TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Chính trị Lê Duẩn đi nghiên cứu thực tế  

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu thực tế, ngày 09 tháng 4 năm 2019, Đoàn giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh Trường Chính trị Lê Duẩn do ThS. Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng khoa làm Trưởng đoàn đã đến nghiên cứu thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Tham gia đoàn còn có ThS. Nguyễn Hữu Thánh, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng; ThS. Ngô Thị Thu Hà, P. Hiệu trưởng và các giảng viên của Khoa.

 

Đón tiếp và làm việc với Đoàn về phía Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông có đồng chí Ngô Kim Thái, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn; đồng chí Hoàng Văn Chiến, P.Trưởng Phòng kế hoạch - Kỹ thuật; đồng chí Lê Châu Trí, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp và các viên chức của Ban Quản lý.

Trong chương trình nghiên cứu thực tế, Đoàn đã dành phần lớn thời gian đi  dã ngoại nghiên cứu thực địa.

 Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông, tỉnh Quảng Trị nằm trên địa bàn huyện Đakrông với tổng diện tích tự nhiên 37.841ha. Theo thống kê của các chuyên gia, hệ thực vật ở đây có 1.412 loài, trong đó có 24 loài trong sách đỏ; hệ động vật 612 loài thuộc các nhóm thú, chim, lưỡng cư, cá, bướm, mối… trong đó có 37 loài trong sách đỏ. Đây là Khu bảo tồn điển hình của hệ sinh thái rừng nhiệt đới vùng đồi núi thấp Bắc Trường Sơn của Việt Nam.

Đoàn đã đến tham quan hang Dơi thuộc Khu Bảo tồn. Đây là hang có quy mô khá rộng, chiều dài khoảng 170m, rộng 6m, hang có nhiều hình thù kỳ thú, cuối hang là lổ hỏng thông lên trên với nhiều lối rẽ và là nơi trú ngụ của loài dơi...Đây là một hang rất đẹp được thiên nhiên kiến tạo qua hàng triệu năm và đang tiếp tục được kiến tạo theo thời gian.  


 

Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã tham mưu để tỉnh Quảng Trị ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng như: “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học năm 2015, định hướng đến năm 2020”; các quyết định về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn tự nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” …

 

Đồng thời, Khu Bảo tồn cũng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ các loài động, thực vật, đặc biệt là các loài thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm; tổ chức nhiều đợt điều tra đa dạng sinh học thuộc nhiều chương trình, dự án khác nhau. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong vùng đệm tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động, thực vật quý hiếm.   
Chuyến đi nghiên cứu thực tế đã giúp cho giảng viên có thêm những kiến thức từ thực tiễn để lồng ghép và đưa vào bài giảng nhằm làm tốt công tác tuyên truyền trong việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường./.
 
 

Tác giả bài viết: Trần Hoàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây