Giới thiệu sách: Tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ tư - 02/11/2016 08:36

Toàn cầu hóa kinh tế đã, đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ trên toàn thế giới, tạo ra môi trường để các nước ngày càng tăng cường hợp tác phát triển. Thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức do toàn cầu hóa tạo ra là rất khác biệt cho từng vùng, từng quốc gia. Quá trình toàn cầu hóa cũng bộc lộ nhiều mâu thuẫn xã hội. Không phải ở quốc gia nào tăng trưởng kinh tế cũng gắn với phát triển bền vững và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội. Việt Nam là một trong những nước đã lựa chọn mô hình tăng trưởng gắn chặt với phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội. Điều này được thể hiện ngay trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có định hướng chính sách trong giai đoạn 10 năm (1991-2000), đó là: “Kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội”. Ngay từ những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam đã ban hành và cam kết thực hiện “Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991-2000”, tạo tiền đề cho quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam. Đặc biệt, quan điểm phát triển bền vững đã được tái khẳng định trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ, cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học”.

Kế thừa và phát triển quan điểm của các nghị quyết trước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra 5 quan điểm phát triển, đó là: phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững; đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất; kiên trì xây dựng nền kinh tế độc lập. Nghị quyết cũng xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững”.

Có thể nói, từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%/năm, ngay cả trong những năm khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Việt Nam đã chính thức thoát khỏi nước nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Kinh tế tăng trưởng cao đã tạo điều kiện cho chúng ta giải quyết những vấn đề xã hội như: xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội và thúc đẩy thực hiện công bằng xã hội. Đến nay, tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam chỉ còn dưới 8%, bình quân mỗi năm giảm trên 2% hộ nghèo. Việc thực hiện tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với các vấn đề an sinh xã hội đã làm cho chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng đều qua các năm. Việt Nam thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội tốt hơn một số nước có GDP bình quân đầu người bằng hoặc cao hơn. Điều này đã chứng tỏ sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta có xu hướng phục vụ sự phát triển con người.

Tuy nhiên, nếu đánh giá, phân tích một cách khách quan theo chuỗi mối quan hệ: tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang bộc lộ những hạn chế nhất định như: tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, chủ yếu là sử dụng tài nguyên nên ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững, năng suất lao động còn thấp, công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và xả nhiều chất thải ra môi trường… Hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho tăng trưởng kinh tế còn thấp; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao, thể hiện ở cả yếu tố đầu ra; đặc biệt là hạn chế trong thực hiện “tăng trưởng công bằng” - tăng trưởng trên diện rộng mang lại lợi ích cho nhiều người hưởng lợi nhất, đặc biệt là người nghèo. GDP bình quân đầu người còn thấp, mức sống của người dân chưa cao, các dịch vụ cơ bản về giáo dục và y tế còn bất cập, các loại tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để, tiềm ẩn những xung đột xã hội trong quá trình tăng trưởng kinh tế, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn. Điều này thể hiện qua hệ số GINI theo tiêu dùng của Việt Nam có xu hướng tăng trong những năm qua, từ 35% năm 1993 lên 36% năm 2006…

Xuất phát từ những vấn đề lý luận và thực tiễn nảy sinh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới. Việc “nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” đã được tiến hành trong Đề án “Nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Kết quả nghiên cứu đã được dùng làm căn cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, và đóng góp vào việc soạn thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII (2016). Cuốn sách chuyên khảo “Tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” là một nội dung được chắt lọc từ đề án.

Cuốn sách gồm 4 phần:

Phần 1: Lý luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội.

- Phần 2: Thực trạng tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và tiến bộ, công bằng xã hội của Việt Nam từ đổi mới đến nay.

- Phần 3: Hệ thống chính sách giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

- Phần 4: Quan điểm và giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội.

Cuốn sách tập trung vào những nội dung sau:

- Làm sáng tỏ được những vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

- Phân tích và làm rõ thực trạng tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam; phân tích, đánh giá được thực trạng mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam.

- Đề xuất một số quan điểm, phương hướng và giải pháp góp phần phát triển và hoàn thiện lý luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Sách hiện có tại Thư viện Trường Chính trị Lê Duẩn./.

 

Nguồn tin: Website Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây