TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Đồng chí Lê Duẩn với quan điểm “Lao động, tình thương và lẽ phải”

 
Th.S. Lê Thị Thanh Nhạn
Khoa Xây dựng Đảng
        Là một nhà lý luận, nhà tư tưởng, một người lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và nhân dân ta, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Lịch sử ghi đậm những công lao to lớn của đồng chí trong nhiều thời kỳ, đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
        Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Duẩn luôn coi việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng yếu. Ước mong của đồng chí là xây dựng thành công một xã hội xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân no đủ, hạnh phúc, trong đó có giàu tình thương yêu với nhau. Quan điểm đó được đồng chí Lê Duẩn khái quát trong bài viết có tựa đề “Nắm vững quy luật, đổi mới quản lí kinh tế” trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu Khóa V, ngày 3/7/1984: “Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, đó là những phẩm chất cơ bản cần được bồi dưỡng và hoàn thiện để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống. Làm chủ tập thể chính là cái đúng, cái tốt và cái đẹp cao nhất mà con người đang vươn tới trong thời đại mới”[1]. Quan điểm mà Tổng Bí thư Lê Duẩn nêu lên ở đây, cô đúc lại là “Lao động, tình thương và lẽ phải”.
        Đối với “lao động”, đồng chí Lê Duẩn khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của lao động trong việc tạo ra con người và văn hoá: “Có lao động mới có con người, và có con người là có văn hoá”. Trong xây dựng chế độ mới, đồng chí nhấn mạnh vai trò tích luỹ của lao động để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn.
        Vào những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ XX giữa lúc nhân dân ta tập trung mọi trí tuệ, sức lực, của cải để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã sớm quan tâm đến nguồn lực con người, và hễ có dịp là nói đến con người mới Việt Nam. Sau câu nói nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Đồng chí Lê Duẩn muốn làm sáng tỏ con người mới xã hội chủ nghĩa bằng một luận điểm mới của mình, nhất là sau khi nước nhà đã thống nhất, cả nước đồng sức xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Theo đồng chí: “Con người mới xã hội chủ nghĩa là con người lao động Việt Nam làm chủ tập thể: tức là làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên và làm chủ bản thân mình. Đó là con người kết tinh những gì cao đẹp nhất trong truyền thống văn hóa Việt Nam, là con người lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, có năng suất cao, con người yêu lao động quý trọng và bảo vệ của công, tôn trọng các quy tắc của đời sống cộng đồng; là con người có tình thương yêu sâu sắc đối  đối với nhân dân lao động”[2].
        Lao động là phẩm chất hàng đầu của con người làm chủ tập thể, đó là lao động tự giác, sáng tạo, có ý thức trách nhiệm ngày càng cao. Chủ nghĩa xã hội đem giá trị của con người trả lại cho con người, mà sự thể hiện tập trung nhất là vai trò làm chủ trong lao động sáng tạo xây dựng cuộc sống mới. Con người làm chủ tập thể được hưởng quyền làm chủ và biết làm chủ, trước hết thể hiện trong hoạt động hằng ngày của mình đem lại hiệu quả cho xã hội, cho tập thể và cho cả bản thân mình. Làm theo năng lực và được phân phối theo lao động, đó là chân lý đơn giản, nhưng là nguyên tắc đạo đức cơ bản của chủ nghĩa xã hội.
        Để có tích luỹ, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ, một mặt, chúng ta phải ra sức tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, mặt khác, để gia tăng tích luỹ, chúng ta phải không ngừng nâng cao năng suất lao động. Biện pháp cơ bản để tăng năng suất lao động trong các cơ sở sản xuất là phải ra sức cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất lao động trong toàn xã hội là phải sử dụng hợp lý sức lao động xã hội và của cải hiện có, khai thác tốt tài nguyên đất nước.
        Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ con đường dẫn ta tới chủ nghĩa xã hội là nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất; cách mạng kỹ thuật; cách mạng tư tưởng và văn hóa. Ba cuộc cách mạng đó là ba mặt của một quá trình cách mạng thống nhất gắn bó mật thiết với nhau và tác động qua lại lẫn nhay, trong đó cách mạng kỹ thuật giữ vị trí then chốt, công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm, nhằm xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và những con người mới xã hội chủ nghĩa.
        Về “tình thương”, theo đồng chí Lê Duẩn: “Cái tinh túy nhất của đạo lý Việt Nam là lòng nhân ái, lòng trắc ẩn được xây dựng và phát triển qua học tập, rèn luyện để làm người. Nói đến rèn luyện con người trước hết là giáo dục lòng nhân ái của con người, vì lòng thương người là đạo lý của cuộc sống, là đạo lý làm người”[3]. Biểu hiện của đạo lý làm người đó theo ông là phải biết “sống đẹp”, “một cuộc sống đẹp nhất”
        Tháng 3-1968, phát biểu với đoàn viên và thanh niên Trường phổ thông cấp III Bất Bạt, Hà Tây, đồng chí nói: “Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh: thương nước, thương nhà, thương người, thương mình; đồng thời đấu tranh kiên cường bất khất, chống cường quyền chống xâm lược. Dân tộc ta có tinh thần yêu nước rất cao, đồng thời là một dân tộc giàu lòng nhân ái”.
        Tháng 6-1965, trong tác phẩm “Xây dựng tư tưởng làm chủ tập thể trên lập trường giai cấp công nhân”, đồng chí Lê Duẩn viết: “Lý tưởng của ta là xây dựng cuộc sống hạnh phúc lâu dài cho cả dân tộc ta. Con người không phải chỉ sống với miếng cơm manh áo mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Nay mai, dù cho đến khi chủ nghĩa cộng sản thành công thì câu ca dao Việt Nam vẫn làm rung động lòng người Việt Nam hơn hết”.
        Đồng chí phân tích sâu sắc cội nguồn tình thương, đặc biệt là lưu truyền văn hóa từ người mẹ. Trong bài phát biểu ý kiến tại Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ tư (4/3/1974), đồng chí nói: “Người phụ nữ Việt Nam là một trong những hình ảnh đẹp nhất của con người Việt Nam”. “Lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần bất khuất là truyền thống nổi bật của phụ nữ Việt Nam từ mấy ngàn năm nay, từ khi tổ tiên ta bắt đầu dựng nước...”. “Người mẹ sinh, nuôi con, dạy con, duy trì nòi giống, bảo đảm cho xã hội tồn tại và phát triển”. “Mỗi lời nói, mỗi nụ cười, mỗi nét mặt buồn hay vui của người mẹ đều in sâu vào tâm hồn đứa trẻ những ấn tượng mà đứa trẻ giữ mãi trong suốt cuộc đời. Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải, điều hay... chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hóa dân tộc từ đời này sang đời khác”[4].
        Tình yêu nước thương dân của người Việt nghìn đời chung đúc được nâng lên thành tình cảm cách mạng trong thời đại mới. Tình cảm cao đẹp đó theo đồng chí Lê Duẩn phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể không thể là lời nói suông, chung chung: “Người cán bộ nhìn một em bé ăn mặc rách rưới mà không thấy động lòng thì tình cảm cách mạng của người ấy đã “cạn đi’ rồi đấy”.
        Cả cuộc đời, nhất là những năm tháng cuối, đồng chí đã lo nghĩ rất nhiều về miếng cơm manh áo cho người dân. Tình thương ở đây không chỉ là tình cảm gia đình mà còn tình cảm đồng bào, đồng chí, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước. Trước lúc chia tay vợ, con để ở lại miền Nam, đồng chí Lê Duẩn nói với vợ: “Anh thương vợ con anh như thế nào, thì anh cũng thương đồng bào, đồng chí của mình như thế, cho nên anh phải ở lại, cùng với đồng bào, đồng chí miền Nam chiến đấu để giành độc lập thực sự”.
          Về lẽ phải, theo đồng chí Lê Duẩn, so sánh mạnh, yếu giữa ta và địch là phải so sánh lực lượng một cách tổng hợp, chứ không chỉ so sánh thuần về quân sự hoặc kinh tế. Đồng chí chỉ rõ nguyên nhân chúng ta đánh thắng đối phương do chúng ta đã tạo được sức mạnh tổng hợp lớn hơn lực lượng của đối phương: “Đó là sức mạnh tổng hợp về quân sự, chính trị, xã hội, văn hoá, sức mạnh của cả nước và của toàn dân đánh giặc, cả ở tiền tuyến và hậu phương, phát huy cao độ các yếu tố tư tưởng, ý chí và vật chất, kỹ thuậ”[5]. Với sức mạnh tổng hợp đó, sức mạnh kết tinh từ lẽ phải Việt Nam, chân lý Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Mỹ yếu hơn ta một cách tuyệt đối về chính trị, về văn hóa, đồng thời cũng thua kém ta về khoa học và nghệ thuật quân sự”.
        Sau này khi ra Hà Nội được Bác Hồ giao giữ vị trí cao, đồng chí đã dành toàn bộ tâm lực, trí lực cho việc nước nên đã có những quyết sách đúng đắn mà đỉnh cao là những quyết định táo bạo, quyết đoán về giải phóng miền Nam. Cũng xuất phát từ tình cảm yêu thương con người, yêu đất nước mà đồng chí luôn đấu tranh cho công bằng, lẽ phải. Thể hiện rõ nhất là ý thức không cam chịu ách thống trị của thực dân, không chịu cảnh nước lớn ức hiếp nước nhỏ. “Lẽ phải” ở đây còn là lý tưởng cách mạng, là “mặt trời chân lý”, khát vọng đấu tranh để mang lại tự do, cuộc sống ấm no, bình đẳng cho người dân. Sống trong chế độ thực dân, phong kiến, thấy rõ sự bất công và nỗi đau của người dân nên đồng chí luôn có ý thức phản kháng và khi đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin thì nhanh chóng giác ngộ và đi theo con đường ấy với một niềm tin, mơ ước cháy bỏng về một tương lai đất nước có nhiều đổi thay; người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, được làm chủ cuộc sống của mình, tự do tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước… “Tình thương và lẽ phải” luôn đi đôi với nhau, trong tình thương có lẽ phải và trong lẽ phải có tình thương.
        Mối quan hệ giữa lao động, tình thương và lẽ phải
        Theo đồng chí, chỉ có thông qua lao động mới xây dựng được tình thương cao đẹp, rộng lớn của con người:“Chỉ bằng lao động và thông qua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới từng bước xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người, làm nảy nở tình thương rộng lớn, một phẩm chất cao đẹp vốn có của con người Việt Nam. Thương nước - thương nhà, thương người - thương mình là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hoá Việt Nam. Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể”[6] .
        Trong bài nói chuyện tại Hội nghị Tuyên giáo toàn miền Bắc (tháng 4-1962) đồng chí Lê Duẩn rất tâm đắc khi bàn về việc gắn lý và tình trong công tác, nhất là công tác tư tưởng, văn hóa. Nhân dân ta thường khuyên nhau giải quyết mọi việc từ việc nhà việc làng đến việc nước nên “vừa có tình, vừa có lý”. Tình thương là một sức mạnh tinh thần kiên cố và mãnh liệt của dân tộc ta để tồn tại và phát triển. Nhưng tình thương ấy lại phải gắn liền với lẽ phải, nghĩa là phải gắn liền với sự suy tư, sáng suốt của con người. Tình yêu Tổ quốc, sự gắn bó giữa cá nhân với cộng đồng không chỉ dừng lại ở bản thân truyền thống của dân tộc mà nó phải biến thành những hành động kiên quyết nhất và dũng cảm nhất dưới sự chỉ đạo của một đầu óc có nếp tư duy sâu sắc và chính xác.
        Theo đồng chí Lê Duẩn những phẩm chất cơ bản của con người làm chủ tập thể là “Con người mới yêu lao động, giàu tình thương là con người biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Để làm chủ tiến trình xây dựng xã hội mới, người lao động không những phải thiết tha gắn bó với sự nghiệp đó, mà phải biết quy luật phát triển của nó… để cho con người có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống”[7].
        Một xã hội phát triển cả ba mặt “lao động” “tình thương” và “lẽ phải” là một xã hội phát triển hài hoà, cân đối, toàn diện và bền vững, tạo nên sức mạnh tổng hợp như đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Sức mạnh kinh tế không thể tách rời sức mạnh văn hoá, sức mạnh con người, và sức mạnh của văn hoá, của con người phải được hiện thực hoá trong sức mạnh kinh tế”[8].
        Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta đã và đang xây dựng nền văn hóa, con người  đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng toàn diện là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”[9]. Điều đó, đòi hỏi phải kế thừa và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam, truyền thống lịch sử của dân tộc đã được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.
        Năm nay kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-2022) cùng với những ngày cả nước chung tay kiểm soát đại dịch Covid-19. Trước những thách thức của đại dịch, tinh thần đoàn kết của dân tộc ta lại được khơi dậy mạnh mẽ. Hơn lúc nào hết, tinh thần “lá lành đùm lá lách”, thực hiện “mục tiêu kép” với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” đang lan tỏa rộng khắp trong nhân dân, để minh chứng một điều rằng  giá trị tinh thần của “Lao động, tình thương, lẽ phải” vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng và nhân dân ghi nhận và vận dụng sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.  Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng lịch sử không bao giờ quên công lao to lớn, những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn cho cách Việt Nam.
 

[1] Lê Duẩn, Tuyển tập (1975-1986), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập III, tr.1423-1424.
[2] Báo cáo của đồng chí Lê Duẩn tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, báo Nhân dân, ngày 26-6-1976.
[3] Lê Duẩn, Tuyển tập (1950-1965), Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tập I, tr.565
[4] Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Sự Thật, H.2011, tr.331.
[5] Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr.585
[6] Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr.562
[7] Lê Duẩn, Tuyển tập (1975-1986), Sđd , t.III, tr.123-124
[8] Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Sđd, tr.561
[9] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H.2021, tr.216
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây