TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Hiệu quả vận động các tôn giáo tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở tỉnh Quảng Trị

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Vân
 
Hiện nay, Quảng Trị có 03 tôn giáo đó là Phật giáo, Công giáo và Tin Lành với 82.658 tín đồ chiếm hơn 16% dân số toàn tỉnh; có 274 chức sắc và nhà tu hành, 232 cơ sở thờ tự; đồng bào có đạo sống xen kẽ rộng khắp các địa bàn khu dân cư. Trong ngôi nhà chung – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tôn giáo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động,thời gian qua hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, các tín đồ tôn giáo sinh hoạt thuần túy, tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nổi bật là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo Thông tri số 10/TTr-MTTW-BTT ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vai trò của các tôn giáo thể hiện rõ trong việc đã và đang chung tay cùng các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã khơi dậy sự đồng lòng chung sức tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ở khu dân cư, trong đồng bào có đạo. Trong phong trào phát triển kinh tế có nhiều điển hình tiêu biểu, nhiều kinh nghiệm hay để giảm nghèo bền vững ở mỗi khu dân cư như “Tổ phụ nữ tôn giáo” ở thị xã Quảng Trị có 02 mô hình, huyện Hải Lăng có 07 mô hình phụ nữ theo các tôn giáo giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong thực hiện Phong trào “Quảng Trị chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, Chương trình “Nối vòng tay nhân ái - tết cho người nghèo” và từ năm 2016 đến nay Ban từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị đã vận động được 42,72 tỷ đồng, với nguồn kinh phí này đã hỗ trợ xây dựng 06 nhà đại đoàn kết tại thị xã Quảng Trị, xã Hải Sơn, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng; xây dựng phòng học, nhà bếp, mái che, tường rào, sân chơi, nhà vệ sinh; dạy nghề miễn phí với 03 khóa chăn nuôi và chữa bệnh cho gia súc gia cầm tại Thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong, 17 khóa hướng dẫn kỹ thuật chế biến món ăn và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng cho phụ huynh học sinh người dân tộc thiểu số các trường mầm non. Hội thánh Tin lành Quảng Trị đã hỗ trợ xây dựng 40 nhà Đại đoàn kết, trị giá 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ vốn chăn nuôi cho 10 hộ, trị giá 200 triệu đồng.
Các tôn giáo trên địa bàn cùng chung tay tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn hóa, phát huy truyền thống tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa ở khu dân cư, xây dựng các mô hình như: “Niệm phật đường an lành, trật tự, văn minh” ở thôn Tân Lợi, Hà Lộc – thị trấn Cửa Việt, “Xứ đạo bình yên”, Mái ấm tình thương”, Ánh sáng đường quê”, Giếng nước tình thương”, Nồi cháo tình thương”, Khuyến học”, Nước sách cho người dân” ở giáo xứ Ngô Xá, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, mô hình Làng Vân Kiều không thuốc lá, rượu bia” của các tín đồ Tin lành ở thôn Vùng Kho, huyện Đakrông... Các tôn giáo tích cực tham gia chăm sóc sức khoẻ cộng đồng như : “Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật” ở Tịnh xá Ngọc Lộ, huyện Cam Lộ. Các tổ chức tôn giáo đã làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ gia đình bị thiên tai, người bị nhiễm độc da cam đioxin, người già yếu không nơi nương tựa, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, Ban từ thiện xã hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị tổ chức các hoạt động trợ cấp cứu tế thường xuyên cho 374 đối tượng neo đơn khó khăn,tàn tật; trợ cấp đột xuất nạn nhân bị thiên tai lũ lụt; khám bệnh,cấp thuốc miễn phí cho 800 bệnh nhân 02 xã (xã Đakrông, xã Tà Long) tại huyện Đakrông; hỗ trợ học bổng cho 128 sinh viên và 200 học sinh mồ côi, nghèo nhưng hiếu học, học giỏi; hỗ trợ thực phẩm và sữa bột cho các trường mầm non: Linh Thượng, Vĩnh Trường, huyện Gio Linh và Krông Klang (Hoa Lan), huyện Đakrông; hỗ trợ cơm, cháo cho bệnh nhân tại các bệnh viện huyện Gio Linh, Đakrông, Triệu Phong, Hải lăng, Cam Lộ, Thành phố Đông Hà và Thị xã Quảng Trị. Hội thánh Tin lành Quảng Trị đã khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 2.500 người, tặng 750 kính lão cho người già với trị giá 300 triệu; xây dựng 30 tủ thuốc cho các thôn, bản và huấn luyện 60 nhân viên y tế với trị giá 300 triệu đồng; tặng 154 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật với số tiền 821 triệu đồng, trao tặng 100 xe đạp cho học sinh nghèo với số tiền 150 triệu đồng. Tổ chức Công giáo đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn… Tiêu biểu như Mái ấm Lâm Bích ở Phường 5, TP Đông Hà đang nuôi dưỡng 38 cháu mồ côi, hỗ trợ hàng tuần 600 suất bánh mì cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh giá Trí Bưu, thị xã Quảng Trị tổ chức các lớp học mầm non cho 205 cháu trên địa bàn. 
Thực hiện phong trào đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp là một trong những nội dung được các tôn giáo thực hiện có hiệu quả cao trong thời gian qua. Xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các tôn giáo” tại Giáo xứ Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Giáo xứ Tân Lương, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng và một số chùa trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn đoàn kết xây dựng, bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp; các Chùa, Niệm phật đường, Tịnh xá, Nhà thờ... đã được cải tạo, trùng tu hoặc xây mới đảm bảo khang trang, sạch đẹp để bà con có đạo thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, học tập, tu dưỡng, lễ bái. Các tổ chức tôn giáo thực hiện công tác bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể, nhiều chức sắc, chức việc trong các buổi lễ tôn giáo đã nhắc nhở, vận động tín đồ thực hiện nếp sống văn minh, không đốt tiền và giấy áo vàng mã, hạn chế sử dụng túi ni lon, chai nhựa. Các tổ chức tôn giáo đã cùng Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường”, tổ chức tổng vệ sinh trên các tuyến đường như ở Nhà thờ Thạch hãn, Niệm Phật đường Thạch Hãn, “Đường hoa yêu thương” ở các chùa và niệm phật đường ở huyện Cam Lộ; mô hình “Đường hoa xóm đạo” ở Niệm Phật đường Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Dự án nước sạch, công trình vệ sinh của Hội thánh Tin Lành Quảng Trị đã làm 20 giếng khoan nước , 10 giếng nước đào, 30 bể chứa, 01 bể lọc, 30 bộ lọc nước, 15 nhà vệ sinh với số tiền 1,75 tỷ đồng.
Các tổ chức tôn giáo xây dựng các nội dung tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự đến với các tín đồ tôn giáo, coi trọng việc giúp đỡ những người lầm lỗi trở về hòa nhập tại cộng đồng, đưa giáo lý các tôn giáo vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng thiết thực tại các ngày lễ tôn giáo, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân. Nhiều vị chức sắc trong tôn giáo đã là cầu nối quan trọng để tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa bàn khu dân cư. Tiêu biểu như: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Cam Lộ đã thực hiện phương châm 03 an toàn đó là “An toàn về người, an toàn về tài sản và an toàn về công tác Phật sự”, đồng thời tích cực vận động gia đình phật tử ký cam kết với chính quyền trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản nơi thờ tự, đề phòng các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, thực hiện mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Phật giáo Đông Hà tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng đô thị văn minh”. Vận động tăng ni, phật tử hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động nhân đạo từ thiện; xây dựng “Gia đình phật tử gương mẫu” gắn với “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Niệm phật đường xã Linh Hải và Niệm phật đường thôn Tiến Hòa, xã Gio Hòa, huyện Gio Linh với mô hình “Niệm Phật đường an lành, trật tự, kỷ cương”; mô hình “Niệm Phật đường đoàn kết, văn minh và ổn định về an ninh, trật tự” tại thôn Thủy Khê, xã Gio Mỹ ; “Niệm Phật đường văn minh, đoàn kết, an lành” tại Niệm phật đường Mai Hà, xã Gio Việt. Hội đồng Giáo xứ và giáo dân trong giáo xứ Phước Tuyền - xã Cam Thành, huyện Cam Lộ ra mắt mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” đã động viên giáo dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; “xây dựng gia đình văn hóa”; “Gia đình công giáo mẫu mực”. Tuyên truyền vận động mỗi gia đình giáo dân thực hiện tốt việc giáo dục con cháu trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội và phương châm sống “Kính Chúa, yêu Nước”, “sống tốt đời đẹp đạo”, hưởng ứng và thực hiện tốt mô hình “Họ tộc không có người vi phạm pháp luật”; mô hình “Lương giáo đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong; mô hình “Giáo xứ đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc và chung sức xây dựng nông thôn mới” ở Giáo xứ Phan Xá, xã Triệu Đại và giáo xứ Đại Lộc, xã Triệu Thuận; mô hình “Giáo xứ bình yên”  ở giáo xứ Tân Lương, xã Hải Chánh; Mô hình “3 giảm, 4 giữ” của đồng bào theo đạo Tin lành ở thôn Cu Pua (nay là thôn Vùng kho), xã Đakrông (3 giảm: giảm tai nạn giao thông, giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, 4 giữ: giữ người, giữ tài sản, giữ bình yên thôn xóm; giữ tình thương).
Các chức sắc, chức việc, người uy tín trong các tôn giáo phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân chấp hành các quy định của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19, nâng cao ý thức phòng ngừa, bảo vệ an toàn các nơi thờ tự của đồng bào các tôn giáo, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan ra cộng đồng. Tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15/CT-TTg  ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng tín đồ thời gian qua. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia làm Đại biểu HĐND, ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị xã hội thông qua đó đóng góp ý kiến của mình vào các chủ trương, chính sách của địa phương tạo nên sự đồng thuận trong việc ban hành các cơ chế chính sách của tỉnh, cấp huyện, xã, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh.
Để phát huy hơn nữa sự tham gia của các tôn giáo trong thực hiện Cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong thời gian tới, cần tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai việc thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về công tác tôn giáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân có đạo nắm và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật. Phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc động viên chức sắc và đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Cần xác định công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, qua đó giúp đồng bào các tôn giáo phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời chủ động đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo vì mục đích mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, lợi dụng và kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Quảng Trị chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, qua đó thực hiện có hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo tích cực tham gia ủng hộ Qũy “Vì người nghèo”, huy động được nhiều nguồn lực giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm, tăng thu nhập để các khu dân cư không còn hộ nghèo, không còn nhà ở tạm bợ; cùng tham gia chỉnh trang các khu dân cư.
Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa UBMTTQVN, các tổ chức chính trị xã hội, Công an các cấp và các tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, các chức sắc, chức việc và các tín đồ tôn giáo; phòng ngừa, giải quyết kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và đồng bào có đạo. Tiếp tục phối hợp xây dựng và nhân rộng các mô hình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nhân rộng các mô hình, điển hình như Tôn giáo tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường trong cộng đồng tôn giáo.
Thứ tư, các tôn giáo cần lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội, hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời, cần tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ năm, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật nhằm tạo nên tiếng nói chung, phản ánh tâm tư nguyện vọng của các đồng bào có đạo nhằm tạo sự đồng thuận cùng chung tay trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua thể hiện sự đoàn kết chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó khẳng định hơn nữa sự tham gia của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã mang đến những hiệu quả thiết thực những mô hình hay, nhiều hoạt động ý nghĩa, điều đó góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây