TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng và quá trình nhìn lại các Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam

ThS. Đinh Thị Thu Hoài
Phòng QLĐT&NCKH
 
Trong quá trình đấu tranh giai cấp dẫn đến sự ra đời những đảng phái hoặc các tổ chức chính trị đại diện cho các giai cấp. Mỗi chính đảng hoặc tổ chức chính trị để có chính danh, định hướng hoạt động cho các thành viên của mình và tập hợp, tổ chức quần chúng thường cần phải có cương lĩnh hoặc những văn bản có tính cương lĩnh (như tuyên ngôn, lời kêu gọi...), trong đó trình bày những quan điểm cơ bản về mục đích, đường lối, nhiệm vụ, cách thức hoạt động cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Cương lĩnh là văn bản kết tinh trí tuệ, phản ánh năng lực của một chính đảng, xuất hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau, với những mục đích chính trị cụ thể khác nhau, cương lĩnh chính trị sẽ có những giá trị cụ thể khác nhau. 
Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện đã đi qua chặng đường lịch sử 90 năm. Từ sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đến nay, Đảng đã tiến hành 12 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, hơn 150 cuộc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Mỗi đại hội, hội nghị đã đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử lãnh đạo vẻ vang của Đảng bởi những văn kiện, nghị quyết làm nên chủ trương, đường lối cách mạng Việt Nam. Mỗi văn kiện, nghị quyết mang một dấu ấn riêng, trong đó có những văn kiện, nghị quyết của Đảng mang tính cương lĩnh chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, nếu xét về tên gọi của mỗi văn kiện và khái niệm "Cương lĩnh chính trị" theo nghĩa là bản trình bày một cách khoa học nhất mục đích, tôn chỉ, phương hướng, nhiệm vụ của một chính đảng cách mạng, cũng như xác định đầy đủ lực lượng, phương thức, phương pháp tiến hành cách mạng để thực hiện mục tiêu trước mắt, và nhằm hướng tới mục đích cuối cùng của cách mạng, thì trong lịch sử 9 thập kỷ ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 05 Cương lĩnh chính trị quan trọng.
Thứ nhất, Cương lĩnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930)
Đây chính là bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được đề ra tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì, cùng với sự tham dự chính thức của hai đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929); hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (10-1929) và một số đồng chí Việt Nam hoạt động ngoài nước. Hội nghị họp bí mật ở Cửu Long (Hương Cảng), từ ngày 6-1 đến 7-2-1930 và đã thảo luận quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất trí thông qua 7 tài liệu, văn kiện, trong đó có 4 văn bản: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam hợp thành nội dung Cương lĩnh chính trị của Đảng. Tất cả các tài liệu, văn kiện nói trên đều do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo dựa trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối Đại hội VI (1928) của Quốc tế Cộng sản; nghiên cứu các Cương lĩnh chính trị của những tổ chức cộng sản trong nước, tình hình cách mạng thế giới và Đông Dương. 
Chánh cương xác định rõ đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Về nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chủ yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọ phong kiến”, “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”[1]. Đây là vấn đề căn cốt của cách mạng Việt nam lúc này. Cương lĩnh đã xác định: Chống đế quốc và chống phong kiến là nhiệm vụ cơ bản để giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày, trong đó chống đế quốc , giành độc lập cho dân tộc được đặt ở vị trí hàng đầu.
 Về lực lượng cách mạng: Chủ trương của Đảng là: “phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình”, “phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày,…hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông…để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập”[2].
Đây là cơ sở của tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc. 
Về phương pháp cách mạng: sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để đánh đổ đế quốc, phong kiến. Việc nêu lên phương pháp cách mạng bạo lực thể hiện sự thấm nhuần và tiếp thu tư tưởng cách mạng bạo lực và khởi nghĩa vũ trang của chủ nghĩa Mác - Lênin. Con đường phát triển chỉ có thể là cách mạng chứ không thể là cải lương, thỏa hiệp.
Về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, Cương lĩnh nêu rõ:  “...trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[3]. Đồng thời, Cương lĩnh cũng xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Cách mạng Việt Nam gắn liền với cách mạng thế giới, đề cao vấn đề đoàn kết quốc tế là sự kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc và lợi ích toàn nhân loại tiến bộ đang đấu tranh để giải phóng khỏi ách áp bức, bất công trên thế giới.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”[4].
Toàn bộ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ hai, Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930)
Sau thời gian học tập ở Liên Xô, đồng chí Trần Phú được Quốc tế Cộng sản cử về nước hoạt động và được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, sau đó ít lâu vào Ban Thường vụ Trung ương, đồng chí đã chủ trì dự thảo Luận cương chánh trị của Đảng.
Dự thảo Luận cương được Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hồng Kông tháng 10- 1930 thông qua và đây được xem là bản Cương lĩnh thứ hai của Đảng.
Luận cương chính trị của Đảng gồm ba phần:
1.Tình hình thế giới và cách mạng Đông Dương.
2. Những đặc điểm về tình hình ở Đông Dương.
3. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương.
Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới và Đông Dương, Luận cương chính trị nêu rõ tính chất của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền.
Về tính chất cách mạng Đông Dương, Luận cương xác định thời kỳ đầu cách mạng Đông Dương “là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền”, “có tánh chất thổ địa và phản đế”[5].
Về nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền, Luận cương xác định phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến. “Hai mặt tranh đấu có liên lạc mật thiết với nhau, vì có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mới phá được cái giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa được thắng lợi; mà có phá tan chế độ phong kiến thì mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa”[6].
Về lực lượng cách mạng: “Trong cuộc cách mạng tư sản dân quyền, vô sản giai cấp và nông dân là hai động lực chánh, nhưng vô sản có cầm quyền lãnh đạo thì cách mạng mới thắng lợi được”[7].
Về phương pháp đấu tranh và hình thức đấu tranh, Luận cương cho rằng:  phải sử dụng bạo lực cách mạng để đánh đổ ách áp bức của thực dân, phong kiến, song: võ trang bạo động là một hoạt động cực kỳ hệ trọng trong quá trình cách mạng, “không phải là việc thường”, Đảng không thể coi thường, khinh suất. Trong hoạt động chỉ đạo thực tiễn, Đảng phải nhạy bén, tinh tường trong đánh giá, phân tích chính xác, kịp thời diễn biến tình hình cách mạng.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Luận cương chỉ rõ: Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật tập trung mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt được mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản.
Luận cương chính trị tháng 10 năm 1930 của Đảng mặc dù còn có một số hạn chế nhất định nhưng nội dung của Luận cương đã đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam, vạch ra con đường đi lên của cách mạng nước ta. 
Thứ ba, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2 năm 1951)
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp từ ngày l1đến ngày 19-2-195l tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội đã quyết định thành lập ở Việt Nam, Lào và Campuchia mỗi nước một đảng Mác – Lênin riêng biệt thích hợp với đặc điểm phát triển của từng dân tộc. Đại hội quyết định ở Việt Nam thành lập Đảng Lao động Việt Nam và đưa Đảng ra hoạt động công khai, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và Campuchia. Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị của Hồ Chí Minh, báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội của Trường Chinh và bản Tuyên ngôn, Chính cươngĐiều lệ của Đảng Lao động Việt Nam.
Bản Chính cương Đảng Lao động Việt Nam gồm có ba chương: Chương I: Thế giới và Việt Nam; Chương II: Xã hội Việt Nam và cách mạng Việt Nam; Chương III: Chính sách của Đảng Lao động Việt Nam.
Chương 1, cương lĩnh đề cập đến 04 vấn đề đang diễn ra trên thế giới và có sự ảnh hưởng đến Việt Nam lúc này, đó là: Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chế độ phát xít sụp đổ, cuộc tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thêm trầm trọng, Liên Xô ngày càng cường thịnh, phong trào dân chủ lên cao. Thế giới chia làm hai phe: phe dân chủ chống đế quốc do Liên Xô lãnh đạo, phe đế quốc phản dân chủ do Mỹ cầm đầu; trong chiến tranh và sau chiến tranh thứ hai, nhờ chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa phát xít, cách mạng dân chủ nhân dân lan rộng và đã thành công ở nhiều nước Trung Đông Âu và Viễn Đông. Chế độ dân chủ nhân dân thành lập, tách những nước đó ra khỏi hệ thống đế quốc chủ nghĩa; Một đặc điểm của thế giới sau chiến tranh thứ hai là phong trào giải phóng thuộc địa và nửa thuộc địa sôi nổi làm lay chuyển hệ thống đế quốc chủ nghĩa đến tận nền tảng; Việt Nam là một tiền đồn của phe dân chủ ở Đông Nam á.
Chương 2 gồm có 2 phần: xã hội Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Đối với xã hội Việt Nam hiện nay, cương lĩnh chỉ ra ba tính chất cơ bản: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến. Ba tính chất đó đang đấu tranh lẫn nhau. Nhưng mâu thuẫn chủ yếu lúc này là mâu thuẫn giữa tính chất dân chủ nhân dân và tính chất thuộc địa. Mâu thuẫn đó đang được giải quyết trong quá trình kháng chiến của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và bọn can thiệp. Đối với cách mạng Việt Nam, trên cơ sở phân tích về mâu thuẫn, nhiệm vụ của cách mạng, Cương lĩnh khái quát về ba giai đoạn về con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đó là: giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ chủ yếu là hoàn thành giải phóng dân tộc; giai đoạn thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu là xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, thực hiện triệt để người cày có ruộng, phát triển kỹ nghệ, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân; giai đoạn thứ ba, nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, tiến lên thực hiện chủ nghĩa xã hội.
Ba giai đoạn ấy không tách rời nhau, mà mật thiết liên hệ xen kẽ với nhau. Nhưng mỗi giai đoạn có một nhiệm vụ trung tâm, phải nắm vững nhiệm vụ trung tâm đó để tập trung lực lượng vào đó mà thực hiện.
Chương III của Cương lĩnh đã nêu 15 chính sách của Đảng Lao động Việt Nam và yêu cầu: tất cả mọi đảng viên phải hiểu rõ chính sách đó, đồng thời làm cho quần chúng nhân dân và các đoàn thể trong mặt trận dân tộc thống nhất nhận định chính sách đó là chính sách chung.
Có thể thấy rằng Chính cương Đảng Lao động Việt Nam là một bản cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ nhằm tiến triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa có giá trị lý luận và tính thực tiễn chính trị sâu sắc. Đây chính là nền tảng giúp chúng ta hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.
Thứ tư, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (tháng 6 năm 1991)
Thực hiện quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ngay từ tháng 2-1987, Trung ương Đảng đã chỉ đạo việc soạn thảo cương lĩnh và chiến lược kinh tế- xã hội. Tháng 6-1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tại Đại hội này Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được thông qua. Đây là văn kiện quan trọng nhất xuyên suốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong một thời kỳ lịch sử tương đối lâu dài.
Nội dung Cương lĩnh gồm có hai phần lớn: phần I - Quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm; phần II- Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong phần I, Cương lĩnh đã khái quát lại quá trình Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ và giành được những thắng lợi vĩ đại từ năm 1930 -1975. Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975, nhân dân ta tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đã đạt những thành tựu to lớn. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã phạm một số sai lầm. Từ thực tiễn cách mạng với những thành công và khuyết điểm, sai lầm, Cương lĩnh đã rút ra 5 bài học lớn: Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết; bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Phần II, Cương lĩnh đã trình bày về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên cơ sở khái quát về những thuận lợi và khó khăn từ hoàn cảnh quốc tế cũng như hoàn cảnh trong nước ảnh hưởng đến thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Cương lĩnh đã nêu lên 6 đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Do nhân dân lao động làm chủ; Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”[8]. Trên cơ sở những đặc trưng đó, Cương lĩnh cũng đã đề ra 07 phương hướng chủ yếu và mục tiêu tổng quát để thực hiện trong phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Thứ năm, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)
Cương lĩnh 2011 trình bày những vấn đề căn cốt nhất, những nguyên tắc và định hướng căn bản nhất trong đường lối xây dựng, bảo vệ đất nước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội với tầm nhìn đến giữa thế kỷ XXI.
Nội dung bản Cương lĩnh gồm có 04 phần lớn: I – Quá trình cách mạng và những bài học kinh nghiệm; II – Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; III – Những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; IV – Hệ thống chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình trong thời kỳ hiện nay, Cương lĩnh đã bổ sung hai đặc trưng so với Cương lĩnh 1991: Đặc trưng về mục tiêu tổng quát: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đặc trưng về Nhà nước: Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bên cạnh đó Cương lĩnh còn điều chỉnh, bổ sung một số điểm của các đặc trưng về: Kinh tế, dân tộc, con người, quan hệ đối ngoại…
Về mục tiêu: Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cơ bản giữ mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã được xác định trong Cương lĩnh 1991 và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI: Toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Từ thực tiễn hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kế thừa những bài học kinh nghiệm được tổng kết tại Đại hội VI và những bài học qua 10 năm, 15 năm, 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Cương lĩnh 2011 đã đúc kết 5 bài học kinh nghiệm lớn: Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội  ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau; hai là, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; ba là, không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết oàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế; bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; năm là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những bài học lớn nêu trên có giá trị lý luận, thực tiễn to lớn. Trong gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Đảng ta chú trọng kế thừa, phát triển những bài học quí báu này trong hoạch định, hoàn thiện đường lối đổi mới và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
  Như vậy, qua nội dung của các Cương lĩnh đã trình bày ở trên cho thấy những điểm chung trong các Cương lĩnh đó của Đảng là: Các Cương lĩnh đó đều được xây dựng dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới; tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; trong hệ thống chính trị Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng, nhân dân là động lực cách mạng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; mục tiêu cuối cùng là xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội , dân chủ, công bằng, văn minh.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII, chúng ta tin tưởng rằng những nội dung trong các Cương lĩnh của Đảng chính là nên tảng để Đảng tiếp tục đề ra chủ trương, đường lối trong văn kiện Đại hội tiép theo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam, giữ vững vai trò tiên phong của một Đảng cách mạng chân chính./
  

[1] , 2  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1998, t.2, tr.2, 4.
[3],4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1998, t.2, tr.4, 5.
Sđd, tr. 93.
[5], 6, 7  Sđd, tr. 93, 94.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2007, t.51, Tr.134.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây