TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Góp phần tìm hiểu bài học “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” sợi chỉ đỏ xuyên suốt cách mạng Việt Nam

Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 cũng như trong nhiều văn kiện của Đảng ta sau này vấn đề độc lập dân tộc gắn với CNXH luôn được khẳng định một cách mạnh mẽ, liên tục và dứt khoát. Độc lập dân tộc gắn với CNXH là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp cách mạng từ khi có Đảng lãnh đạo; là ngọn cờ bách chiến, bách thắng của dân tộc Việt Nam.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học được Đại hội IV Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta và được Đại hội V, VI, VII, VIII, IX, X và XI tiếp tục khẳng định.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 nêu rõ: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt quá trình cách mạng của nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”.

Đại hội IX của Đảng ta tháng 4-2001, tổng kết những bài học chủ yếu của 15 năm đổi mới, đã chỉ rõ bài học thứ nhất là: “Trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chúng ta có quyền khẳng định rằng bài học ĐLDT gắn liền với CNXH là sự phản ánh sinh động xu thế cách mạng của thời đại cũng như của nước ta, không chỉ là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước đây mà còn chỉ ra những yếu tố đảm bảo tính đúng đắn của đường lối và sự thắng lợi của cách mạng trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Nhìn ra bên ngoài và nhìn lại lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, chúng ta càng thấy rằng sự lựa chọn của Đảng, nhân dân ta là hoàn toàn đúng đắn, chính xác. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nắm vững ngọn cờ ĐLDT và CNXH.

Vấn đề dân tộc bao giờ cũng mang tính giai cấp. Mỗi giai cấp đều có quan điểm riêng về vấn đề dân tộc. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, phong trào yêu nước đã dấy lên mạnh mẽ, liên tiếp nổ ra các cuộc khởi nghĩa trên mọi miền đất nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các bậc sỹ phu trong đó có một bộ phận quan lại phong kiến. Trong bối cảnh đó chưa bao giờ như lúc ấy độc lập dân tộc càng trở nên yêu cầu cơ bản, khách quan của xã hội Việt Nam. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc khi đó đang ở trong “tình hình đen tối như không có đường ra”. Bằng con đường nào và giai cấp nào có khả năng gánh vác sứ mệnh trọng đại đó?

Lịch sử đã có lời giải đáp, đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa cách mạng nhất, chân chính nhất và khoa học nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức điều đó. Người khẳng định: chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới. “Hơn ai hết chính Nguyễn Ái Quốc là người gieo hạt, gây mầm cách mạng Việt Nam. Người đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa xã hội. Ở Người, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, bản lĩnh và tố chất đặc biệt Việt Nam đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin, nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng một cuộc gặp gỡ đẹp như cùng hẹn trước, đã chung đúc nên tư tưởng Hồ Chí Minh” ( Vũ Hiền: Độc lập dân tộc gắn lền với CNXH).

Năm 1930, vừa mới ra đời, Đảng ta tuyên bố: “chủ trương tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, lời tuyên bố đó cũng đồng nghĩa với sự bác bỏ thẳng thừng chế độ tư bản chủ nghĩa và nhìn rộng hơn cũng là bác bỏ bất cứ một thứ chủ nghĩa nào khác, bất cứ một con đường nào khác. Rất tự nhiên là sau lời tuyên bố của Đảng ta, CNXH không chỉ là mục tiêu lựa chọn mà đã thúc đẩy lịch sử Việt Nam chuyển mình, là con đường mà dân tộc và nhân dân Việt Nam đi dọc thế kỷ XX và tiếp tục đi cho đến đích cuối cùng.

Năm 1954, hoà bình được lập lại, một trong những đặc điểm lớn nhất lúc bấy giờ của Tổ quốc là đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền, với hai chế độ chính trị đối lập. Trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, với lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết một cách hài hoà mối quan hệ giữa cách mạng hai miền: tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc; giải phóng miền Nam thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước vào năm 1975.

Từ việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng, Đảng ta đã giải quyết sáng tạo một loạt vấn đề lớn của đất nước, của thế giới như đẩy mạnh cách mạng và bảo vệ hoà bình khu vực, thế giới đồng thời bảo vệ hoà bình tương đối ở ngay miền Bắc, bác bỏ những quan điểm hữu khuynh và phiêu lưu mà trong nội hàm của những quan điểm đó xuất hiện tư tưởng ngăn cản sự phát triển cũng như thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng và điều kiện giải quyết các vấn đề trên bởi vì Đảng ta đã từng hoạt động trong những hoàn cảnh đặc biệt, là “một Đảng thống nhất lãnh đạo một đất nước tạm thời bị chia cắt làm đôi, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, đó là đặc điểm lớn nhất và cũng nét độc đáo của cách mạng nước ta” (ĐCSVN: Báo cáo chính trị của BCHTW tại ĐHIV). 

Tiếp tục nắm vững ngọn cờ ĐLDT và CNXH là bài học quan trọng nhất của Đảng trong điều kiện mới. Đảng ta quán triệt bài học đó trong giai đoạn lịch sử mới “rõ ràng sự lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn chặt với chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, xét về lôgíc là một tất yếu khách quan; xét về mặt lịch sử là hoàn toàn phù hợp với sự vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; xét về nhu cầu, là hoàn toàn xuất phát từ điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa nữa phong kiến và nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam; xét về mặt xã hội, đó là một hệ giá trị cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước Việt Nam không những hôm nay mà mãi mãi về sau” ( Vũ Hiền: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH). 

Những năm gần đây, tình hình quốc tế chuyển biến rất phức tạp. Trước sau như một, Đảng và nhân dân ta kiên trì con đường XHCN và nắm vững định hướng XHCN trong sự nghiệp đổi mới. Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam nêu quyết tâm: “Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Bởi vì “ĐLDT là điều kện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho ĐLDT”.

Trong công cuộc đổi mới và xây dựng CNXH hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng ĐLDT và CNXH mang một nội dung mới, đó là ĐLDT thực sự phải là độc lập về chính trị, kinh tế, văn hoá, đối ngoại. ĐLDT thực sự đòi hỏi phải xoá bỏ tình trạng áp bức, bóc lột và nô dịch của dân tộc này đối với dân tộc khác về kinh tế, chính trị và tinh thần. Độc lập phải gắn liền với tự do và bình đẳng.

Bản chất của CNXH là thực hiện triệt để giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. CNXH sẽ xoá bỏ căn nguyên kinh tế sâu xa của tình trạng người bóc lột người do chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất sinh ra. Phát triển một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN, kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Xoá bỏ triệt để cơ chế tập trung quan liêu bao cấp hình thành cơ chế thị trường định hướng XHCN. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế. Không ngừng nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ chính quyền và các thành quả cách mạng. Xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Thực hiện chính sách đối ngoại nhằm tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

CNXH thực hiện ĐLDT để mở đường đưa dân tộc tới sự phát triển phồn vinh về kinh tế, phát triển phong phú đa dạng về văn hoá, tinh thần, thực hiện đầy đủ nhất quyền lực của nhân dân. Chỉ với CNXH thì ĐLDT mới đạt tới chân giá trị của nó là hướng tới phục vụ lợi ích và quyền lực của người lao động. Chính điều đó làm cho nền tảng của độc lập tự chủ càng thêm vững chắc, khả năng bảo vệ nền ĐLDT càng đầy đủ và vững mạnh. “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành hệ giá trị phát triển của Việt Nam, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong thời đại ngày nay. Đó cũng chính là cái lôgíc phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam, hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nên cốt cách Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam và vị thế Việt Nam trước thế giới” ( Vũ Hiền: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH).

Nhận thức và hành động theo sự lựa chọn của hệ giá trị đó, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hổ Chí Minh đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam làm thành công cách mạng tháng Tám năm 1945, một điển hình trong các dân tộc thuộc địa. Tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến hoàn toàn không cân sức với hai tên đế quốc to và giàu có trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, mở ra một thời kỳ phi thực dân sau Việt Nam cho cả hệ thống thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới. Nữa thế kỷ giành và giữ ĐLDT, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt sau 26 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng tiêu biểu cho bản lĩnh Việt Nam trong việc giữ vững định hướng XHCN đã tỏ rõ tính độc lập tự chủ trong đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại đưa Dân tộc bước lên một vị thế mới trong khu vực và trên thế giới.

Đường lối kết hợp và gương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH là bài học lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam xuyên suốt từ ngày thành lập Đảng đến nay, mãi mãi về sau này. Với đường lối đó, Đảng ta góp phần bảo vệ tính trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chống lại chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân tộc. Nhờ động lực hùng hậu do đường lối này đưa lại, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi trọn vẹn trong cách mạng dân tộc, dân chủ.

Ngày nay, tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là tình hình biển Đông đang diễn biến phức tạp việc nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với những nội dung mới, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra lực lượng lớn mạnh bảo đảm cho Đảng làm tròn nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới.

ĐLDT và CNXH là sự gắn kết hai sức mạnh thành một sức bật mới, là cội nguồn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ tiến trình cách mạng của dân tộc từ ngày Đảng ra đời đến nay và cho cả tương lai. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011) của Đảng trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” tiếp tục khẳng định: “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau” ( ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.65). 
Gương cao ngọn cờ ĐLDT và CNXH, bước vào thế kỷ XXI, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta tiếp tục giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến kịp và sánh vai cùng các nước giàu có trong khu vực và trên thế giới.
 

Th.s Hoàng Đức Dĩnh
Khoa Xây dựng Đảng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây