TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa với hiện thực hóa trong giai đoạn hiện nay

ThS. Nguyễn Quốc Thanh
Trưởng Khoa LLM-LN,TT HCM

    Là nhà lý luận Mácxít – Lêninnít chân chính, nhà tư tưởng giàu sức sáng tạo, 26 năm trên cương vị đứng đầu BCH Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cùng với Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng ta ra sức tìm tòi khám phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cả trên phương diện hoạch định xây dựng đường lối, chính sách và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Một trong những tài sản lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà đồng chí Lê Duẩn để lại là nội dung công nghiệp hóa XHCN mà hiện thực hóa hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) gắn với phát triển kinh tế tri thức ở nước ta.
    Lịch sử thế giới đã chứng minh, CNH là một quá trình tất yếu của mọi quốc gia, Đảng ta đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn đã sớm nhận thức vai trò CNH trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng chí Lê Duẩn đã xác định: “theo quy luật chung của sự phát triển, thường thường thì lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất lạc hậu kìm hãm nó. Phải phá bỏ quan hệ sản xuất cũ đã lỗi thời, xây dựng quan hệ sản xuất mới để mở đường cho sự phát triển của lực lượng sản xuất. Nhưng trong tình hình cụ thể của miền Bắc nước ta hiện nay, sự phát triển của lực lượng sản xuất, tức trình độ phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu hơn sự phát triển của quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa….Muốn giải quyết mâu thuẩn trên, chúng ta phải ra sức phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Chỉ thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa….”1. Chính vì vậy xuất phát từ thực tiễn cả nước nói chung và miền Bắc đang ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội III nêu: “Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ”2. Nội dung thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta là xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cân đối và hiện đại, kết hợp công nghiệp với nông nghiệp và lấy công nghiệp nặng làm nền tảng, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, nhằm biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp hiện đại và nông nghiệp hiện đại. Đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo “phải làm cho toàn Đảng, toàn dân thấm nhuần sâu sắc tư tưởng công nghiệp hóa, tập trung sức đẩy mạnh công nghiệp hóa hơn nữa, nhanh chóng tạo ra một số cơ sở công nghiệp quan trọng  làm trụ cột cho nền kinh tế quốc dân. Quan điểm đó phải được thể hiện đầy đủ trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của chúng ta”3. Qua đây, một lần nữa khẳng định tầm nhìn của Đảng ta mà đặc biệt vai trò người đứng đầu (Bí thư thứ nhất) của đồng chí Lê Duẩn về CNH ở một nước kinh tế còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp.
    Về tiến trình CNH XHCN ở nước ta, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: “chúng ta tiến hành công nghiệp hóa có nghĩa là xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại, là trang bị kỹ thuật mới cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, từ đó tạo ra một năng suất lao động cao hơn, một sự phân công lao động mới và một cơ cấu kinh tế mới. Như vậy về thực chất là làm một cuộc cách mạng kỹ thuật mà nội dung cơ bản là biến lao động thủ công thành lao động cơ giới, đưa sản xuất nhỏ lạc hậu, què quặt lên sản xuất lớn hiện đại cân đối. Điều đó tất yếu dẫn tới chỗ buộc chúng ta phải nhập kỹ thuật từ nước ngoài vào. Đây là cách đi nhanh nhất, tránh cho chúng ta được nhiều đường vòng, rút ngắn được thời gian và sức lực”4 “vả chăng, như Lênin đã phân tích: cả thế giới là một nền kinh tế thống nhất, là một thị trường thống nhất, không một nước nào có thể đứng ngoài vòng chu chuyển của kinh tế thế giới”5. Như vậy từ quan điểm của đồng chí Lê Duẩn cho thấy: CNH XHCN là một quá trình tất yếu của mọi quốc gia và phải gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, mặt khác công nghiệp hóa đòi hỏi các ngành, lĩnh vực phải tạo ra một năng suất lao động cao. Vai trò của năng suất lao động đúng như nhà kinh tế học đạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài nó gần như tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó.
    Để tăng năng suất lao động, đấy nhanh tiến trình CNH đồng chí Lê Duẩn đã chỉ đạo từng bước xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, theo đồng chí “công nghiệp nặng là đòn xeo đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, là điều kiện cơ bản để tăng năng suất lao động và tích lũy, là nguồn cung cấp tư liệu sản xuất chủ yếu để thực hiện tái sản xuất mở rộng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân…công nghiệp nặng bao gồm ba ngành lớn: cơ khí, năng lượng, vật liệu, trong đó cơ khí giữ vai trò then chốt, có tác dụng quyết định đối với toàn bộ nền kinh tế quốc dân, vì một vấn đề cơ bản của ta trong xây dựng kinh tế biến lao động thủ công thành lao động cơ giới”6. Về nông nghiệp “coi trọng công nghiệp hóa nhưng phải hiểu sâu sắc chính nông nghiệp là cơ sở để tiến hành công nghiệp hóa. Vì vậy, trong thời gian tới, phải cố gắng tạo ra một bước phát triển đáng kể, tuy nông nghiệp phải cố gắng hoàn chỉnh, thương nông, tăng cường phân bón, giảm phụ thuộc bên ngoài…đấy mạnh chăn nuôi, tiến hành quy hoạch về đất đai, …tăng năng suất trên ruộng đất hiện có, phải tích cực mở rộng diện tích coi đó là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa toàn diện về kinh tế và quốc phòng”7. Đồng thời với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa “chúng ta phải quan tâm đầy đủ đến khôi phục và phát triển giao thông vận tải, coi nó là một khâu đột xuất hiện nay trong chỉ đạo kinh tế, để tạo nên sự giao lưu thông suốt giữa các khu vực kinh tế trong nước, giữa nước ta với nước ngoài”8. Để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, theo đồng chí phải phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, dành vốn và phải có vốn lớn cho tích lũy tiến hành CNH XHCN “con đường duy nhất mà ta phải đi là dựa vào sự giác ngộ cách mạng của quần chúng mà phát động một phong trào lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm nhằm tạo nguồn vốn cho công nghiệp hóa”9.  Muốn có phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng, nhất thiết phải có tổ chức tốt, quản lý tốt, phải giải quyết tốt các mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, phải nêu cao tinh thần đồng cam cộng khổ giữa cán bộ và quần chúng. Điều này minh chứng CNH là sự nghiệp của nhân dân và vốn thực hiện CNH cũng từ nhân dân mà ra, đây là tư duy sắc bén của đồng chí Lê Duẩn thông qua thực tiễn ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH.      
    Về bước đi CNH, xuất phát từ thực tiễn nước ta, đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là một sự nghiệp lớn lao đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều sức lực và vốn liếng, phải tìm ra cách đi tốt nhất, phù hợp với yêu cầu khách quan và khả năng thực tế của nước ta. Đồng chí chỉ rõ trong từng bước đi “phải biết lợi dụng ưu thế của chế độ xã hội chủ nghĩa, ưu thế của phân công hợp tác quốc tế để đưa nhanh kỹ thuật mới hiện đại vào trong nền sản xuất của nước ta, nhanh chóng tạo ra bước phát triển nhảy vọt trong nền kinh tế”10, “phương châm của chúng ta là kết hợp thủ công với nửa cơ giới và cơ giới, kết hợp với quy mô lớn với quy mô vừa và nhỏ”11. Trong phương châm chỉ đạo không dừng ở đường lối chung, mà phải cụ thể từng ngành một (công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp,…) phải nghiên cứu tìm ra bước đi tốt nhất cho ngành mình. Ví dụ nông nghiệp: làm thế nào để có thể đi nhanh vào cơ giới hóa trong khi ngành cơ khí chưa phát triển? Vận dụng xuất nhập khẩu như thế nào để làm được điều đó?...Từ đó đồng chí căn dặn phải suy nghĩ kỹ, sáng tạo, tinh thần tiến công.
    Từ những quan điểm của đồng chí Lê Duẩn về CNH XHCN đến nay vẫn còn mang tính thời sự, Đảng ta tiếp tục hiện thực hóa phát huy những giá trị đó. Cụ thể, thứ nhất, CNH phát huy vai trò của nhân dân, ngày nay CNH là sự nghiệp của toàn dân, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Thứ hai, chú trọng phát triển công nghiệp nặng theo đồng chí Lê Duẩn “là  đòn xeo đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, là điều kiện cơ bản để tăng năng suất lao động” ngày nay nội hàm của công nghiệp nặng được phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ thông tin, khai khoáng, luyện kim, hóa chất, năng lượng…làm điều kiện để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH.  Thứ ba, về công nghiệp nhẹ thực chất là công nghiệp chế biến, ngày nay nước ta đang ra sức phát huy lợi thế sản xuất, đồng thời đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu nhằm thu ngoại tệ về phục vụ trong nước, đúng như quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn. Thứ tư, đồng chí Lê Duẩn đẩy mạnh CNH ở nước ta, sâu sắc chính là nông nghiệp, là cơ sở tiến hành CNH, mà thực chất ngày nay là coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đây là ngành nước ta có lợi thế xuất khẩu hàng nông – lâm – thủy sản khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ năm, coi trọng giao thông vận tải, theo đồng chí “một khâu đột xuất” trong chỉ đạo kinh tế, ngày nay xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, giao thông – hạ tầng đô thị là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế. Thứ sáu, tích lũy nguồn vốn, theo đồng chí cần vốn lớn và vốn từ trong dân, ngày nay vốn trở thành điều kiện cần thiết để thực hiện CNH, HĐH. Vốn được tạo lập từ 2 nguồn là tích lũy nội bộ nền kinh tế và thu hút từ nước ngoài. Đảng ta xác định, về cơ bản, lâu dài, vốn trong nước là chủ yếu và quyết định, vốn bên ngoài là rất quan trọng, nhất là trong thời kỳ đầu.  
        Với tư duy phát triển trong quá trình đổi mới, con đường CNH đất nước đã có những nhận thức mới qua các kỳ đại hội ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn. Đại hội Đảng lần thứ VII đã có những bước đột phá mới về CNH. Trên tinh thần những Văn kiện chủ yếu của Đại hội VII, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) đã có sự bổ sung và phát triển mới về CNH đất nước. Lần đầu tiên, phạm trù “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được xác định chính thức trong văn kiện của Đảng và khẳng định CNH, HĐH là “sự nghiệp của toàn dân”. Đảng ta xác định: Mục tiêu lâu dài của CNH, HĐH là cải biến nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.
    Đến đại hội lần thứ VIII đã đề ra mục tiêu: “Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp”12. Đồng thời cũng phác họa những đường nét cơ bản của “cơ bản trở thành nước công nghiệp”. Về các mặt lực lượng sản xuất, khoa học công nghệ, quan hệ sản xuất, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ IX (2001), chủ đề của đại hội xác định là “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đại hội Đảng lần thứ X (2006) xác định: “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”13. Đại hội lần thứ XI đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”14. Đặc biệt, Đại hội XII (2016) xuất phát từ yêu cầu mới của thực tiễn đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm trong lịch sử lãnh đạo của Đảng, nhất là những thành tựu và bài học 30 năm đổi mới, chủ đề của Đại hội XII được xac định: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ XHCN, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”15. Như vậy, thành tố “mục tiêu xây dựng đất nước”, nội dung là “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đây là một sự điều chỉnh mục tiêu so với Đại hôi XI, thể hiện một cách nhìn thực tế hơn và quyết tâm cao nhất đối với tiến trình CNH, HĐH của nước ta.
     Những vấn đề trình bày ở trên, trong nhận thức lý luận của đồng chí Lê Duẩn về CNH XHCN thực chất đồng chí muốn xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của CNXH là nền công nghiệp lớn, hiện đại. Bằng tư duy độc lập sáng tạo của mình, nghiên cứu thực tiễn cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề cụ thể, từ nội dung đến tiến trình CNH, cả trong điều kiện kháng chiến cũng như kiến quốc, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Những lý luận đó vẫn còn tính thời sự sâu sắc, đặc biệt đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, bắt buộc chúng ta phải đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, tạo ra những điều kiện cần thiết về con người và khoa học, công nghệ để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện điều kiện của người lao động, giải phóng lao động nặng nhọc, tạo điều kiện cho con người thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao, phát triển tự do, toàn diện./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây