Quảng Trị với công tác đào tạo nghề cho người lao động

Thứ bảy - 05/12/2015 16:01

Lê Thị Tường Anh
Khoa NN-PL



Đào tạo nghề là một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đồng thời đào tạo nghề cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng để giúp người lao động có cơ hội tìm việc làm và phát triển kinh tế. Vì vậy, học nghề là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động nhằm tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Quảng Trị là một tỉnh có quy mô dân số trung bình, nhưng sức ép về việc làm rất lớn. Ước tính bình quân mỗi năm toàn tỉnh có khoảng từ 3.000-4.000 người bước vào độ tuổi lao động, trong khi đó lao động qua đào tạo chỉ đạt 36,4% trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 27,3%. Chất lượng lao động thấp, phần lớn là lao động phổ thông, nên công tác đào tạo nghề cho người lao động đang là một thách thức lớn đối với Quảng Trị.
Theo số liệu thống kê, năm 2012 tỉnh Quảng Trị đã có 22 đơn vị dạy nghề bao gồm 2 trường trung cấp dạy nghề, 9 trung tâm dạy nghề, 11 cơ sở khác thuộc các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp có tham gia dạy nghề đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Nhờ vậy đã tổ chức đào tạo cho 6.659 người lao động trong đó trung cấp nghề: 167 người, sơ cấp nghề 2.299 người, dạy nghề dưới 3 tháng: 4.193 người, trong đó có 4.838 người là lao động nông thôn, người tàn tật và dân tộc thiểu số. Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 70%, đã góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16,41% năm 2011 xuống còn 13,52% năm 2012 giảm 2,89% tương đương giảm 4.005 hộ nghèo. Ngành nghề đào tạo khá phong phú và phát triển theo nhu cầu thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo trên 40 nghề cho lao động nông thôn trong tổng số 52 nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, trong đó nghề nông nghiệp là 19 nghề và nghề phi nông nghiệp là 21 nghề. Phương thức đào tạo đa dạng từ chính quy đến dạy nghề lưu động ở vùng sâu vùng xa, giúp người học giảm chi phí đi lại cũng như ăn ở trong quá trình học tập. Chương trình phối hợp công tác về lĩnh vực dạy nghề giữa Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh với các Hội, đoàn thể được duy trì. Thông qua chương trình này đã tổ chức mở được 20 lớp nghề cho 675 học viên là phụ nữ học nghề, trong đó có 84,58% học viên tạo được việc làm ổn định. Phối hợp với Hội nông dân tổ chức 20 lớp sơ cấp nghề cho 587 học viên, tỷ lệ học viên sau khi học nghề có việc làm đạt 82%. 
Nhằm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề hiện có tại các trung tâm dạy nghề tổng hợp cấp huyện và các cơ sở dạy nghề khác trên địa bàn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với các trường đại học, cao đẳng nghề có khoa sư phạm dạy nghề tổ chức 06 lớp với 150 người được đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho người dạy nghề đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề tiếp tục được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn tự đầu tư. Nhiều cơ sở dạy nghề đã tiến hành xây mới, sửa chữa, nâng cấp trụ sở làm việc, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành; mua sắm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng dạy học đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ dạy nghề.

Nhìn chung, công tác dạy nghề trong những năm qua đã có những đóng góp tích cực trong việc cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cung cấp cho các doanh nghiệp và thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề đã đáp ứng được về số lượng nhưng năng lực thực hiện nhiệm vụ đào tạo của các cơ sở dạy nghề không đồng đều, nhiều cơ sở thiếu hoặc không có giáo viên cơ hữu đã làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề. Cơ cấu đào tạo theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được cơ cấu sử dụng lao động của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu dạy nghề đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí Trung ương, tuy nhiên việc phân bổ kinh phí chưa kịp thời nên làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Mặt khác việc mua sắm thiết bị dạy nghề của một số cơ sở dạy nghề chưa dự báo được nhu cầu của người học và tình hình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, đồng thời việc mua sắm thiết bị chưa phù hợp, chưa đồng bộ, lạc hậu, ít sử dụng nên lãng phí, chưa hiệu quả. Ý thức của người lao động trong việc xác định nghề để học chưa cao nên tạo việc làm sau học nghề còn hạn chế, tỷ lệ có việc làm của một số nghề sau đào tạo còn thấp nhất là các nghề phi nông nghiệp. Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho học viện còn thấp, chưa có chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong quá trình học nghề cho lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo.

Để từng bước khắc phục những khó khăn trên công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần có những giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng và chính quyền, trong đó đặc biệt là chính quyền cấp xã, phường đối với công tác dạy nghề. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân đặc biệt là lực lượng thanh niên về dạy nghề và học nghề.

Thứ hai, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Quảng Trị, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể, các cơ sở dạy nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đối tượng lao động nông thôn nhằm nâng cao nhận thức về học nghề, lựa chọn nghề phù hợp để có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm sau đào tạo. Phối hợp các tổ chức đoàn thể như nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên thực hiện công tác tuyển sinh học nghề cho đối tượng, hỗ trợ các đối tượng học nghề tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

Thứ ba, tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng các trung tâm dạy nghề theo kế hoạch, trong đó tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, đầu tư một phần dành cho mua sắm nâng cấp trang thiết bị dạy nghề từ các nguồn lực của nhà nước. Ngoài kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm-dạy nghề, cần thu hút thêm nguồn lực từ nước ngoài thông qua các dự án của các tổ chức quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường, trung tâm dạy nghề, hỗ trợ cơ sở dạy nghề trong việc đầu tư trang thiết bị dạy nghề.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở, trung tâm có chức năng dạy nghề về công tác đào tạo nghề; rà soát, đánh giá năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Rút giấy phép hoạt động dạy nghề đối với các đơn vị không hiệu quả, hợp pháp các quy định dạy nghề. Thực hiện ký hợp đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn với những đơn vị có đủ điều kiện dạy nghề theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án về dạy nghề.

Đào tạo nghề cho người lao động là trách nhiệm của toàn xã hội, đòi hỏi sự kiên trì, đồng lòng của các ngành, các cấp, các đơn vị và của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, mỗi người lao động cũng cần có ý thức phấn đấu, rèn luyện bản thân, tự tìm cho mình một việc làm phù hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây