TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Ghi nhận từ chuyến thăm trường đảng ở Trung Quốc

ThS. Nguyễn Hữu Thánh
     Bí thư Đảng uỷ-Hiệu Trưởng
 
Đoàn rời Hà Nội vào một sáng cuối thu đến Quảng Đông trong chuyến khảo sát 10 ngày tại Trung Quốc. Chương trình, kế hoạch của đoàn đã được hai bên Việt Nam và Trung Quốc bàn bạc, chuẩn bị chu đáo nên suốt hành trình đều diễn ra suôn sẻ.

Ngày đầu tiên khi đặt chân đến Quảng Đông, đoàn được tham quan và nghe báo cáo về sự phát triển của một số khu công nghiệp, khu công nghệ cao như khu công nghệ cao Liên Tường; thăm Bảo tàng Thâm Quyến; thăm Công ty Đại Tộc Hans Lase; Công ty Hoa Cường chuyên sản xuất các sản phẩm về văn hóa ... Qua  các công ty, chúng tôi nhận thấy sự phát triển khá nhanh đối với một số ngành và lĩnh vực nhất là các ngành có công nghệ cao ở Thâm Quyến. Đặc biệt, việc phát triển đô thị và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở đây luôn được gắn với xử lý vấn đề môi trường rất chặt chẽ. Việc chuyển đổi các ngành sản xuất chuyển dịch theo hướng chú trọng gia công, chế tạo, xuất khẩu và đặc biệt là công nghệ cao như Công ty WECO (làm sạch máu, vệ sinh môi trường; sản phẩm về tim mạch…) ở thành phố Uy Hải. Điều khá ấn tượng đó là đã hầu hết các khu vực trên họ luôn đề cao chủ thuyết mang tính nguyên tắc đó là “Phát triển, sáng tạo” thành mệnh lệnh thực hiện, kết hợp với khẩu hiệu "Hiệu quả là sinh mệnh".

Tại Thâm quyến, Đoàn được nghe các giáo sư kinh tế Trung Quốc trao đổi một số vấn đề về kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc. Đoàn đã có một số ý kiến trao đổi xung quanh việc phát triển kinh tế gắn với tiêu thụ sản phẩm; cách phản ứng của Nhà nước trước hiện tượng “bong bóng tín dụng ngầm” đang làm giảm động lực phát triển kinh tế; phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững...

Chương trình trọng tâm của chuyến khảo sát là trao đổi kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tổ chức bộ máy, nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy tại trường đảng. Các chuyên đề được đưa ra trao đổi bao gồm: 1) Xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc ở Trung Quốc hiện nay (lý luận và thực tiễn); 2) Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy (Ban Giám hiệu, khoa, phòng…) và mối quan hệ giữa trường Đảng với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy, các huyện ủy…3) Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và phương pháp giảng dạy của Trường Đảng Tỉnh ủy Sơn Đông; 4) Xây dựng đội ngũ giáo viên, giáo viên kiêm chức và quản lý học viên ở Trường Đảng tỉnh Sơn Đông; 5) Chế độ, chính sách của giảng viên và học viên Trường Đảng tỉnh Sơn Đông.

Điểm chung giữa trường đảng Trung Quốc và trường chính trị ở Việt Nam về chức năng, nhiệm vụ đó là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, lực lượng vũ trang các cấp; hệ thống trường đảng là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng; là một đơn vị quan trọng của cấp ủy, không phải cơ quan chuyên môn bình thường; dùng lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác -Lênin để giáo dục cán bộ. Vì vậy, về nhiệm vụ là giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin và giáo dục tính đảng; hệ thống trường đảng của mỗi nước đều giáo dục tư tưởng của lãnh tụ đảng của nước mình.

Do thời gian công tác của đoàn không nhiều, vả lại chủ yếu dành thời gian hội đàm và tham quan một số nơi nên không có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về các điều kiện phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học; điều kiện ăn, ở, sinh hoạt của học viên của trường đảng ở Trung Quốc. Chính vì vậy, người viết chỉ xin đề cập một vài nét khái quát về tình hình của trường đảng ở nước bạn trong chuyến thăm vừa qua.

1. Về cơ sở vật chất

Trường Đảng Tỉnh ủy Sơn Đông được xây dựng trên diện tích 200 hécta, với 120.000 mét vuông mặt sàn xây dựng và các thiết chế văn hóa khác như: Sân bóng đá, sân tập thể hình, bể bơi, nhà thi đấu thể thao…trường có 98 cán bộ, giảng viên không kể phục vụ, bảo vệ (bảo vệ gồm 37 người).

Nhà trường có một hội trường 1.200 chỗ ngồi và hệ thống các hội trường khác dùng để xêmina, hội thảo; nhiều giảng đường lớn nhỏ khác nhau phục vụ các mục đích như giảng bài, thảo luận, hội họp…các phòng học được trang bị khá hiện đại và đầy đủ các phương tiện, thiết bị dạy học; thư viện rất rộng và chia thành nhiều khu vực như đọc sách, tranh luận…Đặc biệt là có khu vực dành riêng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, cán bộ và học viên. Việc nghiên cứu khoa học được các trường Đảng ở Trung Quốc rất chú trọng, đề tài và sản phẩm khoa học của giảng viên trường Đảng không chỉ phục vụ giảng dạy mà việc nghiên cứu khoa học còn gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và được áp dụng tại địa phương.

Trường Đảng Thành ủy Uy Hải (thuộc tỉnh Sơn Đông) được xây dựng trên diện tích 120 hecta, chia thành 2 khu vực. Trường Đảng Thành ủy không mở lớp đào tạo như Trường Đảng tỉnh Sơn Đông mà nhiệm vụ chủ yếu là bồi dưỡng cán bộ Đảng, Nhà nước Trung Quốc ở địa phương; bồi dưỡng cán bộ, viên chức của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.  

2. Về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý học viên, chế độ, chính sách

Nhiệm vụ của trường đảng là dùng lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác -Lênin để giáo dục cán bộ. Với tư tưởng, học không chỉ để học mà học để vận dụng vào thực tế, vì vậy nhiệm vụ là cùng với việc giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin là giáo dục tính đảng; giáo dục tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và các quan điểm, ý kiến của các Tổng Bí thư qua các thời kỳ. Do nhiệm vụ như vậy, nên trường Đảng được xác định là một cơ quan quan trọng của Đảng để đào tạo cán bộ trực thuộc các cấp; là một đơn vị quan trọng của cấp ủy, không phải cơ quan chuyên môn bình thường; là cơ quan nghiên cứu khoa học về lý luận của đảng, chức năng nghiên cứu khoa học lý luận được đề cao.

Đối tượng học trường đảng không chỉ là những cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm của đảng, chính quyền mà còn đào tạo đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng cho các cấp; cán bộ ở các doanh nghiệp, công ty.
 
Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn coi trọng công tác đào tạo lý luận và tính đảng đối với cán bộ, đảng viên, vì vậy, yêu cầu nội dung, chương trình và thực tế giảng dạy phải xác định và bám sát việc giáo dục lý luận và giáo dục tính đảng là hai mặt quan trọng của trường. Trên cơ sở đó, việc đào tạo phải đạt ba mục đích là: Học thật, hiểu thật về chủ nghia Mác-Lênin; xác định rõ chủ nghia Mác-Lênin là khoa học; vì lợi ích của mọi người.

Học viên phải nắm được 10 cái hơn trên cơ sở bản chất khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin như: học tập tốt hơn, cuộc sống tốt hơn, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, sự mong chờ của người dân có cuộc sống tươi đẹp hơn…Vì vậy, phải học thật, hiểu thật là yêu cầu đầu tiên, yêu cầu thứ hai là phải tiếp nhận sự rèn luyện tính đảng chân thành, có niềm tin thật sự vào đường lối của đảng, đảng gánh vác được sứ mệnh gian nan, muốn vậy phải có tính đảng tức là lấy lợi ích cá nhân phục vụ lợi ích của đảng, mỗi người phải phục vụ lợi ích chung; phải thực sự cầu thị; không  thể tách rời nói và làm. Tính đảng chính là việc thể hiện tập trung lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin vận dụng trong thực tiễn. Tính đảng và tính nhân dân gắn bó với nhau vì đảng viên đảng cộng sản cũng là một bộ phận trong nhân dân. Khẳng định được, tính đảng suy cho cùng là lập trường, đứng trên lập trường của nhân dân và lấy lợi ích nhân dân để phục vụ.

Đảng viên là một nhóm người đặc biệt, vì vậy phải có cách giáo dục đặc biệt để làm tốt chức việc của mình. chủ nghĩa Mác-Lênin và tính đảng kết hợp với nhau mới có khả năng gánh vác sứ mệnh quan trọng của mình. Không ngừng nâng cao tố chất cầm quyền để có hiệu quả cao hơn trong lãnh đạo, quản lý. Tố chất cầm quyền gồm trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, sự cống hiến và trách nhiệm cao. Tăng cường năng lực lãnh đạo bao gồm ba điểm: phải có hiểu biết chính xác về đường lối của Đảng và điều kiện cụ thể của đất nước, địa phương; có khả năng hoạch định chính sách; cán bộ, đảng viên phải nắm được tình hình trong nước và quốc tế và có khả năng phân tích phán đoán các tình huống thực tế đặt ra. Phải thông qua học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và lấy nhân dân làm trung tâm. Thiết kế chương trình của trường Đảng ở Trung Quốc bao gồm chủ nghĩa Mác -Lênin, tính đảng, thực tiễn của Tung Quốc. Trên cơ sở giáo dục lý luận tại Nhà trường thì việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tế của học viên luôn được nhà trường quan tâm. Nghiên cứu và đi thực tế của học viên chia ra ba mảng chính gồm:

Thứ nhất là trải nghiệm, học viên đi tìm hiểu các vùng nông thôn, các trang trại, nhà máy, doanh nghiệp.

Thứ hai, giáo dục tính đảng thông qua những gương anh hùng dân tộc, những di tích lịch sử và thông qua một số cuộc “đối thoại với người đã khuất” ở các nghĩa trang.

Thứ ba, giáo dục tính đảng thông qua sự cảnh báo, răn đe (học viên sẽ đi thăm các nhà tù, trại giam...)
Sau các lần đi thực tế, học viên phải viết thu hoạch, giảng viên hướng dẫn có trách nhiệm nhận xét, đánh giá, cho điểm và ghi vào lý lịch học viên.

Một số điểm kết luận
Chuyến đi khảo sát, nghiên cứu khá bổ ích, ngoại trừ cách tiếp cận của các trường đảng Trung Quốc, thì thông qua chuyến đi giúp cho lãnh đạo các trường chính trị có những trải nghiệm  thực tế về hoạt động giảng dạy, về quản lý đào tạo, quản lý học viên của các trường Đảng ở Trung Quốc.

Suy ngẫm, bổ sung thêm một số vấn đề như việc tăng cường giáo dục tính đảng trong trường chính trị.
Tìm hiểu và học tập một số kinh nghiệm trong quản lý giảng dạy, quản lý học viên, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, nền nếp.

Xây dựng một cơ sở trường học đáp ứng yêu cầu của mọi hoạt động giáo dục lý luận, giáo dục tính đảng, nghiên cứu khoa học và rèn luyện thể chất ngay trong  trường Đảng./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây