TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Những trao đổi góp phần giảng tốt bài “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng” trong chương trình trung cấp LLCT-HC

Ths.Trần Thiên Tú


Một bài giảng tốt là kết quả của cả một quá trình hoàn thiện từ các yếu tố chủ quan như: tìm kiếm tài liệu, soạn bài, chuẩn bị tâm thế tốt trước lúc lên lớp, … đến những yếu tố khách quan như: thời tiết, điều kiện giảng đường, học viên, … Để giảng tốt môn triết học cũng không thể thiếu những điều kiện đó. Tuy nhiên, với đặc thù là môn học mang tính lý luận cao, vì vậy, ngoài những yếu tố đó, giảng dạy triết học phải đảm bảo một số yếu tố khác.

Hiện nay, có khá nhiều tài liệu đề cập đến phương pháp và kinh nghiệm để thực hiện một bài giảng triết học tốt, đó là những tài liệu tham khảo quý giá cho những giảng viên. Dưới góc độ của một người giảng dạy triết học chưa lâu tại trường chính trị tỉnh, bản thân tôi không tham vọng đề cập đến kinh nghiệm, mà chỉ muốn trao đổi một số vấn đề nhằm phục vụ thực hiện một bài giảng phần triết học. Trong khuôn khổ của bài viết, tôi xin trao đổi vấn đề: làm thế nào giảng tốt bài “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng” trong chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính ban hành năm 2014.

1. Những vấn đề chung

Trước tiên, ngay từ tên bài: “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng”, người giảng phải xác định phạm vi của bài không phải là toàn bộ chủ nghĩa duy vật biện chứng mà chỉ nghiên cứu những vấn đề cơ bản, những luận điểm xuất phát mang tính nền tảng của triết học mácxít. Thời lượng giảng trên lớp của bài là 12 tiết, thảo luận: 04 tiết, tự nghiên cứu: 14 tiết. Với khối lượng kiến thức lớn, thời gian lên lớp ngắn, thời gian dành cho nghiên cứu khá nhiều, cho nên, ngoài trao đổi những kiến thức rất cơ bản, giảng viên còn phải gợi mở những vấn đề để cho học viên tự tìm hiểu và nghiên cứu. Có như vậy, toàn bộ nội dung của bài học mới được đảm bảo và học viên sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết. 

Sau những nhận định chung về bài giảng, giảng viên phải xác định đối tượng giảng dạy để lựa chọn nội dung và phương pháp giảng phù hợp. Việc xác định được đối tượng, tức là đảm bảo nguyên tắc tính vừa sức, là một trong những cơ sở quan trọng để dẫn đến sự thành công của tiết giảng. Khi nhận được lịch báo giảng, giảng viên phải biết mình sẽ giảng lớp nào, đối tượng của lớp như thế nào. Thông thường, các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính sẽ được sắp xếp theo các tiêu chí như: ngành nghề (y tế, giáo dục, công an, …), cấp cơ sở (xã, huyện, tỉnh), địa phương (huyện, quốc gia), … Ngay cả trong một lớp, thì các đối tượng không đồng đều về trình độ tri thức, địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, … Vì vậy, giảng viên phải tìm ra được một mặt bằng chung, để từ đó có cách giảng cụ thể. Ở những lớp có học viên là cán bộ cấp tỉnh, rõ ràng, trình độ và thực tế công việc của họ khác, nên chúng ta không thể giảng cụ thể, và đưa những ví dụ minh họa gắn liền với cơ sở như đối với các lớp cho cán bộ xã, phường, thị trấn. Với đặc thù của mình, trường Chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị còn mở các lớp có đối tượng là cán bộ dân tộc thiểu số, các lớp đào tạo cán bộ cho nước CHDCND Lào. Ở các lớp này, chúng ta không thể ôm đồm kiến thức, giảng dạy như ở những lớp khác, vì những hạn chế về trình độ cũng như bất đồng về ngôn ngữ sẽ làm học viên khó lĩnh hội tất cả tri thức. Với họ, chỉ giảng những phần quan trọng, đưa nhiều kiến thức thực tế để học viên dễ hiểu. Với bạn Lào, người giảng viên phải cập nhật thêm kiến thức về nước bạn để minh họa và liên hệ cho phong phú.

Một trong những nguyên tắc quan trọng nữa trong giảng dạy lý luận chính là mối liên hệ giữa lý luận với thực hiện nhiệm vụ chính trị của người học. Lý luận được xây dựng từ thực tiễn và phải quay trở lại phục vụ thực tiễn. Người giảng viên phải từ lý luận trong bài học liên hệ đến lý luận, thể hiện qua chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; liên hệ với thực tiễn xây dựng Chủ nghĩa xã hội của đất nước.

2. Những vấn đề cụ thể 

Đầu tiên, giảng viên phải làm rõ các khái niệm:

Giảng dạy triết học thực chất là giảng các nguyên lý, các quy luật, các luận điểm triết học. Tất cả những vấn đề đó đều chứa đựng và xuất phát từ cơ sở các khái niệm, phạm trù. Nếu chưa hiểu khái niệm, phạm trù cơ bản thì không thể hiểu đúng và đầy đủ nội dung các nguyên lý triết học; có hiểu đúng khái niệm, hiểu chính xác khái niệm thì mới có thể hiểu đúng đắn nguyên lý. Khác với khái niệm thông thường, khái niệm triết học phản ánh những thuộc tính của sự vật, hiện tượng trong thế giới một cách khái quát nhất. Cho nên, khi giảng những luận đề triết học thì phải chú ý giảng giải những khái niệm trước. 

Ví dụ:

- Khi giới thiệu khái lược về triết học, đầu tiên ta phải giảng giải khái niệm triết học, cách hiểu về nó trong lịch sử triết học. Từ đó, học viên mới có cái nhìn khái lược nhất về môn học mà họ sẽ nghiên cứu.

- Khi nói đến mối quan hệ biện chứng giữa vật chất và ý thức, ta phải giải thích được các khái niệm: vật chất, ý thức, và phân biệt chúng với tư cách là các phạm trù triết học khác với các khái niệm vật chất, ý thức con người sử dụng trong đời sống hằng ngày.

- Giảng các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, ta phải giải thích các khái niệm chứa đựng trong đó và làm cơ sở cho quy luật; quy luật Mâu thuẫn chứa đựng các khái niệm: thống nhất, đấu tranh, mặt đối lập. Quy luật Lượng chất chứa đựng các khái niệm: chất, lượng, độ, điểm nút, bước nhảy, …

Khi đã giải thích nội dung của khái niệm, đặc biệt là các khái niệm căn bản – phạm trù, giảng viên cần rút ra ý nghĩa phương pháp luận của các khái niệm cơ bản. Khái niệm đó có giá trị như thế nào về mặt lý luận, về mặt thực tiễn, từ đó hướng dẫn cách vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống.

Thứ hai, thực tiễn liên hệ phải phù hợp:

Để minh chứng lý luận bằng thực tiễn tốt đòi hỏi người giảng viên phải có quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Từ lượng kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng có được, người giảng viên phải phân loại và lựa chọn các ví dụ cho phù hợp với đối tượng. 

Ví dụ:

Khi đề cập đến quy luật Lượng - Chất, chúng ta có thể liên hệ đến thực tiễn xây dựng nông thôn mới – một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Muốn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, địa phương cần phải tích lũy đầy đủ những “lượng” cần thiết, các tiêu chí phải được hoàn thiện; chỉ khi nào các tiêu chí đầy đủ theo tiêu chuẩn – tức là tích lũy đủ về lượng, thì sẽ đạt nông thôn mới – chất mới. Thực tiễn này rất phù hợp, gần gũi và mang tính thời sự với cán bộ cơ sở, nhất là những xã đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu lấy ví dụ này cho cán bộ cấp tỉnh, với những người không liên quan trực tiếp với công việc này, hoặc là với học viên nước bạn Lào thì ví dụ trở nên xa xôi, học viên khó hình dung được.

Một trong những yêu cầu khi liên hệ thực tiễn chính là tính khách quan. Liên hệ thực tiễn không chỉ thiên về thành tích, mặt tích cực, cái đạt được, mà cần phải nói đến cả mặt hạn chế, những vấn đề tiêu cực đã nảy sinh trong thực tế, từ đó, giúp học viên rút ra bài học kinh nghiệm cho chính bản thân trong công tác của mình.

Thứ ba, phát huy tính năng động, tích cực của học viên:

Với tiêu chí giáo dục trong thời đại mới: học viên là trung tâm, buổi học phải lôi cuốn sự tham gia của học viên, họ sẽ là người thảo luận, trao đổi, phát biểu ý kiến, suy nghĩ của mình. Vì thế, giảng viên phải có những phương pháp nhằm phát huy tính năng động, tích cực của học viên bằng cách đặt những câu hỏi phát vấn, nêu những tình huống có vấn đề để học viên tham gia. Sau đó, giảng viên kiểm tra lại vấn đề đã giải quyết và đi tới kết luận.

Từ nội dung của bài giảng, giảng viên nêu tình huống, đặc biệt là các tình huống có vấn đề để gợi mở, lôi cuốn, hấp dẫn học viên đi vào vấn đề đang cần quan tâm giải quyết.

Ví dụ:

- Ở quy luật Mâu thuẫn, giảng viên có thể đặt câu hỏi: Tại sao mâu thuẫn hiểu thông thường là sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập thì trong Triết học, nó bao hàm cả sự thống nhất?

- Nói đến thuộc tính vận động của vật chất, giảng viên đưa ra luận đề: Tại sao các nhà triết học lại nói: Nó là nó, nhưng không phải là nó, mà nó lại là nó, nó vừa chỗ này lại là vừa chỗ kia?

Những vấn đề mâu thuẫn này vừa có tác dụng dẫn dắt vấn đề, vừa có tác dụng làm cho học viên hiểu sâu sắc vấn đề hơn, giúp học viên có sự so sánh, phân biệt các khái niệm trong triết học và trong đời sống hằng ngày.

Thứ tư, đặt ra những câu hỏi củng cố phần học, hướng dẫn cách trả lời, gợi mở những vấn đề nghiên cứu trước cho bài mới

Cuối một vấn đề lớn trong bài, giảng viên phải tóm tắt nội dung chính, đặt ra những câu hỏi để học viên tự nghiên cứu. Đối với những câu hỏi khó, giảng viên không nên đánh đố mà cần có những gợi ý và yêu cầu học viên rút ra được ý nghĩa của vấn đề và liên hệ đến thực tiễn. Sau một buổi học, giảng viên phải nêu những nội dung sắp được học cho học viên đọc trước. Với thời lượng tự học nhiều hơn học trên lớp, học viên phải có ý thức chuẩn bị chu đáo, như vậy, buổi học sau mới có hiệu quả hơn.
Cuối cùng, vấn đề hết sức quan trọng, đó chính là làm cho học viên hiểu tính tích cực, tiến bộ và khoa học của học thuyết mình đang học. Nhờ vậy, học viên mới có tâm huyết đến việc nghiên cứu nó, và việc truyền đạt giữa giảng viên tới học viên mới thuyết phục. Để làm được điều đó, giảng viên phải là người am hiểu lịch sử triết học; họ phải biết đưa những quan điểm về cùng một vấn đề được nêu trong lịch sử trước đó, thậm chí cả những quan điểm mới sau này. Những quan điểm đó, sẽ được xem xét, đánh giá một cách khách quan, cả những hạn chế, tiến bộ, nhưng cuối cùng, giảng viên phải chứng minh được tính đúng đắn, khoa học, hoàn bị của quan điểm Duy vật biện chứng.

Ví dụ:

Khi bàn luận về vật chất, chúng ta có thể điểm qua những quan điểm về vật chất của của nghĩa duy tâm, của chủ nghĩa duy vật từ thời cổ đại đến cận đại, từ đó, chúng ta có thể chỉ ra được hạn chế và sai lầm của họ khi khoa học tự nhiên phát triển. Cuối cùng, khi đưa ra quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về vật chất, giảng viên chỉ ra được tính khoa học, những mặt tích cực, cách khắc phục triệt để những sai lầm của những quan điểm trước đó. Những điều này làm học viên củng cố niềm tin vào học thuyết mà họ đang nghiên cứu.

Giảng dạy là một hoạt động tương tác từ hai phía, chính quá trình đào tạo cũng là quá trình người giảng “tự đào tạo”. Vì vậy, sau mỗi tiết giảng, bài giảng, người giảng viên phải nghiêm túc “tự vấn lại mình”, kịp thời đúc rút kinh nghiệm để có những thay đổi cho thích hợp. Ngay sau giờ lên lớp đầu tiên, người giảng phải biết chấn chỉnh lại mình, biết nhận ra những cái gì phù hợp, những cái gì không phù hợp để lựa chọn nội dung, phương pháp, phong cách cho những giờ tiếp theo.

Triết học là một khoa học lý luận có tính lý luận cao, thực tiễn cho thấy, nhiều người không thích học môn học này, một trong những nguyên nhân là do người học chưa làm chủ được kiến thức. Điều này là lỗi tại phương pháp, từ phương pháp truyền thụ trên lớp lẫn phương pháp học của người học viên. Nếu người học viên được tiếp cận với một nội dung tốt, phương pháp truyền đạt tốt, bản thân họ có phương pháp tiếp thu và tự nghiên cứu tốt, thì chắc chắn, triết học sẽ trở nên gần gũi hơn. Một bài giảng tốt phải đến từ cả phía người giảng lẫn người học, có như vậy, cả hai mới đạt được mục đích của mình. Tất cả đều phục vụ mục tiêu cuối cùng, những vấn đề lý luận sẽ được thâm nhập, trở thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho nhận thức, hoạt động thực tiễn của người cán bộ; và từ đó, lý luận này giúp người cán bộ định hướng hành động, quay trở lại phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây