TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

 
ThS. Nguyễn Thị Chính
Khoa NN&PL
 
          Hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức cùng ngành nghề, sở thích, giới,... có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hội có quy mô và phạm vi hoạt động khác nhau, có tổ chức thành hệ thống trong cả nước, ở các địa phương hoặc tham gia tổ chức quốc tế tương ứng; có tổ chức chỉ hoạt động ở phạm vi địa phương hoặc địa bàn dân cư.
       Nhận thức rõ tính tất yếu khách quan của việc hình thành các hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng ta đã đề ra quan điểm chỉ đạo nhất quán: Cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội, trong giai đoạn mới cần thành lập những tổ chức quần chúng đáp ứng nhu cầu chính đáng về nghề nghiệp và đời sống của nhân dân, hoạt động theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân, tương ái.Các tổ chức quần chúng được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải về tài chính được tổ chức trong từng địa phương hoặc có quy mô toàn quốc, không nhất loạt giống nhau.
       Tại tỉnh Quảng Trị, các hội ngày càng phát huy vai trò, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều phương diện. Hiện nay số lượng các hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện như sau:
       Đối với hội
- Số lượng các hội, câu lạc bộ hoạt động trên địa bàn Quảng Trị: Cấp tỉnh: 48 hội, câu lạc bộ; cấp huyện: 103 hội, câu lạc bộ; cấp xã: 846 hội, câu lạc bộ.
       - Số lượng biên chế hội:
       + Cấp tỉnh: Có 07 hội được giao biên chế, với tổng số biên chế hội là 53 chỉ tiêu (Hội Chữ thập đỏ: 14 chỉ tiêu, Hội Người mù: 03 chỉ tiêu, Hội Nhà báo: 03 chỉ tiêu, Hội Văn học nghệ thuật: 07 chỉ tiêu, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật: 05 chỉ tiêu, Liên hiệp tác tổ chức hữu nghị: 03 chỉ tiêu, Liên minh hợp tác xã: 18 chỉ tiêu).
       + Cấp huyện: Có 09 hội được giao biên chế (Hội Chữ thập đỏ), với tổng số biên chế được giao là 17 chỉ tiêu.
       Đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện
       Hiện nay, chỉ có 02 quỹ xã hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh Quảng Trị (Quỹ Phát triển cộng đồng tỉnh Quảng Trị và Quỹ Phát triển những con đường hoa). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn có một số quỹ tài chính hoạt động trong lĩnh vực xã hội, từ thiện: Qũy Vì người nghèo, Qũy Khuyến học, Qũy Đền ơn đáp nghĩa, Qũy Nạn nhân chất độc da cam, Qũy Bảo trợ trẻ em, Qũy Chăm sóc người cao tuổi, Qũy Cứu trợ, Qúy Khám, chữa bệnh cho người nghèo.
       Trong những năm qua, các tổ chức hội đã quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh liên quan đến công tác hội quần chúng, nhất là Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 62-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
       Các hội đã bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, cùng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch đề ra; tập trung xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức hội; không ngừng phát huy vai trò trong tập hợp, đoàn kết, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, tổ chức hội và quần chúng nhân dân; tích cực tham gia tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh.
       Hoạt động của các hội ngày càng thể hiện rõ vai trò tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy sức mạnh của hội viên, quần chúng nhân dân, bảo đảm tính dân chủ, tạo điều kiện cho hội viên phát huy tiềm năng sáng tạo, đóng góp tích cực trong các lĩnh vực công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo, giúp nhau trong đời sống, sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề, giáo dục truyền thống, khuyến học. Bên cạnh đó, một số hội đã tích cực nghiên cứu, tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội các đề án, chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
       Công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đối với các tổ chức hội thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng phân cấp quản lý hội do UBND tỉnh ban hành; tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội được UBND tỉnh phê duyệt; quy định của pháp luật và kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực công tác để các hội thuộc phạm vi quản lý có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động của hội. Vì vậy, các hội, quỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cơ bản hoạt động có nền nếp và hiệu quả, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định, giúp cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực hội hoạt động nắm bắt được tình hình thực tế của hội để giúp đỡ và định hướng cho hội, quỹ hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, điều lệ hội, quỹ và quy định của pháp luật, vì vậy hoạt động của hội, quỹ ngày càng ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Trị thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tích cực trong việc tham mưu, định hướng cho hội hoạt động, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội trong tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ hội.
       Trong năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã cho phép 08 tổ chức hội Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025; phê duyệt Điều lệ, Điều lệ sửa đổi, bổ sung đối với 10 hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh và trong huyện, thị xã, thành phố; giải thể 01 hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; cho ý kiến về thành lập Chi hội Điện ảnh Quảng Trị; thường xuyên chỉ đạo, cho ý kiến và hướng dẫn các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh thực hiện kiện toàn nhân sự hội theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
       Đồng thời tỉnh đã tiến hành rà soát, kiểm tra, giám sát việc tổ chức và hoạt động của hội, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ hội. Hàng năm, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Nội vụ, các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hội hoạt động, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, tổng hợp, nghiên cứu giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh tại Hội nghị giao ban công tác Hội quần chúng do Thường trực tỉnh ủy chủ trì. Qua hội nghị giao ban công tác Hội quần chúng hằng năm, UBND tỉnh Quảng Trị nắm rõ hơn tình hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội, từ đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng cho các hội trong tổ chức và hoạt động.
Việc quản lý, tổ chức và hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Đến nay, có 02 quỹ xã hội hoạt động trong phạm vi tỉnh được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép thành lập và công nhận Điều lệ Quỹ.
       Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành pháp luật và điều lệ đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động tại Quảng Trị được UBND tỉnh Quảng Trị quan tâm, chú trọng, qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, đảm bảo việc quản lý, sử dụng quỹ đúng quy định, đúng mục đích, giải quyết các khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện còn một số hạn chế, khó khăn đã được đánh giá trong Báo cáo về tình hình tổ chức, hoạt động quản lý hội, quỹ như sau:
       Thứ nhất,  công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của hội, quỹ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nơi, có lúc chưa được quan tâm, các sở, ban, ngành, địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, tổ chức quỹ theo ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra đối với hội, quỹ chưa được tiến hành hoặc tiến hành chưa thường xuyên và việc theo dõi, rà soát để báo cáo, đề xuất kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của hội, quỹ chưa kịp thời; một số sở, ngành, địa phương chưa có các giải pháp thiết thực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, quỹ; chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng năm về công tác quản lý nhà nước đối với hội, quỹ thuộc thẩm quyền quản lý về UBND tỉnh theo quy định.
       Thứ hai, một số hội, quỹ hoạt động còn hình thức, chưa thực hiện đúng Điều lệ, không tổ chức sinh hoạt định kỳ, hoạt động không thường xuyên, liên tục; công tác báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội, quỹ đối với cơ quan có thẩm quyền chưa được thực hiện định kỳ, thường xuyên, dẫn đến công tác tổng hợp, theo dõi và quản lý hoạt động của quỹ bị hạn chế.
       Thứ ba, một số hội hoạt động còn hình thức, chưa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; công tác nắm bắt tình hình, tư tưởng của hội viên trong một số tổ chức hội có lúc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới, chưa thực sự gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí còn hạn chế. 
       Để khắc phục những hạn chế trên nhằm đưa hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ cần thực hiện các giải pháp sau:
       Một là, tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với hội quần chúng. Coi trọng công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hội và thường xuyên quán triệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đồng thời tiến hành sơ kết, tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác hội. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt quy định của pháp luật về hội.
       Hai là, tiếp tục tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về hội; tiến hành rà soát, đánh giá công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý, từ đó có những biện pháp cụ thể để hướng dẫn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hội; quan tâm, tạo điều kiện và hướng dẫn để hội tham gia vào quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thể dục thể thao, khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của ngành, lĩnh vực và của địa phương; xem xét tạo điều kiện để hội tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định; định kỳ kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội của các tổ chức hội; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.
       Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; thường xuyên củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức hội. Chú trọng công tác phát triển hội viên mới nhưng không chạy theo số lượng mà chọn những người tích cực, tâm huyết với hoạt động của hội. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tự tạo nguồn lực để tổ chức các hoạt động của hội một cách có hiệu quả, chất lượng, đồng thời để thực hiện nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự đảm bảo kinh phí hoạt động của hội.
       Mặc dù tính chất công việc, tổ chức hoạt động tuy có khác nhau, nhưng các hội đều có chung một mục đích, tôn chỉ, đó là tập hợp, phản ánh yêu cầu, nguyện vọng cũng như bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, góp phần tích cực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây