Triển khai chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mới tại trường Chính trị Lê Duẩn

Thứ bảy - 05/12/2015 16:22

GVC. Đỗ Tân
Trưởng phòng Đào tạo


Ngày 21/4/2014, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 1479/QĐ-HVCTQG về việc ban hành Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, thay thế cho chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính 08 tháng tại Quyết định số 1845 ngày 29/7/2009. 

Ngày 02/6/2014, Vụ Các trường chính trị đã tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai chương trình mới cho các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trên cơ sở Quyết định 1479/QĐ-HVCTQG của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hướng dẫn thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (sửa đổi, bổ sung) của Vụ Các trường chính trị, Trường Chính trị Lê Duẩn đã sớm tiếp thu và chỉ đạo thực hiện chương trình mới tại các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính từ tháng 6/2014. 

Mục tiêu của chương trình lần này là khắc phục một phần những thiếu sót, trùng lặp giữa các phần học, tăng cường cập nhật những kiến thức mới về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cùng những nội dung quan trọng khác, đáp ứng mục tiêu đào tạo cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn.

Bám sát những mục tiêu đó, Ban giám hiệu Nhà trường đã tập trung chỉ đạo các khoa về phân công giảng viên, đổi mới công tác soạn giảng, ra đề, chấm thi hết môn, thi tốt nghiệp và làm tiểu luận cuối khóa, giải quyết mối quan hệ về công tác chủ trì và phối hợp giữa các khoa. Sự chuẩn bị chu đáo đó đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình mới ở các loại hình lớp mở trên địa bàn toàn tỉnh. Từ tháng 6/2014 đến nay, Trường đã tổ chức đào tạo theo chương trình mới cho 08 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo loại hình tập trung và tại chức trong và ngoài Trường với tổng số 645 học viên. Kết quả trên cho thấy sự nhanh chóng trong tiếp cận và nắm bắt mục tiêu, yêu cầu của chương trình mới cũng như kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động quản lý đào tạo của Nhà trường thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu và tinh thần trách nhiệm của các khoa, phòng chức năng liên quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mới tại Trường Chính trị Lê Duẩn vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế sau:

Một là, việc triển khai chương trình mới được tổ chức song song với một số lớp đang còn thực hiện chương trình 08 tháng nên có sự đan xen giữa hai chương trình ở các lớp làm cho việc quản lý, điều hành gặp một số khó khăn nhất định.

Hai là, tuy nội dung chương trình có sự chọn lọc, tích hợp, đổi mới ở một số bài học, môn học nhưng do khối lượng chuyên đề vẫn còn tương đối nhiều, sự chuyển tiếp giữa các môn học, phần học nhanh nên thời gian tiếp thu, thẩm thấu kiến thức của học viên chưa nhiều, ít có thời gian nghiên cứu tài liệu tham khảo, sách kinh điển nên chất lượng các môn thi chưa cao. Việc chấm bài thi của các khoa cũng khó hoàn thành đúng thời hạn nếu số lượng lớp trong năm mở nhiều.

Ba là, việc chủ trì, phối hợp ở một số chuyên đề của các khoa tuy có sự đảm bảo về nội dung, giảng viên chuyên ngành nhưng lại phát sinh những khó khăn trong khâu phối hợp ra đề thi, chấm thi cho những chuyên đề phối hợp. Bên cạnh đó còn có tâm lý không coi trọng những chuyên đề phối hợp vì học viên cho rằng những chuyên đề đó sẽ không có trong nội dung thi.

Bốn là, chương trình mới tuy đã được thực hiện nhưng chưa có bộ Quy chế ban hành kèm theo cũng tạo ra một số khó khăn trong công tác quản lý. Bộ Quy chế cũ ban hành năm 2010 tuy khá đầy đủ về nội dung điều chỉnh nhưng vẫn còn một số điều cần sửa đổi, bổ sung khi áp dụng cho chương trình mới nên sẽ phát sinh một số bất cập như việc tổ chức dạy bù, học bù cho học viên; phương thức giải quyết cho một số học viên còn nợ bài, nợ môn, bảo lưu kết quả học tập ở một số môn học của chương trình cũ mà chương trình mới không có.

Từ những vướng mắc, hạn chế nói trên, để tổ chức thực hiện chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mới có hiệu quả hơn, tôi đề xuất một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Ban giám hiệu Nhà trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức giảng dạy, quản lý ở các lớp trong tình hình còn thực hiện song hành hai chương trình. Các lớp đang còn thực hiện chương trình cũ cần dứt điểm về lịch trình, kế hoạch để tạo sự chủ động cho các khoa trong việc xây dựng kế hoạch phân công giảng dạy năm 2015. Bên cạnh đó giúp cho học viên ở các lớp thuộc chương trình cũ chủ động sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các môn học, phần học không có trong chương trình mới để tránh trường hợp nợ bài, nợ môn.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo việc thực hiện cơ chế chủ trì, phối hợp ở các khoa trong khâu ra đề thi, chấm thi ở một số bài có sự chủ trì, phối hợp theo hướng bình đẳng trong kiểm tra kiến thức, tránh tình trạng bỏ sót nội dung thi trong các chuyên đề phối hợp hoặc xem nhẹ các chuyên đề nói trên ở học viên.

Thứ ba, chú trọng sử dụng hiệu quả các giờ thảo luận, nghiên cứu để giúp học viên có điều kiện tham khảo tài liệu, kinh điển. Các giờ thảo luận cần bố trí đủ giảng viên để tổ chức hướng dẫn và giúp học viên có điều kiện thẩm thấu kiến thức. Các giờ nghiên cứu cần xếp trực tiếp vào lịch học để học viên có cơ sở báo cáo với cơ quan, đơn vị nhằm tập trung thời gian để nghiên cứu tài liệu, bổ sung, cập nhật kiến thức.

Thứ tư, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần sớm ban hành bộ Quy chế đào tạo cho chương trình mới. Trên cơ sở rút kinh nghiệm qua 05 năm thực hiện chương trình cũ và ý kiến tham gia của các trường để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện bộ Quy chế theo hướng phù hợp với mục tiêu đào tạo nhằm tạo điều kiện cho các trường có cơ sở pháp lý khi tổ chức thực hiện chương trình mới.

Tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo là nhiệm vụ trung tâm của các trường chính tri tỉnh, thành phố, trong đó, sự thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn là một yêu cầu khách quan nhằm hướng tới sự hoàn thiện về nội dung và mục tiêu đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính hiện nay. Với ý nghĩa đó, những ý kiến đánh giá và đề xuất nói trên nếu được quan tâm xem xét sẽ góp phần nhỏ trong việc hoàn thiện hơn chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính nói riêng và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung./.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây