TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Vận dụng quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về điện khí hóa và những đỗi thay trên quê hương Quảng Trị

 
                                                                ThS. Nguyễn Quốc Thanh
         Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam trong hơn 92 năm qua từ khi Đảng ta ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong đó, những vấn đề lý luận về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, có ý nghĩa và ảnh hưởng to lớn, trực tiếp đến cách mạng Việt Nam. Là nhà lý luận mácxít – lêninnít chân chính, nhà tư tưởng giàu sức sáng tạo, trên cương vị đứng đầu BCH Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cùng với Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng ta ra sức tìm tòi khám phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cả trên phương diện hoạch định xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Một trong những tài sản lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà đồng chí Lê Duẩn để lại là nội dung công nghiệp hóa XHCN, Trong đó, trọng tâm công nghiệp hóa trên nền tảng điện khí hóa gắn kết chặt chẽ với hiện đại hóa. Bởi vì, điện khí hóa là quá trình chế tạo máy móc hoặc hệ thống hoạt động bằng điện mà trước đây những máy móc hệ thống này chưa từng được sử dụng bằng điện.
          Theo quan điểm duy vật lịch sử, V.I.Lênin nhiều lần cho rằng, xét đến cùng, năng suất lao động là yếu tố quyết định sự thắng lợi của một chế độ xã hội, chủ nghĩa xã hội sẽ đánh bại chủ nghĩa tư bản, thay thế chủ nghĩa tư bản khi tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản; “chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc1, “việc đặt nền móng cho sự thực hiện kế hoạch điện khí hóa vĩ đại là cái sẽ cho phép chúng ta khôi phục nền đại công nghiệp và ngành vận tải trên một quy mô và một cơ sở kỹ thuật khiến có thể hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng nạn đói kém, cảnh nghèo cùng2. Từ tư tưởng của V.I.Lê-nin, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo vào cách mạng Việt Nam. Ngay từ Đại hội III của Đảng (năm 1960) xác định: “Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ3.
Như vậy, khái niệm: “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa” lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng. Muốn đất nước ta từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu tiến lên CNXH, nhất thiết phải tiến hành CNH. Đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Thực chất công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa làm cho cách mạng kỹ thuật. Vấn đề làm rõ đường lối cách mạng kỹ thuật ở nước ta phải như thế nào mới phù hợp4. Đồng thời, đồng chí Lê Duẩn chỉ ra vấn đề điện khí hóa ở nước ta:“Ra sức phát triển điện, than, dầu khí và các ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu, khắc phục tình trạng mất cân đối trong lĩnh vực này. Chấn chỉnh công tác cung ứng vật tư kỹ thuật, thực hành tiết kiệm nghiêm ngặt về điện, than, xăng dầu, nguyên liệu, vật liệu, theo hướng tập trung cho các khu vực trọng yếu để sử dụng tốt hơn công suất các xí nghiệp hiện có. Cần tiến hành quy hoạch và xây dựng ngành cơ khí thích hợp với điều kiện hiện nay, khai thác tốt hơn nữa khả năng của những xí nghiệp hiện có; đồng thời chuẩn bị cho những bước tiến lên của cơ khí đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế5, “Tìm mọi cách cung ứng nguyên liệu và năng lượng cho các xí nghiệp, nâng cao tỷ lệ sử dụng lao động và công suất máy móc, làm thêm hàng hoá; tập trung lực lượng hoàn thành xây dựng các công trình trọng điểm”6 .
Với đường lối đúng đắn, giai đoạn thứ nhất từ năm 1960 đến năm 1975, mặc dù diễn ra trong điều kiện tiền đề vật chất cần thiết cho công nghiệp hóa, điện khí hóa còn hết sức hạn chế, tuy nhiên, quá trình này vẫn đạt được những kết quả quan trọng. Từ năm 1961 đến năm 1964, vốn đầu tư xây dựng cơ bản dành cho công nghiệp là 48% trong đó, công nghiệp nặng chiếm gần 80%. Giá trị sản lượng công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với năm 1960. So với năm 1955, số xí nghiệp công nghiệp năm 1975 tăng lên 16,5 lần. Nhiều khu công nghiệp lớn đã và đang hình thành, đã có nhiều cơ sở đầu tiên của các ngành công nhiệp nặng quan trọng như điện, than, cơ khí, luyện kim, hóa chất được xây dựng.
Đồng chí Lê Duẩn đã nêu rõ quan điểm của mình rằng: “Con đường cách mạng kỹ thuật của chúng ta tiến hành bằng hai cách, một là đi tuần tự từ lao động thủ công tiến lên nửa cơ khí, rồi tiến lên cơ khí và hai là đi thẳng ngay vào kỹ thuật hiện đại, kể cả kỹ thuật tối tân nhất7. Với phương châm này, trong thập niên 70-80 của thế kỷ XX, tuy đất nước ta phải đương đầu với sự bao vây cấm vận của kẻ thù, phải dồn sức khắc phục hậu quả chiến tranh, Nhà nước vẫn dành một phần quan trọng để xây dựng những công trình quan trọng về dầu khí, khai khoáng, sắt thép, điện, ximăng, cơ khí, phân bón, vải, giấy... Từ đó, ra đời các công trình lớn như: Thủy điện Sông Đà, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, ximăng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, đóng tàu Bạch Đằng, dầu khí Vietsovpetro... Kế thừa những thành tựu đó, sau đổi mới kinh tế nhiều công trình khánh thành đi vào hoạt động: Nhà máy Thủy điện Sơn La với công suất 2.400 MW, Nhà máy Thủy điện Yaly 720 MW, Hầm đường bộ Hải Vân…những công trình này đang phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Đồng chí Lê Duẩn là người con của quê hương Quảng Trị, vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, dù ở đâu, cương vị nào, đồng chí cũng luôn dành cho quê hương Quảng Trị sự quan tâm đặc biệt, tình cảm tốt đẹp và nồng hậu nhất. Mỗi lần về thăm quê đồng chí căn dặn: Tập trung vào khôi phục và phát triển công nghiệp rồi thông qua đó để khôi phục lại toàn bộ nền kinh tế, nhưng để khôi phục công nghiệp cần phải có lương thực, thực phẩm cho nhân dân, cần nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng, máy móc, thiết bị...trong đó điện phải đi trước một bước. Thực hiện lời căn dặn của đồng chí Lê Duẩn, đến nay quê hương Quảng Trị có những bước khởi sắc.
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; căn cứ vào lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kế hoạch, các chương trình phát triển năng lượng điện tái tạo thành động lực và dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”. Đến nay, về thủy điện: Toàn tỉnh có 15 dự án thủy điện được quy hoạch và bổ sung quy hoạch (bao gồm cả Dự án Thuỷ lợi - Thủy điện Quảng Trị, công suất 64MW) với tổng công suất 250,5MW, trong đó: 10 dự án với tổng công suất 167,5 MW đã đưa vào vận hành; các dự án còn lại với tổng suất 83MW đang được triển khai đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2020 - 2024.
Về điện gió, có 72 dự án điện gió được đề xuất với tổng quy mô công suất 3.684MW. Trong đó đã có 17 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 608MW. Các dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, gồm 02 dự án với tổng công suất 60MW (mỗi dự án 30MW). Các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát lập hồ sơ bổ sung quy hoạch, gồm 06 án, dự kiến tổng công suất khoảng 500MW. Hiệu quả đưa lại cho ngân sách nhà nước rất cao, cứ 1MW đem lại gần 900 triệu đồng cho ngân sách. Về điện mặt trời, trên địa bàn có 03 dự án điện mặt trời đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng công suất 149,5MWp. Bên cạnh đó, có 14 dự án điện mặt trời đã trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch với tổng công suất 1.293,02MWp, 05 dự án đang triển khai khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với quy mô công suất khoảng 310,10MWp. Như vậy, khả năng phát triển điện mặt trời đến thời điểm hiện tại là 22 DA với tổng công suất khoảng 1.750MWp.
Đặc biệt, Quảng Trị đã khởi công dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Với quy mô hơn 120 ha, dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027. Với kết quả đạt được, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trên địa bàn tỉnh và tham gia cung ứng cho nhu cầu năng lượng quốc gia và xuất khẩu. Những kết quả đó góp phần vào sự phát triển kinh tế tỉnh nhà. Cụ thể, năm 2021 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 6,5%  so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người nước đạt 57,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.080 tỷ đồng…Phát huy lợi thế có được, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (Nhiệm kỳ 2020 – 2025) khẳng định; “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của miền Trung vào năm 2030”.
Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về điện khí hóa, cùng với những lời căn dặn với quê hương Quảng Trị có ý nghĩa rất to lớn và đáng trân trọng. Những vấn đề đó vẫn còn tính thời sự sâu sắc qua các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI, XII và Đại hội XIII của Đảng. CNH, HĐH gắn với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân nói chung, tỉnh nhà Quảng Trị nói riêng./.
Tài liệu tham khảo:
      1.V.I. Lênin: Sđd, t.44, tr.60
      2.V.I. Lênin: Sđd, t.43, tr.266
      3. Lê Duẩn: Tuyển tập (1965 – 1975); tr.1088
      4. Lê Duẩn: Một số vấn đề cơ bản về CNH XHCN, bài nói tại Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Đảng khóa III, tháng 6-1962
      5.6 Bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IV (1979)
      7. Lê Duẩn: Cách mạng XHCN ở Việt Nam, Sđd, t1, tr.574
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây