TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh

Nguyễn Hữu Thánh 
Phó Hiệu trưởng


Giám sát là một chức năng theo luật định, tức là Hội đồng nhân dân (HĐND) có trách nhiệm và quyền hạn được đảm bảo bởi những phương thức hoạt động và công cụ đặc thù, hiệu quả hoạt động giám sát thể hiện vị thế của HĐND và đại biểu HĐND trong việc thực hiện chức, năng nhiệm vụ của mình. Hoạt động giám sát của HĐND là nhằm đánh giá hiệu quả, năng lực chỉ đạo, điều hành và hoạt động của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND và chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị vũ trang và của công dân. 

Hoạt động giám sát của HĐND bắt nguồn từ tính quyền lực nhà nước và tính đại diện của HĐND. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hiệu lực và hiệu quả giám sát của HĐND còn thấp. Nhân dân địa phương còn hoài nghi về tính thực quyền của HĐND nhất là tính hiệu lực và hiệu quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát của HĐND.

Quảng Trị là một trong 10 tỉnh, thành của cả nước thực hiện thí điểm bỏ HĐND huyện, phường. Qua thực tiễn thí điểm cho thấy có tác động không nhỏ đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. 

Có nhiều nguyên nhân tác động trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong thời gian qua như: cơ chế chính sách, pháp luật; cơ cấu tổ chức, bộ máy và điều kiện phương tiện hoạt động; nhận thức về vai trò, vị trí, nhiệm vụ quyền hạn của HĐND... Đặc biệt, việc bỏ HĐND huyện đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Trên cơ sở đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của UBND huyện, quận, phường nơi không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 725).

Quảng Trị là một trong mười tỉnh thực hiện chủ trương này. Qua quá trình thực hiện, có nhiều sự bất cập. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi cũng chỉ nêu ra một bất cập ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. 
Với việc bỏ HĐND huyện quyền giám sát UBND, TAND, VKSND huyện, quận được giao cho HĐND cấp trên chứ không phải HĐND cấp dưới như Sắc lệnh số 63 của Chủ tịch nước quy định trước đây. Nghị quyết giao HĐND tỉnh, thành phố thực hiện quyền giám sát này nhưng không có hướng dẫn cụ thể, do đó đã nảy sinh những bất cập và khó khăn trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh. Về mặt nguyên tắc, khi Nghị quyết 725 giao quyền giám sát thì HĐND cấp tỉnh được sử dụng mọi công cụ giám sát theo quy định để giám sát UBND, TAND, VKSND huyện, quận. Tuy nhiên, cần nghiên cứu làm rõ hơn tính hợp lý của các quy định này.

Vấn đề thứ hai, đối với việc xem xét báo cáo công tác, theo quy định tại Điều 52 Quy chế hoạt động của HĐND, tại kỳ họp cuối năm, HĐND cấp tỉnh sẽ phải xem xét báo cáo công tác của UBND, TAND, VKSND cấp tỉnh và huyện. Như vậy, với một địa phương như tỉnh Quảng Trị có 7 huyện thực hiện thí điểm (trừ 01 thành phố, 01 thị xã và 01 huyện đảo Cồn Cỏ), thì số lượng đối tượng trình báo cáo công tác cao hơn nhiều so với trước. Nếu HĐND thực hiện giám sát theo đúng quy trình quy định thì sẽ phải xem xét báo cáo của từng đối tượng; việc này sẽ làm thời gian kỳ họp HĐND kéo dài thêm từ 2 đến 5 ngày tùy theo địa phương. 

Mặt khác, cần xử lý vấn đề nảy sinh là, liệu người đứng đầu UBND, TAND, VKSND huyện có được báo cáo trình bày những vấn đề có liên quan mà HĐND quan tâm và việc tiếp thu ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh hay không, hay việc đó được giao cho người đứng đầu UBND, TAND, VKSND cấp tỉnh. 

Vấn đề thứ ba, về xem xét việc chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét văn bản quy phạm pháp luật và xem xét báo cáo của đoàn giám sát, Nghị quyết 725 trao cho HĐND cấp tỉnh quyền giám sát UBND, TAND, VKSND quận, huyện. Nếu HĐND sử dụng công cụ giám sát là xem xét việc chất vấn và trả lời chất vấn thì đối tượng bị chất vấn sẽ tăng một cách đột biến. Nếu không tổ chức thí điểm thì HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn “Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và các thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp”, với số lượng khoảng 25 người. Khi thực hiện thí điểm, HĐND tỉnh có quyền chất vấn với cả thành viên UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND huyện, quận; với một tỉnh nhỏ, 7 huyện thì số lượng tăng thêm khoảng 105 người. Có thể thấy đối tượng bị chất vấn tăng quá lớn, đại biểu HĐND không đủ sức giám sát thông qua hình thức chất vấn các đối tượng này. 

Việc xem xét văn bản quy phạm pháp luật do UBND huyện ban hành giao cho HĐND giám sát, với số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách không nhiều, nay lại phải kiêm thêm giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND huyện, quận, vì vậy, cũng tạo nên sự “quá tải”. 

Sau một thời gian thí điểm bỏ HĐND huyện ở Quảng Trị, nếu nhìn nhận đánh giá một cách khách quan từ góc độ pháp lý, góc độ chức năng hay góc độ thực tiễn thì việc bỏ HĐND huyện là gánh nặng đối với hoạt động của HĐND tỉnh nói chung và hoạt động giám sát nói riêng. Khi có HĐND huyện thì việc kiểm tra, giám sát, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân được tiến hành khá kịp thời. Nhưng khi không có HĐND huyện nữa thì HĐND tỉnh chưa đủ thời gian, con người để " với xuống" cơ sở mà chủ yếu nghe qua báo cáo. Và vì thế, chắc chắn một hệ quả của nó là hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND không cao. Lẽ ra, việc chỉ đạo của cấp trên nên đặt vấn đề là: Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp hơn là, thực hiện thí điểm bỏ HĐND huyện. Ở đây, chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về thí điểm bỏ HĐND quận, phường.

Ngay từ những ngày đầu lập nước Hiến pháp đã xác định nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương trong đó có HĐND. Việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường chưa đưa đến kết quả chính thức mặt khác, xét về chính quyền địa phương thì HĐND cũng vẫn tồn tại ở cấp tỉnh, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và xã, thị trấn. Hiến pháp mới được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01.01.2014 đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của HĐND trong mỗi cấp chính quyền địa phương. 

Chức năng giám sát là một trong hai chức năng quan trọng của cơ quan dân cử. Giám sát ngày nay trở thành một chức năng quan trọng của cơ quan dân cử. Để HĐND thực hiện được hoạt động giám sát thì tất yếu phải có quy định pháp luật về giám sát, nói cách khác, phải có quy phạm pháp luật điều chỉnh để xác định cơ sở pháp lý cho HĐND tiến hành hoạt động giám sát một cách có hiệu quả. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước vì vậy càng cần phải có luật quy định về hoạt động của HĐND, trong đó có Luật Giám sát.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh cần tăng cán bộ các Ban HĐND tỉnh từ 05 người lên 07 người và tăng cường đại biểu chuyên trách cho các Ban từ 01 người lên 02 người. Để đảm bảo luôn luôn có hơn 50% đại biểu HĐND trong các Ban tham gia hoạt động giám sát; kiến nghị với Quốc hội tăng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách từ 10 % lên 20 %.

Nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát của HĐND tỉnh nói riêng nhằm góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu và định hướng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân./. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây