TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Ghi nhận những kết quả bước đầu từ hình thức thao giảng ở Trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị

ThS. Nguyễn Thị Chính
            Thao giảng là một hoạt động chuyên môn của Nhà trường qua đó nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy đối với từng giảng viên, đồng thời thông qua hình thức này, giảng viên có cơ hội tiếp thu ý kiến đóng góp của đồng nghiệp nhằm hoàn thiện bài giảng của mình. Đây là một bước quan trọng nhằm nâng cao chất lượng bài giảng trước khi lên lớp.
Trường Chính trị Lê Duẩn với nhiệm vụ chủ yếu là giảng dạy nên việc nâng cao chất lượng bài giảng là một việc vô cùng quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm đến công tác này. Hằng năm, Nhà trường thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp… để nắm rõ hơn tình hình giảng dạy của từng giảng viên, bài giảng nào tốt thì cần phát huy, bài giảng nào chưa đạt yêu cầu thì họp góp ý, trao đổi lại sau tiết giảng.
Để thực hiện mục tiêu trên của Nhà trường, tháng 4 vừa qua khoa Nhà nước và Pháp luật đã tiến hành thao giảng đối với hai giảng viên của khoa. Thông qua hình thức này, giảng viên có điều kiện rèn luyện thêm kiến thức lẫn kỹ năng để nâng cao chất lượng bài giảng cho các buổi lên lớp cũng như hướng đến tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp sẽ được tổ chức trong thời gian tới.
            Hình thức thao giảng được tiến hành như sau: Khoa Nhà nước và Pháp luật đăng ký kế hoạch thao giảng, sau khi được Ban Giám hiệu phê duyệt khoa đã tiến hành thao giảng đối với từng giảng viên. Thành phần tham dự buổi thao giảng gồm có: Ban Giám hiệu nhà trường, đồng chí Trưởng phòng Khoa học và đồng chí Trưởng phòng Đào tạo cùng với giảng viên và giảng viên kiêm chức của khoa. Đồng nghiệp tham dự nghe giảng vừa cho ý kiến nhận xét, góp ý đồng thời  vừa được giả định là học viên. Trước đó, giảng viên đã đăng ký bài nào thì sẽ giảng bài đó, thời gian giảng là một tiết. Sau tiết giảng, các thành viên tham dự cho ý kiến góp ý từng mục, từng phần trong nội dung tiết giảng. Các ý kiến góp ý được trao đổi thẳng thắn, chân thành với mục đích xây dựng. Hầu hết các giảng viên khi đăng ký thao giảng chuẩn bị bài rất kỹ lưỡng, chủ động về kiến thức lẫn kỹ năng trong quá trình chuyển tải các nội dung, tuy nhiên, một số giảng viên (đặc biệt là các giảng viên trẻ) cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng khi giảng trước đồng nghiệp. Đây là một áp lực nhưng cũng chính nó lại làm cho người giảng phải cố gắng hơn để hoàn thành tốt bài giảng của mình. Hơn thế nữa, thông qua hình thức này, người giảng có cơ hội nhận được những ý kiến góp ý, chia sẽ từ các đồng nghiệp, tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu cho bản thân.
            Qua thực tế thao giảng tại khoa Nhà nước và Pháp luật có thể thấy được những kết quả tích cực mà hoạt động thao giảng đem lại, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó vẫn thấy một số hạn chế như sau:
           Thứ nhất, buổi thao giảng chỉ tiến hành trong thời gian một tiết, trong khi một bài giảng thường là 4-8 tiết đối với chương trình trung cấp lý luận chính trị - hành chính và 12 đến 16 tiết đối với chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, cho nên người giảng chỉ có cơ hội được trình bày trong một tiết, người tham dự cũng chỉ được nghe và chỉ cho ý kiến góp ý trong nội dung của tiết giảng đó chứ chưa góp ý được đối với nội dung của cả bài giảng.
          Thứ hai, vì đây là một buổi thao giảng, thành phần tham dự là những đồng nghiệp trong nhà trường mà không có học viên, đây sẽ một hạn chế khi người giảng muốn đặt câu hỏi ở một số nội dung của bài.
         Thứ ba, tâm lý e ngại vẫn còn ở xuất hiện ở người giảng khi thành phần tham dự  là những đồng nghiệp của mình. Họ đóng vai trò vừa là người dự, lắng nghe để cho ý kiến góp ý nhưng vừa được giả định là học viên. Tuy vậy trong suy nghĩ của người giảng, nếu giảng trước học viên thì sẽ tự tin hơn khi giảng trước đồng nghiệp của mình. Chính điều này đã làm cho người giảng chưa thực sự chủ động trong quá trình giảng bài.
Để hình thức thao giảng mang lại kết quả hơn, thực sự thu hút các giảng viên hào hứng tham gia để họ có cơ hội rèn luyện và nâng cao “tay nghề” của mình, cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
          Một là, các khoa nên sắp xếp, bố trí thời gian để cho mỗi giảng viên có thời gian được giảng trọn bài giảng của mình. Thông qua buổi giảng đó, người nghe sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về những nội dung mà người giảng muốn truyền đạt, từ đó sẽ cho ý kiến góp ý xác đáng hơn nhằm giúp người giảng hoàn chỉnh trọn vẹn cả bài giảng của mình.
          Hai là, Nhà trường nên bố trí một nhóm học viên cùng tham dự buổi thao giảng, họ vừa là làm đối tượng trả lời khi giảng viên đặt câu hỏi, vừa có cái nhìn đa chiều khi nhận xét góp ý sau buổi giảng cho giảng viên với tư cách là một người học thực thụ, bởi vì với hình thức thao giảng không có học viên mà chỉ là những đồng nghiệp thì họ sẽ có một cách nhìn khác hơn so với đối tượng là học viên trong nhà trường.
           Ba là, mỗi giảng viên cần phải làm chủ kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm  thì dù giảng ở bất cứ đối tượng nào người giảng cũng sẽ chủ động, tự tin. Muốn vậy, người giảng phải thực sự xem đây là một cơ hội cho bản thân mình được thể hiện kiến thức, sự hiểu biết của bản thân đồng thời được đồng nghiệp góp ý, có như vậy, giảng viên mới thực sự “thăng hoa” trong từng nội dung của bài giảng.
           Cần khẳng định rằng, thao giảng là một hình thức rất quan trọng, có ý nghĩa trong việc hoàn thiện kiến thức lẫn kỹ năng cho người giảng viên. Để mỗi bài giảng được hay hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn đối với người học thì phương pháp truyền đạt lẫn chiều sâu kiến thức là một phần quan trọng. Và thao giảng sẽ là một hình thức nhằm bổ sung những điều ấy. Qua thực tế thao giảng tại khoa Nhà nước và Pháp luật, với những kết quả tích cực mà hình thức này mang lại, thiết nghĩ trong thời gian tới, Nhà trường nên chú trọng và nhân rộng hình thức này đến với từng giảng viên, trở thành một hoạt động thường  xuyên và bổ tích trong chuỗi hoạt động nhằm nâng cao chất lượng bài giảng./. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây