Học tập “đức tính thật thà” trong phẩm chất “ nói đi đôi với làm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Thứ bảy - 05/12/2015 16:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lê Quang Thể
Phòng Đào tạo
“Nói đi đôi với làm” là một trong những phẩm chất sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Sinh thời, Bác thường nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho dân tin, nói và làm cho nhất quán”. Với quan niệm đó, trong suốt cuộc đời mình, Người đã gương mẫu thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ: nói đi đôi với làm. Một trong những biểu hiện của phẩm chất “Nói đi đôi với làm” là đức tính thật thà, nhất là thật thà trong phê bình và tự phê bình của Bác.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm và đòi hỏi các tổ chức Đảng, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình. Theo Người đảng viên, cán bộ “cần phải có sự thành thực, tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”, “đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân”, “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. Không thật thà trong phê bình và tự phê bình, trong công việc được giao là thường giấu giếm khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, cho cấp dưới, cho đồng nghiệp hoặc người dưới quyền. Là biểu hiện tư tưởng cơ hội, không trung thực với Đảng, không thật thà với đồng chí, đồng nghiệp. Do đó, theo tôi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí minh năm 2014 với trọng tâm là “Nói đi đôi với làm”, thì điểm mấu chốt là đức tính thật thà, trung thực trong công việc nhất là trong phê bình và tự phê bình. Thật thà tự phê bình và phê bình để hoàn thiện những khiếm khuyết về tư tưởng và hành vi, về đạo đức và lối sống. Chính thực hiện tốt đức tính đó theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không những làm cho hình ảnh người đảng viên, cán bộ ngày càng đẹp lên trong con mắt của nhân dân, mà còn là động lực quan trọng góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thật thà tự phê bình là một trong những vấn đề mấu chốt, có tính đột phá góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng nhằm thực hiện thành công tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Để tăng cường xây dựng đức tính thật thà theo tôi cần thực hiện những vấn đề sau:
Thứ nhất, muốn thực hiện tốt đức tính thật phải đi liền với dũng cảm. Chính sự thật thà, dũng cảm mới có thể thấy được cái yếu, khuyết điểm của mình và đồng chí của mình để đưa ra ánh sáng trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan. Nếu thật thà mà không dũng cảm thì khó được coi trọng và được đánh giá đúng đức tính này. Hiện nay, đức tính thật thà có biểu hiện xem nhẹ, thậm chí còn cho là lỗi để không sử dụng, trọng dụng những người theo quan niệm: Anh ta tốt, có năng lực nhưng thật thà quá đã xuất hiện trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ ở một số cơ quan, tổ chức.
Thứ hai, để đảng viên, cán bộ thật thà tự phê bình, trước hết chú trọng giáo dục, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất, đạo đức, khơi dậy lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, phải xác định, quán triệt kỹ đức tính thật thà tự phê bình là trách nhiệm và là biểu hiện nhân cách cần có của người cán bộ, đảng viên; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thấm nhuần sâu sắc phẩm chất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thật thà trong phê bình và tự phê bình; trong công việc, vị trí mà mình đang đảm nhận .
Chỉ có như vậy chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ, cơ quan mới thực sự là “thang thuốc hay nhất” để “phần tốt ở trong người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi” nhằm củng cố vị thế, uy tín của cá nhân và cao hơn nữa là của Đảng, của chế độ làm tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Để kết luận bài viết này, tôi xin mượn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ngày 28-2-2012, chỉ rõ: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.