TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Tâm tư với nghề nhân ngày nhà giáo Việt Nam

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Phần lớn những bài viết đã đánh giá khá cao những kết quả mà ngành giáo dục, đào tạo đã đạt được góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, có một số bài viết khi phản ánh những khuyết điểm của ngành giáo dục trong những năm qua đã dùng những từ ngữ không thỏa đáng như: “ bê bối, nhơ nhuốc trong ngành giáo dục Việt Nam”, “ nhếch nhác”… Là một giáo viên đã tham gia giảng dạy, quản lý giáo dục ngót 30 năm tôi thấy áy náy vô cùng. Một xã hội tốt phải được xây dựng trên nền tảng nền giáo dục tốt. Ngay từ thời phong kiến, các bậc tiền nhân đã trọng dụng nhân sỹ, trọng dụng người có học. Họ được học hành, đào tạo trong một môi trường hết sức nghiêm túc, khắt khe. Việc học đã khó, việc thi cử càng khó hơn vì thế những người đỗ đạt thường là “hạt gạo trên sàng” . Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Trong bộn bề khó khăn của những ngày đầu lập quốc, mặc dù chính quyền còn non trẻ nhưng Đảng và Bác Hồ đã đưa ra chủ trương với khẩu hiệu: diệt giặc đói, giặc dốt. Nhân dân được tham gia các lớp bình dân học vụ, mở ra trường học cho các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Chủ trương đó đã góp phần tích cực nâng cao dân trí cho đất nước. 

Tôi nhớ lại như in hình ảnh những người Thầy, cô giáo “cơm không đủ no, áo không đủ ấm” trong thời kỳ vô cùng khó khăn, vất vã trước đây nhưng đã góp phần đào tạo những thế hệ học sinh đến nay đã là cán bộ từ Trung ương đến địa phương. Và chính chúng tôi, là lớp hậu thế, sinh ra trong buổi đất nước có chiến tranh phải đi sơ tán; giấy không có viết, sách phải đi mượn. Những lớp học vừa nghe giảng, vừa nghe kẻng báo động để kịp xuống hầm, đến bây giờ cũng đã thành Thầy, thành Cô giáo. Khó khăn là vậy, nhưng hầu hết đều rất yêu nghề. Giảng một bài thành công- nước mắt chảy; giảng một bài không thành công nước mắt tuôn. Có những giáo viên bước ra khỏi bục giảng với hai hàng nước mắt tức tưởi vì bài giảng chưa đạt. Thầy trong sáng, trò ngây thơ, trong trắng đã để lại những kỷ niệm đẹp về trường, về lớp về những năm tháng đáng yêu đã qua. 

Ở những góc độ khác, chúng ta phải thấy rằng, hiện vẫn còn rất nhiều giáo viên “cùi con chữ” lên với con em đồng bào miền ngược. Họ thiếu thốn đủ bề, nhưng họ đâu có nghĩ đến chuyện dạy thêm, học thêm để thu tiền từ học trò thân yêu của mình. Ngày dạy trên lớp, tối đi vận động học sinh đến trường. Họ vẫn tận tụy với nghề, với học sinh thân yêu. Hàng trăm vạn giáo viên giảng dạy ở nông thôn, dù đời sống của những người thầy, người cô ở quê nghèo vẫn còn rất vất vã nhưng hầu hết vẫn giữ được đạo đức nghề nghiệp, yêu trường, mến lớp, trong sáng, khách quan. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, với đồng lương của giáo viên như vậy thì sự tụt hậu xa hơn về kinh tế của người thầy so với công chức, cán bộ các ngành khác là chắc chắn xảy ra. Tuy vậy, không vì thế mà tất cả giáo viên đều có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức. Sự băng hoại đạo đức người thầy có chăng cũng chỉ ở những cấp mà sau đào tạo, người học sẽ trực tiếp kiếm kế sinh nhai, chức tước, bổng lộc. Hoặc ở những thị thành với sự hiếu danh, hiếu thắng dùng kết quả học tập hàng năm của con để “đánh giá bố, mẹ” cho nên phải chạy điểm, chạy thầy, chạy trường. Và có chăng cũng chỉ ở một số nhà quản lý có quyền thế, có vị trí công tác dễ thao túng, lạm quyền. Nhưng một số bài báo cho rằng nền giáo dục Việt Nam nói chung trong đó có người thầy nói riêng đang “nhơ nhuốc, nhếch nhác”… là không đúng. 

Đáng tiếc, một số hiện tượng, một số khuyết điểm mà ngành giáo dục đang đối diện hiện nay đã làm cho hình ảnh mái trường không còn là niềm tự hào, hãnh diện của cả thầy và trò. Vấn nạn bằng giả không còn là hiện tượng cá biệt trong xã hội và đang diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học đến thạc sỹ, tiến sỹ; ngoài bằng giả còn có bằng thật học giả, bằng dỡm. Nhìn lại lịch sử nền giáo dục của chúng ta thấy rằng, ở thời kỳ Pháp thuộc các nước Đông dương muốn có bằng phải đến học ở Hà Nội, nhưng đến bây giờ bằng cấp do Việt Nam đào tạo được rất ít nước trong khu vực và trên thế giới chấp nhận ở hầu hết các chuyên ngành. Đó là chưa nói đến nội dung đào tạo còn mang nặng tính lý thuyết mà thiếu đi những kỹ năng rất quan trọng như kỹ năng viết văn bản, kỹ năng thuyết trình, khả năng trình bày hay những nghiên cứu, sáng chế. Vì vậy, hầu hết các máy móc phục vụ trực tiếp, thiết thực cho người nông dân đều chủ yếu do người nông dân nghiên cứu chế tạo ra. Thật đáng bận tâm khi nhiều người “học cái không làm” và “làm cái ít học”. Người viết bài này đã tham gia một hội đồng sơ tuyển cán bộ và thực sự buồn khi thậm chí có một số sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, loại khá, thạc sỹ vẫn trượt ở vòng sơ tuyển vì kiến thức chuyên ngành không chắc chắn thể hiện rõ kiến thức được đào tạo đọng lại trong đầu không có nhiều, không có hệ thống. Chính điều này đã gây lãng phí cực kỳ lớn về tiền của, công lao của gia đình và xã hội khi bản thân họ không tìm kiếm được việc làm (nhất là những sinh viên học các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn). Chưa ai thống kê chính xác, đầy đủ hiện có bao nhiêu nghìn sinh viên đã tốt nghiệp bị thất nghiệp hoặc cam chịu làm những việc trái hoàn toàn chuyên ngành được đào tạo. Đến nay, công tác dự báo của ngành giáo dục đào tạo để hoạch định chiến lược, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai còn hạn chế. Một xã hội “thừa thầy, thiếu thợ” khi các cơ sở đào tạo nghề vắng người do bệnh “sĩ diện hão” về bằng cấp. Mặt khác, quá trình giáo dục chưa thực sự gắn liền, khăng khít với giáo dưỡng. Vì thế có không ít những hành vi bạo lực học đường thậm chí có hành vi suy đồi…đang diễn ra khá nhức nhối.

Tôi có đọc và đồng tình với cách nhìn nhận, đánh giá của một bài báo trong đó có đoạn, sở dĩ nạn bằng giả, bằng dỡm sinh sôi nảy nở đến chóng mặt bởi nó do những căn bệnh cố hữu của xã hội ủ mầm, gây men. Ngày nào nạn hám danh, chạy chức, chạy quyền, tâm lý quá xem trọng bằng cấp mà đánh giá thấp năng lực thực… còn tồn tại thì ngày đó vấn nạn bằng giả, bằng dỡm luôn luôn có đất sống. Vấn nạn bằng giả, bằng dỡm và bằng kém chất lượng sẽ chẳng bao giờ ngăn chặn được, nếu không thay đổi được chất lượng giáo dục, không thay đổi được nhận thức của xã hội về danh phận, chức quyền, cũng như giá trị của tri thức. Đã đến lúc chúng ta phải học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến mà như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã từng phát biểu: “Hiệu quả hoạt động của một công chức một phần do đào tạo, phần còn lại do thực tiễn”. Ở các nước tiên tiến đó, một người có bằng cấp qua một thời gian làm việc nếu không đạt hiệu quả sẽ bị sa thải. 

Do cầu lớn nên những lớp “bình dân học vụ bậc đại học” , cao học, tổ chức theo lối học ngành gì cũng được, hình thức đào tạo thế nào cũng xong miễn có được tấm bằng để kê khai lý lịch là ổn. Cho nên, ở khắp các địa phương, các trường đại học, các học viện ồ ạt mở nhiều loại hình lớp là điều không tránh khỏi. Và một điều chắc chắn rằng, có “chi”phải tìm “nguồn thu” để “hòa vốn” và có “lãi” , đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng, hối lộ…

Bất cứ quốc gia nào, sự giáo dục làm ảnh hưởng tới tất cả các ngành khác trong đó có đạo đức xã hội. Và chúng ta có quyền kỳ vọng các nhà hoạch định chiến lược, chính sách có những quyết sách đúng đắn đối với nền giáo dục nước nhà để giáo dục và đào tạo xứng đáng với tầm vóc là quốc sách hàng đầu./.
 

Nguyễn Hữu Thánh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây