghiệm để triển khai nhân rộng ở các đơn vị, cơ quan khác.
        Thứ năm, tổ chức xin lỗi người dân khi thủ tục hành chính bị trễ hẹn theo tinh thần Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Phổ biến sâu rộng Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quy định về công khai, xin lỗi trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến với từng các địa phương, đơn vị trong tỉnh.  Yêu cầu các đơn vị có báo cáo với ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức xin lỗi người dân nếu để hồ sơ bị trễ hạn để ủy ban tỉnh nắm và quản lý. Việc tổ chức xin lỗi người dân được xem như tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của địa phương, đơn vị trong xếp loại cuối năm
        Thứ sáu, hằng năm, sau khi có kết quả chấm điểm các tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính, ủy ban nhân dân tỉnh cần có văn bản thống kê lại kết quả chấm điểm từng tiêu chí gửi thông báo đến các địa phương, đơn vị trong tỉnh, đến từng cán bộ,  công chức để họ nắm bắt được tình hình. Thông qua đó, ủy ban tỉnh cần làm rõ tiêu chí nào tăng điểm, tiêu chí nào giảm điểm; nguyên nhân vì sao tăng, vì sao giảm để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời gắn trách nhiệm với người đứng đầu và công chức trực tiếp xử lý.
        Thứ bảy, lồng ghép nội dung chấm dứt tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn vào các sinh hoạt chuyên đề trong các buổi sinh hoạt chi bộ tại cơ quan, đơn vị qua đó nhằm tuyên truyền, vận động công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tổ chức các hội thảo khoa học, các hội thi tìm hiểu về cải cách hành chính. Thông qua hội thi để một lần nữa đánh giá lại thực trạng cải cách hành chính của địa phương, đơn vị đồng thời tác động đến nhận thức và tư tưởng của từng cán bộ công chức, từ nhận thức dẫn đến hành động giúp công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tăng cường chất lượng và thái độ phục vụ của cán bộ công chức viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo trong khi thi hành công vụ.
      Với quyết tâm đưa Quảng Trị đến năm 2025 trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao của cả nước thì việc đẩy mạnh các giải pháp để khắc phục tình trạng trễ hẹn hồ sơ trong giải quyết thủ tục hành chính góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính là vấn đề bức thiết đặt ra. Với nỗ lực và các giải pháp mà tỉnh đã và đang thực hiện, hi vọng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là đến năm 2025 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Quảng Trị nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước đã được đưa ra trong Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 04 tháng 11 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, sớm đưa Quảng Trị vững bước đi lên./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây