TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị Lê Duẩn học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương

 
Phạm Xuân Ngọc
Khoa Xây dựng Đảng
 
      Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực cho cán bộ, đảng viên học tập và noi theo. Tấm gương đạo đức của Bác là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm,  giữa giáo dục đạo đức và nêu gương, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng phong cách nêu gương của Người mãi là bài học cho toàn Đảng, toàn dân noi theo.
     Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương đơn vị, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiên “tự diễn biến”,  “tự chuyển hoá” [1]. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ quan trọng,  có ý nghĩa ý chiến lược đối với sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Vì vậy, ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05 - CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phạm vi và yêu cầu cao hơn, trọng tâm là học và làm theo phong cách của Bác, trong đó có phong cách nêu gương. Phong cách nêu gương của Người được thể hiện trên một số nét khái quát cơ bản sau:
     Một là, nêu gương theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi người cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu, mực thước, “nói đi đôi với làm”. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đầu tiên trong ba nguyên tắc đạo đức cách mạng; nói phải đi đôi với làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính”[2]. Để nêu gương, trước hết bản thân mỗi người phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; nói phải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, không được xuyên tạc, nói sai, không được “nói một đường làm một nẻo”. Đặc biệt là người đứng đầu phải tiên phong làm trước, thực hành trước.
          Hai là, cần nêu gương trên ba mối quan hệ: đối với mình, đối với người, đối với việc. Đối với mình, không được tự cao tự đại, kiêu ngạo mà luôn có ý thức học tập cầu tiến; luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dỡ của bản thân, phải tự phê bình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ khiêm tốn, chân thành, đoàn kết, thật thà, khoan dung, độ lượng, trên tinh thần yêu thương đồng chí, đồng bào. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”. Người nhắc nhở: “Muốn lãnh đạo vững thì trước hết cán bộ và đảng viên phải có tư tưởng, lập trường vững chắc để lãnh đạo, xung phong làm gương mẫu”[3]
          Ba là, để giáo dục nêu gương đạt hiệu quả cao, Người chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” [4]. Bản chất của nêu gương phải xuất phát từ vai trò trách nhiệm, xem đó là công việc tự giác, thường xuyên của người cán bộ, đảng viên;  là niềm vinh dự chứ không phải là sự thể hiện để bắt mọi người noi theo. Bác đã nêu lên một triết lý sâu sắc về sự nêu gương, là sự thống nhất biện chứng giữa nêu gương và noi gương; noi gương chỉ được thực hiện tốt khi có sự nêu gương, có sự “làm mẫu” và nêu gương chỉ có giá trị đích thực khi có sự noi gương. Hồ Chí Minh từng dạy: “Nói miệng ai cũng nói được.Ta cần phải thực hành. Kháng chiến, kiến quốc, ta phải cần kiệm. Nhưng tự mình phải cần và kiệm trước đã. Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Không có gì là khó. Khó như cách mạng mà ta đã làm được và đã thành công. Muốn làm được, ta phải: quyết tâm, trí tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên, tất là các đồng chí phải thành công”[5]. Tư tưởng đạo đức ấy đã tạo nên một phong cách nêu gương, tự giác gương mẫu của Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam học tập và noi theo.
      Nhận thức việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí MInh là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến việc thực hiện thắng lợị nhiệm vụ mà Thường vụ tỉnh uỷ đã giao cho. Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Lê Duẩn đã có những quy định cụ thể trách nhiệm nêu gương của cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Chỉ thị 05 - CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Công tác nêu gương của cán bộ, giảng viên nhà trường đã đạt được những kết quả quan trọng:
      -  Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các chủ trương, định hướng về công tác nêu gương như: sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ủy chỉ đạo nghiêm túc việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Học tập phong cách nêu gương của Người, Nhà trường rất quan tâm đến việc làm theo, phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục những khuyết điểm tạo nên những chuyển biến tích cực trong giảng dạy và phục vụ. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt nhà trường đã chủ động nêu gương, có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công tác tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, tác phong trong nhà trường. Vì vậy, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã đưa ra khẩu hiệu hành động  “Mỗi giảng viên là một tấm gương đạo đức. Mỗi học viên là một tấm gương tự học và sáng tạo”
     - Công tác nêu gương của cán bộ, giảng viên, được thực hiện bằng những việc làm thiết thực như: chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc, gương mẫu, chuẩn mực trong  phát ngôn, ăn mặc, luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất lối sống cho cán bộ, giảng viên theo tấm gương đạo đức của Người được tiến hành thường xuyên. Hiện nay, 100%  cán bộ, giảng viên nhà trường có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nghiêm túc việc nói và làm đúng đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước.
     - Nhà trường đã phát động nhiều phong trào thi đua như: trong giảng dạy có “Hội thi Giảng viên dạy giỏi cấp trường”, đối với học viên có “Hội thi Học viên giỏi lý luận chính trị”. Qua hội thi những tấm gương điển hình tiên tiến trong giảng dạy và học tập được tôn vinh và nhân rộng trong toàn trường. Ngoài ra, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi bộ hàng tháng, Nhà trường đã tuyên truyền, giáo dục về phong cách nêu gương cho cán bộ, giảng viên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nêu gương của một bộ phận  cán bộ, giảng viên nhà trường vẫn còn mang tính hình thức; việc chấp hành giờ giấc làm việc ở một số cán bộ, giảng viên vẫn chưa nghiêm; công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên. Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, trong thời gian tới, cán bộ, giảng viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:
      Thứ nhất, cán bộ, giảng viên, nhân viên cần nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt phương châm “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nghề nào cũng vinh quang, việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái; khi được giao việc  gì, dù to hay nhỏ, khó hay dễ cũng phải đem cả tinh thần, sức lực ra làm đến nơi đến chốn.Tất cả mọi người dù ở cương vị, vị trí công tác nào đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đòi hỏi người cán bộ, giảng viên phải  tuân thủ nội quy, quy trình làm việc, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, khoa, phòng. Trong công việc cần tận tụy, tâm huyết đầu tư thời gian, nỗ lực phấn đấu, thường xuyên tự trau dồi tri thức để từng bước hoàn thiện mình. Ngoài ra, cán bộ, giảng viên cần nêu gương về tình thương và trách nhiệm, luôn sâu sát, gần gũi với học viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sẵn sàng giúp đỡ học viên những khó khăn trong học tập.
       Thứ hai, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, giảng viên còn thể hiện ở ý thức tổ chức kỷ luật. Biểu hiện quan trọng nhất là việc thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; cần nêu cao trách nhiệm cá nhân và nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, phải xem tự phê bình và phê bình trở thành công việc thường xuyên, với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, tránh tình trạng nể nang, né tránh; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cán bộ, giảng viên phải nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
      Thứ ba, cán bộ, giảng viên cần đăng ký trước tập thể về nội dung trách nhiệm nêu gương trên cả ba phương diện: đối với mình, đối với người, với tổ chức và đối với công việc, cần đề cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong công việc cũng như trong cuộc sống. Ngoài ra, bản thân mỗi người cần xây dựng mục tiêu, kế hoạch rèn luyện rút kinh nghiệm để nêu tấm gương sáng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
       Học tập phong cách nêu gương Hồ Chí Minh của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường Chính trị Lê Duẩn đã trở thành  nhiệm vụ thường xuyên. Đó cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở trong tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.
 
                                                                                         

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam,(2016) Văn phòng Trung ương Đảng, HN tr202.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 6, Nxb. CTQG, H.2011, trang 16.
[3] Sđd tr 130.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, H.2011, trang 612.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb. CTQG, H.2011, trang 130.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây