TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Ghi nhận từ chuyến đi nghiên cứu thực tế ở xã Vĩnh Khê

CN. Nguyễn Thị Như Quỳnh (Khoa LL MLN, TTHCM)
     Vĩnh Khê là một xã miền núi của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, có diện tích tự nhiên 2.470 ha, với hơn 90% dân số của xã là đồng bào dân tộc BruVân Kiều. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với địa bàn hiểm trở, có tuyến đường Trường Sơn đi qua,Vĩnh Khê có vị trí chiến lược quan trọng để xây dựng kho tàng dự trữ lương thực,vũ khí, bệnh viện, thuốc men và tập kết quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Đảng bộ và quân, dân xã Vĩnh Khê đã lập nên những chiến công vang dội ở Khe Xanh, Khe Cau, đồi Thi Ve, ngã ba Đầu Đạn…góp phần giải phóng quê hương thống nhất đất nước.
     Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Khê luôn quyết tâm đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy về đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ xã Vĩnh Khê đã đề ra nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh nhiệm kỳ 2010 - 2015.
     Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2010- 2015, xã Vĩnh Khê đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trên lĩnh vực kinh tế có bước tăng trưởng khá, diện tích cao su của xã đã tăng so với năm 2014, xã tập trung mở rộng vốn đầu tư thâm canh lúa nước, kết hợp với trồng thêm được hàng trăm hécta sắn, ngô, khoai, lạc với sản lượng quy thóc đạt 158 tấn, đảm bảo ổn định đời sống lương thực trên địa bàn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng có bước tăng trưởng khá, đàn trâu, bò gần 500 con. Đặc biệt xã Vĩnh Khê luôn làm tốt công tác tiêm phòng vắc xin phòng dịch nên đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Công tác trồng và tu bổ rừng cũng được đẩy mạnh, trong 5 năm,Vĩnh Khê đã trồng mới được 290 ha rừng; công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được quan tâm chú trọng, tăng độ che phủ lên đạt 90%. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường được quan tâm đúng mức, trên 85% số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ cần được quan tâm đẩy mạnh, trên địa bàn có 15 cơ sở kinh doanh và điểm buôn bán nhỏ lẻ…
      Năm 2015 thu nhập bình quân đầu người đạt 15.121.000 đồng. Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo trường học, xây dựng sân chơi cho trường tiểu học. Qua đó, giáo dục đào tạo phát triển đồng đều ở tất cả các cấp học, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên, nhiều em học sinh người dân tộc Bru Vân Kiều học ở trường trung học phổ thông nội trú đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Về y tế, xã đã nâng cấp trạm xá nên bước đầu việc chăm sóc sức khỏe cho bà con được đảm bảo; làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường cán bộ y tế và trang thiết bị phục vụ cho khám chữa bệnh ở các thôn, bản. Các chiến dịch truyền thông dân số, giáo dục sức khỏe sinh sản được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. Quốc phòng – an ninh được đảm bảo, phong trào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng cụm phát triển kinh tế gắn với an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu; quản lý tốt lực lượng dự bị động viên, thực hiện tốt công tác tuyển quân hằng năm nhằm đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Công tác xây dựng Đảng có nhiều tiến bộ rõ nét, cán bộ, đảng viên học tập đầy đủ các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy. Bên cạnh đó Đảng, Nhà nước luôn có các chính sách quan tâm thiết thực đến nhân dân như: Chương trình hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, tặng quà động viên cho học sinh vào các dịp lễ tết, cấp gạo, muối cứu đói cho bà con, đỡ đầu cho các thôn đặc biệt khó khăn để giảm nghèo; cấp tiền điện cho 85 hộ nghèo của Chính phủ hỗ trợ người dân tộc thiểu số theo đúng quy định.
     Bên cạnh một số kết quả đạt được, quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của xã Vĩnh Khê còn gặp nhiều khó khăn: Đời sống của nhân dân còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế, các dịch vụ buôn bán chưa phát triển. Nguồn thu trên địa bàn rất ít, địa hình địa bàn rộng, khoảng cách từ trung tâm xã đến địa bàn cuối cùng của xã là 15 km trong khi cơ sở hạ tầng như điện, đường còn nhiều hạn chế. Diễn biến lụt bão, thiên tai xảy ra nhiều ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của người dân. Một số cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách xã về chuyên môn còn nhiều hạn chế nên giải quyết một số công việc chưa kịp thời, công tác chỉ đạo chưa sâu sát.      
     Xuất phát từ thực tiễn đó, Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ xã Vĩnh Khê đề ra nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh  tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm tới. Trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo. Phát triển nguồn lực con người và đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.  Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác quốc phòng toàn dân nhằm thúc đẩy nền kinh tế xã nhà phát triển bền vững. Tiếp tục tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nhà nước và nhân dân cùng làm.
     Qua  chuyến đi nghiên cứu thực tế ở xã Vĩnh Khê, xin đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra của xã nhà như sau:
     Một là, tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng ủy, phát huy tối đa năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước và các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XV của xã về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 – 2020, mục đích sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực từ các chương trình dự án đầu tư một cách hiệu quả nhằm khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của xã.
     Hai là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, phát triển sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích gắn với hiệu quả kinh tế. Chú trọng công tác giao đất, giao rừng bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có nhu cầu làm rừng để người dân yên tâm canh tác. Trong chăn nuôi, trồng trọt có các chương trình đỡ đầu hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ nhân dân bằng vật nuôi,..góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
     Ba là, chú trọng việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ xã nhà. Thực tế trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của xã Vĩnh Khê còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy xã cần đặc biệt chú trọng phát triển nguồn lực con người. Đây là khâu đột phá để Vĩnh Khê thực hiện được nhiệm vụ đặt ra hiện nay.
     Bốn là, xác định địa phương là một xã miền núi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình  nên vấn đề giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cần được quan tâm  bằng các việc làm thiết thực như: đẩy mạnh công tác tạm trú tạm vắng, thực hiện tốt công tác tuần tra, canh gác ngày lễ tết. Phối hợp với nhân dân để giữ gìn trật tự xã hội, xã đã tổ chức các diễn đàn như “Công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, tạo sự gắn kết giữa nhân dân với chính quyền, đảm bảo an toàn xã hội bền vững.
     Với truyền thống của xã Anh hùng trong kháng chiến cũng như kiến quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, xã Vĩnh Khê sẽ vượt lên những khó khăn, tích cực học tập, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào trong sản xuất để tăng năng suất lao động, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đổi mới công tác cán bộ, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn, phấn đấu  xây dựng xã nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây