TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc tại tỉnh Quảng Trị

 
                                                                       ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
                                         Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 313.765 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 47 xã, thị trấn miền núi gồm 6 xã khu vực I, 15 xã khu vực II, 26 xã khu vực III, trong đó có 29 xã, 22 thôn, bản đặc biệt khó khăn, biên giới thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, có 41 xã, thị trấn là vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Dân số miền núi tính đến thời điểm 01/01/2019 có 42.731 hộ, 180.760 khẩu; tổng số hộ dân tộc thiểu số 18.692 hộ với 85.498 khẩu; số hộ nghèo toàn vùng miền núi có 10.471 hộ chiếm 25,4%, số hộ cận nghèo 3.499 hộ chiếm 8,19%; số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 9.634 hộ chiếm 51,54%.
Những năm qua, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm và đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc nhằm hỗ trợ đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiếu số và đạt được nhiều kết quả quan làm thay đổi đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội:
Thứ nhất, Chương trình 135 đây là tên gọi tắt của Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được ban hành bởi Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 7 năm 1998. Trong những năm qua thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, định hướng phát triển kinh tế - xã hội như Chỉ thị số 07/CT-TU ngày 22/6/2016 của Ban Thường  vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 2253/QĐ-UBND ngày 19/10/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 3026/QĐ-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020. Trong đó, với nhiều dự án cụ thể: đối với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong  từ năm 2015 đến 2018 với vốn phân bổ 39.114,52 triệu đồng trong đó năm 2015 là 9.500.000 đồng, từ năm 2016 đến 2018 là 29.614,52 đồng. Thực hiện hỗ trợ cây trồng các loại, vật nuôi gia súc gia cầm, hỗ trợ mua phân bón và tiêm vắc xin phòng dịch bệnh; mua sắm máy móc bảo quản, chế biến nông sản phẩm, hỗ trợ cày đất để trồng cây công nghiệp và trồng rừng, thực hiện 100% kế hoạch đặt ra. Dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, năm 2015-2018 vốn có 133.426 triệu đồng thực hiện đầu tư xây dựng 198 công trình gồm 115 công trình đường giao thông, 35 công trình nhà văn hóa, 29 công trình trường học, 11 công trình thủy lợi, 03 công trình nước sinh hoạt và 04 công trình trạm y tế. Thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng Chương trình 135 đang xuống cấp, hư hỏng do tác động của thiên tai, lũ lụt…
Thứ hai, dự án Nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở thực hiện theo Quyết định 2251/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc ban hành chương trình khung đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, với tổng vốn phân bổ trong 03 năm 2016-2018 à 1.435 triệu đồng, đã thực hiện đào tạo 04 lớp với 168 cán bộ xã tại tỉnh, 32 lớp nâng cao năng lực cộng đồng cho 1.195 lượt người dân tại các xã đặc biệt khó khăn, tổ chức một đợt tham quan học tập kinh nghiệm ngoại tỉnh cho 29 cán bộ xã.
Thứ ba, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011, Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/03/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2016-2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện liên quan thực hiện quy trình bình chọn trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận người có uy tín năm 2016: 249 người, năm 2017: 251 người, năm 2018 thực hiện theo tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín tại Quyết định số 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị quyết định công nhận 253 người có uy tín, trong đó huyện Cam Lộ: 01 người, huyện Gio Linh: 13 người, huyện Vĩnh Linh: 18 người, huyện Đakrông: 88 người, huyện Hướng Hóa: 133 người.
Thứ tư, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Hằng năm căn cứ vào nguồn vốn ngân sách TW hỗ trợ, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Ban Dân tộc chủ trì phối hợp Uỷ ban nhân dân các huyện tổng hợp đối tượng thụ hưởng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách. Kết quả thực hiện: năm 2016 kinh phí thực hiện là 6.028,739 triệu đồng, hỗ trợ chi 14.162 hộ, 65.768 khẩu nghèo; năm 2017 kinh phí thực hiện là 5.260,361 triệu đồng hỗ trợ cho 12.014 hộ, 56.574 khẩu; năm 2018 kinh phí là 5.314,366 triệu đồng, đã thực hiện cho 12.235 hộ, 57.591 khẩu nghèo theo tiêu chí thu nhập.
Thứ năm, thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đến năm 2020, định hướng đến 2030 và công văn hướng dẫn số 284/UBDT-CSDT ngày 30/3/2017 của Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 29/5/2017 nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi tỉnh Quảng Trị. Năm 2018 các chỉ tiêu đạt được: tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 01 tuổi người dân tộc thiểu số là 9%, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số 25,5%, tỷ lệ trẻ em mầm non đến trường 97,33%, tỷ lệ nhập học đúng tuổi bậc tiểu học 98,8%, tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học 99,7%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ là 54,5%.
Thứ sáu, thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08/8/2017 của Thủ tướng chính phủ. Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 2634/KH-UBND ngày 29/6/2018 về thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận đồng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021 tỉnh Quảng Trị”. Căn cứ vào nội dung hoạt động cụ thể của Kế hoạch, các đơn vị địa phương lồng ghép kinh phí để thực hiện Kế hoạch như Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021; Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới, hải đảo đến năm 2021”; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”…
Công tác dân tộc, chính sách dân tộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, Ban, ngành và địa phương, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình và tham gia tích cực của người dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc thông qua các Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư về phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, an sinh văn hóa xã hội đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực theo lợi thế phát triển của từng vùng, kinh tế nông nghiệp phát triển đa dạng, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người ước tính năm 2018 đạt 19,63 triệu đồng/người/năm, công tác xóa đói giảm nghèo ổn định, hộ nghèo hàng năm giảm 3-4% (tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2018 chiếm 28,32% giảm 3,47% so với đầu năm 2017, cuối năm 2018 ước đạt 24,32% giảm 4% so với đầu năm 2018). Cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội của người dân vùng núi có sự thay đổi tích cực, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển, tính đến nay toàn vùng dân tộc thiểu số đã có 7/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đươc giữ ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: nhìn chung cơ bản kinh tế vùng đồng bào dân tộc miền núi có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, khoảng cách chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, tập quán canh tác một số vùng còn lạc hậu. Dân cư sống không tập trung gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, trường học, trạm y tế…phục vụ sản xuất và dân sinh ở những vừng có địa hình núi cao, chia cắt và thưa dân. Các công trình được đầu tư thường xuyên bị ảnh hưởng của bão lũ nên nhanh xuống cấp và hư hỏng. trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, định mức hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo còn thấp chưa đáp ứng đủ chi phí để sản xuất hoặc đầu tư vào chăn nuôi có giá trị kinh tế cao; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chưa huy động được nhiều sự tham gia đóng góp của cộng đồng, công tác quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng công trình sau khi nghiệm thu chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận hộ gia đình có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã làm giảm ý nghĩa của chính sách.
Để thực hiện tốt hơn nữa các chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian tới, theo tôi chúng ta cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục tập trung, quan tâm và xác định chương trình, chính sách dân tộc là trọng tâm trong chương trình hành động của địa phương, đơn vị mình, bám sát và tiếp tục triển khai Kế hoạch 2359/KH-UBND ngày 3/8/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định 05/CP của Chính phủ về công tác dân tộc theo 13 nội dung công việc được nêu trong kế hoạch; Kế hoạch số 4261/KH-UBND ngày 27/11/2014 về việc quán triệt Chỉ thị về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Kế hoạch số 2232/KH-UBND ngày 29/5/2017 về thực hiện Nghị quyết số52 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030.
Thứ hai, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, gắn với giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng địa bàn vùng dân tộc và miền núi, mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầy tư từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn tài trợ bên ngoài trong phát triển kinh tế xã hội. Đảm bảo cho đồng bào được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã ban hành gắn với Chương trình giảm nghèo và Chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu giảm hộ nghèo hàng nằm 3-4%.
Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số và miền núi phấn đấu đạt các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 đó là tăng cường sức khỏe người dân tộc thiểu số: giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi người dân tộc thiểu số đến 2020 xuống 25‰, năm 2030 là 14‰, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn 29% và 2030 xuống 19%, đến năm 2020, có ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 97%, trung học cơ sở 93% và 50% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương.
Thứ tư, huy động đầu tư từ các thành phần kinh tế vào vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn vào các chương trình, dự án để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tăng định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các xã đặc biệt, khó khăn.
Thứ năm, xã hội hóa việc thực hiện chương trình phải gắn với công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức đoàn thể xã hội. Từ đó làm cho người dân hiểu rõ tầm quan trọng, tính nhân văn của các chính sách, chương trình dự án để phối hợp với chính quyền và huy động sự tham gia của toàn cộng đồng tạo ra một phong trào sâu rộng trong tham gia xây dựng các chương trình, chính sách trong thực tiễn địa phương, đặc biệt là khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân. Nêu cao vai trò của cơ sở, người có uy tín trong cộng động, phát huy tính công khai, dân chủ, phát huy sự tham gia của người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, nhằm nắm tình hình và chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình chính sách dân tộc.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đã làm thay đổi đời sồng người dân đồng bào thiểu số, giúp người dân ổn định đời sống, sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Và quan trọng hơn, các chương trình, chính sách này góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc và niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Ðảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng núi và an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây