TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Dự thảo luật đất đai 2013 tạo động lực cho phát triển nông nghiệp

Đất đai không chỉ là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của quốc gia mà còn là tài sản, là tư liệu sản xuất đặc biệt của người nông dân Việt Nam. Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng một cách hợp lý và có hiệu quả luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Luật Đất đai năm 2003 được Quốc Hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 26 tháng 11 năm 2003. Trong đạo luật này có các quy định về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân. Cụ thể:

* Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân
Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“1. Thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 70 của Luật này là hai mươi năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 70 của Luật này là năm mươi năm.
Thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá hai mươi năm; thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá năm mươi năm.
Thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 1993.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt;
2. ...
3. Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá năm mươi năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá bảy mươi năm.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt”;
Với quy định trên trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập:
Một là, Luật chưa bảo đảm sự ổn định trong sử dụng đất nông nghiệp, bởi cứ hết hạn 20 năm, người nông dân phải thực hiện việc xin cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được tiếp tục sử dụng, còn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thực hiện việc xác nhận cho những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả để họ được tiếp tục sử dụng. Điều này vừa tạo tâm lý bất an, vừa gây khó khăn cho người sử dụng đất và không loại trừ nguy cơ tham nhũng trong các cơ quan quản lý.
Hai là, trong thời hạn 20 năm đó, người nông dân chỉ nghĩ đến việc khai thác, vắt kiệt sức của đất, còn không quan tâm đến việc đầu tư, cải tạo và bồi bổ đất. Vì vậy, năng suất và sản lượng không thể tăng, động lực sử dụng đất nông nghiệp cạn dần.
Ba là, Luật chưa tạo được sự công bằng trong sử dụng đất nông nghiệp giữa một bên là hộ gia đình, cá nhân(20 năm) với một bên là doanh nghiệp(50 năm).
* Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhânĐiều 71 khoản 3 Luật Đất đai năm 2003 quy định:
“3. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định”. 
Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11, ngày 21/6/2007của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân. Theo Điều 2 của Nghị quyết, mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân là gấp đôi hạn mức giao đất của Nhà nước. Ở Điều 3 Nghị quyết quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này mà hợp đồng hoặc văn bản chuyển quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực từ trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền”. Điều này có nghĩa rằng: những trường hợp đã nhận chuyển nhượng trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì không bị coi là vượt hạn mức và được sử dụng bình thường. Nghị quyết không quy định việc xử lý những người sử dụng đất vượt hạn mức sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành. 
Thực tiễn sử dụng đất nông nghiệp ở nhiều địa phương cho thấy: người sử dụng đất đã thực hiện những hành vi nhằm “lách luật” để có được diện tích đất nông nghiệp lớn phát triển sản xuất và cũng có nhiều hộ gia đình, cá nhân đất vượt hạn mức sau ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành nhưng không bị xử lý.
Như vậy, với thời hạn giao đất là 20 năm và với mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là gấp đôi thì có thể nhận xét rằng: thời hạn quá ngắn và hạn mức quá hẹp để người nông dân đầu tư vào đất nhằm tăng năng suất và sản lượng.
Để hoàn thiện cơ sở pháp lý về đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, đồng thời để thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong chươngX Dự thảo Luật Đất đai năm 2013
Đã điều chỉnh về thời hạn giao đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân, đồng thời bổ sung quy định mới về đất trồng lúa. Cụ thể là:
* Dự thảo Luật nâng thời hạn giao đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân từ 20 năm lên 50 năm.Điều 124 Dự thảo viết:
“1. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng theo quy định tại các khoản 1, 2, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 127 của Luật này là 50 năm.
Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá 50 năm.
Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất nhưng không quá thời hạn quy định tại khoản này nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng chấp hành đúng quy định của pháp luật về đất đai”.
Việc kéo dài hạn giao đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân từ 20 năm lên 50 năm nhằm giải quyết những vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai hiện hành.
* Dự thảo Luật mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân.
Theo Điều 128 Dự thảo:
“1. Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 127 của Luật này.
2. Chính phủ quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể theo từng vùng và từng thời kỳ”.
Cùng với việc kéo dài hạn giao đất nông nghiệp, Dự thảo Luật cho phép hộ gia đình và cá nhân được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp gấp 10 lần so với hạn mức giao đất, thay vì chỉ hai lần theo pháp luật hiện hành. Quy định mới này phù hợp với thực tiễn sử dụng đất nông nghiệp của nhiều hộ gia đình, cá nhân hiện nay, vừa là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm tạo tâm lý ổn định cho người sử dụng đất đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên quy mô lớn. Quy định mới này còn nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX về khuyến khích tích tụ ruộng đất trong hạn mức, đi lên sản xuất lớn để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, hiện đại.
* Dự thảo Luật bổ sung thêm quy định đối với đất trồng lúa.
Điều 132 Dự thảo quy định:
“1. Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa. 
Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.
2. Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản và vào mục đích phi nông nghiệp nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước thực hiện việc bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Chính phủ”.
Có thể thấy: Bên cạnh việc kế thừa quy định hiện hành đối với đất trồng lúa (khoản1, khoản2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2003), Dự thảo bổ sung khoản 3 để làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án có sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp mà phải chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước. Điều này thể hiện sự bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước đối với đất trồng lúa nhằm bảo đảm ổn định đời sống cho người nông dân và nhằm bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Đất đai là vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đất nước, đến đời sống của 70% dân số nước ta. Các quy định về chế độ sử dụng đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 như nguồn nước mát lành khơi dậy sức sống và khả năng sáng tạo của người nông dân, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp.

Ths. Cao Thị Hà
Khoa NN-P

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây