Quảng Trị đẩy mạnh phong trào yêu nước gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 05/12/2015 16:19

Nguyễn Thị Như Quỳnh
GV Khoa Lý luận Mác – Lênin, TT Hồ Chí Minh



Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước rất coi trọng các phong trào thi đua yêu nước, bởi vì phong trào thi đua yêu nước sẽ tạo động lực, động viên, lôi cuốn cá nhân, tập thể phát huy tính năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là bộ phận không thể thiếu trong công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Người khởi xướng. Người nhấn mạnh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Xác định phong trào thi đua yêu nước có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, vì vậy, ngày 21/5/2004 Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 39-CT/TW về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến. Đặc biệt trong tình hình mới ngày 7/4/2013, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, nhiều phong trào thi đua yêu nước được các cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn Quảng Trị đã tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xoá đói - giảm nghèo, mà đã góp phần quan trọng và làm phong phú, cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong sạch vững mạnh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tạo nhiều việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, giảm số hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Từ thực tế đó đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi trên địa bàn toàn tỉnh gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) như: phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn liền với xây dựng NTM” ; phong trào "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi"; Phong trào "Hiến đất đai, tài sản xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn"; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Cựu chiến binh đã phát động phong trào “chỉnh trang NTM”; Phong trào “Tuổi trẻ Quảng Trị chung sức xây dựng NTM”; phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn xây dựng NTM… đã mang lại hiệu quả tích cực, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo nên không khí thi đua sổi nổi góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta. 

Đặc biệt, phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) đã làm cho mọi người dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia xây dựng NTM, coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của mỗi người dân và của mỗi cá nhân và gia đình. Phong trào xây dựng NTM cũng làm cho nếp nghĩ, cách làm của mọi người dân thay đổi. Người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng, nhận thức đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc tham gia ý kiến với cấp ủy, chính quyền vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chính nhờ đó đã làm bộ mặt nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đổi mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển, nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp. 

Nhờ đẩy mạnh và phát huy tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với xây dựng NTM, nên khắp các vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm hecta đất, hàng nghìn ngày công của nhân dân tham gia vào xây dựng NTM. Tiêu biểu như: Huyện Hướng Hóa đã huy động nhân dân hiến trên 15.000 m2 đất canh tác. Huyện Vĩnh Linh huy động nhân dân hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng tại 10 khu dân cư; tuổi trẻ Gio Linh đã huy động hàng trăm triệu đồng xây dựng giao thông nông thôn… đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện quyết tâm cao trong xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các phong thi đua gắn với xây dựng NTM. Cụ thể là, phong trào thi đua phát triển chưa thường xuyên, liên tục; nhiều phong trào thi đua còn mang tính hình thức do đó không phát huy được hiệu quả; nhiều nơi chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị địa phương. Công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là trong quá trình xây dựng NTM; chưa quan tâm việc bồi dưỡng và tạo điều kiện để các điển hình phát huy tác dụng. Công tác khen thưởng thực hiện chưa thật chặt chẽ, thậm chí thiếu nghiêm túc và mang tính hình thức nên chưa động viên kịp thời những cá nhân, tập thể thi đua thực chất….

Để phát huy và khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, phấn đấu năm 2014 có 2 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM trước hết, các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương cần nhận thức và quán triệt sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là phong trào xây dựng NTM.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền và công tác phối hợp của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, qua đó làm chuyển biến sâu rộng trong mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi cá nhân, tạo thành động lực mạnh mẽ với ý thức tự giác, chủ động, sáng tạo và trách nhiệm tham gia hưởng ứng phong trào thi đua.

Tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020. Trên cơ sở đó động viên và nâng cao tinh thần thi đua yêu nước trong cán bộ, đảng viên, và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác, huy động nội lực trong nhân dân, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế và sự giúp đỡ của Nhà nước, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế của từng địa phương phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chung tay xây dựng NTM theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Gắn phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về xây dựng NTM, làm cho phong trào thi đua thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng trong toàn xã hội.

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung hướng mạnh về cơ sở, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua. Nội dung phong trào thi đua phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch của địa phương, đơn vị, đặc biệt là gắn kết chặt chẽ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của tỉnh. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây