TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Ứng dụng phương pháp giảng dạy và học tập tích cực vào các môn lý luận trong trường chính trị

Trước những thay đổi lớn lao trên tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, bản thân nền giáo dục cũng phải có những thay đổi, phát triển, đáp ứng nhu cầu mới của thời đại. Để nâng cao chất lượng giáo dục, ngoài sự đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, thay đổi chương trình, nội dung, cũng như nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên, thì đổi mới phương pháp dạy và học theo mô hình tích cực cũng là một việc làm góp phần cải thiện chất lượng giáo dục.

Giảng dạy theo phương pháp tích cực không phải là vấn đề mới mà nó đã được áp dụng từ rất sớm ở các nước phát triển. Ở nước ta, phương pháp này đã được nhiều trường ở tất cả các bậc học ứng dụng thành công và thu được nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này vào các trường chính trị, vào các môn học đặc thù, nhất là các môn có tính lý luận cao thì vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, do thói quen thụ động trong quá trình dạy và học. Đã từ lâu, trong các tiết học lý luận, hình ảnh người thầy thuyết trình một cách say sưa từ đầu đến cuối buổi, học viên thì nghe giảng và chép bài một cách thụ động đã thành một dấu ấn trong mỗi người; đến mức, khi được cử đi học chính trị, người học viên cũng đủ sức tưởng tượng ra hình ảnh quen thuộc đó. Bản thân người giảng thì lo lắng là học viên có thể chép sai lý luận nên cố gắng giảng kỹ, giảng đủ. Còn người học thì sợ ghi thiếu, ghi sai quan điểm nên họ rất tập trung, cố gắng ghi nhận hết những điều mà giảng viên nói. Vì thế, buổi học đơn thuần là một buổi thuyết trình không hơn không kém, không tạo ra không khí tranh luận sôi nổi, cũng như không kích thích được tính tư duy, tìm tòi cái mới trong học viên.

Thứ hai, do khuôn khổ của chương trình Trung cấp LLCT – HC được giới hạn, phân chia bài theo các buổi rõ ràng, vì thế, ngay cả bản thân người giảng, khi muốn áp dụng phương pháp mới cũng rất lúng túng khi dùng thời gian quy định để giảng dạy theo cách làm của mình. Nếu không có sự cho phép của nhà trường, của chuyên môn thì đây là sự vi phạm giờ giấc lao động. Mặc dù việc áp dụng phương pháp mới được lãnh đạo các trường khuyến khích, tuy nhiên, thực hiện chúng như thế nào để vừa đảm bảo được chất lượng giảng dạy, vừa đảm bảo thực hiện đúng quy chế của Học viện là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Việc tổ chức lớp theo phương pháp mới cần nhiều không gian hơn để lớp tự do thảo luận; cần nhiều thời gian hơn để có thời gian cho học viên trình bày, cho giảng viên hướng dẫn, tổng kết. Như vậy, nếu không có sự đồng ý của cấp trên thì việc tổ chức buổi học theo phương pháp mới khó có thể hoàn thành.

Thứ ba, việc vận dụng phương pháp mới sẽ rất khó khăn nếu áp dụng một cách tràn lan. Hiện nay, do nhu cầu đào tạo rất lớn, sĩ số học viên trong lớp khá đông, mỗi lớp có từ 70 – 90 học viên, thậm chí có lớp đến 100 người. Với số lượng như vậy, việc tổ chức lớp sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho một buổi học trên lớp, học viên phải giành ít nhất chừng đó thời gian để chuẩn bị trước ở nhà. Trong khi đó, đối tượng học viên của trường là cán bộ, rất nhiều người phải tranh thủ thời gian ngoài giờ để giải quyết công việc cơ quan, gia đình; cho nên, thời gian dành cho tự nghiên cứu là rất hạn chế. Việc áp dụng phương pháp mới chỉ có thể áp dụng cho các lớp đào tạo tập trung tại trường, để họ có thời gian thực hiện tốt công việc chuẩn bị cho bài học.

Thực hiện một buổi học theo phương pháp tích cực, theo tôi, cần phải chuẩn bị chu đáo các bước sau:

1. Thiết kế lại giáo án cho phù hợp với cách dạy mới

Hiện nay, nếu thực hiện, việc biên soạn lại giáo án là không khó, lý do: rất nhiều trường đại học, cao đẳng đã tiến hành biên soạn lại giáo trình và đã có hướng dẫn cách soạn giảng theo phương pháp tích cực, cho nên, giảng viên sẽ có rất nhiều tài liệu để tham khảo khi biên soạn lại giáo án cho phù hợp với yêu cầu của mình. Trong giáo án, phần phương pháp sẽ được đổi mới và chiếm nhiều dung lượng hơn so với giáo án cũ. Nếu giáo án cũ, phần nội dung chiếm đa số, phần phương pháp chỉ chiếm vài dòng bên cạnh thì bây giờ, mọi thứ đều ngược lại. Giảng viên chỉ nêu lên các nội dung rất cơ bản, sau đó phải chỉ ra phương pháp để học viên tìm hiểu, nghiên cứu tranh luận, và dẫn dắt học viên đi tìm được câu trả lời đúng. Ngoài ra, để cho học viên chuẩn bị, các nội dung cơ bản sẽ được trình bày dưới hình thức các câu hỏi và được giảng viên giao trước cho học viên nghiên cứu, tìm hiểu trước. Cách làm này sẽ khơi gợi tính chủ động của học viên, buộc học viên phải dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập.

2. Phân chia thời gian hoạt động cho giờ lên lớp

Nếu trước đây, hoạt động lên lớp chủ yếu là thời gian thuyết trình của giảng viên, thì bây giờ, thời gian giành cho học viên chiếm phần lớn. Buổi học sẽ chia làm các giai đoạn:

- Ổn định, phân chia nhóm, giao các vấn đề về cho nhóm: Việc này có thể giao cho Ban Cán sự lớp tự điều hành, hoặc để khách quan thì giáo viên hướng dẫn sẽ trực tiếp chia nhóm và phân câu hỏi. Phần này mất thời gian khoảng 15 phút.

- Học và thảo luận theo nhóm: Học viên sẽ thảo luận, tập hợp ý kiến theo các nhóm đã phân công. Thời gian cho phần này chiếm ½ tổng thời gian buổi học.

- Học và thảo luận với giáo viên: Sau khi thảo luận, thống nhất ý kiến, các nhóm sẽ tập hợp lại, giảng viên sẽ trực tiếp hỏi các thành viên của các nhóm, lấy ý kiến của các thành viên khác về vấn đề đặt ra. Sau đó là định hướng nội dung, chỉnh sửa ý kiến.

- Giáo viên tổng kết, cho điểm các nhóm, giao câu hỏi và hướng dẫn cho buổi học sau: Đây là việc làm khá quan trọng, mất khoảng 30 phút. Giảng viên phải tổng kết lại những nội dung cơ bản của bài học; nhận xét quá trình chuẩn bị, học tập của học viên. Tiến hành cho điểm các nhóm, cho điểm các ý kiến hay (phần điểm này sẽ được tính hệ số 01 cộng với điểm bài thi hết môn). Cuối buổi, giảng viên giao các nội dung cần nghiên cứu cho bài sau để học viên chuẩn bị trước.

Để áp dụng phương pháp dạy học mới, người giảng cần chuẩn bị và cần có được những gì?

- Phải được sự nhất trí của BGH, phòng đào tạo và phụ trách chuyên môn của khoa.

- Phải được tập huấn, giảng dạy thí điểm các lớp.

- Phải chuẩn bị tốt giáo án, các câu hỏi, quy trình lên lớp.

- Chuẩn bị trước các tình huống có thể xảy ra trong giờ học (học viên mất trật tự, nói chuyện riêng, không chịu thảo luận, hoặc có thể đặt ra những câu hỏi ngoài vấn đề học tập).

Phương pháp giảng dạy tích cực là một phương pháp đã được chứng minh là mang lại hiệu quả cao, tạo động lực kích thích tư duy, khả năng độc lập, sáng tạo của học viên cũng như làm cho giảng viên chủ động và tránh được giáo điều trong giảng dạy lý luận. Những ưu điểm trên cũng chính là những điều mà phương pháp này đóng góp vào để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận ở các trường chính trị tỉnh trong giai đoạn mới.
 

Trần Thiên Tú
Khoa LLMLN,TTHCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây