TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Phát huy những bài học kinh nghiệm từ sách lược ngoại giao của Đảng thời kỳ 1945-1946 trong giai đoạn hiện nay

ThS: Đinh Thị Thu Hoài
Gv khoa Xây dựng Đảng
Thực tiễn đã chứng minh, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng. Hơn 70 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công cho đến nay, giai đoạn 1945 - 1946 là giai đoạn đặc biệt nhất, có nhiều ý nghĩa nhất trong lịch sử dân tộc, và đây cũng là chặng đường đáng ghi nhớ của ngoại giao Việt Nam. Bởi lẽ, chưa bao giờ trên đất nước ta lại nhiều kẻ thù như lúc này. Ở Bắc vĩ tuyến 16 có gần 20 vạn quân Trung Hoa Dân quốc cùng tay sai của chúng là Việt Quốc - Việt Cách; ở Nam vĩ tuyến 16 có trên 2 vạn quân Anh - Ấn; ngoài ra, còn có khoảng 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ ở miền Nam Việt Nam trong cuộc đảo chính ngày 9/3/1945 nay được thả ra và vũ trang trở lại và còn khoảng 6 vạn quân Nhật ở Việt Nam cũng đang chờ giải giáp. Cùng lúc đó chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách như: tình hình tài chính trống rỗng; nạn đói ở Bắc bộ và Bắc Trung nộ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2 triệu người dân; 95% dân số mù chữ… Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Đảng và chính phủ đã có những chủ trương, biện pháp đưa đất nước tiếp tục tồn tại và phát triển. Một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi đó chính là bản lĩnh và sự tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đề ra sách lược ngoại giao khôn khéo, đúng đắn, biết nắm vững mục tiêu, kiên trì nguyên tắc, linh hoạt trước muôn vàn sự thay đổi, tạo ra thời cơ và tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi.
Sách lược ngoại giao đó đã để lại những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, không chỉ có ý nghĩa trong suốt những năm tháng chống Pháp, chống Mỹ mà còn có ý nghĩa đến ngày hôm nay.
Thứ nhất, bài học đề cao thế hợp pháp và sức mạnh của chính quyền cách mạng
Tháng 8 năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, tình hình thế giới thay đổi với nhịp độ cực kỳ nhanh chóng. Nhờ dự đoán đúng tình hình thế giới và trong nước, khi biết Nhật Bản sắp đầu hàng Đồng minh và ở Việt Nam quân Nhật hoang mang cực độ, Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định nắm thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 14 – 15/8/1945 đã nêu rõ: “tuy chúng ta đã cố gắng nhiều, nhưng mãi đến giờ, đối với Tàu vẫn chưa có kết quả tốt; đối với các nước đồng minh khác, tuy việc ngoại giao có tiến, nhưng cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được một địa vị trên trường quốc tế”[1]. Vì vậy, Đảng chủ trương phải giành được chính quyền và tuyên bố độc lập trước khi quân đồng minh vào; đề cao vị trí của Việt nam Dân chủ Cộng hòa, giành thế hợp pháp cho chính quyền mới, tranh thủ sự công nhận của quốc tế để tạo thuận lợi cho việc giao dịch với đồng minh.
Để tạo cơ sở pháp lý và danh nghĩa chính thức cho chính quyền mới, Bộ chỉ huy cách mạng vừa về đến Hà Nội đã quyết định cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam thành Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 28/8/2945, một số đơn vị quân Trung Hoa Dân quốc bắt đầu kéo vào phía Bắc Việt Nam, lễ tuyên bố độc lập phải được tổ chức trước khi quân đội Tưởng đến Hà Nội. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập trước quốc dân và thế giới, khẳng định nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập... toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy... đồng thời đề nghị các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở Têhêran và Cựu Kim Sơn thì quyết không thể không công nhận nền độc lập của Việt Nam”[2], lúc này quân Trung Hoa Dân quốc đã xuống sát biên giới, sắp vào Việt Nam. Còn quân Anh - Ấn thì đến ngày 6/9/1945 mới đổ bộ vào Sài Gòn. Như vậy, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trái với mọi dự tính và dàn xếp của các nước lớn, vì khi họ có mặt ở Việt Nam để thực hiện quyết định của Hội nghị Postdam thì họ phải đối mặt với thực tế mới – nhân dân ta đứng ở vị trí chủ nhân để đón tiếp họ.
Sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3/9/1945, Chính phủ họp phiên đầu tiên, đề ra 6 công việc lớn, trong đó có việc tổ chức càng sớm càng tốt Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trong cả nước. Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được tổ chức thành công, ngày 6/3/1946 ta ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, ta đã thành lập được một Chính phủ hoàn toàn hợp pháp, hợp hiến, đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho mời cựu hoàng Bảo Đại tham gia chính quyền mới trong cương vị Cố vấn chính phủ, tiếp tục đưa thêm vào bộ máy chính quyền nhiều vị nguyên là Thượng thư triều Nguyễn... qua đó, nước Việt Nam mới muốn nói với thế giới rằng, những thành phần chủ chốt của chế độ cũ đều thừa nhận và hợp tác với chế độ mới.
Ngày 3/10/1945, một tháng sau khi tuyên bố độc lập, Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời ra Thông cáo về chính sách ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn của Việt Nam, hợp tác thân thiện với các nước đồng minh và các dân tộc láng giềng, đồng thời kiên quyết chống thực dân Pháp gây ra chiến tranh xâm lược. Thông cáo là văn kiện đầu tiên của Nhà nước về đối ngoại, định hướng cho hoạt động đối ngoại của Đảng trong giai đoạn kháng chiến kiến quốc, nhưng trước hết là tranh thủ và tạo thế với lực lượng đồng minh trên đất nước ta. Trong mấy tháng cuối năm 1945 đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần gửi thư, công hàm đến các nước lớn Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông báo về sự ra đời và khẳng định tính hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tố cáo Pháp trở lại xâm lược Đông Dương.
Có thể nói, những sách lược ngoại giao nêu trên đã góp phần đề cao thế hợp pháp và sức mạnh của chính quyền cách mạng để đương đầu với các thế lực hung hãn, tạo khả năng thêm bạn bớt thù, tạo thuận lợi cho các hoạt động của chính quyền cách mạng non trẻ.
Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình trong nước và thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng bài học này và việc đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhằm tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua việc từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, đến nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư với trên 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các trung tâm kinh tế-chính trị hàng đầu, các nước bạn bè truyền thống và đối tác tiềm năng ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn. Với vai trò mở đường, phát huy sức mạnh của ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa, ngành ngoại giao đã khai thông, mở rộng và đưa quan hệ hợp tác của Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đi vào chiều sâu; đi tiên phong trong việc mở rộng các thị trường, các lĩnh vực hợp tác quốc tế mới. Có thể nói chưa bao giờ Việt Nam có được quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi và bình đẳng với các nước ở khắp các châu lục như ngày nay. Vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Với việc nâng cao vị thế đó trước hết giúp cho Đảng và Nhà nước ta chống lại các thế lực thù địch đã và đang liên tục chống phá cách mạng nước ta hết sức tinh vi và quyết liệt. Mặt khác, nâng cao vị thế còn tạo uy tín cho Việt Nam trên trường quốc tế, điều này được thể hiện thông qua việc Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau khi đạt số phiếu gần như tuyệt đối (183/190) vào năm 2007.  Đối với các nước trong khu vực, Việt Nam còn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong tổ chức ASEAN.
Để tiếp tục phát huy thành quả đó, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ một trong ba mục tiêu đối ngoại và hội nhập kinh tế trong thời gian tới của Việt Nam là: “nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[3].
Thứ hai, bài học biết phân hóa kẻ thù
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, một thách thức nghiêm trọng đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này là đối phó cùng một lúc với nhiều thế lực quân sự đối địch ở các nước lớn có mặt tại Việt Nam.
Ở miền Bắc, gần 200.000 quân Tưởng vào Việt nam với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra, mang theo các nhóm người Việt sống lưu vong ở Trung Quốc. Ở phía Nam, 26.000 quân Anh - Ấn vào giải giáp quân đội Nhật. Thời gian này, ở nước ta còn có khoảng 60.000 quân Nhật đang chờ giải giáp. Mặc dù quan hệ giữa các nước lớn này đối với nhau và giữa họ đối với Việt Nam thể hiện đặc trưng của nền chính trị nước lớn là: “giữa họ luôn có xung đột và mâu thuẫn về lợi ích, nhưng khi cần họ sẵn sàng thỏa hiệp mua bán với nhau, bất chấp quyền lợi của nhân dân Việt Nam, tìm cách áp đặt giải pháp đối với Việt Nam và Đông Dương”[4]. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước này với nhau và có sách lược phù hợp với từng đối tượng.
 Đối với Trung Hoa Dân quốc: Để vô hiệu hóa mặt tiêu cực và chống lại chủ trương Hoa quân nhập Việt, diệt cộng cầm Hồ mà lực lượng của Tưởng đề ra khi vào Việt nam, chính quyền cách mạng đã nêu khẩu hiệu Hoa - Việt thân thiện và thực hiện hòa hoãn với sách lược mềm mỏng và bình tĩnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư điện cho Tưởng Giới Thạch khẳng định tình hữu nghị và quan hệ lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời giữa hai nước; triển khai nhiều hoạt động tăng cường hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện đúng Hoa - Việt thân thiện, bảo vệ Hoa kiều, ngăn ngừa âm mưu ly gián người Việt và người Hoa...
Khi phía Trung Hoa Dân quốc thấy không thể gây chuyện lật đổ chính quyền cách mạng của ta, họ chuyển chính sách thúc đẩy các nhóm tay sai vu cáo, quấy phá, đòi Hồ Chí Minh từ chức, đòi giải tán chính quyền... Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ quyết định ngay những quyết sách cứu vãn tình thế. Ngày 11/11/1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán và rút vào hoạt động bí mật. Ngày 2/3/1946, trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, ta đồng ý cho tay sai của Trung Hoa Dân quốc một số chức vụ như Phó Chủ tịch, Bộ trưởng kinh tế và 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử...
Những sách lược khéo léo và đúng đắn trên là nước cờ cao tay, xoa dịu sự chống đối của Trung Hoa Dân quốc và tay sai, góp phần ngăn chặn được nhiều âm mưu phá hoại và lật đổ của chúng, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc giữ vững chính quyền trong tay.
 Đối với Pháp: Trong khi thực hiện chính sách hòa hoãn với Trung Hoa Dân quốc, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm dự đoán thực dân Pháp vẫn có khả năng vừa mở rộng chiếm đóng khu vực phía Nam, vừa đưa quân ra Bắc thông qua một thỏa hiệp thay quân với Tưởng Giới Thạch.
Ngày 28/2/1946, tại Trùng Khánh, Hiệp ước Hoa – Pháp được ký kết. Theo Hiệp ước này, Trung Hoa Dân quốc đồng ý cho quân đội Pháp vào Bắc Đông Dương thay thế quân Trung Hoa Dân quốc dưới danh nghĩa giải giáp quân Nhật. Đổi lại Pháp phải nhân nhượng cho Trung Hoa Dân quốc một số quyền lợi về kinh tế. Như vậy, đây là lần thứ hai sau thỏa thuận Postdam, Việt Nam lại phải đương đầu với một giải pháp do các nước lớn áp đặt.
Nhờ nhãn quan chính trị sáng suốt và sự nhạy bén trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, vào thời điểm khi cả Pháp và Trung Hoa Dân quốc đều cần phía Việt Nam thỏa thuận với Pháp về một giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được để tránh cuộc xung đột mở rộng, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng kịp thời nắm bắt khoảnh khắc lịch sử, ký bản Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 theo những điều kiện có lợi nhất có thể được đối với Việt Nam, để nhanh chóng đẩy 20 vạn quận Trung Hoa Dân quốc và tay sai của chúng ra khỏi nước ta, chuẩn bị thực lực cho một cuộc chiến đấu mới mà ta biết không thể nào tránh khỏi.
Có thể nói với sự phân định về “bạn và thù” trong thời kỳ trước đây chính là cơ sở cho Đảng ta định hình quan điểm “đối tác, đối tượng” trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế.
Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định rõ mục tiêu, phương châm, quan điểm chỉ đạo và nội dung, giải pháp để thực hiện; trong đó, việc xác định đối tác, đối tượng được đặc biệt coi trọng. Đảng ta đã xác định: Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta. Như vậy, Đảng ta đã chỉ ra các dấu hiệu cơ bản quan trọng để nhận thức đâu là “đối tác” có thể mở rộng quan hệ hợp tác, đâu là “đối tượng” cần kiên quyết đấu tranh. Và khi đã nhận thức về “đối tác và đối tượng” trong cùng một chủ thể thì phải lấy mục tiêu “xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” làm tiêu chuẩn để quyết định mức độ quan hệ hợp tác. Nghĩa là, trong khi mở rộng quan hệ hợp tác với “đối tác” cần nêu cao tinh thần cảnh giác phát hiện các mâu thuẫn có thể nảy sinh để kịp thời đấu tranh. Đồng thời, trong đấu tranh với “đối tượng” không có nghĩa là phân tuyến đối đầu mà cần tranh thủ mọi cơ hội tìm hiểu, tạo lòng tin để đi đến “tôn trọng độc lập, chủ quyền” của nhau mà mở rộng hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Mục tiêu cơ bản lâu dài trong nhận thức và vận dụng quan điểm “đối tác, đối tượng” là nhằm không ngừng tăng cường đoàn kết, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với bạn bè quốc tế. Đấu tranh với quan điểm, tư tưởng nhận thức máy móc, khô cứng, khi xem “đối tác” là để hợp tác và chỉ rõ “đối tượng” là để cô lập đấu tranh. Đặc biệt Đảng ta cũng khẳng định tính hai mặt tồn tại, đan xen một cách phổ biến trong “mỗi đối tác” và “mỗi đối tượng”, đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn biện chứng khoa học để trong từng thời điểm cụ thể nhận biết rõ đâu là đối tác để tranh thủ hợp tác và đâu là đối tượng để đấu tranh. 
Với sự kế thừa những giá trị của Đảng trong hoạt động đối ngoại đó đã giúp cho Việt nam có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để “thêm bạn, bớt thù”, tăng cường sự hợp tác hữu nghị với các nước. Đồng thời, tranh thủ khai thác, phát huy được các mặt tích cực của các đối tác để phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế được những mặt tiêu cực của đối tượng, góp phần bảo đảm sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến năm 2016, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược theo ngành với 2 nước; xác lập quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước; trở thành nước duy nhất tại Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn; có quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những nước có vai trò quan trọng ở các khu vực khác như châu Phi, Mỹ La-tinh…
Ngoài các đối tác nêu trên, Việt Nam cũng đã nhận ra các đối tượng cụ thể hiện nay của nước ta như: Đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ XHCN; đối tượng có tham vọng về chủ quyền lãnh thổ; đối tượng do bị tác động của “DBHB” dẫn đến “tự chuyển hóa” có thể gây ra “biến động chính trị”, hoặc tự giác trở thành đồng minh của đối tượng có âm mưu lật đổ chế độ ta; đối tượng gây thảm họa thiên tai, môi trường có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế, chính trị - xã hội, tạo cơ hội để các đối tượng khác lợi dụng khoét sâu, thực hiện mục tiêu chiến lược của họ… Trên cơ sở xác định các đối tượng cụ thể, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương để đối phó với từng đối tượng khác nhau, từ đó giúp cho chúng ta bảo vệ được nền hòa bình, độc lập dân tộc.
Thứ ba, bài học biết nhân nhượng đúng lúc, nhân nhượng có giới hạn, nhân nhượng có nguyên tắc
Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, chính trị, văn hóa và đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng. Đứng trước tình hình đó, về mặt ngoại giao Đảng và Chính phủ đã thực hiện chính sách nhân nhượng, hòa hoãn tạm thời, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc độc lập và chủ quyền quốc gia dân tộc.
Thời gian đầu, trong điều kiện thực lực của chúng ta còn hạn chế, Đảng và Chính phủ đã phải chấp nhận những điều kiện để thực hiện sách lược hòa với Trung Hoa Dân quốc, tập trung chống thực dân Pháp xâm lược nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc độc lập dân tộc như: Chính phủ ta chấp nhận tiêu tiền Quan kim, Quốc tệ đã mất giá của chúng; cung cấp lương thực thực phẩm cho chúng; nhượng cho tay sai của Trung Hoa Dân quốc 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử, bởi ta biết rằng với số phiếu 70, Trung Hoa Dân quốc vẫn không thể áp đặt được Chính quyền cách mạng.
Khi giữa Trung Hoa Dân quốc và Pháp ký với nhau bản Hiệp ước thay quân, ta đã quyết định ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), đồng ý cho Pháp đưa quân ra miền Bắc thay Trung Hoa Dân quốc, tuy nhiên ta giới hạn số quân Pháp là 15.000 người, và số quân đó phải rút hết về nước trong 5 năm.
Trong quá trình đàm phán, vấn đề gay cấn nhất là việc ta đòi Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập, Pháp chỉ công nhận Việt Nam là tự trị, cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quy chế quốc gia tự do. Tự do – chưa phải là độc lập nhưng là một nước có chủ quyền.
Sau Hiệp định Sơ bộ, ta và Pháp mở Hội nghị trù bị Đà Lạt, Hội nghị chính thức ở Fontainebleau, tuy nhiên, do phía Pháp ngoan cố giữ lập trường thực dân hiếu chiến, muốn tái lập lại chế độ thuộc địa trên toàn Đông Dương, nên các Hội nghị đều đi đến thất bại. Và để có thêm một khoảng thời gian hòa hoãn nữa, ta quyết định ký với Pháp Tạm ước 14/9/1946, nhân nhượng thêm cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế - văn hóa để ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: Tạm ước 14/9 là một bước nhân nhượng cuối cùng, nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc.
Với Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã đi những nước cờ mạnh bạo, sắc sảo, trước tiên thể hiện thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam đến nhân dân thế giới, đặc biệt là đến nhân dân Pháp, góp phần tạo một phong trào phản chiến của nhân dân Pháp chống chiến tranh xâm lược. Việc ký kết các thỏa thuận này là đỉnh cao của nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trên biển Đông có nhiều biến đổi khôn lường khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển ở Việt Nam trở thành nhiệm vụ khó khăn với nhiều thách thức. Từ bài học lịch sử trên, Đảng và Nhà nước ta đã có sự kế thừa và vận dụng sáng tạo vào hoạt động đối ngoại trong thời kỳ mới.
Dân tộc ta vốn đã từng hy sinh, tổn thất quá nhiều trong chiến tranh nên hơn ai hết chúng ta rất yêu chuộng hòa bình. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta luôn chủ trương giải quyết mọi vấn đề bằng con đường hòa bình, thương thảo, hữu nghị, pháp lý chứ không bao giờ nhân nhượng, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Với chủ trương trên trong thời gian vừa qua, khi Trung Quốc công bố “đường lưỡi bò chín khúc”, gây ra các vụ tranh chấp trên Biển Đông với các nước trong đó có Việt Nam. Đặc biệt tháng 5/2014, Trung Quốc đã hạ đặtt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sau đó còn liên tiếp gây khó khăn cho ngư dân của ta trong việc đánh bắt xa bờ. Trước tình hình đó Đảng và Nhà nước ta có những chủ trương khéo léo nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo như: kiên quyết yêu cầu Trung Quốc di chuyển giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam; tuyên truyền để nhân dân và Chính phủ các nước hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam; kêu gọi nghị viện các nước lên tiếng, trước hết là phải tuân thủ luật pháp Quốc tế, đặc biệt là Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một thành viên cũng phải tuân thủ; cung cấp tài liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp thực tế lịch sử và luật pháp quốc tế. Đồng thời, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ để góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển, nhất là ở một số vùng biển, đảo có vị trí chiến lược kinh tế với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; tập trung nỗ lực xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh… Từ đó kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Lịch sử 86 năm ra đời và phát triển của Đảng ta cho thấy, càng trong những thời điểm khó khăn, phức tạp thì bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, năng lực lãnh đạo của Đảng càng được khẳng định. Với việc phát huy những bài học kinh nghiệm từ sách lược ngoại giao thời kỳ 1945-1946 trong giai đoạn hiện nay chính là một trong những yếu tố quan trọng đem đến sự thành công về mặt đối ngoại của Đảng. Chúng ta tin tưởng rằng, bài học thành công về mặt ngoại giao của Đảng trong giai đoạn1945-1946 sẽ tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
 

[1] Nguyễn Đình Bin (Chủ biên), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 47.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 4.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, HN, 2016, tr.153.
[4] Nguyễn Đình Bin (Chủ biên), Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 92.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây