TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Viết tiểu luận cuối khóa – Những vấn đề cần quan tâm

Đỗ Tân 
TP Đào tạo



Theo “ Quy chế viết tiểu luận cuối khóa “ của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ngày 03/02/2010 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh thì: “ Tiểu luận cuối khóa là một bài viết ngắn gọn nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể của công tác lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, giúp học viên rèn luyện phương pháp vận dụng lý luận, liên hệ thực tiễn và đưa ra những giải pháp, kiến nghị trong công tác “. Như vậy, có thể hiểu tiểu luận cuối khóa ( TLCK ) là một khâu cuối cùng trong quy trình đào tạo, yêu cầu học viên vận dụng những tri thức đã học để giải quyết một vấn đề lý luận và thực tiễn, thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học độc lập của học viên. Nội dung TLCK tập trung vào các mặt công tác mà học viên đã được học trong chương trình trung cấp LLCT - HC và kinh qua thực tiễn công tác.

Thực hiện quy định trên, Trường Chính trị Lê Duẩn đã cho triển khai ở các lớp đầu tiên ngay khi thực hiện chương trình mới. Qua hơn 03 năm thực hiện ở 15 lớp trung cấp LLCT - HC trên tổng số 1279 học viên ở cả hai loại hình đào tạo tập trung và tại chức với nhiều đối tượng học viên khác nhau, chất lượng tiểu luận cuối khóa được thống kê như sau:

- Loại xuất sắc: 721 hv, chiếm 56,37%

- Loại giỏi: 525 hv, chiếm 41,05%

- Loại khá: 29 hv, chiếm 02,26%

- Loại trung bình: 04 hv, chiếm 0,32%

Từ kết quả thực hiện nói trên, có thể nhận xét, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện viết TLCK của Trường Chính trị Lê Duẩn ở một số vấn đề cơ bản sau:

-Về ưu điểm

+ Nhà trường có sự chuẩn bị tốt về quy trình, thủ tục, hình thức và nội dung nên việc triển khai ở các lớp được đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cơ bản mục tiêu yêu cầu đã đề ra.

+ Đa số giảng viên tham gia hướng dẫn với nhiệt tình trách nhiệm, có kiến thức và kinh nghiệm, tận tình cộng tác, giúp đỡ học viên hoàn thành được TLCK. Nhiều bài TLCK có giá trị về lý luận và thực tiễn, có tính ứng dụng, góp phần giúp cơ quan, đơn vị địa phương nơi học viên công tác giải quyết được một số vấn đề vướng mắc lâu nay.

+ Đa số học viên có ý thức trách nhiệm, hứng thú đối với TLCK khi gặp các đề tài tâm đắc nên đã tập trung đầu tư nhiều công sức và tâm huyết cho quá trình thực hiện.

Khuyết điểm:

+ Về nội dung:

• Hệ thống đề tài ở các khoa đã sử dụng qua nhiều lớp nhưng chậm được thay đổi nên có sự lặp lại một cách nhàm chán ở các lớp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một vài tình trạng sao chép từ các lớp trước của học viên.

• Nội dung đề tài có sự trùng lặp giữa các khoa ở một số lĩnh vực ( công tác cán bộ, văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, lao động, việc làm, tôn giáo… ).

• Tỷ lệ học viên chọn đề tài trùng lặp ở một khoa tương đối lớn ( do tâm lý muốn chọn đề tài dễ, có nhiều tài liệu tham khảo ).

• Cách định hướng một số nội dung vẫn còn theo khuôn mẫu mà chưa có định hướng mở để học viên có nhiều giải pháp lựa chọn hơn.

+ Về hình thức: 

• Mặc dù đã có quy định về hình thức tại Quyết định số 288 ngày 23/11/2012 của Trường trên cơ sở ứng dụng đề tài khoa học về phương pháp thực hiện tiểu luận cuối khóa của Trường đã được nghiệm thu nhưng một số giảng viên hướng dẫn vẫn chưa thực hiện kỹ bước duyệt đề cương và kết cấu tiểu luận nên có một số nội dung bị đảo lộn từ phần này sang phần khác, mục này sang mục khác.

• Chưa thống nhất về số lượng trang theo quy định của Quy chế viết TLCK. Số bài trên 20 trang trở lên còn nhiều, có bài đến 34 trang.

• Cách ghi mẫu bìa, các thông tin trên bìa vẫn chưa thống nhất ( ghi hay không ghi chức vụ, bộ phận công tác của người hướng dẫn và học viên ).

• Một số TLCK vẫn chưa tuân thủ kết cấu chương, mục theo quy định của Trường.

+ Về cách thức phân công:

Trước đây, việc phân công hướng dẫn TLCK do Chủ tịch Hội đồng chấm TLCK đảm nhiệm. Trước khi kết thúc khóa học 02 tháng, Trường tổ chức cho học viên đăng ký đề tài. Học viên phải đăng ký đề tài ở 04 khoa ( mỗi khoa 01 đề tài ). Trường đã xây dựng Hướng dẫn số 288/HD-TLD ngày 30/9/2010 để cụ thể hóa Quy chế viết TLCK, Bản Hướng dẫn đã cụ thể hóa được các tiêu chí để phân công như căn cứ vào lĩnh vực công tác và điểm tổng kết môn học của học viên để Chủ tịch Hội đồng phân công về các khoa theo đề tài đã đăng ký. Trưởng khoa căn cứ số lượng giảng viên hướng dẫn để phân công theo nguyên tắc: Hội đồng chỉ phân số lượng, còn quyền phân công cụ thể về giảng viên và học viên thì thuộc về trưởng khoa.

Trong quá trình thực hiện cách thức trên, có ý kiến cho rằng cách làm đó thiếu khách quan nên phải tổ chức bắt thăm để chọn đề tài. Hình thức bắt thăm được thực hiện ở 04 lớp trở lại đây. Tuy có ưu điểm là bảo đảm khách quan, công khai trong phân công nhưng việc bắt thăm lại phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố may rủi. Nhiều học viên trong quá trình học đã nung nấu, tâm huyết với đề tài với mong muốn được thực hiện đề tài đó nhằm giúp cơ quan giải quyết các vướng mắc lâu nay nhưng lại không đạt nguyện vọng như mong muốn.

Từ quá trình thực hiện TLCK ở các lớp nêu trên, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đồng thời thực hiện tốt Hướng dẫn số 02/HD-HVCT-HCQG ngày 13/3/2013 của Học viện về định mức tiêu chuẩn và số lượng học viên viết TLCK ở các lớp trung cấp LLCT - HC, Trường cần tập trung một số vấn đề sau:

Về nội dung: các khoa cần xây dựng lại hệ thống đề tài cho phù hợp hơn với nội dung giảng dạy cũng như số lượng học viên được phân công. Nội dung đề tài nên theo hướng mở để học viên có nhiều phương án lựa chọn hơn. Trường nên tổ chức rà soát lại nội dung đề tài đã thực hiện lâu nay ở các khoa để có sự điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp với quy định mới. Những đề tài đã được sử dụng quá nhiều trước đây thì nên có sự chỉnh lý một số yêu cầu trong nội dung để tránh sự nhàm chán.

Về hình thức: tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 288 ngày 23/11/2012 của Trường về việc ban hành bộ mẫu quy định hình thức đề tài TLCK ở các lớp trung cấp LLCT - HC, đồng thời có biện pháp mạnh mẽ hơn đối với các giảng viên hướng dẫn không theo quy định trên. Trong hình thức phải chú trọng số lượng trang, không vượt quá quy định của Quy chế để bảo đảm cách viết chắc gọn, không dàn trải và viện dẫn nhiều. Hình thức trình bày văn bản như căn lề, đánh số trang, độ cách, độ dãn dòng, kỹ thuật viết hoa cần thực hiện theo Thông tư 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ.

Về cách thức: thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Học viện, bảo đảm tỷ lệ và tiêu chuẩn học viên được chọn. Tổ chức rút kinh nghiệm về cách thức phân công theo bắt thăm trực tiếp chọn giảng viên hướng dẫn sau khi đã thực hiện ở một số lớp trong thời gian tới để tiến tới cách phân công khách quan và khoa học hơn.

Sau hơn 03 năm thực hiện viết TLCK ở các lớp trung cấp LLCT - HC tại Trường Chính trị Lê Duẩn, cùng với việc phát huy những kết quả đã đạt được, Trường cần tiếp tục nghiên cứu để khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót đã nêu trên để đưa hoạt động viết TLCK hướng đến những kết quả hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường trong những năm tới./. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây