TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tìm hiểu một số điểm mới về phương châm công tác dân vận trong Dự thảo Báo cáo chính trị  trình Đại hội XIII của Đảng

 
                                                                                   Th.S Hoàng Tiến Dũng
                                                                               Trưởng Khoa Xây dựng Đảng
 
   Như chúng ta đã biết, chỉ còn không lâu nữa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chính thức khai mạc. Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường; đất nước đang đúng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết, cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đất nước ta phát triển nhanh và bền vững hơn. Dự thảo các văn kiện được tiến hành công phu, nghiêm túc, khoa học và có nhiều điểm mới. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ tìm hiểu những điểm mới trong phương châm công tác dân vận của Đảng nhằm phục vụ trực tiếp trong công tác giảng dạy môn “ Nghiệp vụ công tác Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân ở cơ sở”
   Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã  nhắc lại một quy luật lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta rằng, bất cứ một công cuộc kiến thiết nào, bất cứ một cuộc chiến tranh nào, bất cứ một triều đại nào trong lịch sử lâu dài của dân tộc ta, cũng chỉ có thể gặt hái được thành công khi có mục đích hợp lòng dân, xuất phát từ lợi ích chung của dân, được dân ủng hộ; không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích của dân, không được dân ủng hộ thì đều thất bại.
    Nhận thức được điều đó, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục đích phấn đấu là lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, giải phóng, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, mang lại cường thịnh cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài đấu tranh vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân. Điều lệ Đảng xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”.
   Không chỉ dừng lại việc chỉ ra quy luật lịch sử, Người còn chỉ ra vai trò, cách thức lãnh đạo của các tổ chức Đảng : “… lãnh đạo đúng nghĩa là phải có ba yếu tố: Dựa vào dân mà đề ra mục tiêu, đường lối cho đúng; dựa vào dân giúp sức để tổ chức thi hành cho đúng; và “phải có quần chúng giúp” mà kiểm soát cho đúng. Người nhấn mạnh: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t. 5, tr. 326).
   Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đề ra đường lối đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, mở ra thời kỳ phát triển mới. Xuất phát từ thực tiễn, Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về dân: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”; “Đảng không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”; “Quần chúng là người làm nên lịch sử”. Tại Đại hội này, Đảng ta đã đề ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý”, đồng thời khẳng định “thực hiện có nền nếp khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đại hội VI của Đảng khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”. Lần đầu tiên phương châm này được gọi là “khẩu hiệu”.
   Về mặt thực tiễn,  dù là phương châm hay khẩu hiệu thì điều quan trọng nhất vần là những nội dung ấy đã đi vào cuộc sống hay chưa, hay nói cách khác là cần phải cụ thể hoá quy định dân được biết những gì? Dân được bàn việc gì bàn như thế nào? Dân được làm ra sao? Và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu? Cho đến Đại hội VIII (tháng 6-1996), Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước” (tại Đại hội này, khái niệm “khẩu hiệu” được thay bằng khái niệm “phương châm”).
   Năm 1997, sau một số vụ việc xảy ra ở nông thôn tỉnh Thái Bình và một vài địa phương khác được giải quyết, tháng 2-1998, Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, trong đó nêu rõ “thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình”. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998, sau đó là Nghị định 79/2003/NĐ-CP ngày 7-7-2003 “Về quy chế thực hiện dân chủ ở xã”; Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 8-9-1998 “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan”; Nghị định số 07/1998/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước”. Sau một thời gian thực hiện, năm 2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”; Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2007/NĐ-CP “Về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn” và một số nghị định cho các loại hình cơ sở khác. Như vậy, cùng với hình thức dân chủ đại diện, với Chỉ thị 30 –CT/TW, sau đó là các nghị định của Chính phủ, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lần đầu tiên, người dân thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở một cách đồng bộ với những quy định, quy chế được chính người dân ở cơ sở xây dựng và thực hiện
   Như vậy, từ năm 1986, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đến năm 1998 thì phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mới thực sự đi vào cuộc sống khi Nhà nước ban hành cơ chế, quy định cụ thể để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp trong việc được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra. Tất nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng, phương châm  đi vào cuộc sống nhưng đã thật sự đúng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước ta hay chưa thì vẫn còn những vướng mắc và hạn chế. Nguyên nhân chính của những vướng mắc và những hạn chế đó chính là chưa được thể chế hoá. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục đề ra nhiệm vụ “thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 
   Cho đến nay, Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng có ghi: "Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thêm "dân giám sát, dân thụ hưởng". Đây là một điểm mới trong Báo cáo chính trị lần này, đồng thời thể hiện nền dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, đi vào nền nếp trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: nước lấy dân làm gốc. Để thêm "dân giám sát, dân hưởng thụ" là một quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như đòi hỏi của cuộc sống của người dân, nay đã chín muồi. Sau khi Đại hội XIII của Đảng thông qua phương châm này, cần được thể chế hóa bằng cơ chế, pháp luật, chính sách , nền nếp, nhanh chóng đi vào cuộc sống, phù hợp với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
   Trên đây, chỉ là một số nét khái lược nhất về quá trình Đảng ta hoạch định phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho đến việc bổ sung thêm “ dân giám sát, dân thụ hưởng”  làm cho chúng ta sáng tỏ thêm nhiều điều trong nhận thức. Nhận thức ở đây cũng phải cần được nhấn mạnh lại là nó là một quá trình và trong quá trình ấy không tránh khỏi những vướng mắc, thiếu sót, hạn chế;  mọi chủ trương, đường lối để đạt được mục tiêu là đi vào cuộc sống thì phải được kiểm chứng qua thực tiễn để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; nhận thức đúng còn góp phần chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đang hàng ngày, hàng giờ , bóp méo, bôi nhọ những việc làm cụ thể và thiệt thực của Đảng và Nhà nước ta. Tất nhiên, thực tiễn cách mạng của đất nước ta trong năm 2020 trước những diễn biến bất lợi của đại dịch và thiên tai là những bằng chứng hùng hồn không thể phủ nhận.  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây