TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Để có giờ thảo luận, thực hành ở lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên luôn thiết thực, bổ ích và lôi cuốn

                                                                                  CN. Nguyễn Sung
                                                            Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật
 
   Tính từ khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 51/QĐ-BNV, ngày 22 tháng 01 năm 2012 về ban hành chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên đến nay,Trường Chính trị Lê Duẩn Quảng Trị thực hiện Quyết định này gần 5 năm, đã mở trên 15 lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên. Mục tiêu chung được xác định trong Quyết định 51/QĐ-BNV: Trang bị, cập nhật những kiến thức cần thiết về quản lý nhà nước và kỹ năng thực thi công việc, đồng thời tăng cường ý thức phục vụ nhân dân nhằm nâng cao năng lực công tác của công chức ngạch chuyên viên trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao; góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từ những ngày đầu thực hiện Quyết định 51/QĐ-BNV, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật của Trường đã gặp không ít những lúng túng, những khó khăn trong giảng dạy theo những quy định mới về nội dung các bài giảng, phương pháp thực hiện các bài giảng, thời lượng bố trí các chuyên đề- nhất là những bài giảng về các kỹ năng hành chính. Những khó khăn, lúng túng ban đầu rồi cũng qua đi cùng với sự nỗ lực nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi và đề xuất các cách thức, giải pháp nhằm thực hiện có chất lượng các bài giảng- nhất là phần kỹ năng ở lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên của tập thể giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật.
Là giảng viên giảng dạy các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, bản thân xin đề xuất một vài biện pháp nhằm tổ chức giờ thảo luận, thực hành của lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên luôn thiết thực, bổ ích và lôi cuốn.
Trước hết, các giảng viên của khoa giảng dạy xây dựng một hệ thống các câu hỏi thảo luận, hệ thống các tình huống quản lý nhà nước sát hợp với nội dung các chuyên đề của chương trình để học viên thảo luận, trả lời và xử lý các tình huống. Nội dung của hệ thống câu hỏi và tình huống phải sát với thực tế của cơ sở, của các địa phương. Tránh việc đưa ra hệ thống câu hỏi và các bài tập tình huống quá cao xa, không gần gũi với thực tế. Hệ thống câu hỏi và các tình huống sẽ được tích hợp theo thời gian với sự đóng góp ý kiến, sự phản biện, chất vấn của học viên. Những sự đóng góp trên của học viên trong các buổi thảo luận và thực hành là những kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá. Giảng viên là những người thầy về lý luận nhưng những ý kiến đóng góp của học viên là những ý kiến và đóng góp của những người đã kinh qua thực tiễn. Chúng ta cần chắt chiu những kinh nghiệm thực tiễn đó thành những tri thức và “tài sản” quý giá trong quá trình giảng dạy của mình.
 
          Anh Lê Hữu Phước (Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Triệu Phong)- học viên của lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên 2- 2017 đang trình bày kết quả làm việc của nhóm mình.Ảnh:TL
 
        Thứ hai, về số lượng chiêu sinh của một lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên phải bảo đảm đúng theo quy định. Do đặc thù của lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên thời gian học lý thuyết không nhiều như các giờ thảo luận, thực hành cho nên việc bố trí các buổi thảo luận và thực hành có vị trí quan trọng trong chương trình. Bộ Nội vụ quy định số tiết thực hiện của lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên như sau:
STT Hoạt động Số tiết
1 Lý thuyết 100
2 Thảo luận, thực hành 120
3 Chuyên đề báo cáo 16
4 Ôn tập 16
5 Kiểm tra 8
6 Hướng dẫn viết tiểu luận tình huống 4
7 Viết tiểu luận tình huống 40
8 Đi thực tế 16
                      Tổng cộng 320
 
      (Nguồn: Quyết định 51/QĐ-BNV,ngày 22 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
 
       Trong thảo luận, thực hành bắt buộc giảng viên phải áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực như: Phương pháp làm việc nhóm, phương pháp tình huống, phương pháp đóng vai... Điều này đòi hỏi số lượng học viên của một lớp học không quá đông để có thể bố trí hợp lý, khoa học trong giảng dạy theo phương pháp tích cực. Hơn nữa, trong điều kiện Nhà trường hiện nay diện tích khuôn viên quá hẹp thiếu giảng đường nên chưa bảo đảm  phục  các hoạt động dạy và học. Hiện nay ở tỉnh Quảng Trị, nhu cầu tham gia bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên đông nên số lượng chiêu sinh các lớp còn khá cao (hiện nay mỗi lớp có trên 70 học viên). Số lượng học viên như trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của giờ thảo luận và thực hành.
 
Học viên đang làm việc nhóm. Ảnh: TL
 
           Thứ ba, về đồ dùng giảng dạy và học tập đối với lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên. Phương pháp giảng dạy tích cực đòi hỏi phải có sự đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập. Hiện nay, Nhà trường đã trang bị máy chiếu projetor và micro không dây nên về cơ bản là đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Về đồ dùng học tập, hiện nay ở các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, học viên tự mua sắm các dụng cụ: giấy Ao, bút viết bảng, nam châm, bảng ghim… phục vụ cho các buổi thảo luận và thực hành với phương châm xã hội hóa. Số tiền học viên đóng góp để mua sắm đồ dùng học tập như nói trên là không nhiều nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong rèn luyện kỹ năng chia sẻ trách nhiệm thông qua xã hội hoá và ý thức kiện tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên. Khi được trang bị các đồ dùng học tập đảm bảo yêu cầu thì chắc chắn chất lượng của giờ thảo luận và thực hành sẽ được nâng cao.
      
Các học viên đang thực hiện đóng vai trong tình huống: “Hành vi, lời nói không mua
 không bán nhưng rất có giá”của  chuyên đề kỹ năng giao tiếp. Ảnh: TL
 
          Thứ tư, thực hiện việc đổi mới, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu bồi dưỡng ngạch công chức cho sát với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng. Công việc quản lý nhà nước ngày càng nhiều nội dung, phong phú, đa dạng về đối tượng và phức tạp về tình huống. Quản lý nhà nước hôm qua sẽ không giống với quản lý nhà nước hôm nay và ngày mai. Cuộc sống luôn ở trạng thái động, luôn luôn phát triển và đi lên do đó giáo trình, tài liệu bồi dưỡng cũng cần phải thoát khỏi trạng thái tĩnh. Cần đầu tư xây dựng chương trình, giáo trình phù hợp với thời gian, đối tượng, loại hình bồi dưỡng, tránh sự trùng lặp kiến thức gây nhàm chán và lãng phí thời gian. Cần dành một tỷ lệ thời gian thích hợp trong việc rèn luyện kỹ năng, thực hành xử lý tình huống trong chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên cho các đối tượng khác nhau để khi gặp những tình huống cụ thể trong công tác thì công chức có thể xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả và đúng pháp luật.
     

Một nhóm học viên đang thảo luận và  làm việc nhóm chuẩn bị cho giờ thực hành và
thảo luận. Ảnh: TL

 Anh Nguyễn Văn Nguyên (Giảng viên Trường C
ao đẳng Y tế Quảng Trị)-
học viên lớp Bồi dưỡng
 ngạch chuyên viên 2- 2017 đang thực hành. Ảnh: TL
 
         Thứ năm, tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tiễn và bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực cho đội ngũ giảng viên tham gia bồi dưỡng lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên viên.  Như trên đã nêu, công tác quản lý nhà nước luôn ở trạng thái động, thực tiễn luôn vận động vì vậy giảng viên một mặt phải có kiến thức chuyên sâu mặt khác phải có kinh nghiệm và luôn nghiên cứu thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp. Cần tăng cường hoạt động nghiên cứu thực tiễn cho giảng viên theo Quy định của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hiện nay, Quy chế Giảng viên trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kèm theo Quyết định 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định tại Khoản 4, Điều 5: “Giảng viên phải đi thực tế tại cơ sở”. Cụ thể: Đối với giảng viên trong thời gian tập sự nghiên cứu thực tế 10 ngày/năm; đối với giảng viên nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế 15 ngày/năm; giảng viên chính nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế 15 ngày/năm; giảng viên cao cấp nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên nghiên cứu thực tế 7 ngày/năm. Việc tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo thời gian cụ thể tại cơ sở là tạo điều kiện và cơ hội để giảng viên có thể cọ xát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công tác đào tạo, bồi dưỡng mà mình đảm nhận.
         Việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy học viên làm trung tâm kết hợp với việc sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; sử dụng triệt để thời gian thảo luận, làm bài tập thực hành; tăng cường thực hành và giải quyết tình huống cùng với những đề xuất nêu trên, chúng ta hy vọng các giờ thảo luận và thực hành của các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên luôn thiết thực, bổ ích và lôi cuốn./.
                                                                                
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây