TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Nghĩ về những di tích chiến tranh ở Quảng Trị

Nguyễn Thị Hồng Sâm
Trưởng Phòng QLĐT&NCKH
        Khi đứng trên di tích sân bay Tà Cơn, tôi chợt nghĩ nếu bây giờ cả khu vực mênh mông này được trưng bày chừng 50 chiếc máy bay mà không phải là vài ba chiếc như hiện tại thì khi đó Tà Cơn sẽ thế nào? Cũng như khi đứng trước chiếc xe tăng M48 của Mỹ trong chiến dịch “đấu tăng” ở Cửa Việt năm 1973 đang trưng bày ở bảo tàng tỉnh, giá như trên bãi cát Cửa Việt để nguyên hiện trường của cuộc “đấu tăng”, cả trăm xe tăng xe bọc thép không bị cơn lốc phế liệu tàn sát thì chỉ cần quây lưới quanh khu vực này, chỉ cần bán vé cho du khách thì cũng đủ cho Quảng Trị một nguồn thu không nhỏ.
      Quảng Trị- chiến trường khốc liệt nhất ở miền Nam những năm chiến tranh chống Mỹ nhưng bây giờ , nghĩ về những hiện vật để trưng bày cho du khách về đây chiêm ngưỡng không thể không tiếc nuối vì khối hiện vật khổng lồ ấy đã biến mất vì cuộc mưu sinh hậu chiến.
        Từ chiến trường Cửa Việt…
        Cửa Việt (Quảng Trị) những ngày đầu năm 1973, khi hội nghị Paris đang vào những ngày quyết định nhất thì đây cũng là chiến trường ác liệt nhất. Vào giờ khắc hiệp định Paris có hiệu lực, ngưng bắn trên toàn Việt Nam, tất cả các đơn vị quân sự mỗi bên sẽ ở nguyên vị trí (đồng nghĩa với phần đất bên nào đang chiếm giữ , bên đó sẽ được quyền kiểm soát lãnh thổ, trước khi được giải quyết bởi Ủy ban quân sự liên hợp). Cuộc hành quân Tangocity của quân đội Sài Gòn đã tung ra một lực lượng hùng hậu nhất từ 25-1-1973 với sự có mặt của hàng trăm xe tăng, thiết giáp. Quân giải phóng cũng mở cuộc tiến công “phản đột kích” với một lực lượng hùng hậu không kém.
       Tuy nhiên chúng ta sẽ không nói về trận Cửa Việt trong lịch sử vào thời khắc hiệp định Paris có hiệu lực  của hơn 40 năm trước, điều mà chúng ta muốn nhắc lại chính là hình ảnh chiến trường Cửa Việt những năm tháng đó. Những cựu binh của mặt trận này cũng như nhiều người dân Cửa Việt vẫn không thể quên được hình ảnh cả trăm chiếc xe tăng phơi mình trên chang chang cát bỏng bên bờ biển Cửa Việt. “Nếu hồi ấy, sau chiến dịch, chỉ cần lấy kẽm gai quây tròn quanh những động cát , bảo vệ cái hiện trường cả trăm chiếc xe tăng cháy và hỏng ấy thì bữa nay chỉ ngồi và…thu tiền du khách đủ nuôi cả tỉnh”. Đấy là một ước mơ mang theo một chữ “nếu” của tất cả những ai về Cửa Việt và hình dung hình ảnh ấy qua lời kể các chứng nhân. Trận chiến vòng cung Kursk giữa quân  đội Liên Xô và Phát xít Đức được mệnh danh là “trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới”, sau này được các nhà làm phim Xô viết  làm thành bộ phim sử thi chiến tranh nhiều tập (Giải Phóng), đài tưởng niệm trận Kursk được dựng lên hoành tráng, không biết có thêm một bảo tàng ngoài trời nào lưu dấu trận chiến long trời lở đất ấy? Còn với trận Cửa Việt, cho đến nay, hình như về mặt hình ảnh, chúng ta chỉ mới gặp trên những ký họa của họa sĩ Lê Duy Ứng. Nếu ngay những ngày tháng ấy, chỉ khoảng 1/10 số xe tăng ấy trong “cuộc hành quân Tangocity”  được gìn giữ, có thể ngành du lịch Quảng Trị bây giờ đã khác. Trong nhà văn hóa của một vài huyện thị, ở Bảo tàng tỉnh Quảng Trị còn vài chiếc xe tăng được đặt ngay ngắn trên bệ đá, dù chiếc xe chỉ còn cái vỏ thép han gỉ, câu chuyện về một trận “Kursk Cửa Việt” trứ danh, dù có giàu tưởng tượng đến mấy, cũng thật khó để hình dung, trong khi hiện vật là yếu tố quan trọng hàng đầu với các di tích, bảo tàng…
       Đến hiện vật trên chiến trường Khe Sanh…
       Từ Cửa Việt, ngược lên Tà Cơn, giữa mênh mông sân bay ngày xưa có một nhà trưng bày “Bảo tàng chiến thắng Đường 9”  cùng vài chiếc máy bay. Nếu xét trên vị trí, cả khu vực này xứng đáng trở thành một bảo tàng chiến tranh Việt Nam và Đông Dương vì nó hội đủ các yếu tố cần thiết. Tuy nhiên giờ đây Tà Cơn vẫn chỉ thu hút được vài chục du khách quốc tế mỗi ngày trong khi lẽ ra con số phải gấp hàng trăm lần…
      Ấn tượng nhất với du khách khi đến Tà Cơn là chiếc máy bay một chiếc C-130 đang được trưng bày tại đây. C-130 là loại máy bay từng tham chiến trên chiến trường Khe Sanh. Chiếc máy bay với sải cánh hơn 40 mét, dài gần 30 mét, cao gần 12 mét, chỉ riêng mình chiếc C-130 đã chiếm một không gian trưng bày hàng ngàn mét vuông trong khu di tích. Cùng với chiếc máy bay UH-1H và chiếc Chinook  CH-47 được trưng bày tại đây , một chiếc cường kích A 37 khác được trưng bày tại bảo tàng Quảng Trị, một chiếc C-119 đang chuẩn bị nhận về- những chiếc máy bay ấy đang là những  hiện vật đang trở thành “cổ vật chiến tranh” mà không nhiều nơi có được.
       Từ khi những hiện vật chiến trường của cuộc chiến tranh Việt Nam được mang về đây, những du khách, nhất là du khách quốc tế đã không phải “huy động trí tưởng tượng”  bởi, ở trong nhà bảo tàng chiến thắng đường 9- Khe Sanh có hình ảnh về chiến dịch “trực thăng vận” của lính Mỹ với hàng trăm chiếc UH-1 bay kín bầu trời thì chỉ cần bước ra khỏi nhà bảo tàng, du khách sẽ gặp ngay chiếc UH-1H nằm đó, cho dù ít ỏi nhưng cũng đủ cho khách hình dung. Cũng như thế, những bức ảnh tư liệu ở chiến trường Khe Sanh năm 1968 chụp những chiếc máy bay Chinook CH 47 đang cẩu lơ lửng giữa trời những chiếc xe, những khẩu pháo bay từ các căn cứ cách đó hàng chục cây số, tuy nhiên phải tận mắt nhìn thấy chiếc may bay vận tải Chinook ở đây mới hiểu được vai trò của nó trong chiến tranh Việt Nam. Những đỉnh cao bố trí trận địa pháo của lính Mỹ dọc theo tuyến đường 9 xuyên qua vùng Hạ Lào trong giai đoạn này đều nhờ tới sự vận chuyển của dòng máy bay này.
     Đặc biệt, chiến dịch Khe Sanh năm 1968, khi quân đồn trú Mỹ tại đây bị vây hãm, Đường 9 bị chia cắt, toàn bộ vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm cho hàng vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đều nhờ vào đường tiếp tế hàng không mà chủ lực là máy bay vận tải C-130. Trong bản “lý lịch hiện vật” của chiếc C-130 được lưu tại trung tâm bảo tồn di tích có một phần thuyết minh về kỹ thuật “lapes” (bung dù ở tầm thấp) của máy bay C-130.Thời tiết chiến trường Khe Sanh giai đoạn đó nhiều mây mù, máy bay tiếp tế không thể thả dù chính xác. Vì không thể để mất Khe Sanh nên bằng mọi giá phải chi viện tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đang bị bao vây. Trong khi đó, Washington gần như đã đặt cược danh dự nước Mỹ vào trận Khe Sanh này - trận chiến sau này được ví như một Điện Biên Phủ của người Mỹ.
        Những câu chuyện chiến tranh và chiến trường ấy sẽ sinh động hơn nếu như các hiện vật trưng bày ở đây đầy đủ và phong phú hơn chú không dừng lại ở một vài chiếc máy bay nằm cô đơn trên bãi cỏ mênh mông !
        Nhiều lần lên với Tà Cơn-Khe Sanh, nhìn mỗi ngày những đoàn khách với đủ quốc tịch háo hức ghé thăm di tích, sung sướng đứng chụp ảnh cùng với hiện vật chiến tranh, nhưng rồi với số hiện vật ít ỏi ấy, cả một tour vòng quanh từ công sự lính Mỹ đến những ba “cổ vật máy bay” cũng chỉ chưa đến hai tiếng đồng hồ, trong khi lẽ ra với quá khứ chiến tranh như thế, với lịch sử bi tráng như thế, Khe Sanh cần phải được tham quan hai ngày chứ không chỉ là hai giờ đồng hồ.
         Với một không gian được dành tới 30 hecta, và có thể được mở rộng thêm, cụm di tích này xứng đáng để trở thành một bảo tàng các phương tiện, khí tài tham chiến trên chiến trường Việt Nam, không riêng gì các “cổ vật máy bay” của chiến tranh Việt Nam. Chỉ cần tưởng tượng cả vùng đất bằng phẳng dưới chân đồi Động Tri này trở thành một bảo tàng chiến cụ, với hàng chục chiếc máy bay “cấp 5” được tu sửa và trưng bày đã đủ thu hút du khách tìm về đây bởi sau cuộc chiến tranh, những người lính, những chứng nhân cũng già theo tuổi tác và một ngày kia ai cũng phải từ giã cõi đời, nhưng những chiến cụ, những vật chứng của một thời chinh chiến nếu được tập hợp, trùng tu, bày biện chắc chắn nó sẽ là một quá khứ sinh động đủ sức hấp dẫn tương lai.
       Hôm lên thăm di tích sân bay Tà Cơn, khi mở cửa và trèo lên chui vào khoang chiếc máy bay C-130, tôi bổng ước ao sao cái khoang máy bay rộng rãi này sẽ trở thành một phòng chiếu phim cho khách tham quan tour DMZ. Và xa hơn thế, nếu có thêm nhiều nữa những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đem về đây, không chỉ là hiện vật trưng bày mà biến chúng thành phòng chiếu phim, thành quán cà phê, thậm chí có thể trở thành nơi lưu trú, thành phim trường...Chắc chắn Quảng Trị, vùng đất với nhiều di tích thấm máu nhất trên thế giới này sẽ khác đi rất nhiều…  
                                                                                     
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây