TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới ở Quảng Trị

 
            ThS. Trần Hữu Hòa
                                                                Phó Trưởng phòng NCKH-TT-TL
 
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích tạo sự thay đổi một cách căn bản đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, bên cạnh hệ thống những giải pháp cơ bản thì công tác tuyên truyên có một vai trò quan trọng phải “đi trước một bước”. Bởi vì, công tác tuyên truyền là phương thức tác động để làm chuyển đổi nhận thức của con người, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Bên cạnh những giải pháp căn cơ được chính quyền các cấp triển khai thực hiện không thể không nói đến vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền.
Công tác tuyên truyền trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến các cơ sở tổ chức thực hiện thường xuyên và liên tục trên cả chiều rộng lẫn chiều sâu nhằm mục tiêu làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nhất là hiểu vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM để từ đó người dân tự giác và tích cực tham gia thực hiện.
Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Quảng Trị đã tổ chức triển khai, thực hiện thường xuyên, liên tục, đúng định hướng, đa dạng, phong phú, sáng tạo về hình thức, chú trọng vào số lượng và chất lượng thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng, làm rõ được yêu cầu cấp thiết, những đặc trưng, nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp huy động nguồn lực và thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của người dân trong quá trình thực hiện các tiêu chí.
 Đặc biệt trong tuyên truyền, vận động các địa phương đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của các loại hình tuyên truyền, trong đó chú trọng đến loại hình tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đội ngũ tuyên vận viên ở từng cơ sở. Công tác tuyên truyền miệng của các tổ tuyên vận được tổ chức ở mọi lúc mọi nơi và bất cứ trong điều kiện hoàn cảnh nào cũng có thể tuyên truyền được vì hàng ngày cán bộ làm công tác tuyên vận sinh sống và làm việc cùng với nhân dân, hiểu rõ các phong tục, tập quán, trình độ nhận thức của bà con nhân dân.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được khai thác, phát huy triệt để. Các chuyên mục NTM trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, trên Báo Quảng Trị; trên trang thông tin điện tử nông thôn mới Quảng Trị (nongthonmoi. quangtri.gov.vn), đã chuyển tải một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, nhất là các điển hình tiên tiến; các mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định rằng công tác tuyên truyền đã tạo sức lan toả đến tận cơ sở, được người dân đồng tình hưởng ứng. Thông qua công tác tuyên truyền đã làm chuyển đổi căn bản nhận thức của người dân, từ đó xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trở thành những mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng, tiêu biểu như: mô hình chăm lo xây dựng hạ tầng NTM của Hội Nông dân xã Triệu Đông (Triệu Phong); mô hình “3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Tỉnh; mô hình huy động nguồn lực xây dựng NTM huyện Hải Lăng; mô hình hiến đất, hiến công xây dựng NTM ở xã Mò Ó (Đakrông), Triệu An (Triệu Phong); phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung tay xây dựng NTM” với phương châm “Mỗi đoàn viên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng NTM” của Tỉnh đoàn; mô hình di dời mồ mả, dồn điền đổi thửa tại Cam Thủy, Cam An (Cam Lộ); mô hình thắp sáng đường quê ở Cam Thành (Cam Lộ), Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh); triển khai phong trào “Khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa”; phong trào “Xóa nhà tạm bợ, dột nát”, đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện quyết tâm cao trong xây dựng NTM. Nhờ công tác tuyên truyền “đi trước một bước” nên hiện trạng xây dựng NTM trên địa bàn Quảng trị đã có nhiều khởi sắc. Tính đến thời điểm 30/6/2016, toàn tỉnh có 18 xã đạt chuẩn NTM; 11 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 51 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 37 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí[1].
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì công tác tuyên truyền vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là: Công tác tuyên truyền xây dựng NTM tuy sớm được triển khai tương đối đồng bộ song chưa thực sự có chiều sâu và vẫn còn tính một chiều. Công tác tuyên truyền ở một số thôn bản vùng sâu, vùng xa chưa sâu rộng; một bộ phận nhân dân chưa thực sự tự giác trong việc hưởng ứng thực hiện xây dựng NTM. Các hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trực quan chưa nhiều; kiến thức, kỹ năng, phương pháp của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tuyên truyền còn hạn chế; thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa phong phú, thời lượng và khung chương trình chưa đa dạng nên mức độ chuyển tải thông tin còn hạn chế đối với các tầng lớp nhân dân; kinh phí thực hiện, phương tiện, công cụ hỗ trợ (hệ thống trạm, loa truyền thanh thôn bản...) chưa đáp ứng yêu cầu.
Thực hiện chuơng trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2016 Quảng Trị có 29 xã đạt chuẩn NTM và mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40-50% số xã đạt chuẩn NTM và có từ 1 đến 2 huyện đạt chuẩn NTM, trong thời gian tới cần phải có sự quan tâm, tập trung chỉ đạo kịp thời và sâu sát của các cấp ủy, chính quyền về công tác tuyên truyền. Phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên xem công tác tuyên truyền là nhiệm vụ của chính mình.
Đặc biệt, các cấp ủy đảng phải có nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền và tuyên truyền điển hình xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quyết định đến thắng lợi của Chương trình xây dựng NTM. Tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng niềm tin của nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, điều hành các hoạt động xây dựng NTM, nhất là việc xây dựng kế hoạch, các chỉ tiêu phấn đấu hàng năm và tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa, giáo dục , quốc phòng, an ninh. Mặt khác, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức nhằm khơi dậy tính tích cực, chủ động của nhân dân trong quá trình thực hiện. Đây là vấn đề gắn với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn và phải được người dân đồng lòng tham gia thực hiện; gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động, lấy kết quả vận động để tuyên truyền; phát động các phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong xây dựng NTM, nhất là việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết của Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Đẩy mạnh tuyên truyền về việc chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa và tuân thủ quy trình sản xuất nông sản sạch cho người nông dân; bảo vệ, cải thiện môi trường; xây dựng đời sống văn hóa nông thôn, duy trì, bảo tồn những giá trị, sắc thái văn hóa truyền thống của địa phương.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền xây dựng NTM phải chú ý đến đặc thù văn hóa – xã hội của từng vùng, từng địa phương, nhất là, chú trọng những thôn, bản vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn để có phương thức tuyên truyền vận động cho phù hợp. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có chuyên môn tốt, có tinh thần trách nhiệm, nắm chắc về nội dung, phương pháp tuyên truyền  phong phú, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân hiểu rõ được mục đích cụ thể, thiết thực của việc xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện, qua đó phát hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo, đồng thời phê phán những tư tưởng trông chờ ỷ lại, kém hiệu quả; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của người dân trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Với những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, tin tưởng rằng trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những vướng mắc; huy động tối đa nguồn lực, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM trên địa tỉnh nhà.
 

[1] Báo cáo XDNTM 6 tháng đầu năm 2016 của Sở NNPTNT Quảng Trị
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây