TRƯỜNG CHÍNH TRỊ LÊ DUẨN

https://truongleduan.quangtri.gov.vn:443


Bước chuyển mình từ một vùng quê

Thạc sỹ: Nguyễn Thị Chính
Khoa Nhà nước và pháp luật


Cửa Việt – một vùng quê nghèo khó, giàu truyền thống cách mạng. Với sự chịu khó, lam lũ như một nét văn hóa của con người nơi đây, vùng quê đó đã có bước chuyển mình trở thành thị trấn khá sầm uất và đang trên đà phát triển.

Thị trấn Cửa việt được thành lập theo Nghị định số 103/2005/NĐ – CP về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh – tỉnh Quảng Trị gồm 8 khu phố, trong đó khu phố 1, 2, 3 (theo tên gọi cũ là thôn Long Hà và khu phố 4 (là thôn Đại Lộc) thuộc xã Gio Việt. Các khu phố 5,6 (thuộc thôn Tân Lợi), khu phố 7 (thôn 2) và khu phố 8 (thôn 3) thuộc xã Gio Hải sáp nhập lại. Từ một vùng quê trở thành thị trấn, đây là một niềm phấn khởi của chính quyền và nhân dân địa phương, một bước phát triển mới của vùng quê Cửa Việt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm đầu khi thị trấn được thành lập chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn, kể cả trụ sở của chính quyền cũng không có phải tạm thuê một ngôi nhà cấp 4 của dân. Cơ sở hạ tầng của khu đô thị mới hầu như chưa có gì. Thế nhưng với sức vươn lên của một vùng quê anh hùng, chỉ sau gần 10 năm, đến nay thị trấn Cửa Việt đã có 1 hệ thống cơ sở vật chất khá ổn định, trụ sở làm việc rộng rãi, những ngôi trường mới khang trang mọc lên đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Thị trấn còn có 2 bãi tắm đẹp được nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách gần, xa. Hệ thống các nhà nghỉ, khách sạn được hình thành. Đáng chú ý là cây cầu mang tên Cửa Việt nối xã Triệu An và thị trấn Cửa Việt đã được đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân. Đường quốc phòng ven biển nối từ Cửa Việt đến Cửa Tùng hoàn thành, nó không chỉ là con đường giao thông để phát triển kinh tế xã hội mà nó còn là con đường có ý nghĩa về quân sự. Thị trấn còn có một cảng biển là nơi trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy của tỉnh nhà. Hệ thống đường sá trong các khu phố được nâng cấp từ những con đường đất đỏ lên thành đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ, các khu phố đều xây dựng cổng chào bằng số tiền đóng góp của nhân dân. Nếu như trước đây công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm thì nay công tác này được đi vào chuyên nghiệp hơn, khu phố nào cũng có một đội công nhân môi trường phụ trách chuyên làm nhiệm vụ thu gom rác thải. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa cũng được xây dựng và thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia vào các tổ chức, đoàn thể tạo ra phong trào sôi nổi trong địa phương. Chính qua các phong trào hoạt động này, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được chuyển tải đến người dân, nhờ đó nhận thức của họ ngày càng được nâng cao. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thị trấn Cửa Việt chuyển từ một vùng quê trở thành thị trấn vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ:

Thứ nhất, công tác quy hoạch chưa đồng bộ, hệ thống cấp thoát nước trong thị trấn chưa có khiến một số vùng dân bị ngập lụt vào mùa mưa lũ, hệ thống bờ kè chắn sóng ở một số nơi bị sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được khắc phục, đe dọa đến đời sống dân cư.

Thứ hai, giữa chính quyền và người dân tiếng nói đồng thuận chưa cao, công tác dân vận chưa thực sự phát huy hết hiệu quả nên khi chuyển từ một vùng quê lên thị trấn có một số vấn đề người dân còn băn khoăn nhưng chưa được chính quyền giải thích một cách thấu đáo, đầy đủ. Chẳng hạn như: tư tưởng trì trệ, bảo thủ không muốn Cửa Việt trở thành thị trấn để được hưởng những chế độ chính sách ưu tiên cho các xã vùng biển đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, đi đôi với xu thế đô thị hóa, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì có một số vấn đề xã hội có tính quy luật của quá trình đô thị hóa như: tình trạng ly hôn, ly thân, nạn trộm cắp, lừa đảo… cần được kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thứ tư, chợ vừa là khu buôn bán, kinh doanh, trao đổi hàng hóa là nơi phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của người dân, vừa là nơi thể hiện văn hóa của con người sống ở vùng đất này, có người cho rằng “nếu muốn biết văn hóa của một vùng đất thì hãy tìm đến chợ”. Tuy nhiên, ở thị trấn Cửa Việt đến nay vẫn chưa có một chợ chính thức, tất cả những chợ còn lại chỉ là chợ tạm do nhân dân tự lập nên, vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

Để thị trấn Cửa Việt xứng ngang tầm là điểm đầu cầu của hành lang kinh tế Đông – Tây, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền phải có cái nhìn toàn diện trong quy hoạch, xây dựng vùng đất này xứng đáng là một thị trấn biển để khai thác tiềm năng, thế mạnh và phát huy lợi thế của địa phương.

Thứ hai, chính quyền phải làm tốt hơn công tác dân vận, kịp thời giải đáp những yêu cầu thắc mắc của nhân dân trên tinh thần “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Thứ ba, chính quyền phải nắm vững quy luật của quá trình đô thị hóa và những vấn đề phát sinh để có phương án giải quyết. Xuất phát từ một vùng quê lên thị trấn, bên cạnh những mặt tích cực còn tồn tại những mặt tiêu cực cần phải được đẩy lùi nên chính quyền cần phải có biện pháp can thiệp kịp thời nếu không thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Thứ tư, chính quyền cần phải đôn đốc các chủ đầu tư, các bộ phận liên quan trong việc xây dựng khu chợ, để thị trấn sớm có một nơi buôn bán kinh doanh phục vụ cho nhu cầu của nhân dân.

Thứ năm, với đặc thù địa lý là một vùng đất ven biển, ngành nghề chủ yếu là làm ngư nghiệp, chính quyền phải có biện pháp đúng đắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa để vùng đất này phát triển đúng hướng, phát huy được nội lực vốn có của vùng đất này nhằm xây dựng một thị trấn Cửa Việt sầm uất trong tương lai.
Thị trấn Cửa Việt đang vươn mình trỗi dậy từ một vùng quê nghèo khó, phát huy thuận lợi và vượt qua khó khăn, chắc chắn rằng, trong một tương lai không xa, Cửa Việt có đủ thế và lực để trở thành một trị trấn sầm uất xứng đáng với truyền thống anh hùng của quê hương Cửa Việt thân yêu.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây