TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Giữ gìn văn hóa gia đình trong thời kỳ Công nghệ thông tin

 
   CN.Nguyễn Thị Như Quỳnh
     Khoa LL M-LN, TT HCM
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt(1). Như vậy, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường định hướng XHCN, thời kỳ khoa học công nghệ thông tin đã làm thay đổi mạnh mẽ đến đời sống của mỗi người, làm ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá gia đình. Có thể nói rằng mạng internet đang phủ sóng toàn cầu, con người sử dụng mạng xã hội mọi lúc mọi nơi. Sự giao lưu, hội nhập công nghệ giữa các quốc gia đã mang đến cho mỗi người, mỗi gia đình nhiều cơ hội ứng dụng thiết thực như:
Một là, thông qua mạng internet các thành viên trong gia đình có thể lựa chọn nhiều loại hình giải trí khác nhau: trò chuyện, email, đọc tin tức, xem phim ảnh, chia sẻ thông tin với nhau trên mạng xã hội...đồng thời qua mạng xã hội, mỗi gia đình có thể trò chuyện trực tuyến với nhau, nắm bắt thông tin nhanh,mở rộng giao lưu với bạn bè mà không còn lo bị trở ngại về mặt địa lý, từ đây các thành viên trong gia đình có cơ hội xây dựng các mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Hai là, các gia đình có thể mua sắm hàng online rất tiện ích thông qua mạng xã hội, phụ nữ tiết kiệm được nhiều thời gian để nghĩ ngơi, chỉ cần tham khảo trực tuyến các chị em đặt hàng và sẽ được giao hàng về tận nơi. Đồng thời, thông qua mạng xã hội, mọi người có thể làm thêm bằng cách tham gia kinh doanh bán hàng onine, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Ba là, thông qua mạng internet mọi người hợp tác với nhau mang lại những lợi ích thiết thực như: học hỏi trao đổi những kỷ năng, kiến thức để phục vụ cho công việc và cuộc sống hằng ngày; đây cũng là môi trường để cho mỗi người mạnh dạn thể hiện quan điểm, sở thích, tâm tư, tình cảm của cá nhân, để các thành viên trong gia đình có thể hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.
Bốn là, thông qua công nghệ thông tin thì trẻ em cũng có thể sử dụng internet làm phương tiện học tập hay chơi các trò chơi mang tính giáo dục, rèn luyện khả năng tư duy, cũng như học hỏi nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho việc học tập tốt hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã và đang mang lại không ít tiêu cực tác động trực tiếp đến mỗi chúng ta, đến từng gia đình. Chẳng hạn như, nó đã vô hình trở thành tác nhân phá vỡ sự liên kết trong gia đình, khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lạnh nhạt hơn. Trước kia, giờ cơm tối là lúc gia đình quây quần bên nhau, bố mẹ hỏi han chuyện học hành của con cái, hay kể cho nhau những chuyện buồn vui xảy ra trong ngày để cùng nhau chia sẻ. Còn bây giờ, sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi, họ vẫn quây quần bên bữa cơm, nhưng lại vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình tivi, vào điện thoại thông minh, vào các thiết bị công nghệ…chiếc smartphone gần như trở thành vật bất li thân và sau khi dùng bữa xong, mỗi thành viên lại dùng những thiết bị đó để phục vụ cho những nhu cầu giải trí riêng của mình. Những cuộc trò chuyện cứ như vậy mà ít dần đi, sự lắng nghe, chia sẻ để hiểu nhau hơn cũng không còn. Mỗi người trong gia đình đều không còn tâm sự với nhau những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Gia đình không còn là mái ấm yêu thương mà lại trở thành nơi để ứng dụng những thành tựu công nghệ. Mỗi thành viên chìm đắm trong không gian riêng của mình, để kết nối với thế giới bên ngoài ít kết nối các thành viên trong gia đình. Cứ như vậy, ngày càng khiến tình cảm giữa các thành viên dần lạnh nhạt, khô cứng, mỗi người không còn quan tâm với nhau, hạnh phúc gia đình cũng từ đó suy giảm và trở nên “mong manh”; sự lạm dụng công nghệ thông tin cũng gây ảnh hưởng cả đến thể chất, tinh thần lối sống và thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Thời gian dành cho việc sử dụng các thiết bị này đã chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi, bạn bè, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng… Những thiết bị công nghệ đã khiến các thành viên gia đình có xu hướng thức khuya và dậy muộn hơn chỉ để thực hiện những việc như: chơi game, xem phim hay giao tiếp với bạn bè qua mạng xã hội. Chính vì vậy, nó làm giảm sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, có những hành động mang tính bạo lực, ảnh hưởng đến công việc cũng như ảnh hưởng cả tới những mối quan hệ xã hội bên ngoài và nhiều cặp vợ chồng ly hôn cũng xuất phát từ những tin nhắn, mạng xã hội; công nghệ thông tin còn có tác động xấu tới trẻ em, tương lai của mỗi gia đình. Đặc biệt, ngày nay trẻ em được tiếp cận với những thiết bị thông minh từ rất sớm và sử dụng hàng ngày, những việc tưởng như đơn thuần như nhiều ông bố, bà mẹ coi đây là cách để dỗ dành hay giữ cho trẻ ngồi yên, không chạy nhảy, đùa nghịch, phá phách để yên làm việc khác; hoặc cũng có những người dùng nó làm phần thưởng để dỗ trẻ em không nghe lời. Người lớn chỉ cần đưa cho trẻ em một chiếc smartphone hay máy tính bảng là họ hoàn toàn có thể thực hiện công việc mà trẻ em không làm phiền. Nhưng làm như vậy khiến cho các trẻ sau này luôn lấy đó ra làm thứ để mặc cả và ngày càng khó bảo hơn, nếu không có thì sẵn sàng gào khóc đòi cho bằng được, nếu bị bắt ngừng chơi thì gắt gỏng, thậm chí còn cải lại. Sự thiếu quản lý về thời gian của bố mẹ dẫn đến việc trẻ sử dụng quá nhiều, tới mực nghiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của chúng sau này. Nếu chúng ta để trẻ em phụ thuộc vào các thiết bị thông minh quá lớn sẽ làm cho trẻ thiếu tính thực tế, suy nghĩ lệch lạc, nguy cơ tự kỹ rất cao, sống khép kín, dễ mắc bệnh trầm cảm… sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất lẫn tinh thần cho trẻ và ảnh hưởng đến sự phát triển tương lai sau này.
Để mạng internet thực sự là phương tiện truyền thông hữu ích cho mọi gia đình trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, theo tôi mỗi gia đình cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất,các thành viên trong gia đình cần tự tìm hiểu nhằm trang bị những kiến thức về sử dụng các thiết bị công nghệ một cách thiết thực cho cuộc sống của mình. Mỗi gia đình cần hiểu rõ, nhận thức đúng lợi ích, cũng như những tác hại của công nghệ thông tin gây ra, từ đó biết được nên sử dụng lúc nào và khi nào để phát huy vai trò của nó.
Hai là, người lớn cần hướng dẫn và chỉ bảo con em mình sử dụng công nghệ thông tin, các thiết bị thông minh trong trường hợp nào, lúc nào mới sử dụng. Phát huy truyền thống gia đình Việt Nam, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chia sẻ cùng con cái, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của con để điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng để trẻ em cảm thấy cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình, từ đó trẻ dễ bị sự lôi kéo vào sự say mê mạng internet, nghiện game, nghiện phim ảnh đồi trụy đây là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội.
Ba là, mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian tham gia học tập nâng cao trình độ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thể dục thể thao, giải trí lành mạnh, hướng cho trẻ con tham gia các trò chơi dân gian để rèn luyện sức khỏe như: đá bóng, nhảy dây, kéo co.. và các trò chơi phát huy tính sáng tạo như: nặn đất sét, xếp hình, vẽ tranh... để nâng cao trí lực và thể lực xây dựng gia đình văn hóa hiện đại, góp phần làm cho quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.
Bốn là, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa gia đình, nhà trường và xã hội để tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh; nhà trường chú trọng giáo dục học sinh, cha mẹ quan tâm giáo dục con cái nhằm định hướng cho chúng nhận thức về ưu điểm, khuyết điểm của mạng internet để trở thành người dùng công nghệ thông tin thông thái, biết chắt lọc những thông tin đúng, loại bỏ những cám dỗ, những quan điểm lệch lạc của thời đại công nghệ phát triển.
Như vậy, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã làm cho mọi mặt đời sống xã hội thay đổi. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích cũng như những tác hại mà mạng internet và các thiết bị thông minh mang đến cho con người. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực còn tùy thuộc vào cách thức sử dụng của mỗi người, mỗi gia đình. Do vậy, mỗi người cần phải nhận thức được lợi ích, nguy cơ của công nghệ thông tin, từ đó chủ động sử sụng thiết bị thông minh một cách thông minh nhất nhằm phát huy được hiệu quả của nó, thiết lập mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên trong gia đình, từ đây hạnh phúc gia đình được giữ vững tạo điều kiện thúc đẩy xã hội ngày càng phát triển.
Tài liệu tham khảo:
 1. Bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, tháng 10-1959. 
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây