TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Phát huy vai trò xung kích của Chi đoàn Trường Chính trị Lê Duẩn trong công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Nhà trường

ThS. Nguyễn Thị Diệu Hằng
Khoa Nhà nước và Pháp luật
Thanh niên là lớp người có hoài bão, ước mơ, ham hiểu biết, thích khám phá, luôn muốn khẳng định mình. Lực lượng thanh niên đã và đang từng ngày đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước bằng tất cả tinh thần, khối óc, sự nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ. Bác Hồ đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1]. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định phải chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ thanh niên về tư tưởng, chính trị, đạo đức và lối sống…nhằm “hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế thừa trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.[2]
Chi đoàn Trường Chính trị Lê Duẩn trực thuộc Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh Quảng Trị, với 08/09 đoàn viên là giảng viên. Hiện nay, chi đoàn có 4/9 đoàn viên là thạc sỹ, 01 đoàn viên đang học cao học, 04 đoàn viên là cử nhân các chuyên ngành. Về trình độ lý luận chính trị có 01 đoàn viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 07 đoàn viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đa số đoàn viên đều được tham gia bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và phương pháp dạy - học tích cực cơ bản. Hiện nay, có 08/9 tổng số đoàn viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, trong những năm qua Chi đoàn Trường Chính trị Lê Duẩn đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình nên luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là lực lượng xung kích trên mọi lĩnh vực. Sự xung kích, tình nguyện được thể hiện trên các mặt sau:
Thứ nhất, trong học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Chi đoàn đã tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và các phong trào thi đua sôi nổi trong học tập, rèn luyện và công tác. Tham gia cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”, “Tìm hiểu về biên giới và Bộ đội Biên phòng”, “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nhằm góp phần học tập và quán triệt chuyên đề năm 2019 “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Toàn thể đoàn viên chi đoàn luôn tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng và học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tích cực học tập nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những kiến thức mới bổ sung vào các bài giảng, lắng nghe góp ý của đồng nghiệp có kinh nghiệm, thâm niên trong giảng dạy để các bài giảng ngày càng tốt hơn. Chủ động đăng ký tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức nâng cao trình độ, đi học văn bằng 2 hay thạc sĩ... Luôn nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức của giảng viên, viên chức, thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở trường Đảng.
Thứ hai, trong đổi mới phương pháp dạy - học, nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ.
Đoàn viên chi đoàn luôn cố gắng để nâng cao chất lượng các bài giảng, 77,8 % đoàn viên áp dụng sáng tạo công cụ, phương tiện kỹ thuật nhằm đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho bài giảng sinh động, tạo được sự hứng khởi học tập cho học viên. Đó là giảng bài trên phần mềm trình chiếu (Power Point), minh họa bằng các video, clip… Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy - học tích cực như: nêu và giải quyết vấn đề, mời chuyên gia, sơ đồ tư duy, làm việc nhóm, đóng vai… khuyến khích học viên tự nghiên cứu, tranh luận, tìm tòi các phương pháp giải quyết vấn đề liên quan; giảng viên chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, sau đó chốt lại nội dung quan trọng, có tính hệ thống. Nhờ vậy, các tiết học trở nên sinh động, cuốn hút học viên tham gia, giúp học viên nắm chắc nội dung bài giảng.
Thứ ba, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Không chỉ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, các đoàn viên còn tham gia tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học của trường, chủ động tìm tòi các vấn đề cần nghiên cứu. Mỗi năm mỗi đoàn viên tham gia viết hai đến ba bài đăng trên trang Web và Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường. Ngoài ra, các đoàn viên chi đoàn còn tích cực tham gia viết bài trên một số báo, tạp chí chuyên ngành khác như Bản tin Tỉnh ủy, Báo Quảng Trị, Tạp chí Lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Kinh tế - xã hội của Đà Nẵng…
Đồng thời, đoàn viên là giảng viên luôn tham gia tích cực trong thực hiện các đề tài khoa học của khoa, nhà trường. Trong năm 2018, các đoàn viên chi đoàn tích cực tham gia các nhóm đi điều tra khảo sát tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị nhằm phục vụ đề tài khoa học cấp tỉnh “Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, qua đó, xử lý, tổng hợp và cung cấp số liệu thực tế cho đề tài khoa học, góp phần bảo vệ thành công đề tài trước Hội đồng khoa học tỉnh.
Thứ tư, trong thực hiện văn hóa công sở, các hoạt động văn nghệ thể thao.
Các đoàn viên thực hiện nghiêm túc giờ giấc lao động, thực hiện đeo thẻ công vụ, trang phục chỉnh tề, giao tiếp đúng mực với đồng nghiệp và học viên; tích cực lao động, chăm sóc cây cảnh, bồn hoa, khuôn viên nhà trường.
Chi đoàn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao do Nhà trường, Công đoàn phát động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước nói chung và của tỉnh, trường nói riêng như: biểu diễn các tiết mục văn nghệ góp phần tạo lên sự thành công trong các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao chào mừng ngày 20/11, phối hợp với Công đoàn nhà trường tổ chức Hội thi nấu ăn chào mừng ngày 20/10 và tổ chức các hoạt động vui chơi ngày Quốc tế thiếu nhi… Qua đó, các đoàn viên đã góp phần ghi dấu ấn văn hóa công sở của Trường Chính trị Lê Duẩn.
Thứ năm, tích cực tham gia các phong trào thanh niên tình nguyện.
Chi đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” vào dịp 27/7 hàng năm như thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ; chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Đường 9 - do Chi Đoàn phụ trách; tổ chức thăm hỏi, động viên, và tặng quà cho cháu Nguyễn Đình Lộc ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ - do Chi đoàn đỡ đầu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì lực lượng đoàn viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định: Một số đoàn viên chưa thực sự năng nổ trong các hoạt động phong trào của nhà trường; việc tự học, tự nghiên cứu, phấn đấu tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số đoàn viên còn thấp; số lượng đoàn viên được lên lớp giảng dạy với số tiết vẫn còn khiêm tốn, thiếu kinh nghiệm, kiến thức thực tế trong giảng dạy…; mức độ tham gia của các đoàn viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng chưa thật sự đồng đều, chủ yếu mới dừng lại ở việc tham gia viết bài trên trang Web, Bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn của Nhà trường, một số tạp chí địa phương… và nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường.
Trong thời gian tới để tiếp tục phát huy vai trò xung kích của Chi đoàn Trường Chính Trị Lê Duẩn, theo tôi cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên.
 Chi đoàn cần có các định hướng, kế hoạch và chương trình cụ thể để quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm, giúp đỡ các đoàn viên được đứng vào hàng ngũ của Đảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời phát động các phong trào theo hoạt động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh gắn liền với thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường như cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Đoàn viên phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, diễn đàn “Đảng với thanh niên, thanh niên với Đảng”…
Hai là, tiếp tục đổi mới các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong các phong trào, hoạt động của Nhà trường.
Chi đoàn cần tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn cho các đoàn viên có cơ hội trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, Đoàn thanh niên cần tổ chức các hoạt động đi thực tế sơ sở, các hoạt động về nguồn như tìm hiểu các di tích lịch sử… để các đoàn viên có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu truyền thống, tình hình đặc điểm của địa phương, các ngành nghề, các lĩnh vực. Qua đó tạo điều kiện và môi trường để các đoàn viên học tập và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức thực tế cần thiết để tham gia giảng dạy, thực hiện tốt công việc của mình.
Ba là, tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong thực hiện văn hóa công sở, các hoạt động văn nghệ thể thao, xây dựng môi trường cảnh quan nhà trường khang trang, xanh sạch đẹp.
Chi đoàn cần tổ chức nhiều hơn nữa các sân chơi văn hoá, văn nghệ, thể thao lành mạnh, giúp đội ngũ đoàn viên rèn luyện thể lực, nâng cao sức khoẻ; quan tâm đời sống tâm tư, tình cảm của đoàn viên, giúp đoàn viên ngày càng trưởng thành hơn. Ngoài ra, Chi đoàn cần phát huy vai trò xung kích của mình trong đấu tranh phòng chống các tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tham gia tích cực xây dựng Đảng bộ và các tổ chức chính trị xã hội khác trong nhà trường không ngừng lớn mạnh.
Đội ngũ đoàn viên bước đầu còn gặp rất nhiều khó khăn, bỡ ngỡ cần sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường để họ phát huy vai trò xung kích của mình trong công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác của Nhà trường. Trong quá trình đó, Chi đoàn Trường Chính trị Lê Duẩn luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ cùng với đội ngũ đoàn viên trong những bước đầu của sự nghiệp để các đoàn viên thực sự là “người chủ tương lai của nước nhà” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trước lúc đi xa.
 
 
[1] Thư gửi thanh niên và nhi đồng cả nước nhân dịp Tết 1946.
[2] Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.243
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây