TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Thực hiện chính sách đối với thương binh liệt sỹ theo quan điểm Hồ Chí Minh

Trần Hữu Hòa


Chính sách đối với người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt, vì nó thể hiện rõ quan điểm và đường lối của Đảng cầm quyền, bản chất ưu việt của một chế độ. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam non trẻ ra đời gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đề ra và lãnh đạo thực hiện đúng đắn chính sách đối với những người hy sinh xương máu vì Tổ quốc. 

Trong thời kì hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc xác định đối tượng cũng như các chính sách ưu đãi đối với người có công cần phải được thực hiện cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, làm tốt chính sách đối với người có công là một giải pháp quan trọng góp phần ổn định chính trị, xã hội, tăng cường trách nhiệm công dân, nâng cao lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước chân chính để xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy cần phải quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh với chính sách đối với người có công mới thực hiện được những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay với những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, chính sách đối với người có công là sự kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Kế thừa truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ nhân dân ta đã nhất tề đứng dậy chiến đấu theo chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Dân tộc ta “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” chấp nhận những thử thách vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Để có chiến thắng to lớn ấy, hàng triệu chiến sỹ, đồng bào ta đã hy sinh, hàng triệu người khác bị thương tật hoặc gánh chịu di họa của chiến tranh suốt phần còn lại của cuộc đời. Cả dân tộc Việt Nam sẽ ghi tạc công ơn những người đã dùng máu đào “tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Ngay từ ngày thương binh toàn quốc đầu tiên (27-7-1947), Hồ Chủ tịch đã nêu rõ: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào…Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” . Quan điểm của Hồ Chí Minh về trách nhiệm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng cũng là trách nhiệm và tình cảm của toàn dân đến với họ. Thấu hiểu sự hy sinh mất mát của hàng triệu người con của dân tộc, trước khi đi xa, Người còn dặn lại: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh” .

Để bù đắp một phần hy sinh mất mát của người có công, từ năm 1955, ngày Thương binh toàn quốc được đổi thành Ngày Thương binh - liệt sỹ để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của toàn Đảng, toàn dân đối với tất cả những người đã hy sinh một phần xương máu của mình cho Tổ quốc nở hoa độc lập, kết trái tự do. Cũng từ đó, hàng lọat chính sách chế độ đối với thương binh và gia đình liệt sỹ được ban hành. 

Thứ hai, xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng. 
Sinh thời, Hồ Chí Minh vẫn thường dạy: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào” bởi vậy “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, giúp đỡ những người con anh dũng đó” . Thực hiện quan điểm, tư tưởng của Người, năm 1946 ở Thuận Hóa (Huế) đã thành lập “Hội giúp binh sỹ bị nạn”. Hoạt động của Hội đã lan tỏa ra nhiều nơi khác trong cả nước và sau được đổi thành “Hội giúp binh sỹ bị thương”. Tổng Hội đã kêu gọi đồng bào cả nước hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương trong chiến đấu. Sau lời kêu gọi của tổng Hội cả nước đã dấy lên phong trào “Mùa đông binh sỹ” và mở đầu phong trào là, mặt trận Liên Việt đã tổ chức tuần lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”. Bác Hồ đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng thương binh. Noi gương Người đồng bào khắp cả nước đã ủng hộ hàng vạn áo ấm, mũ, giày, chăn, để tặng thương binh, bệnh binh.

Trước tình hình cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng quyết liệt, người bị thương và hy sinh càng nhiều, Bác đã ra thông báo “Về việc nhận con liệt sỹ làm con nuôi”. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Bác Hồ đã đề ra phương châm thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ thật rõ ràng, phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc và hoàn cảnh đất nước: “Đồng bào sẵn sàng giúp đỡ, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì nhất định dần dần tự túc được”. Từ lời dạy của Bác, theo sự phát triển của cách mạng đã trở thành phương châm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng, trở thành thế kiềng ba chân: Nhà nước – cộng đồng và đối tượng nỗ lực vươn lên. Tư tưởng của Bác về xã hội hóa chăm sóc người có công đã được Đảng và Chính phủ triển khai và phát triển bền vững, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, càng tiến gần đến thắng lợi càng nhiều cam go. Sự hy sinh và thương vong càng nhiều. Năm 1951, Người đã chủ trương phát động phong trào đón thương binh về làng chăm sóc. Theo Hồ Chí Minh không ai có thể chăm sóc thương binh tốt hơn những người thân, người ruột thịt. Việc đón thương binh về làng nuôi dưỡng vừa phù hợp với nguyện vọng của nhân dân vừa tạo điều kiện để thương binh tham gia vào hoạt động có ích cho xã hội.

Với sự chỉ bảo cụ thể và lòng hăng hái cố gắng của đồng bào, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, phong trào đón thương binh về làng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động đã được hưởng ứng mạnh mẽ đặc biệt là Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nam. Phong trào đó duy trì suốt chiều dài lịch sử của cuộc cách mạng. Đến nay nó đã phát triển thành một trong năm chương trình “Đền ơn đáp nghĩa” và giúp 95% thương, bệnh binh nặng ổn định thương tật, bệnh tật tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về chính sách đối với người có công mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nhãn quan chính trị của một nhà cách mạng tài ba, anh hùng giải phóng dân tộc và là một nhà văn hóa lớn. Chính sách đối với người có công trong quan điểm của Hồ Chí Minh đã thể hiện sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của nước nhà đồng thời cũng phù hợp với truyền thống đền ơn đáp nghĩa của cha ông ta. 

Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với Tổ quốc là một trong những chính sách lớn, có vị trí quan trọng trong chiến lược con người. Chính sách đó đã đặt con người ở vị trí trung tâm, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, chính sách của Đảng ta đối với con người, đặc biệt là những người đã chịu nhiều hy sinh mất mát, có nhiều cống hiến cho cách mạng, không chỉ có ý nghĩa to lớn cho bản thân đối với bản thân các đối tượng chính sách, mà còn tác động sâu sắc đến tình cảm, tư tưởng, ý thức chính trị của mọi tầng lớp nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 66 năm qua công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trên cả ba lĩnh vực: Chính sách, phong trào chăm sóc của cộng đồng và sự tự vươn lên của đối tượng đã không ngừng được đổi mới, phát triển ngày càng hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt là trong những năm đổi mới và hội nhập quốc tế, chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được luật hóa, cải cách toàn diện, trở thành một chính sách lớn, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều chính sách, chế độ và tổ chức vận động của toàn dân, toàn quân chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công đã giải quyết những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, một bộ phận không nhỏ thương bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, gia đình có công, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là đối tượng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Do đó, cần phải tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả và huy động được nguồn lực của toàn xã hội đẻ cùng chung tay lo công tác chính sách là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây