TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Du lịch  Quảng Trị "thời 4.0"

               
ThS. Nguyễn Thị Hồng Sâm
         Mũi Trèo - mũi đất giáp biển ở Vĩnh Kim (Vĩnh Linh)  nổi lên gần đây trong thế giới phượt, đi chơi cuối tuần, có thể thoạt nghe địa danh khá lạ lẫm, không quen thuộc như những địa chỉ nằm lòng khi đến Quảng Trị: sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Cửa Tùng, Vịnh Mốc, La Vang, Trà Lộc, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Lao Bảo…Tuy nhiên cho dù mũi Trèo có mới mẻ đến đâu thì du khách sẽ không khó tìm kiếm nếu trên tay có một cái điện thoại thông minh (smartphone) có ứng dụng Google Map. Nó sẽ dẫn đường cho bạn đi đến tận nơi mà không cần vất vả hỏi đường. 
        Đó chỉ là một ví dụ đơn giản nhất về công nghệ 4.0 với du lịch. Bây giờ, cả thế giới nằm trong lòng bàn tay, và với chiếc smartphone từ việc tìm địa điểm đi du lịch, thông tin về điểm đến, thời tiết, giá phòng  khách sạn, thậm chí cả "view" nhìn của phòng khách sạn…đều có thể biết trước , đặt trước từ cái điện thoại trên tay. Sự phát triển vũ bão của công nghệ đã khiến nhiều vấn đề tưởng như rất gian nan, nay với sự trợ giúp của internet, tất cả đều biến chuyển một cách bất ngờ. Với ngành du lịch, nó lại càng mang đến những tiện ích vô cùng hiệu quả.
     Vậy công nghệ 4.0 là gì? Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống không thực-ảo (cyber-physical system), Internet Vạn Vật và điện toán đám mây và điện toán nhận thức (cognitive computing)
     "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
      Trong cuộc hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức, thông tin từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy: Xu hướng sử dụng dịch vụ trên internet để quyết định chuyến đi và các hoạt động du lịch ngày càng gia tăng. Hơn 40% lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh đang dần thay thế chức năng hướng dẫn khách hàng tại khách sạn. Người sử dụng tiện ích của mạng xã hội, các website đánh giá tin tưởng vào nội dung được đăng tải từ bạn bè, người thân, thông tin truyền miệng… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho ngành du lịch cần nhanh chóng phát triển theo hướng số hóa thành du lịch thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ, tạo ra, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tốt nhất, làm cho khách hài lòng nhất khi đến với Việt Nam.
     Mới đây, tại “Ngày hội du lịch trực tuyến vừa được tổ chức tại TPHCM, bà Tú Lê, phụ trách mảng du lịch và bán lẻ của Google châu Á-Thái Bình Dương đã đưa ra những con số thú vị về "cơ hội vàng" cho ngành du lịch trực tuyến ở Việt Nam.
      Theo đó, trung bình mỗi ngày, người Việt thao tác trên điện thoại thông minh 150 lần tương ứng 177 phút, mỗi lần thao tác trung bình 1 phút 10 giây. Thị trường Việt Nam và Mỹ có sự tương đồng khi tỷ lệ người dùng smartphone chiếm 72% tổng số người dùng điện thoại di động. Nhưng nếu như ở Mỹ chỉ 18% người dùng smartphone tìm kiếm thông tin về khách sạn thì ở Việt Nam có tới 48%. Ở Mỹ  25% người dùng smartphone tìm kiếm thông tin về tour, du lịch trải nghiệm... thì ở Việt Nam lên tới 42%.
       "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà tất cả các hoạt đồng đều gắn liền với smartphone, thậm chí còn có nhiều khóa thiền giúp cai nghiện smartphone. Nhưng nếu nhìn về phía các doanh nghiệp du lịch trực tuyến thì đây lại là cơ hội rất tốt để họ tiếp cận những khách hàng tiềm năng của mình. Làm sao để doanh nghiệp hiện diện trong 177 phút thao tác trên smartphone của khách hàng? Xuất hiện mọi nơi, tương tác nhanh chóng, cung cấp thông tin hữu ích theo đúng nhu cầu tìm kiếm của khách hàng là điều doanh nghiệp cần làm", bà Tú Lê nhận định.
      Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang xây dựng “Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Đó là những chuyển động mạnh mẽ nhất từ phía cơ quan quản lý. Người đi du lịch thì càng ngày càng thông minh. Xu thế đã rất rõ ràng.Nhưng du lịch Quảng Trị sẽ đứng ở đâu trong xu thế của du lịch thời 4.0 này.
      Trong khi một nhà hàng ở Hội An - lẽ ra chỉ kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực đã xây dựng những website được cập nhật thông tin liên tục các tour tuyến, địa chỉ tham quan, mua sắm, giá cả những dịch vụ trên địa bàn thì chúng ta thử nhìn lại những website về du lịch ở Quảng Trị có những gì? Mạng xã hội, đặc biệt là facebook đang chiếm ưu thế về quảng bá nhưng khi tôi thử vào trang FB Du lịch Quảng Trị  ở địa chỉ dulichquangtri.vn , với 36 đánh giá (!), vào mục hình ảnh có…62 tấm, vào video được duy nhất 1 clip, bài viết liên quan gần nhất là vào tháng 4-2017, vài bài viết sau đó chỉ dành để bán vé đi xem pháo hoa ở..Đà Nẵng (!).
      Chúng ta không có di sản thiên nhiên thế giới như Phong Nha- Kẻ Bàng ở Quảng Bình, không có di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, hai người hàng xóm cạnh chúng ta, nhưng Quảng Trị là miền đất thiêng, không chỉ riêng 72 nghĩa trang, với 2 nghĩa trang Quốc gia, hay Thành Cổ Quảng Trị, chúng ta có một địa chỉ tôn giáo vào hàng đặc biệt của thế giới như Thánh địa La Vang, và nhiều nữa những di tích lịch sử, chùa chiền …Đó là những nơi chốn thu hút khách hành hương, những miền tâm linh riêng có mà những thành phố du lịch không dễ có được. Vấn đề là để những câu chuyện thiêng liêng, những hình ảnh thắng tích, những truyền kỳ khơi gợi này sẽ xuất hiện thường xuyên trên màn hình của chiếc smartphone như thế nào? Làm sao để những câu chuyện hấp dẫn về du lịch của miền đất này được các KOLs ( "K.O.L." là từ viết tắt của Key Opinion Leader - chỉ những người có tầm ảnh hưởng trong một lĩnh vực nào đó, được đông đảo mọi người biết đến và mọi người chịu sự tác động của họ, có thể hiểu nôm na là một người đầu ngành. KOL có thể là ngôi sao, hot instagram, beauty blogger, vlogger hay bất kì ai đam mê review....) của mạng xã hội tìm đến và quảng bá? Làm sao để những nhân vật của công chúng góp phần đưa những địa chỉ du lịch của Quảng Trị xuất hiện thường trực trên các diễn đàn du lịch. Nếu ngày xưa, để có những thước phim quảng bá phải huy động một đội ngũ chuyên nghiệp mất nhiều thời gian và công sức tiền của để thực thi, còn giờ đây với ứng dụng live stream (truyền video trực tiếp),bất cứ ai có tài khoản facebook cũng có thể truyền đi những hình ảnh ấn tượng nhất từ chiếc điện thoại trên tay.
       Sao không có những cuộc thi về những clip, những hình ảnh về danh thắng, di tích Quảng Trị dành cho du khách với giải thưởng xứng đáng? Đã bao nhiêu năm qua, chưa có một cuộc thi hình ảnh về Quảng Trị , mời những nhiếp ảnh gia tên tuổi tham gia và tác phẩm của họ sẽ là một cuốn sách ảnh xứng tầm? Từ hình ảnh đó mà quảng bá miền quê gió cát, tạo điều kiện cho hình ảnh Quảng Trị lan xa ra thế giới qua chiếc điện thoại?  Ví như dịp 27-7 vừa qua, hàng vạn người về với miền đất tâm linh này, rất nhiều nước mắt đã rơi trên hàng hàng bia mộ, sao không có một cuộc thi hình ảnh “Quảng Trị- xúc động tháng Bảy” chụp từ điện thoại di động ? 
         Và trên mảnh đất quê nhà của chúng ta có biết bao câu chuyện xúc động, yêu thương về Quảng Trị, sao không tìm cách để lan tỏa và làm cho cộng đồng yêu quý hơn, muốn tìm về hơn với mảnh đất này? 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây