TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 – Kế thừa và phát huy nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”

Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2015 gồm 8 Chương và 143 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 đã kế thừa và phát huy hơn nữa nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuốc về Nhân dân” mà Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định tại Khoản 2, Điều 2: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Những quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương- năm 2015 có những nội dung mới cơ bản sau:
Thứ nhất, Luật đã quy định rạch ròi chính quyền địa phương gồm có chính quyền địa phương nông thôn và chính quyền địa phương đô thị. Tại Khoản 2 và 3 của Điều 4 quy định: “Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.  Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn”.  Đây là nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này nhằm thực hiện đúng định hướng của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương theo Kết luận Hội nghị Trung ương 7 khóa XI.
   Suốt một thời kỳ dài, luật pháp của Nhà nước ta chưa phân định rõ ràng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, kể từ sau Sắc lệnh số 63/SL ngày 23/11/1945 về “Tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp ở nông thôn” và Sắc lệnh số 77/SL, ngày 21/12/1945 về “Tổ chức chính quyền nhân dân tại các thị xã và thành phố” của Chủ tịch Hồ Chí Minh…Sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị biểu hiện trên nhiều khía cạnh như: về vị trí, vai trò; về dân cư, tâm lý dân cư; về kinh tế- xã hội; về cơ sở hạ tầng; về địa giới hành chính; về quản lý; phong tục, tập quán truyền thống…Những điểm khác biệt này giữa đô thị và nông thôn là cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn để quy định sự khác biệt trong thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về lãnh thổ của chính quyền địa phương. Mặt khác, quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm thực hiện trong thực tế để phù hợp với tính đa dạng của các địa phương, phản ánh được các đặc điểm, điều kiện đặc thù của địa phương, phát huy tính chủ động, năng động, các tiềm năng của địa phương. Điều quan trọng là quy định mới này đã khẳng định ở Nhà nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
  Thứ hai, Luật Tổ chức C   hính quyền địa phương- năm 2015 đã quy định rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Luật Tổ chức HĐND và UBND-năm 2003 không quy định thành một điều luật cụ thế mà được quy định rải rác trong các điều luật. Đây chính là cơ sở pháp lý nhằm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân”. Tất cả 4 nguyên tắc tổ chức và hoạt động trên đều chứa đựng nội hàm quyền lực của nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Mà nguyên tắc là tư tưởng chỉ đạo trong mọi tổ chức và hoạt động của Đại biểu HĐND và tập thể HĐND phải nghiêm chỉnh tuân thủ.
         Thứ ba, về quy định vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND, Điều 6, Khoản 2: “ Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình”. Nếu so sánh với quy định trong Điều 36- Luật Tổ chức HĐND và UBND- năm 2003: “Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước” thì luật đã xác định rõ vai trò và quy định trách nhiệm của người đại biểu HĐND dù ở cấp chính quyền địa phương nào. Quy định của Luật 2015 đã cụ thể hóa trách nhiệm của người đại biểu dân cử một mặt chịu trách nhiệm trước cử tri đã bầu mình và mặt khác phải chịu trách nhiệm trước HĐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
 Thứ tư, về tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, Luật 2015: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;  Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.; Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.” Như vậy tiêu chuẩn của đại biểu HĐND được quy định thành một điều luật cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn tạo điều kiện cho cử tri thực hiện quyền giám sát, kiểm tra của mình đối với các vị đại biểu dân cử, qua đó để thực hiện quyền lực của nhân dân. Điều này ở Luật Tổ chức HĐND và UBND- năm 2003 không quy định tập trung tại một điều luật rõ ràng và cụ thể như vậy.
 Thứ năm, Luật mới đã sử dụng cụm từ “quyền miễn trừ” đối với đại biểu HĐND- cụm từ này Luật năm 2003 không sử dụng. Điều 100: Quyền miễn trừ của đại biểu HĐND “Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Hội đồng nhân dân, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Hội đồng nhân dân nếu không có sự đồng ý của Hội đồng nhân dân hoặc trong thời gian Hội đồng nhân dân không họp, không có sự đồng ý của Thường trực Hội đồng nhân dân; Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định”. Đại biểu HĐND dù ở cấp chính quyền địa phương nào cũng là người được nhân dân lựa chọn bầu vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, những đại biểu này đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương và những đại biểu này phải được sử dụng quyền miễn trừ như luật định.
 Thứ sáu, Luật quy định cụ thể về việc lấy ý kiến nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp trong việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Điều 131, Khoản 1: “Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính”. Với quy định trên, pháp luật đã tiếp tục củng cố và khẳng định quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở được quy định trong Hiến pháp và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Thứ bảy, về quy định thành viên Ủy ban nhân dân. Khoàn 2 Điều 8 quy định: “ Ủy ban nhân dân gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên, số lượng cụ thể Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp do Chính phủ quy định.” và Điều 20: “ Ủy ban nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Ủy ban nhân dân tỉnh loại I có không quá bốn Phó Chủ tịch; tỉnh loại II và loại III có không quá ba Phó Chủ tịch. Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh gồm các Ủy viên là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gồm có các sở và cơ quan tương đương sở”. Lấy phiếu tín nhiệm là quyền hạn của các cơ quan dân cử thể hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử đối với cử tri.
Điều 88. Lấy phiếu tín nhiệm: “Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;  Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân”.
      So với Điều 58, Khoản 2 Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 2003): “HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu” mà riêng đối với UBND cùng cấp thì HĐND bầu Chủ tịch, các phó Chủ tịch và Ủy viên UBND. Mà Ủy viên UBND theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 không phải là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Ủy viên phụ trách quân sự, Ủy viên phụ trách công an. Như vậy, quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 đã quy định quyền giám sát và bảo đảm bằng cơ chế thực thi quyền lực sau giám sát. Có cơ chế đó, HĐND sẽ thực hiện tốt hai chức năng của mình do luật định là quyết định và giám sát, nhằm thực hiện đầy đủ quyền lực của nhân dân. Các ủy viên UBND- Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND- là những người đứng đầu của các cơ quan hành chính nhà nước thẩm quyền riêng ở cấp tỉnh và huyện, là những cơ quan trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ quản lý trên các ngành và lĩnh vực trong đời sống kinh tế- xã hội của địa phương do vậy cần có sự giám sát chặt chẽ và cơ chế thực hiện sau giám sát đó là việc lấy phiếu tín nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Qua thực tiễn hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, nhân dân cả nước đã thấy được hiệu quả của việc Quốc hội đã 2 lần bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Các chức danh được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm có các vị Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là những người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước các ngành và lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và uy tín các vị Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sau mỗi lần được bỏ phiếu tín nhiệm được nâng cao.
 Hơn 70  năm qua, cùng với sự lớn mạnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương cũng không ngừng được củng cố và kiện toàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu cách mạng của mỗi thời kỳ, bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nhất quán nguyên tắc hiến định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Sự củng cố và kiện toàn đó đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Cả nước đang chuẩn bị cho việc bầu cử Quốc hội khóa XIV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, với những quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhân dân ta luôn đặt niềm tin và kỳ vọng vào nhiêm kỳ mới, đất nước sẽ có bộ máy tổ chức chính quyền địa phương ở các cấp thật sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Sung (Khoa Nhà nước và Pháp luật)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây