TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tăng cường bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới

 
                                                                                Đại tá Mai Trí
                                                    Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh TT Huế
 
Các Mác (sinh 05/5/1818 mất 14/3/1883) được sinh ra và lớn lên ở Tơ-ri-vơ (nước Đức) người gốc Do Thái. Năm 1841, ông hoàn thành luận án tiến sỹ triết học ở tuổi 23. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Các Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí nổi bật trong hàng ngũ những vĩ nhân. Mác đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
1. Mác không chỉ là nhà lý luận thiên tài mà trước hết, Mác là nhà cách mạng can đảm, kiên định, vĩ đại    
          Thời trẻ, khi đang học ở đại học tổng hợp Bon và đại học tổng hợp Béc-lanh, Mác đã tham gia phái “Hê-ghen trẻ”, đấu tranh bảo vệ lập trường dân chủ cách mạng chống lại chế độ quân phiệt Phổ. Tháng 10/1842, Mác trở thành chủ bút của Báo Rê-na-ri của giai cấp tư sản cấp tiến ở Đức hồi ấy. Trong các bài báo, Mác đã thẳng thắn phê phán các chính phủ đương thời ở Đức, Anh, Pháp và bênh vực quyền lợi của nông dân, phát biểu những tư tưởng triết học của mình. Trong các tác phẩm “Niên giám Đức - Pháp”, “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen”, “Lời nói đầu” và “Về vấn đề Do thái”...Mác đã phát hiện vai trò lịch sử của giai cấp vô sản, đi đến kết luận về sự tất yếu của cách mạng xã hội, sự cần thiết phải kết hợp phong trào của giai cấp công nhân với thế giới quan khoa học.
          Tháng 10/1843, Mác đến Pa-ri, thủ đô nước Pháp, tiếp tục hoạt động. Tháng 9/1844, Mác gặp Ăng-ghen ở Pa-ri. Tình bạn vĩ đại và cuộc đấu tranh chung của hai người cho sự nghiệp của giai cấp công nhân bắt đầu từ đấy. Mác và Ăng-ghen đã viết “Cuốn sách nhỏ”, “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” mà theo Lê nin, đó là cương lĩnh và chiến lược, sách lược đấu tranh của giai cấp vô sản, là lý luận về đấu tranh giai cấp, về vai trò cách mạng trong lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản.
Năm 1845, Mác bị trục xuất khỏi Pháp sang Bỉ vì bị Pháp coi là một nhà hoạt động cách mạng nguy hiểm. Năm 1847, Mác và Ăng-ghen gia nhập tổ chức “Đồng minh những người cộng sản”. Tháng 11/1847 ở Luân-đôn (Anh), Mác và Ăng-ghen đã thảo bản “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, sau đó được xuất bản vào tháng 2/1848. Đây là văn kiện nổi tiếng đầu tiên có tính chất cương lĩnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
          Năm 1848, Mác bị trục xuất khỏi Bỉ về Pháp, rồi về Đức, xuất bản tờ Báo Rê-na-ri mới. Bị truy tố trước tòa án, Mác lại bị Đức trục xuất và sang lại Pháp. Tháng 6/1849, Mác lại bị Pháp trục xuất và sang ở Anh cho đến khi mất. Ở Luân-đôn, Mác đã giành nhiều thời gian và trí tuệ cho việc nghiên cứu, viết và để lại cho giai cấp vô sản và nhân loại những tác phẩm bất hủ, như: “Bản thảo kinh tế chính trị” năm 1857-1859, “Phê phán cương lĩnh Gota” 1861-1863 và đặc biết là bộ “Tư bản” vĩ đại.
Trước phong trào công nhân đang lên, Mác ra sức hoạt động thực tiễn. Năm 1864, ở Luân-đôn thành lập Hội liên hiệp quốc tế những người lao động, tức Quốc tế I. Mác là người cổ vũ và lãnh đạo chủ chốt của Quốc tế I. Mác đấu tranh chống các thứ chủ nghĩa cơ hội, xét lại, vô chính phủ và định ra sách lược cách mạng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân.
2. Là nhà tư tưởng, lý luận thiên tài, Mác đã cống hiến cho nhân loại kho tàng lý luận cách mạng vô giá
          Mác kế thừa có phê phán và phát triển những thành tựu khoa học, những giá trị tư tưởng nổi bật từ ba trào lưu tư tưởng tiến bộ của nhân loại, đó là: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp và hoàn chỉnh học thuyết của mình một cách thiên tài. Ông đã thực hiện được một cuộc cách mạng trong nhận thức về thế giới; xây dựng nên chủ nghĩa duy vật biện chứng; chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết giá trị thặng dư;  học thuyết hình thái kinh tế - xã hội; về vai trò lịch sử thế giới của giai cấp công nhân; về tiến hành cách mạng xã hội… ông đã đập tan mọi thứ triết học duy tâm, siêu hình. Trong di sản đồ sộ, thiên tài đó của Mác, có nghiên cứu bao nhiêu, viết và nói bao nhiêu cũng chưa đủ, nhưng tác giả bài viết cũng xin mạo muội đề cập vài nét khái quát chủ yếu nhất, đó là:
Với 2 phát kiến khoa học vĩ đại là Chủ nghĩa duy vật lịch sử Học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng cho chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết về giải phóng giai cấp, giải phóng loài người khỏi áp bức, bóc lột.
Thiên tài của Mác là ở chỗ Học thuyết của Mác mang tính vượt trước thời đại. Mác đã chỉ ra lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội khi xã hội chủ nghĩa chưa có trong thực tiễn. Mác đã giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Thiên tài của Mác còn ở chỗ là Mác không chỉ nêu ra mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng… đấu tranh của cuộc cách mạng xã hội mà còn chỉ ra lực lượng chủ yếu nhất có khả năng tiến hành cách mạng đó là giai cấp công nhân (Sau Mác từng bước được bổ sung phát triển thêm là giai cấp Nông dân và các giai tầng xã hội). Chính vì vậy, sự ra đời của học thuyết Mác đã chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động nô lệ khát khao được thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, nhưng chưa tìm ra con đường giải phóng cho mình.
Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người. Nhờ có thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội. Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Các Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị” (Lênin toàn tập, t.23, tr.53).
Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó. Một trong những phát kiến vĩ đại của Mác là việc phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư. Quy luật giá trị thặng dư là quy luật cơ bản nhất chỉ rõ bản chất bóc lột của xã hội tư bản. Do bị bóc lột về thặng dư dẫn đến việc phải vùng lên đấu tranh của giai cấp công nhân, và đấu tranh giai cấp chính là động lực phát triển xã hội; theo đó Mác cũng đã chỉ ra vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong đấu tranh giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
3. Lê nin bảo vệ CN Mác, phát triển thành học thuyết Mác - Lênin
Sau khi Mác mất (1883), và Ăng-ghen mất (1895), bọn chủ nghĩa cơ hội, xét lại đã ra sức tấn công Chủ nghĩa Mác. Hàng loạt những phần tử cơ hội đã “chui sâu, leo cao” vào phong trào và chống phá quyết liệt CN Mác-Ăng ghen như: Chủ nghĩa Béc-xtanh (E.Bernstein), chủ nghĩa Cau-xky (K.Kautsky), chủ nghĩa dân túy, phái kinh tế, phái Men-sê-vích (Menshevik), phái tả khuynh... Trong khi đó, Chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh đã tiến đến giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, tàn sát loài người. Trong điều kiện đó, Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào”.
Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác – Ăng ghen, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh, để bảo vệ Chủ nghĩa Mác đến cùng và đã cụ thể hóa trong vận dụng, sáng tạo và phát triển Học thuyết của Chủ nghĩa Mác qua những nguyên tắc về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, thành lập đảng cộng sản Bôn-sê-vích ở Nga và thành lập Quốc tế III. Lênin và Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga đã lãnh đạo giai cấp công nhân Nga từng bước đi đến thắng lợi trong Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vào năm 1917. Tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực tại Liên bang Xô Viết và một loạt các nước XHCN ở Đông Âu.
Những nguyên tắc về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân của Lênin không chỉ có ý nghĩa đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, đối với Cách mạng Tháng Mười Nga, mà còn là tài sản tinh thần vô giá, là những chỉ dẫn vô cùng quan trọng cho các chính đảng vô sản lãnh đạo các cuộc đấu tranh vì mục tiêu CNXH và CNCS trên toàn thế giới. Những cống hiến vĩ đại của Lênin cả về lý luận và thực tiễn đã góp phần làm cho hệ thống lý luận của Mác, Ăngghen ngày càng hoàn chỉnh và phát triển trở thành Chủ nghĩa Mác–Lênin. "Chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết” khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen và sự phát triển của V.I.Lênin; là sự kế thừa và phát triển những giá trị của lịch sử tư tưởng nhân loại, trên cơ sở thực tiễn của thời đại; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động và giải phóng con người; là thế giới quan và phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng." (theo định nghĩa của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
4. Vận dụng sáng tạo, bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay  
Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học thuyết khép kín, cứng nhắc, mà là một học thuyết mở và sẽ luôn được bổ sung, phát triển trong dòng trí tuệ của nhân loại.
Riêng đối với Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành hệ tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của cách mạng Việt Nam. “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại...(Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IX, trang 83).                             
Những năm gần đây, lợi dụng tình hình chủ nghĩa xã hội đang tạm thời lâm vào thoái trào, các thế lực thù dịch ra sức xuyên tạc, chống phá, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lênin và những người sáng lập. Nhưng Chủ nghĩa Mác - Lênin cho đến nay vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, nơi kết tinh những giá trị của tri thức nhân loại.
          Đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đề ra trong hơn 90 năm qua chính là sản phẩm của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Cách mạng Việt Nam. Thực tiễn không thể chối cãi rằng Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở Việt Nam. Bài học thứ nhất trong 5 bài học lớn mà Đảng đã đúc kết trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”.
Ngày 6/5/1963, trong buổi chiêu đãi chia tay Phó chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa lúc bấy giờ là Lưu Thiếu Kỳ (người đồng chí, người bạn chí cốt của Bác), Bác Hồ đã nói “Chia tay lòng hẹn với lòng, cùng nhau dương ngọn cờ hồng Mác – Lê”. Vì vậy, để tiếp tục nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ chân lý khoa học và sự trong sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, với thiển ý nhỏ của mình tôi thiết nghĩ chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây:
Thứ nhất là, cần đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Trong đó các Trường chính trị và hệ thống các Học viện, Nhà trường cần không ngừng bổ sung hoàn thiện giáo trình lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội(CNXH) và con đường đi lên CNXH ở nước ta trong tình hình mới. Qua đó tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa các giá trị khoa học, bền vững của CN Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tiễn của CM Việt Nam.
Thứ hai là, trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh kiên quyết với các hoạt động chống phá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trên hệ thống không gian mạng và các kênh truyền thông khác trước các luận điệu và thủ đoạn chống phá quyết liệt của kẻ địch hiện nay. Kiên quyết đấu tranh, xử lý đối với các nhà mạng, với cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử, Facebook cá nhân đăng tải, phát tán thông tin chống phá. Phát hiện kịp thời để Xóa bỏ thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội.
Thứ ba là, Tăng cường đấu tranh, kiên quyết, trừng trị đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với từng loại đối tượng chống phá…để chúng ta quyết tâm thực thiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020. Chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp và triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây