TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn về liên minh công nông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

ThS. Ngô Thị Thu Hà
 Phó Hiệu trưởng
Thắng  lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ và truyền thống văn hoá của dân tộc được đúc kêt và phát huy đến mức cao nhất trong suốt ba mươi năm của nhân dân Việt Nam. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc và thời đại, của khối liên minh công nông và đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  Đồng chí Lê Duẩn - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là  nhà lý luận mácxit, những cống hiến của đồng chí về lý luận, phương pháp cách mạng, về đường lối và nghệ thuật chiến tranh nhân dân đến nay nhiều vấn đề vẫn còn nguyên giá trị. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí (7/4/1907-7/4/2017), người viết xin tìm hiểu một số quan điểm cơ bản về liên minh công nông trong chiến tranh giải phóng dân tộc của đồng chí Lê Duẩn.
Thứ nhất, liên minh công nông là vấn đề chiến lược của cách mạng
Liên minh công nông là hình thức hợp tác giai cấp đặc biệt giữa hai giai cấp lao động trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản. Sự ra đời và củng cố liên minh này bắt nguồn từ lợi ích căn bản của những giai cấp kể trên và là vấn đề mang tính quy luật khách quan của lịch sử.
 Chính vì vây, mà Đảng ta đã xác định liên minh công nông là vấn đề chiến lược của cách mạng. Đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Khối công nông liên minh là một nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng. Vì công nông liên minh là lực lượng tích cực của cách mạng [1]. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã khái quát thành nhiều luận điểm có tính chân lý về vai trò của liên minh công nông và đại đoàn kết dân tộc. Liên minh công nông nói riêng và đại đoàn kết dân tộc nói chung xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng nhân dân tiến hành và vì lợi ích của quần chúng. Liên minh công nông là vấn đề có ý nghĩa sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ đường lối của Đảng ta. Trong từng giai đoạn của cách mạng, trước những yêu cầu nhiệm vụ khác nhau, nội dung liên minh có sự thay đổi cho phù hợp, nhưng liên minh công nông là vấn đề sống còn của cách mạng, là chiến lược của Đảng Cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Dưới  lá cơ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới”, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: “Là một nguyên tắc chiến lược của Chủ nghĩa Mác- Lênin, một tất yếu phổ biến đối với tất cả các cuộc cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, vấn đề liên minh công nông càng có tầm quan trọng đặc biệt với một nước như nước ta[2].
Thứ hai, vai trò lãnh đạo của  Đảng Cộng sản trong khối liên minh công nông
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản thông qua sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một tất yếu khách quan. Giai cấp công nhân sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là lực lượng lãnh đạo cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu không tổ chức và lãnh đạo được liên minh này. Đảng Cộng sản Việt Nam đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam được trang bị lý luận tiên phong là Chủ nghĩa Mác- Lênin trở thành người lãnh đạo khối liên minh công nông và dân tộc Việt Nam đấu tranh giải phóng đất nước.
 Đổng chí Lê Duẩn đã rút ra bài học lịch sử của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam : “Muốn làm tròn những nhiệm vụ cách mạng, tất cả những người yêu nước Việt Nam, phải nêu cao ngọn cờ lãnh đạo của vô sản, để tiến lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng miền Nam, hoàn thành độc lập dân chủ chung cho cả nước[3]. Như vậy, “trước hết phải nêu lên vai trò lãnh đạo của đảng của giai cấp công nhân”. Vì uy tín chính trị và quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng ta là tuyệt đối, bởi vì nó bắt nguồn từ sức mạnh vô địch của quần chúng cơ bản của Đảng - quần chúng công -  nông. Cách mạng là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, kẻ địch thì mạnh về lực lượng, hiện đại về vũ khí, vì vậy muốn giành được thắng lợi thì quần chúng phải được tổ chức rất chặt chẽ, được tuyên truyền giáo dục để đoàn kết một lòng tạo nên sức mạnh nhằm thực hiện mục tiêu đã đặt ra. Trong tất cả các thời kỳ của cách mạng, dựa trên nền tảng khối liên minh công nông vững chắc, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân yêu nước và tiến bộ để đấu tranh cách mạng. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thành tựu quá trình xây dựng đất nước là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng ta trong gần chín mươi năm qua.
Thứ ba, đảm bảo lợi ích của các giai cấp trong khối liên minh
Liên minh công nông xuất phát từ lợi ích của các giai cấp trong khối liên minh, đồng thời xuất phát từ lợi ích tối cao của dân tộc.  Đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Vấn đề dân tộc cốt tử là vấn đề dân cày[4]. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nông dân chiếm đa số, vì vậy muốn liên minh công nông có hiệu quả thì Đảng phải quan tâm đến lợi ích của người nông dân. Bởi vì: “Yêu nước đối với họ có nghĩa là bảo vệ sự sống còn của dân tộc, đồng thời bảo vệ sự sống còn của bản thân, làm sao được cơm no áo ấm. Đối với đa số nhân dân ta là nông dân, nguyện vọng thiết tha nhất của họ là có ruộng đất, thoát khỏi đời sống trâu ngựa, sĩ nhục và đói khổ…Chính vì để đạt được yêu cầu đó, họ đã đi theo giai cấp vô sản, xây dựng khối liên minh công nông chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, thông qua Đảng của nó là Đảng Công sản Đông Dương[5]. Đối với người nông dân, độc lập dân tộc là trên hết, họ sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì chủ quyền quốc gia, nhưng nếu có độc lập mà người dân không có ruộng cày thì độc lập ấy cũng không có ý nghĩa. Đường lối chính trị của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết và quyền lợi sống còn của nông dân. Vì vậy giai cấp nông dân đã một lòng một dạ đi theo Đảng, làm khối liên minh công nông ngày càng vững mạnh góp phần vào thắng lợi của cách mạng.
Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta đã giành thắng lợi bằng đại thắng mùa xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn cho sự kết hợp, huy động sức mạnh của liên minh công nông, sức mạnh toàn dân tộc và sức mạnh thời đại. Những quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về liên minh công - nông có những giá trị, đã đóng góp rất lớn trong thành công của cách mạng.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện nên vấn đề liên minh đã được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo và hiệu quả. Đối với đất nước ta, quá trình đổi mới bên cạnh những cơ hội, luôn xuất hiện những vấn đề mới khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân không ngừng sáng tạo, chủ động.
Bài học liên minh công nông cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, với xu hướng phát triển của thời đại và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Một là, phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình thực hiện liên minh giai cấp
Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định liên minh  giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là một nguyên tắc quan trọng, đồng thời là đường lối chiến lược, nhất quán của cách mạng Việt Nam. Muốn thực hiện được mục tiêu của khối liên minh này cần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi đã quy định: “ Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội[6]. Vì mọi thành công của cách mạng không thể tách rời vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, kiên định độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Hai là, mở rộng nội dung, phạm vi của liên minh giai cấp
Trước đây liên minh công nông, thì hiện nay liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức cùng toàn thể các giai tầng khác trong xã hội tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi chúng ta xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, thì cơ cấu các giai cấp có sự thay đổi, đa dạng hơn. Đảng ta chủ trương phải xoá bỏ định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Đồng thời, Đảng  ta đã nhất quán xây dựng xã hội mà các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, phát huy vai trò của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân, thế hệ trẻ, người cao tuổi, cựu chiến binh, người Việt Nam ở ngoài nước, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”
Nội dung liên minh từ liên minh nhằm đấu tranh giải phóng dân tộc đã mở rộng ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội tạo sự toàn diện trong liên minh.
  Ba là, muốn thực hiện liên minh các giai cấp và tầng lớp chiến lược, lâu dài thì phải đảm bảo hài hoà lợi ích của các giai tầng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Bài học 30 năm đổi mới đã khẳng định quán triệt quan điểm dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Phải bảo đảm lợi ích, kết hợp hài hoà các lợi ích và phương thức thực hiện lợi ích công bằng hợp lý cho mọi người, cho các chủ thể, nhất là lợi ích kinh tế. Đó sẽ là động lực cơ bản trực tiếp để bản đảm liên minh chiến lược và lâu dài của khối liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức cùng toàn thể dân tộc Việt Nam.
Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị anh hùng, đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng một cách sáng tạo và hiệu quả những quan điểm của Chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện nước ta. Chính với phương pháp tư duy nhạy bén, lý luận gắn chặt với thực tiễn, đồng chí lê Duẩn đã đóng góp xây dựng đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp và nghệ thuật cách mạng dân tộc dân chủ, cũng như trong việc tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Liên minh công nông là một nội dung cơ bản trong lý luận của đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn về cách mạng Việt Nam đến nay vẫn còn giá trị nhất định. Trên cơ sở nội dung lý luận mà đồng chí Lê Duẩn đã nêu ra về vấn đề liên minh công nông, Đảng ta đã đưa ra đường lối xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức nhằm tập hợp được tất cả các giai tầng trong xã hội, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân nhằm xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
 
Tài liệu tham khảo
  1. Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Sự thật Hà Nội, 1983.
  2. Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ văng của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975.
  3. Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983.
  4. Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận- thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015
  5. Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Chương trình cao cấp, Nxb CTQG, Hà Nội, 1997.
  6. Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Lao động, 2014.
  7. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016
 
 
 
 

[1] Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật Hà Nội 1983, Tr 12-13
[2] Lê Duẩn “Dưới  lá cơ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, NXB Sự thật, Hà Nội 1975 Tr 23
[3] Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật Hà Nội 1983, Tr 24
[4]  Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật Hà Nội 1983, Tr 10
[5] Lê Duẩn, Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật Hà Nội 1983, Tr 49
[6] Hiến pháp Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Lao động, 2014 Tr 12
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây