TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Ghi nhận từ mô hình làm nước mắm ở thị trấn Cửa Việt

Nguyễn Thị Chính
Khoa: Nhà nước và pháp luật



Với vị trí là một vùng đất ở gần cửa sông, Cửa Việt rất thuận lợi trong việc xây dựng mô hình làm nước mắm. Giữa thị trường nước mắm phong phú và đa dạng từ nhiều vùng trong cả nước, nước mắm Cửa Việt được người tiêu dùng đánh giá là sản phẩm vừa ngon, vừa sạch.

Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu của thị trường, ngày nay người tiêu dùng không những chỉ cần những sản phẩm ngon mà còn cần những sản phẩm “sạch”, tức là sản phẩm không sử dụng hoá chất thì nước mắm Cửa Việt đã đạt được tiêu chuẩn này. Cũng như quy trình làm nước mắm ở các nơi khác, quy trình làm nước mắm ở Cửa Việt cũng trải qua các công đoạn: ướp muối cá, sau đó cho vào bể hoặc chum, vại khằng cho thật chặt, để như vậy khoảng 3,5 – 4 tháng mắm chín, sau đó đem lượt lấy nước mắm, còn phần bả thì tận dụng để chăn nuôi. Tuy nhiên, nguyên liệu cá để làm nước mắm ở Cửa Việt có một sự khác biệt hơn. Với lợi thế là vùng ven biển và phương tiện đánh bắt gần bờ, bởi vậy những loại cá để làm nước mắm chủ yếu là cá được đánh bắt từ biển về mà không qua một công đoạn bảo quản nào như ướp đá, đông lạnh nên khi đem đi làm mắm sẽ cho ra nước mắm ngon. Ngoài ra, người dân ở vùng đất này còn có kinh nghiệm truyền thống lâu đời trong việc làm nước mắm, chính vì vậy mà sản phẩm nước mắm ở Cửa Việt thường rất ngon. Để có được những sản phẩm nước mắm ngon không những cần tuân thủ các khâu trong quy trình làm mắm mà còn phải có “bàn tay thơm” nghĩa là người làm nước mắm ngoài kinh nghiệm đã có thì cần phải có sự kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nguyên liệu cũng như trong khâu sơ chế và bảo quản sản phẩm. Ở thị trấn Cửa Việt hiện nay có khoảng hơn 30 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước mắm, mỗi cơ sở hơn chục nhân công, còn lại đa số người dân họ sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, sau đó sẽ đem bán ở thị trường các huyện, thị trong tỉnh và một số vùng ở các tỉnh lân cận. Nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá nục và cá cơm. Với mô hình làm ăn này, hàng năm các hộ sản xuất nước mắm cũng có được một khoản thu nhập lớn. Khác với những loại nước mắm pha trộn hoá chất khác, nước mắm Cửa Việt là sản phẩm tinh khiết, chính vì vậy, khi chúng ta ăn sẽ cảm nhận được vị đạm của cá biển, vị thơm từ những giọt nước mắm sóng sánh. Ngoài sản phẩm nước mắm ngon, Cửa Việt còn nổi tiếng với những sản phẩm được làm từ mắm như: mắm ruốc, mắm dưa cà, mắm nguyên con… Đó là những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của mỗi gia đình. Trong những năm gần đây, những sản phẩm mắm của Cửa Việt không những chỉ được bán ở thị trường trong tỉnh mà đã được xuất khẩu sang nước bạn Lào, đây cũng là một thị trường tiềm năng đối với ngành thuỷ hải sản Cửa Việt. 

Mô hình làm nước mắm ở Cửa Việt đã có hiệu quả trong thực tế và ngày càng trở thành là một trong những mô hình sản xuất chủ yếu của người dân. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình này vẫn còn gặp một số khó khăn cần được từng bước tháo gỡ như sau:

Thứ nhất, nước mắm Cửa Việt là sản phẩm vừa ngon, vừa “sạch”, tuy nhiên hiện chủ yếu chỉ bán ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh mà chưa vươn ra được thị trường các tỉnh khác. Thương hiệu “Nước mắm Cửa Việt” còn xa lạ đối với nhiều người.

Thứ hai, mặc dù đây là nghề truyền thống nhưng mô hình làm nước mắm của người dân chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, chưa có sự hỗ trợ về kinh phí của nhà nước cũng như sự hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật của các sở, ban, ngành. Người dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm truyền tai nhau, quy trình sản xuất chưa được khép kín, thiếu công cụ hỗ trợ …Điều này đã làm cho một số người dân họ không mặn mà lắm với việc làm mắm bởi tâm lý lo ngại sợ bị hư hỏng.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng như đường sá, bến bãi cho các tàu thuyền neo đậu cũng như trong việc mua bán, vận chuyển nguồn nguyên liệu cá còn khó khăn. Chính điều đó đã hạn chế rất nhiều cho người mua cũng như người bán. 

Để việc làm nước mắm ở Cửa Việt đem lại hiệu quả cao và ngày càng trở thành một trong những thế mạnh trong ngành chế biến thuỷ hải sản ở địa phương, thiết nghĩ cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Một là, chính quyền địa phương cần phải có sự quan tâm sâu sát hơn nữa trong mô hình làm ăn này của người dân, phải xây dựng được thương hiệu cho nước mắm Cửa Việt bằng nhiều biện pháp như giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại các hội chợ…để quảng bá sản phẩm với du khách gần xa.

Hai là, Nhà nước nên đầu tư kinh phí bằng cách cho nhân dân trong vùng tiếp cận được với các nguồn vốn vay . Các sở, ban, ngành cần tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để bà con có thêm kiến thức trong việc làm nước mắm ngày càng có thêm nhiều sản phẩm ngon hơn. Ngoài sản phẩm nước mắm, có thể phát triển thêm những sản phẩm được chế biến từ hải sản nhằm đa dạng hoá ngành nghề chế biến góp phần hình thành nghề truyền thống nhằm khai thác lợi thế của địa phương.

Ba là, chính quyền địa phương phối hợp với nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện để phục vụ cho việc vận chuyển, mua bán được thuận lợi hơn như: xây dựng chợ cá, xây dựng đường sá, bến, bãi để thuyền vào cập bến đặc biệt là các thuyền lớn.

Trong những năm qua, mô hình làm nước mắm ở Cửa Việt không những góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động và đóng góp một phần lớn vào ngân sách của địa phương mà còn góp phần vào công cuộc giữ gìn và phát huy các ngành, nghề truyền thống. Mặc dù, nước mắm Cửa Việt đang còn ở dạng tiềm năng nhưng cũng đã khẳng định được uy tín và chất lượng đối với người tiêu dùng. Tiềm năng đó sẽ được trỗi dậy mạnh mẽ khi có sự quan tâm sâu sát từ các ngành, các cấp bởi vùng đất này vốn dĩ đã có tiềm lực và đã có truyền thống làm nước mắm lâu đời. Được như thế chắc chắn rằng trong một tương lai không xa, nước mắm Cửa Việt sẽ có được một thương hiệu không thua kém gì các loại nước mắm nổi tiếng hiện nay trên thị trường như Phan Thiết, Phú Quốc…/.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây