TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, Người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới Việt Nam. Chỉ riêng về giáo dục, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã là một kho tàng, ở tầm chiến lược và ngày càng ngời sáng qua thực tiễn.

Khi tìm thấy con đường cứu nước Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều công sức phân tích phê phán nền giáo dục phong kiến (kinh viện, xa thực tế, coi sách của thánh hiền là đỉnh cao của tri thức...) và nền giáo dục thực dân (ngu dân, đồi bại, xảo trá, nguy hiểm hơn cả sự dốt nát) .

Người quan tâm xây dựng nền giáo dục mới của nước Việt Nam độc lập. Nền giáo dục này ra đời từ Cách mạng Tháng Tám thành công và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Hồ Chí Minh xác định, xây dựng nền giáo dục mới là một nhiệm vụ chiến lược cơ bản lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ cấp bách phải tiến hành ngay, không thể để chậm trễ: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” .

Để xây dựng nền văn hóa giáo dục của nước Việt Nam độc lập Hồ Chí Minh đã nêu ra nhiều quan điểm rất quan trọng:

Mục tiêu của văn hóa giáo dục để thực hiện cả ba chức năng của văn hóa bằng giáo dục: Dạy và học để bồi dưỡng lý tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp; mở mang dân trí; bồi dưỡng những phẩm chất và phong cách tốt đẹp cho con người. Giáo dục để đào tạo con người có ích cho xã hội. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Giáo dục nhằm đào tạo lớp người có đức, có tài, kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Phải tiến hành cải cách giáo dục để xây dựng một hệ thống trường lớp với chương trình, nội dung dạy và học hợp lý, phù hợp với các giai đoạn cách mạng. Nội dung giáo dục phải toàn diện: văn hóa, chính trị, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, lao động... Các nội dung đó có mối quan hệ mật thiết với nhau. Học chính trị là học chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cách học phải sáng tạo, không giáo điều. Học để nắm các quan điểm có tính nguyên tắc, phương pháp luận. Học chủ nghĩa Mác- Lê nin, như Người nói, không phải để “thuộc sách lầu lầu” , mà là “học tập cái tinh thần xứ trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình;là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác- Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta” . Học tập khoa học kỹ thuật để đáp ứng đòi hỏi của thời đại mới, thời đại của cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển như vũ bão. 

Phương châm, phương pháp giáo dục: Phương châm bao gồm: Luôn luôn gắn nội dung giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận liên hệ với thực tế; học tập kết hợp với lao động;phải phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội; thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục; học suốt đời. Coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. Học ở mọi lúc, mọi nơi, học mọi người. Phương pháp giáo dục phải xuất phát và bám chắc vào mục tiêu giáo dục. Giáo dục là một khoa học nên cách dạy phải phù hợp với lứa tuổi; dạy từ dễ đến khó; kết hợp học tập với vui chơi có ích, lành mạnh; giáo dục phải dùng phương pháp nêu gương; giáo dục phải gắn liền với thi đua.

Phải không ngừng nâng cao đảng trí là mục tiêu của giáo dục đối với cán bộ đảng viên được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Đối với cán bộ, đảng viên, Người đòi hỏi phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.Cán bộ, đảng viên phải học tập văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, quản lý: “Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt”, đối với cán bộ “ai lãnh đạo ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn ngành ấy” . Có như vậy mới không rơi vào trình trạng lãnh đạo chung chung, quyết định những vấn đề mà mình không hiểu biết. 

Thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên vì không có giáo viên thì không có giáo dục. Phải xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; phải yên tâm công tác, đoàn kết; phải giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp. Người đi giáo dục cũng phải được giáo dục, phải học thêm mãi, học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học.

Lời dạy của Người tại buổi nói chuyện tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 21-10-1964 vẫn còn vang mãi, luôn nhắc nhở đội ngũ giáo viên chúng ta: “ Cô giáo, thầy giáo trong chế độ ta cần phải góp phần vào công cuộc xây dựng XHCN. Phải có chí khí cao thượng, phải "tiên ưu, hậu lạc", nghĩa là khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng lên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy tốt là những anh hùng vô danh....” 

Tư tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra phương hướng cơ bản cho chiến lược con người, chiến lược phát triển giáo dục ở nước ta trong suốt mấy chục năm qua và cả thời gian sắp tới. Quán triệt tư tưởng của Người, Đảng ta hết sức quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Thấu suốt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, toàn Đảng, toàn dân mà nòng cốt là đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, trước hết nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thực hiện giáo dục toàn diện, đặc biệt chú trọng giáo dục tư tưởng - chính trị, nhân cách, đạo đức, lối sống cho người học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phát huy vai trò giáo dục gia đình. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, tăng cường giáo dục tư duy dáng tạo, tăng năng lực tự học, tự tu dưỡng, tự tạo việc làm. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc. Đó là "làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Tư tưởng đó của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tỏa sáng tính cách mạng, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Đẩy mạnh và phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới hôm nay là thực hiện ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhanh chóng đưa nước ta "sánh vai với các cường quốc năm châu".
 

Th.s Lê Anh Tân
Khoa MLN,TT HCM

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây