TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Kết quả thực hiện công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa

 
                                                               ThS. Lê Thị Tường Anh
                                                                     Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
 
Hướng Hoá là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, toàn huyện có 20 xã, 02 thị trấn; trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn; 11 xã giáp biên giới nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Huyện Hướng Hoá hiện có 03 dân tộc sinh sống chủ yếu là: PaKô, Vân Kiều, Kinh, trong đó dân tộc thiểu số có 44.193 người, chiếm tỷ lệ 46,7 %. Dân tộc thiểu số sống phân bổ trên 22 xã, thị trấn của huyện, nhưng chủ yếu tập trung vào các xã phía Bắc và phía Nam của huyện, chất lượng dân số và nguồn nhân lực chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ lao động có tay nghề thấp.
Là một huyện có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn nên trong nhiều năm qua, huyện luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mặt tài chính của Trung ương, nhất là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Thông qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đã ưu tiên đầu tư 47 công trình quan trọng phục vụ dân sinh, phúc lợi công cộng tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí 58.556 triệu đồng; đã góp phần quan trọng làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi trong giao thông đi lại, trao đổi hàng hoá, phát triển dịch vụ, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Song song với xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tập huấn giúp bà con nhân dân thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức được 78 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, cây trồng, bảo vệ thực vật cho 3.245 lượt người là hộ nghèo và cận nghèo tham gia, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nhận thức của người dân về cây  trồng và vật nuôi. Tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng xã, thôn, bản, tổng kinh phí được phân bổ và thực hiện là 9.954 triệu đồng, với 3.570 hộ được hưởng lợi; nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất được hộ nghèo chọn để tập trung thực hiện vào hỗ trợ giống cây công nghiệp dài ngày, cây giống lâm nghiệp, bò, lợn, dê, gà, nông cụ sản xuất, phân bón, thuốc thú y. Thực hiện có hiệu quả mô hình chăn nuôi bò vàng Việt Nam sinh sản tại xã Hướng Lập, Hướng Lộc, Hướng Sơn và Hướng Việt, kinh phí 1.000 triệu đồng do dự án “Sáng kiến hỗ trợ trong chăn nuôi” của Chương trình Phát triển vùng Hướng Hóa đã giúp nhiều hộ gia đình trong vùng dự án tiếp cận với cách làm ăn mới. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức 26 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 650 học viên tham gia, tổng kinh phí 1.107 triệu đồng nhằm tạo cơ hội cho lao động thuộc hộ nghèo tìm được một công việc phù hợp với khả năng, năng lực của bản thân để có công ăn việc làm ổn định. Huyện cũng đã tổ chức 04 buổi truyền thông giảm nghèo, với trên 160 người nghèo tham gia, kinh phí 40 triệu đồng, qua các đợt truyền thông này, hộ nghèo được cung cấp các thông tin, chính sách giảm nghèo và đề ra giải pháp vượt nghèo trong thời gian tới nên đã góp phần nêu cao ý chí vươn lên của người dân. Ngoài ra, đã tổ chức 15 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp huyện, xã với 750 học viên tham gia, thông qua các lớp tập huấn, cán bộ được trang bị và hệ thống các chủ trương, chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, cách tiếp cận, giải pháp và góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững.[1]
Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua huyện đã thực hiện đồng bộ và lồng ghép có hiệu quả các giải pháp triển khai các chính sách của Trung ương, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tạo thêm nhiều việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm, tỷ lệ người có việc làm tăng, đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể trên tất cả các lĩnh vực, khoảng cách giàu nghèo được thu hẹp dần, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số được nâng lên. Sự triển khai quyết liệt của các chương trình xóa đói giảm nghèo nên số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng ngày càng giảm. Năm 2016, toàn huyện có 6.695 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ tới 34,59% trên tổng số hộ. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo đã giảm đáng kể xuống còn 5.329 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,58% trên tổng số hộ.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Tuy tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh nhưng chưa thực sự bền vững. Nguồn vốn thực hiện các dự án còn thấp, một số công trình xây dựng quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, đối tượng đầu tư hạn chế khó lồng ghép các chương trình, dự án. Do hộ thoát nghèo có mức thu nhập thấp và nguồn thu chưa ổn định, phát triển sản xuất chưa bền vững, nên dễ bị tái nghèo. Phong tục tập quán, cộng với chính sách ưu đãi dành cho xã nghèo, thôn nghèo, hộ nghèo, nên hầu hết đối tượng tách hộ người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có tuổi đời dưới 30 tuổi đều thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo. Đại bộ phận hộ nghèo trên địa bàn huyện đều thuộc các xã vùng bản, dân tộc ít người, có trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Một số hộ nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của chính mình, thiếu quyết tâm vươn lên để vượt nghèo, có tâm lý trồng chờ, ỷ lại, chây lười không chịu khó vận động để tự vươn lên thoát nghèo. Các chương trình tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi chưa nhiều hoặc chưa đáp ứng với khả năng thiếp thu của người nghèo; hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo chưa cao.
Vì vậy, trong thời gian tới để công tác giảm nghèo ngày càng phát huy hiệu quả, thì trước tiên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số cách thức làm ăn, tiết kiệm. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để hướng dẫn hỗ trợ các hộ nghèo trên địa bàn. Huy động cộng đồng, vốn tự có của nhân dân, vốn tín dụng ưu đãi cho người nghèo thực hiện các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trước hết là giao thông, thông tin liên lạc để kết nối với vùng phát triển nhằm thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm do đồng bào sản suất ra. Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho người nghèo. Ngoài ra, cần quan tâm đến đội ngũ làm công tác giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; vì hiện nay cán bộ làm công tác giảm nghèo còn phụ trách rất nhiều lĩnh vực nên đã ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Với những kết quả đạt được về thực hiện công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hướng Hoá đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo nên diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, biên giới quốc gia được đảm bảo, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường và củng cố./.
 

[1] Báo cáo của UBND huyện Hướng Hoá ngày 29/01/2019 về Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo trên địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây