TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Giới thiệu sách: Chủ nghĩa xã hội và quyền con người

Chủ nghĩa xã hội là một xã hội lý tưởng mà nhân loại tiến bộ luôn khát khao hướng tới, với niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp giữa cá nhân với nhà nước, cá nhân với xã hội và hài hòa với tự nhiên, trong đó bao trùm là quan hệ cao đẹp giữa con người với con người. Quyền con người gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người - cũng tức là sự nghiệp xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, đem lại cho mỗi người tự do đích thực và sự phát triển toàn diện mọi năng lực vốn có. Như vậy, xét về bản chất, quyền con người gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là bản chất, động lực, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Chính vì lẽ đó, chủ nghĩa xã hội (CNXH) và quyền con người là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời, nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn phải đương đầu với các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quyền con người. Thời kỳ chiến tranh lạnh, các thế lực thù địch luôn sử dụng quyền con người như một thứ vũ khí lợi hại nhằm hủy hoại các nước XHCN từ bên trong. Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, các lực lượng này lại càng ra sức bôi nhọ, phủ nhận tất cả những gì đạt được trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại các nước từng lựa chọn con đường XHCN.

Việc khẳng định những giá trị to lớn của chủ nghĩa xã hội trong bảo vệ quyền con người là chủ đề lớn luôn được đặt ra với tất cả những ai yêu chuộng công lý và hoài bão về một xã hội trân trọng những giá trị nhân bản của con người. Mặc dù có những thăng trầm của lịch sử, song XHCN hiện thực vẫn đứng vững và là tiếp tục tồn tại, phát triển như là một xu thế tất yếu của loài người trong khát vọng tìm kiếm công lý, bình đẳng, tự do và các quyền con người đầy đủ, và sự giải phóng toàn diện mọi năng lực vốn có của con người.

Do vậy, việc xuất bản cuốn sách “Chủ nghĩa xã hội và quyền con người” có ý nghĩa lớn, góp phần làm sáng tỏ những đóng góp to lớn của chủ nghĩa xã hội đối với nhân loại trên lĩnh vực quyền con người (xét cả về lý luận và thực tiễn), qua đó, bác bỏ những quan điểm sai trái về CNXH nói chung và về quyền con người nói riêng. Với mục tiêu đó, cuốn sách được các tác giả cấu trúc thành sáu phần cơ bản: 1, Lịch sử hình thành và phát triển quyền con người và quan điểm của Liên hợp quốc; 2, Quan điểm mácxít về quyền con người; 3,Quyền con người trong CNXH ở Liên Xô và Đông Âu; 4, Quyền con người ở một số nước XHCN thời kỳ cải cách, đổi mới; 5, Những đóng góp của CNXH hiện thực vào sự phát triển pháp luật quốc tế về quyền con người; 6, Những vấn đề đương đại của CNXH và quyền con người. Trong đó, có những nội dung đáng chú ý sau:

1, Quyền con người và lịch sử phát triển quyền con người (Phần 1): Tư tưởng về khoan dung, nhân đạo, quyền con người xuất hiện từ rất sớm, hiện hữu trong mọi nền văn hóa và xã hội. Trước khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp, loài người sống quy tụ theo những thị tộc, bộ lạc. Trong các cuộc chiến tranh, xung đột giữa các bộ tộc đã tồn tại những quy ước không được giết tù binh bị bắt và phải đối xử với họ tử tế. Đặc biệt, tư tưởng nhân đạo được phát triển mạnh mẽ kể từ khi xã hội phân chia giai cấp, được phản ánh đậm nét trong các học thuyết tôn giáo, triết học và thần học của cả phương Đông và phương Tây. Giáo lý của Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và đạo Hinđu đều nhấn mạnh đặc biệt đến việc chăm lo, giúp đỡ và bảo vệ trước hết những thân phận đau khổ, nghèo túng về điều kiện vật chất và tinh thần. Ngay từ thời cổ đại, các quy phạm đạo đức phản ánh về quyền con người (nhất là quyền tư hữu) đã sớm được pháp điển hóa thành các quy phạm pháp luật để đồng thời với việc bảo vệ các quyền dân sự và chính trị, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa cũng được quy định và bảo vệ. Những tư tưởng này tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ ở thời kỳ Phục hưng và Khai sáng, với những tư tưởng gia tiên phong trong việc thừa nhận các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa như John Locke, J.J. Roussseau, John Rawls, C. Mác,…

Quan niệm chung nhất, quyền con người được xác định là những đặc tính, nhu cầu xuất phát từ phẩm giá vốn có của mỗi người được pháp luật quốc tế và quốc gia ghi nhận, bảo đảm. Trong đó, quyền con người được thể hiện ra thành các giá trị phổ quát như nhân phẩm, tự do, bình đẳng, không phân biệt đối xử, nhân đạo, khoan dung, lòng vị tha,… Cho đến nay, lịch sử phát triển quyền con người đã trải qua 3 thế hệ:

- Quyền con người thế hệ thứ nhất (các quyền về dân sự, chính trị), gắn liền với các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu thế kỷ XVII-XVIII với việc khẳng định mạnh mẽ các quyền dân sự, chính trị, như quyền sống, quyền tự do an ninh cá nhân, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, quyền không bị tra tấn,… Quyền con người thế hệ thứ nhất xác lập vững chắc các nguyên tắc bảo vệ cá nhân con người trước quyền lực nhà nước, nó mang tính chất cơ bản và thiết yếu đối với những giá trị và nhân phẩm của con người. Do vậy, quyền này đòi hỏi nhà nước không chỉ tồn tại như một bộ máy cai trị bảo đảm tự do và an ninh xã hội, mà còn bảo vệ phẩm giá và các quyền bình đẳng bất di bất dịch của mọi thành viên trong xã hội mà không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, nguồn gốc dân tộc và xã hội… Cơ sở tư tưởng của quyền con người thế thệ thứ nhất này là thuyết pháp luật tự nhiên.

- Quyền con người thế hệ thứ hai gắn liền với Cách mạng tháng Mười Nga (năm 1917) và sự ra đời của nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Đây là thời kỳ nhân loại mở rộng đấu tranh vì các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa; quyền dân tộc tự quyết, quyền độc lập dân tộc chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Kể từ đây, CNXH hiện thực đã đóng góp lớn lao vào sự hình thành và phát triển của “thế hệ quyền con người thứ hai”. Thế hệ của quyền này đã đặc biệt đề cao vị trí và vai trò tích cực quyền và lợi ích của mỗi cá nhân và đặc biệt là các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Các quyền này được quy định trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và trong một số hiến chương, hiệp ước và công ước khu vực; chịu ảnh hưởng lớn lao của chủ nghĩa Mác – Lênin, với sự xuất hiện của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, vấn đề giải phóng con người và quyền con người được luận giải khoa học và cách mạng, gắn liền với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.

- Quyền con người thế hệ thứ ba xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ XX, phản ánh sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống quốc tế, do xu thế phát triển của toàn cầu hóa gây ra, sự gia tăng tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, dân tộc, những vấn đề toàn cầu như sự suy thoái môi trường nghiêm trọng, nguy cơ đe dọa tiềm tàng của chiến tranh hạt nhân, đói nghèo, bệnh tật và tình trạng kém phát triển… được gọi là quyền kết đoàn hay quyền tập thể (collective rights). Nội dung của nó là quyền được sống trong hòa bình và môi trường trong sạch, quyền phát triển, quyền tự quyết, quyền được thông tin, quyền được hưởng thành quả của khoa học, công nghệ…

Tuy nhiên, một số học giả cho rằng quyền con người thế hệ thứ ba được mở rộng và có thể được xem là quyền con người thế hệ thứ tư. Quyền con người thế hệ thứ tư có thể được xem là sự bùng nổ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người già, người thiểu số về ngôn ngữ, sắc tộc.. từ cuối thập niên 1980 và 1990 trở đi. Ngày nay, quyền con người thế hệ thứ tư bao hàm quyền của những người khuyết tật, những người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), quyền môi trường, quyền được bảo vệ sự riêng tư (righ to privacy) trong kỷ nguyên thông tin và internet,

Về cơ bản, các nhà tư tưởng trước Mác đã đóng góp to lớn vào việc lý giải vấn đề con người và số phận của nó, về sự giải phóng và thực hiện quyền con người, được thể hiện dưới hai thế giới quan: duy tâm và duy vật; giữa hai phương pháp biện chứng và siêu hình. Và cuộc đấu tranh nảy lửa giữa hai quan điểm, hai lập trường này cũng đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự giải mã con người và số phận của nó, cũng như đề ra con đường nhằm giúp con người thoát khỏi sự thống trị của tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, các nhà khoa học trước Mác đã không thể lý giải đúng đắn và khoa học về con người và số phận của con người, họ cũng không thể đề ra con đường hiện thực để giải phóng con người, thoát khỏi mọi sự tha hóa. Bởi lẽ, họ đã không xuất phát từ đời sống hiện thực của con người, từ lịch sử của con người và xã hội loài người gắn liền với quá trình sản xuất ra đời sống vật chất của con người

2, Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền con người (Phần 2): Với Mác và Ăngghen, quyền con người là thuật ngữ ra đời gắn liền với sự ra đời của giai cấp tư sản, với các khẩu hiệu và tuyên ngôn của các cuộc cách mạng tư sản. Như vậy, quyền con người là một phạm trù lịch sử, gắn liền với sự ra đời và phát triển của giai cấp; và là sức mạnh của con người, là khát vọng, nhu cầu tự do, giải phóng của con người trong sự  thừa nhận và bảo đảm của xã hội. Sự thừa nhận và bảo đảm này trước hết là sự quy định và bảo vệ bằng pháp luật: Quyền, đến lượt nó, được quy định thành luật, sau nữa là sự hiện thực hóa nó trong thực tế bằng các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị.

Mác và Ăngghen đã phê phán mạnh mẽ quyền con người trong xã hội tư sản và vạch rõ tính chất trừu tượng, vị kỷ chủ nghĩa của nó khi cho rằng: Những cá nhân – con người sống trong xã hội đó bị tha hóa về bản chất, và do đó, quyền bị tha hóa thành “quyền trừu tượng”, “quyền phi hiện thực”, “quyền vị kỷ chủ nghĩa”. Các ông khẳng định rằng, quyền vốn dĩ là sức mạnh của con người đối với tự nhiên và xã hội, làm cho nó trở thành sản phẩm tinh túy của vũ trụ, là thước đo tất thảy, nhưng trong xã hội tư sản “Quyền của con người – Sức mạnh của “cái Tôi” của Tôi. Sức mạnh của Tôi”. Khi vạch trần sự vi phạm nghiêm trọng và phổ biến về quyền con người trong xã hội tư bản chủ nghĩa được biểu hiện đặc thù thông qua lao động bị tha hóa, các ông đã chỉ ra con đường hiện thực để khắc phục tình trạng đó: “thủ tiêu lao động bị tha hóa, giành lại bản chất người cho con người, phát triển mọi khả năng của mỗi cá nhân tự do – đó chính là “chủ nghĩa nhân đạo triệt để”.  Mặc dù Mác và Ăngghen không hề đưa ra một định nghĩa có tính chất khái quát và trực tiếp nào về quyền con người, nhưng các ông đã luận giải sâu sắc về nguồn gốc, bản chất và nội dung của quyền con người. Các ông đã xuất phát từ những tiền đề duy vật và hiện thực, nhờ đó, chúng ta có thể lấy đó làm căn cứ cho việc rút ra một định nghĩa về quyền con người, đó là: “Quyền con người là những đặc tính xuất phát từ phẩm giá và nhu cầu vốn có của con người, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm”.

Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác, Lênin đấu tranh quyết liệt với các quan điểm phi mácxít về hàng loạt vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền; đồng thời làm phong phú thêm học thuyết mácxít về vấn đề này, trong đó nổi bật là những tư tưởng về dân chủ, nền dân chủ XHCN,  và quyền dân tộc tự quyết. Từ nhận thức “dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà không thực hiện quyền dân tộc tự quyết là phản bội chủ nghĩa xã hội”, Lênin luôn đấu tranh bảo vệ quyền tự quyết dân tộc và lãnh đạo nhà nước tôn trọng quyền này ngay sau khi giành được chính quyền tại nước Nga Xôviết. Cùng với quyền dân tộc tự quyết, Lênin đã có đóng góp to lớn vào sự phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác về giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải phóng dân tộc, đặc biệt bênh vực quyền lợi của các dân tộc bị áp bức và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Sau khi thiết lập chính quyền Xôviết, năm 1918, Lênin đã ký Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột, đánh dấu sự ra đời và thực hiện nhân quyền xã hội chủ nghĩa. Tuyên ngôn khẳng định công, nông, binh là người chủ đất nước và chính quyền chỉ thuộc về nhân dân lao động, đề ra những nhiệm vụ cơ bản của chế độ mới: xóa bỏ mọi hiện tượng người bóc lột người, thủ tiêu các giai cấp bóc lột, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với nền dân chủ tiến bộ nhất trong lịch sử, chủ nghĩa xã hội mở ra một chân trời mới cho sự nghiệp phát triển quyền con người, quyền công dân. Theo Lênin, quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là một thể thống nhất, phản ánh nhu cầu phát triển toàn diện của con người hiện thực, không thể bị chia cắt. Nhà nước XHCN thừa nhận và bảo đảm thực hiện các quyền này.

3, Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người (Phần 2): Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người không chỉ là các quyền thuộc về cá nhân, là giá trị nhân văn vốn có và thiêng liêng của mỗi người, mà trước hết là giá trị văn hóa của cộng đồng, dân tộc, quốc gia - dân tộc. Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự phát triển lý luận về quyền con người và luật quốc tế về quyền con người đó là: Người đã gắn kết hai chủ thể của quyền, hai nội hàm mà trước đó tưởng chừng như hoàn toàn đối lập nhau (quyền con người với tính cách là cá nhân và quyền con người với tính cách là dân tộc, quốc gia - dân tộc) vào trong một khái niệm quyền con người.

Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng thắng lợi của nhân dân Việt Nam, hai khái niệm pháp lý trên đã được phát triển thành quyền dân tộc cơ bản. Quyền dân tộc cơ bản này bao gồm quyền được tồn tại (quyền sống), độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã trở thành một phạm trù phổ quát của luật quốc tế hiện đại. Sự kế thừa một cách tinh tế và kết hợp tài tình những giá trị nhân văn của loài người với giá trị truyền thống của dân tộc đã tạo nên “bản anh hùng ca bất hủ” của dân tộc Việt Nam nói riêng, cũng như của các dân tộc bị áp bức nói chung về khát vọng đòi tự do, độc lập, giải phóng con người của tất cả những con người cần lao, cùng khổ. Người đã khái quát hóa tư tưởng ấy bằng một chân lý hiển nhiên, “một dân tộc nô lệ không thể có con người tự do”.

Sự phát triển khái niệm quyền con người thành quyền dân tộc cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện cô đọng trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945. Ở đó đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của lý luận về quyền con người cũng như của luật quốc tế về quyền con người khi lần đầu tiên trong lịch sử khái niệm quyền sống, quyền tự do của các dân tộc đã được đồng nhất với quyền sống, quyền tự do của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn bằng những luận đề hiển nhiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, Người đã nâng các quyền con người vốn chỉ thuộc về cá nhân lên thành các quyền thuộc về dân tộc, quốc gia - dân tộc: “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.”

Bằng sự mở rộng quyền con người chỉ với tính cách cá nhân thành quyền con người với tính cách là quyền dân tộc, quốc gia – dân tộc, Hồ Chí Minh đã nâng vấn đề quyền tự nhiên của con người lên một tầm cao mới về chất, trên tinh thần thế giới quan khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng về lịch sử và xã hội loài người, phản ánh chân thực quá trình lịch sử và thực tiễn tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc bị nô dịch và áp bức trên toàn thế giới. Sự mở rộng chủ thể quyền với nội hàm được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc của cá nhân thành của quốc gia – dân tộc là một bước tiến nhảy vọt về lý luận. Đối với Hồ Chí Minhquyền con người gắn liền với độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Do đó, quyền độc lập, tự do và bình đẳng giữa các dân tộc (quốc gia-dân tộc), cũng giống như quyền con người, là vốn có và thiêng liêng. Điều này thể hiện rõ qua lời khẳng định sâu sắc, mạnh mẽ trong Bản tuyên ngôn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Như vậy, bằng sự “suy rộng ra”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp vào việc đặt nền móng cho một bước phát triển mới về chất, có ý nghĩa thực sự vĩ đại của lý luận về quyền con người đương thời. Người đã nâng những quan niệm truyền thống của thế kỷ XVII -XVIII, những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới lên tầng cao mới của thời đại. Đó là khát vọngcủa các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, quyền tự do, quyền dân chủ và phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hơn thế, ngay từ đầu thế kỷ XX, Người đã ý thức sâu sắc được vấn đề then chốt của quyền con người: độc lập dân tộc – chủ nghĩa xã hội và sự giải phóng con người đích thực. Với việc đề cao tính quyết định và không thể tách rời của quyền tự quyết dân tộc, của độc lập, tự do cho dân tộc với quyền con người, tư tưởng tiên phong ấy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho lý luận đương đại về quyền con người: Quyền cá nhân gắn liền với quyền của cộng đồng, quyền tập thể; độc lập, tự do cho dân tộc và phát triển là những quyền cơ bản của con người; và quyền con người không bao giờ có thể cao hơn chủ quyền quốc gia.

4, “Quyền con người trong CNXH ở Liên Xô và Đông Âu” (phần 4) và “Quyền con người ở một số nước XHCN thời kỳ cải cách, đổi mới” (phần 5): Trong hai nội dung này, tập thể tác giả tập trung luận giải và làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của quyền con người ở Liên Xô và Đông Âu; Phân tích tổng kết việc thực thi, bảo đảm và phát triển quyền con người ở một số nước XHCN hiện nay - các nước theo mô hình CNXH phát triển, hay còn gọi là các nước XHCN theo mô hình mới, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam trong thời kỳ cải cách, mở cửa và hội nhập. Những thành tựu, hạn chế mang tính lịch sử của quá trình xây dựng CNXH, bảo đảm và hiện thực hóa quyền con người trong mô hình XHCN cũ ở Liên Xô, Đông Âu, cũng như ở các nước XHCN theo mô hình mới được tác giả tập trung phân tích.

5, “Những đóng góp của CNXH hiện thực vào sự phát triển pháp luật quốc tế về quyền con người” (phần 5). Phần này các tác giả đã phân tích và làm rõ những đóng góp to lớn của CNXH hiện thực, từ cả phương diện lý luận và thực tiễn đối với sự phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người, trong đó đáng lưu ý là sự ghi nhận quyền tự quyết của các dân tộc, các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa cũng như việc ghi nhận và bảo vệ quyền của những người lao động, của các nhóm dễ bị tổn thương (như phụ nữ, trẻ em, người nghèo,..), sự mở rộng quá trình trao quyền và thụ hưởng quyền cho tất cả mọi người,...

Bằng việc luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền con người ở Liên Xô và Đông Âu, chỉ rõ những hạn chế mang tính lịch sử của quá trình xây dựng CNXH và bảo đảm quyền con người trong mô hình XHCN cũ (phần 3) và trên cơ sở phân tích, tổng kết việc phát triển, bảo vệ quyền con người ở một số nước XHCN hiện nay - các nước theo mô hình CNXH phát triển, hay còn gọi là ở các nước XHCN theo mô hình mới, qua ví dụ điển hình là Trung Quốc và Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập (phần 4), các tác giả đã khẳng định những đóng góp to lớn của CNXH hiện thực đối với sự phát triển của hệ thống pháp luật quốc tế về quyền con người (phần 5), trong đó đáng lưu ý là sự ghi nhận quyền tự quyết của các dân tộc, các quyền kinh tế - xã hội và văn hóa cũng như việc ghi nhận và bảo vệ quyền của những người lao động, của các nhóm dễ bị tổn thương. Những phân tích nêu trên đi đến trả lời cho câu hỏi Thế giới hiện đại sẽ đi đến đâu nếu như không có các cuộc cách mạng do những người cộng sản dẫn dắt và xác lập lại trật tự thế giới? Nhân loại sẽ ra sao nếu chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân còn thống trị và bóc lột, nô dịch (đối với phần lớn các quốc gia mà ngày nay đã trở thành quốc gia độc lập, và nhiều nước trong số đó đã trở thành cường quốc phát triển về kinh tế, xã hội và chỉ số phát triển con người)?... Qua đó cho thấy, Chủ nghĩa xã hội hiện thực suốt gần một thế kỷ ra đời, hình thành và phát triển cho đến nay đã và đang tỏ rõ là một hướng đi đúng đắn và duy nhất cho toàn thể nhân loại.

6, Những vấn đề đương đại của chủ nghĩa xã hội và quyền con người (phần 6): Phần này các tác giả nhấn mạnh đến những cơ hội và thách thức đặt ra đối với việc xây dựng CNXH gắn với bảo đảm và hiện thực hóa đầy đủ các quyền con người cho tất cả mọi cá nhân và nhóm xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội. Đó là vấn đề giải quyết những mâu thuẫn của thời đại như phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với bảo đảm công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc với hội nhập và phát triển, vấn đề nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự với việc bảo đảm quyền con người, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia,chủ nghĩa khủng bố và quyền con người,..

Không hề phủ nhận với tính cách là một chế độ xã hội, là một giai đoạn phát triển của lịch sử, chủ nghĩa tư bản cùng với phương thức sản xuất của nó, trong hơn ba thế kỷ qua đã tạo ra được những bước tiến vượt bậc về thành tựu kinh tế và khối lượng sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, cũng như từng bước hiện thực hóa các quyền con người cơ bản. Tuy nhiên, các quyền cơ bản đó chủ yếu chỉ thuộc về số ít, tầng lớp trung lưu và những người có của trở lên. Trong khi  nó để lại đằng sau hơn ¾ nhân loại phải sống trong cảnh khốn cùng, vật lộn với cuộc sống hàng ngày bị chi phối bởi quy luật kinh tế thị trường do các nhà tư bản và tài phiệt điều hành với những con số biết nói như: Khủng hoảng kinh tế chu kỳ, hơn ¼ nhân loại còn sống trong cảnh đói nghèo, cùng cực (nhiều người trong số đó có mức sống chưa đầy 1 đôla/ngày), chưa được hưởng các quyền con người cơ bản, đặc biệt là các quyền kinh tế và xã hội (như quyền có thực phẩm, quyền có nước sạch, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục và có việc làm,…), hàng trăm triệu trẻ em và phụ nữ bị tước đi các quyền cơ bản mỗi năm, chưa đầy 20% dân số trên toàn thế giới sở hữu, nắm quyền định đoạt việc phân phối và sử dụng của cải của hơn 80% dân số trên toàn thế giới…

Con đường giải phóng xã hội loài người nhằm bảo đảm và hiện thực hóa các quyền con người đích thực, trước hết và quan trọng nhất được đo bằng các chỉ số bảo đảm quyền về kinh tế và xã hội. Con đường ấy chỉ có ở trong mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội. Mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực (qua phân tích mô hình thực chứng ở Trung Quốc, Việt Nam, Venezuela, và trào lưu chủ nghĩa xã hội dân chủ ở các nước Tây Âu), còn chứa trong mình những hạn chế do tính lịch sử và không thể là con đường hay mô hình lựa chọn đúng đắn có thể áp dụng cho mọi quốc gia hay toàn nhân loại, nhưng nó vẫn đã và đang chứng tỏ cho nhân loại thấy sự lựa chọn đúng đắn nhất để bảo đảm và hiện thực hóa các quyền con người đầy đủ cho tất cả mọi người.

 

***

Chủ nghĩa xã hội không chỉ đơn thuần còn là giấc mơ hay lý tưởng mà đã và đang là hiện thực của loài người. Các quyền con người trong chủ nghĩa xã hội không còn là các “quyền ảo tưởng”, “quyền hư vô”, “quyền trừu tượng”,… như Mác và Ăngghen đã chỉ ra, mà chúng là các quyền thực định, là tự do đích thực – là tiền đề, điều kiện cho sự phát huy toàn diện và tối đa năng lực và phẩm chất của mỗi người – vượt lên trên những yêu sách đơn thuần về các quyền vốn chỉ tồn tại trong các cương lĩnh chính trị và ngọn cờ cách mạng của giai cấp tư sản. Đúng như tinh thần cốt lõi mà các các tác giả muốn luận bàn trong cuốn sách được khái quát bằng trích đoạn của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản(do Mác và Ăngghen viết năm 1848) “xuất hiện một liên hiệp mà ở đó, sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, và của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì.

 

Sơn Nam & Bùi Thanh giới thiệu

Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.

Nguồn tin: Website Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây