TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

 
Hoàng Thị Thu
GV Khoa Lý luận cơ sở
 
Cứ mỗi độ tháng 5 về lòng mỗi người chúng ta lại bâng khuâng nhớ về Bác - Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người là hiện thân của tinh hoa, khí phách của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh đã tập hợp, phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của cả dân tộc để tạo thành tổng hợp lực đánh bại các thế lực thù địch ngoan cố và phản động nhất. Khối đại đoàn kết dân tộc được xây dựng theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ mãi là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trải qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác luôn là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc vượt qua bao khó khăn, gian khổ đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Gần 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ từ lúc rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tư tưởng đại đoàn kết và coi đó là một sức mạnh vô địch. Bác không chỉ đặt yếu tố này trong các vấn đề lớn ở tầm chiến lược và phương pháp cách mạng của đất nước mà còn vận dụng ngay cả trong thực tiễn hoạt động của mình. Từ các bài viết, cuộc nói chuyện hay cả những công việc tưởng như của cá nhân, Bác vẫn luôn vận dụng một cách sáng tạo, tinh tế để mọi người thấy được tầm quan trọng của đại đoàn kết. Trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc được hình thành và phát triển trên một nền tảng lý luận khoa học và thực tiễn phong phú sâu sắc, được thể hiện tập trung ở các quan điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”…
 Thứ hai, đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Người khẳng định: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong tám chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Nhiệm vụ của tuyên huấn trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được: “Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập”; “còn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa: “Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”. Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu của Đảng mà còn là nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phải do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng, chuyển những nhu cầu, đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết dân tộc; tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con người. Nói cách khác chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh chính là sự hợp điểm giữa ý Đảng và lòng dân.
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân. “Dân” và “Nhân dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minhvừa được hiểu với tư cách mỗi con người Việt Nam cụ thể, vừa là một tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, với những mối liên hệ cả quá khứ và hiện tại, họ đều là chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến đại đoàn kết dân tộc cũng có nghĩa là phải tập hợp mọi người dân vào trong một khối trong cuộc đấu tranh chung. Người đã nhiều lần nói rõ: “Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Như vậy, biên độ của khối đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh được mở rộng một cách tối đa, vô cùng rộng rãi, vô cùng to lớn.
Thứ tư, trên cơ sở nhận thức đại đoàn kết là để tạo nên lực lượng cách mạng, để làm cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: đại đoàn kết phải biến thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất của tổ chức và tổ chức đó là Mặt trận dân tộc thống nhất. Tùy vào những điều kiện cách mạng cụ thể của từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử khác nhau, Mặt trận đã tồn tại với những tên gọi khác nhau, ở những quy mô khác nhau, song về thực chất các tổ chức đó chỉ là một. Đó là tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, các tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ năm, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh luôn được xây dựng, hoàn thiện và tuân theo những nguyên tắc nhất quán đó là: phải bảo đảm lợi ích tối đa của dân tộc, lợi ích của nhân dân lao động và quyền của con người; phải tin vào dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân… Chính nhờ những nguyên tắc này mà tư tưởng của Người luôn có giá trị trong hôm nay và mãi về sau.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã chứng minh hùng hồn sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Từ chỗ là tư tưởng của lãnh tụ đại đoàn kết dân tộc đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, trở thành niềm tin,  sức mạnh của cả dân tộc. Sức mạnh ấy chính là nguồn gốc sâu xa làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bước sang thời kỳ đổi mới, nhận thức tầm quan trọng của vấn đề đại đoàn kết dân tộc, Bộ Chính trị khóa VII đã ra Nghị quyết 07/NQ-TW “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất”. Nghị quyết này đã phản ánh tập trung nhất sự kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong sự nghiệp đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, vấn đề đại đoàn kết dân tộc đã được đặt ở một tầm cao mới, nhằm phát huy sức mạnh của toàn dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 26-6-1999, lần đầu tiên Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ban hành, trong đó khẳng định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đây thực sự là bước phát triển mới của Mặt trận, của khối đại đoàn kết toàn dân để đưa đất nước tiến vào thế kỷ XXI. Thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Qua thực tiễn hơn 34 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn. Đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua khó khăn thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Năm 2020 với những sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, 75 năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 45 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước… Đặc biệt, năm 2020 là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là sự kiện chính trị trọng đại nhất, mong đợi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đất nước, quê hương đang bước vào những ngày tháng 5 lịch sử với thế và lực mới. Chúng ta tự hào về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, toàn thể cán bộ và nhân dân cả nước càng tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng đồng lòng ra sức thi đua thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.
Trước những biến đổi sâu sắc của đời sống chính trị - xã hội, quá trình hội nhập, xây dựng đất nước có nhiều thời cơ cũng lắm thách thức. Bài học xuyên suốt lịch sử của dân tộc là “kết lại thành giàu, chia nhau thành khó” lẻ sống đó được Bác Hồ vĩ đại của chúng ta khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Tư tưởng đó của Người được Đảng ta vận dụng và tiếp tục phát huy trong thời đại ngày nay để động viên, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Người hằng mong muốn./.
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây