Tổng Bí thư Lê Duẩn – Người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

Thứ ba - 28/03/2017 10:33
Ths. Lê Thị Thu Huyền
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 
Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị mãi mãi tự hào về đồng chí Lê Duẩn - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, là người con trung hiếu và vinh quang của quê hương. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước lầm than bởi ách đô hộ của thực dân đế quốc, chứng kiến và trải qua nỗi tủi nhục khốn cùng của người dân mất nước, người thanh niên ưu tú – Lê Văn Nhuận đã quyết tâm tìm đến với cách mạng và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, lúc bí mật, lúc công khai, lại giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước nên đồng chí ít có dịp về thăm quê, nhưng tình cảm, trách nhiệm của đồng chí đối với quê hương luôn là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị vượt mọi khó khăn, tích cực góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Bên nỗi lo chung cho non sông đất nước, đồng chí luôn dành tình ưu ái cho quê hương, thường xuyên theo dõi sát sao phong trào cách mạng quê nhà. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù thời gian hoạt động của đồng chí Lê Duẩn ở Quảng Trị không dài nhưng vai trò của đồng chí đối với phong trào cách mạng ở Quảng Trị là hết sức quan trọng. Đặc biệt trong giai đoạn 1936-1939, những đóng góp của đồng chí trong chỉ đạo, khôi phục lại tổ chức Đảng và phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ đã để lại dấu ấn rất sâu sắc. Bước vào năm 1936, nhiều cán bộ, đảng viên Quảng Trị do bị giam cầm lâu ngày, mới ra khỏi nhà tù Đế quốc, chưa liên lạc được với cấp trên nên chưa nắm vững chủ trương, chính sách, phương thức hoạt động của Đảng trong tình hình mới. Một số vẫn giữ quan điểm hoạt động theo phương thức cũ, không theo đường lối công khai, hợp pháp; một số tuy nhạy bén với tình hình nhưng chưa tiếp thu được chủ trương mới nên lúng túng trong hoạt động. Trước tình hình đó, ngay sau khi thoát khỏi nhà tù Côn Đảo (10/1936), đồng chí Lê Duẩn đã về ngay Quảng Trị, chỉ đạo cán bộ, đảng viên nhanh chóng bắt liên lạc với các cơ sở cũ. Đồng chí đã đi khắp các địa bàn để nắm tình hình và tổ chức truyền đạt cho các đảng viên cộng sản về tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất, Nghị quyết của Hội nghị TW Đảng (7/1936) đến từng chi bộ, đảng bộ; giải thích ý nghĩa của Mặt trận nhân dân đối với cách mạng nước ta, chỉ rõ sự chuyển hướng lãnh đạo và hình thức phương pháp đấu tranh trong tình hình mới. Đồng chí đã tập hợp lực lượng thanh niên ở các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Hải Lăng để tuyên truyền, giác ngộ, đưa họ vào tổ chức, tham gia hoạt động cách mạng. Với sự năng động, tư duy lý luận sâu sắc, nhạy bén, đồng chí đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin và đường lối, chính sách của Đảng vào tình hình cụ thể ở Quảng Trị, đề ra những chủ trương mới sát đúng, tạo được uy tín lớn trong đảng viên, quần chúng. Đồng chí đã nhanh chóng tập hợp được những cán bộ cốt cán làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, chắp nối được các cơ sở Đảng, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận dân chủ. Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn các tổ chức cơ sở Đảng được khôi phục và đến cuối năm 1936, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Trị được thành lập.Tiếp thu đường lối đấu tranh cách mạng mới do đồng chí Lê Duẩn truyền đạt, hưởng ứng phong trào Đông Dương Đại hội, các cựu chính trị phạm đã tiến hành vận động quần chúng sưu tập dân nguyện, lập Uỷ ban vận động Đông Dương Đại hội từ xã lên. Các Uỷ ban vận động hướng dẫn quần chúng lập bản dân nguyện, tổ chức các cuộc đấu tranh đòi giảm thuế, tự do báo chí, cải cách hương thôn, bầu cử dân biểu, chống khủng bố, đàn áp, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ vậy phong trào Mặt trận dân chủ phát triển rộng khắp ở các phủ huyện. Đặc biệt, phong trào đón Gô Đa ở Quảng Trị đã gây tiếng vang lớn, lan rộng trong toàn xứ Trung Kỳ, là dịp để quần chúng biểu dương sức mạnh đoàn kết chống bọn phản động thuộc địa và quan lại Nam triều, khiến  chúng phải lo sợ, buộc chúng phải nhượng bộ những yêu sách của ta. Sau cuộc biểu tình đón Gô Đa, mặc dù Đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều tìm cách hạn chế hoạt động của các “cựu chính trị phạm”, song dưới sự chỉ đạo sâu sát và khôn khéo của đồng chí Lê Duẩn, phong trào cách mạng ở Quảng Trị đã phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu. Cũng trong giai đoạn này, đồng chí Lê Duẩn đã rất chú trọng nhiệm vụ củng cố, phát triển tổ chức Đảng, gắn liền với việc đẩy mạnh xây dựng các tổ chức quần chúng.Trong quá trình lên Ba Lòng buôn bán để gây quỹ cho tổ chức cách mạng, đồng chí đã tìm cách xây dựng cơ sở Đảng. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn, Tỉnh uỷ lâm thời được sớm thành lập, các cơ sở phục hồi khắp nơi. Tháng 6/1937, đồng chí Lê Duẩn đã trực tiếp chỉ đạo Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh, chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, phát triển Đảng, tổ chức Đảng theo lối bí mật. Đến 1938, mặc dù bị địch khủng bố, đàn áp, phong trào đấu tranh vẫn được duy trì rộng khắp các địa bàn toàn tỉnh, số lượng đảng viên của Đảng bộ tăng lên, toàn tỉnh có 40 chi bộ với 200 đảng viên. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở Trung Kỳ thành lập được Đảng bộ chính thức.
   Trước những chuyển biến hết sức phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, nhận thấy đấu tranh công khai, hợp pháp không còn phù hợp, đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo Đảng bộ tỉnh chuyển hướng công tác, giữ gìn cơ sở, và chủ trương các cán bộ huyện, tỉnh phải sẳn sàng thoát ly, tạm ẩn náu trong lúc địch ráo riết khủng bố. Nhờ quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, hầu hết các cán bộ tỉnh được bảo vệ, phong trào cách mạng Quảng Trị vẫn được duy trì và phát triển, liên tiếp giành được những chiến công to lớn, góp phần cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.  
Trong cuộc kháng chiến Mỹ cứu nước phong trào cách mạng Quảng Trị lại được tiếp thêm nguồn sinh khí mới nhờ quán triệt tốt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn với  bản Đề cương cách mạng miền Nam.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ, ở Quảng Trị, Mỹ - ngụy ra sức phá hoại Hiệp định bằng mọi thủ đoạn tàn ác, thâm hiểm.Chúng kết hợp các thủ đoạn chính trị, quân sự và viện trợ, nhằm thanh lọc hàng ngũ quần chúng, thẳng tay đàn áp tiêu diệt đảng viên cộng sản, cán bộ kháng chiến cũ, những người đã tham gia chính quyền cách mạng, các đoàn thể nhân dân cách mạng, các gia đình có chồng, con tập kết ra Bắc; gây không khí căng thẳng, nghi kỵ, chia rẽ trong từng gia đình. Chúng cố làm cho vợ nghi chồng, cha nghi con, anh nghi em, bè bạn nghi nhau, đi đến tố cáo, hãm hại lẫn nhau… mục tiêu là phải tiêu diệt những "phần tử cộng sản", những "tổ chức cộng sản" và cả "tư tưởng cộng sản". Trước sự tráo trở và đánh phá ác liệt, dã man của Mỹ- Diệm, lực lượng cách mạng của Quảng Trị bị tổn thất nghiêm trọng. Cuối năm 1954, sau khi thực hiện xong việc chuyển quân tập kết, Đảng bộ Quảng Trị có 8400 đảng viên phân bổ đều khắp các địa bàn trong tỉnh, thì đến cuối tháng 9/1957, toàn Đảng bộ chỉ còn lại 106 đảng viên. Một số cán bộ, đảng viên của ta còn lại lúng túng về đường lối, phương châm, phương thức hoạt động cách mạng…Phong trào cách mạng Quảng Trị lúc này đứng trước tình thế nghiêm trọng. Trước tình hình đó, tháng 10-1957 được sự đồng ý của Trung ương, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội nghị mở rộng tại số nhà 55, phố Hàng Chuối (Hà Nội). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chính trị Trung ương Đảng. Hội nghị đã tập trung kiểm điểm tình hình hoạt động của Đảng bộ trong 3 năm qua và bàn phương hướng hoạt động trong thời gian tới. Đặc biệt Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Lê Duẩn - Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đến dự và trực tiếp truyền đạt tinh thần, nội dung bản Đề cương cách mạng miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của phong trào, phân tích kỹ phương hướng, nhiệm vụ cụ thể của Quảng Trị sắp tới, truyền đạt kinh nghiệm vận động quần chúng, xây dựng và củng cố cơ sở. Như vậy, sau khi tiếp thu Đề cương cách mạng miền Nam và Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II), phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị như có nguồn sinh khí mới, phát triển từ cao trào đấu tranh đòi tự do, dân sinh, dân chủ sang kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và từ đó chuyển sang bước ngoặc đấu tranh bằng sức mạnh bạo lực tổng hợp trong thế chiến lược tiến công. Đầu năm 1961, Ủy Ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị thành lập, vùng giải phóng được nới rộng. Đánh dấu một giai đoạn phát triển cách mạng trong tình hình mới. 
Lần về thăm quê đầu tiên sau ngày giải phóng, khi đặt chân lên mảnh đất Vĩnh Linh, nhìn làng mạc tiêu điều vì bom đạn của chiến tranh huỷ diệt đang đổi thay từng ngày, đồng chí đã khóc, những giọt nước mắt đã dồn nén của người con xa quê lâu ngày mới trở lại, quê hương tuy nghèo khó nhưng đã sản sinh, nuôi dưỡng và tiếp sức cho đồng chí trước những cực hình tra tấn của nhà tù đế quốc, trong những năm tháng sống, chiến đấu vô cùng gian lao vất vả. Vì vậy, đồng chí căn dặn: “Vĩnh Linh là tấm gương lớn cho miền Bắc, cần phải ghi lại bằng phim ảnh, viết lại bằng giấy tờ, đừng để cái gì bị mai một”. Đó là tình cảm đặc biệt và sự tri ân của đồng chí dành cho Vĩnh Linh lũy thép anh hùng, nhắc nhỡ chúng ta phải giữ gìn, phát huy những giá trị đó để giáo dục thế hệ mai sau.
Trong trái tim của đồng chí Lê Duẩn, ngoài tình yêu tổ quốc bao la, sự say mê tận tụy với công việc và những hoài bảo lớn về độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, còn có tình cảm rất sâu đậm đối với quê hương, gia đình, bạn bè, đồng bào nơi chôn nhau cắt rốn thuở mới sinh thành. Mỗi lần về thăm quê, đồng chí ghé thăm từng nhà dân, hỏi thăm từng người bạn thời niên thiếu, động viên từng cụ già, em nhỏ và những cơ sở cách mạng. Đồng chí từng căn dặn Đảng bộ tỉnh phải hết sức chú ý phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, từ ăn, ở, sinh hoạt, học hành; phải lắng nghe ý kiến của người dân để giải quyết nguyện vọng cho nhân dân, tạo mọi điều kiện cho người dân làm chủ thực sự chế độ mới. Trước cảnh đồng khô cỏ cháy của quê hương, đồng chí luôn trăn trở, lo toan:"Bây giờ tất cả đều làm chủ chế độ mới, xây dựng nền kinh tế mới, phải đảm bảo đời sống mới cho mọi ngưòi no đủ. Nếu không có lòng ưu ái đối với những ngưòi nghèo khổ, không quan tâm giải quyết những vấn đề xã hội ấy thì chúng ta nói chủ nghĩa cộng sản, nói lý tưởng cách mạng chỉ là nói suông mà thôi."
Tình cảm sâu đậm của đồng chí đối với quê hương còn thể hiện ở tấm lòng luôn hướng về quê nhà với sự thông cảm, sẻ chia trước đời sống lam lũ, nghèo khó của nhân dân. Giữa bộn bề công việc, ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đồng chí thường băn khoăn tự hỏi: Không biết đồng bào từ ngày được giải phóng đến nay như thế nào? Đó không chỉ là nỗi niềm của một vị lãnh tụ mà còn là sự lo toan, trăn trở của một người con xa quê hương chưa có dịp về thăm.
 “Dân quê mình có đói ăn không? Tôi nhớ trước đây giêng hai là đói lắm, khoai sắn củng không đủ mà ăn. Biết rằng các đồng chí còn bộn bề lo toan nhiều công việc nhưng trước hết phải lo cho dân có cơm ăn áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người. Không được phân biệt bên này bên kia vì ai cũng là công dân nước Việt”. Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị vô cùng trân trọng và quý mến nỗi niềm riêng ấy của Đồng chí. Đến nghĩa trang liệt sĩ thắp nén hương cho những đồng đội đã hy sinh, đồng chí dặn dò phải trồng thật nhiều hoa trong nghĩa trang liệt sĩ. Đồng chí nói:“Ở quê mình có loài hoa Mẫu Đơn rất đẹp, hoa nở thắm đỏ, phải trồng thật nhiều hoa Mẫu Đơn lên những ngôi mộ liệt sĩ”. Đồng chí nhắn nhủ các đồng chí lãnh đạo “Phải quan tâm giúp đở các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình bị địch giết hại trong chiến tranh”.                                                                                 
Bằng trách nhiệm, tình cảm của người con với quê hương, đồng chí luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Trị, động viên khích lệ những thành tích đã đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những khiếm khuyết trong công tác quản lý, củng cố khối đoàn kết nhất trí, chú trọng công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng để phát huy sức mạnh của Đảng bộ. Mỗi lần về thăm quê đồng chí Lê Duẩn để lại cho chúng ta nhiều kỷ niệm sâu sắc.Thương yêu quê hương, lo cho nhân dân, đồng chí đã ân cần chỉ bảo: "Trong gia đình phải yêu thương nhau, phải sống nhẹ nhàng êm ái với nhau, gia đình yêu thương nhau... Bất cứ người nào cũng phải có lao động, phải có tình thương, phải đi vào lẽ phải, có lẽ phải". Theo lời căn dặn của đồng chí, chúng ta ý thức rằng phải giáo dục, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị đó. Con người không thể thiếu lao động, đất nước, quê hương muốn thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu cần phải yêu lao động, phải nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, một xã hội giàu tình thương và lẽ phải. Quê hương với đồng chí thật dung dị, đằm thắm nên tuy xa hàng chục năm trời nhưng từng lũy tre, bờ ao, giếng nước thân thương vẫn in đậm trong trí óc. Đồng chí ân cần hỏi: “Ba Lòng bữa nay có trồng ngô nữa không? Ở Lập Thạch bữa nay có nấu canh hến với rau muống không? Làng Phú Liêu có còn nghề chằm nón nữa không? Nón Phú Liêu đẹp và bền lắm!”. Tình cảm đó đã tạo nên một dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm của người dân Quảng Trị. 
Đứng trên bờ kênh công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, xúc động trước sự thay đổi của quê hương, đồng chí tâm sự: Tôi về đây thấy con kênh Thạch Hãn có nước tôi mừng lắm. Vui mừng với nguồn nước cho ruộng mùa bội thu, niềm vui đó xuất phát từ đáy lòng khát khao cháy bỏng của một người con xa quê luôn mong muốn những điều tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc cho quê hương.
   Phong cách làm việc sâu sát với dân, lối tư duy chính trị sắc sảo, lòng yêu nước thương dân của đồng chí Lê Duẩn đã toát lên từ lời nói đến việc làm, là dấu ấn sâu sắc trong cán bộ và nhân dân mỗi khi gặp gỡ đồng chí. Đồng chí đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà ra sức phát huy truyền thống bất khuất của quê hương, không cam chịu đói nghèo, tìm mọi cách đi lên từ đất đai, tiềm năng và lao động;"Đi đôi với phát triển nông nghiệp phải phát triển ngư nghiệp,lâm nghiệp thành những ngành kinh doanh quan trọng. Tổ chức và phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, mở mang nhiều ngành nghề, không ngừng sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng xuất khẩu. Mỗi làng, mỗi xã đều phải đi sâu vào khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất lao động, ra sức học tập nâng cao trình độ văn hoá".
   Tình cảm của đồng chí với quê hương thật sâu đậm, gần gũi. Luôn biết ơn, yêu quý và tự hào về người con vinh quang của quê hương, nhân dân Quảng Trị luôn dành tình cảm kính trọng và tri ân đối với Tổng Bí thư Lê Duẩn. Mỗi lần đồng chí về thăm quê là mỗi lần quê hương được tiếp thêm sức mạnh mới. Hôm nay mỗi thế hệ người dân Quảng Trị càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình, đó là tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp mà bao thế hệ đồng bào, chiến sỹ Quảng Trị đã dày công vun đắp. Ngày hôm nay bắt đầu từ ngày hôm qua. Đúng vậy, quá khứ là điểm tựa để tương lai vững bước đi lên.Chặng đường phía trước dẫu còn lắm chông gai và thử thách, song phát huy sức mạnh và truyền thống lịch sử, tiếp nối những thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị quyết tâm, thi đua thực hiện bằng được những lời căn dặn của đồng chí, khó khăn nào cũng vượt qua, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần cùng cả nước vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển./.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây